Gió Nam Cực

Tùy bút nhân năm quốc tế về vùng cực – International Pole Year, 2007-2009

Tọa lạc trên một bình nguyên bao la, cao gần 3000m trên mực nước biển, Nam Cực vốn không phải là một nơi lộng gió. Người ta thường nói, đây là châu lục gió lớn lắm. Điều này có lẽ đúng với những vùng ven rìa của bình nguyên, giáp với biển chẳng hạn, hay ở đâu đó. Chứ ở ngay vĩ độ 90 Nam, sức gió thường chừng 15km/h, có khi cao lắm cũng chỉ 60-70km/h. Đây là chuyện nhỏ. Người miền Trung nước mình, chỉ mới đây thôi, cũng đã phải hứng chịu những cơn gió mang lại từ các cơn siêu bão, có khi giật đến hơn 140 km/h. 
 

Những cơn gió nghe như thoảng qua, vậy mà cũng gây nên bao chuyện.
Những đợt không khí lạnh và đặc khi đi qua bình nguyên Nam Cực, có khi thổi bùng lớp tuyết khô trên mặt băng, tạo nên cơn bão tuyết cục bộ mà trên cao trời thì vẫn trong, tuyết không rơi. Người ta gọi chúng là gió katabatic, loại gió thổi từ trên cao xuống (để phân biệt với gió anabatic, thổi từ dưới thấp lên). Khi còn trên cao nguyên thì nhẹ như phủi, nhưng nghe nói, lúc đổ ra đến biển thì cuồng nộ giận dữ tàn phá mọi thứ vô phúc nằm trên đường cơn gió đi qua.
 

Ngay tại Cực Nam, những cơn gió ấy vẫn còn nhẹ vậy mà ngày qua ngày đã vùi lấp hết mọi dấu vết mà con người đã khó nhọc làm nên.
Mái vòm Nam Cực, đi vào hoạt động từ 1975, để thay thế Trạm Nam Cực đầu tiên, xây nên hồi 1957. 18 năm, hàng trăm chuyến bay, là kỳ công và lòng dũng cảm của cả trăm người. Cực Cũ hay Old Pole – tên chúng tôi gọi Trạm Đầu Tiên – đã lâu nằm vùi dưới lòng tuyết lạnh. Người ta đánh dấu Cực Cũ bằng vài ngọn cờ lẻ tẻ, nhìn xa xa như những nấm mộ hoang từ lâu không người thân thuộc viếng thăm. Quả thật, tôi nhìn cũng không nhận ra đâu là Cực Cũ bây giờ?
 

Mái Vòm Nam Cực, nơi chúng tôi đã ở suốt 12 tháng trường hồi cuối thế kỷ trước, giờ đây đã nằm gọn trong lòng chảo. Vùng băng chung quanh Mái Vòm ngày càng dày lên, chỗ trũng xuống phía trước là do người ta phải liên tục xúc tuyết đi. Nếu không thì Mái Vòm Nam Cực, biểu tượng của vĩ độ 90 Nam, đã bị chôn vùi từ bao năm nay rồi.
Cũng vì mối nguy ấy mà Trạm mới đã được xây lên để thay Mái Vòm thân yêu. Trạm mới như là một nhà kính liên hợp, người ta đi lại bên trong mà không phải mặc áo lạnh.  Nơi này có đầy đủ tiện nghi cho hơn 150 cư dân. Trạm mới nằm trên mấy chục cây cột chống kiên cố. Những nhà thiết kế hy vọng là những cơn gió cùng những đám tuyết khô sẽ thổi luồn qua những cây cột này, và Trạm mới sẽ thoát được cơn vùi lấp của thời gian. 
 

Cũng chẳng biết là sẽ thoát được hay không? Chỉ có một điều, hướng gió ngay tại Cực Nam luôn trở thành chỉ dẫn tin cậy nhất để biết trời sẽ trong hay mù. Từ Cực Chào Đón nhìn về trạm, gió thổi về bên trái dự báo trời sẽ mù, mà thổi về bên phải bầu trời sẽ trở nên trong xanh.
Xem hướng gió, các nhà khoa học sẽ liệu được công việc của ngày hôm sau, nghĩa là ra đài quan sát hay cứ nằm dài trong trạm.

Tác giả cảm ơn Cynthia Chiang, Steffen Richter và Kiwon Yoon đã cung cấp một số ảnh cho bài viết này.

Nguyễn Trọng Hiền

Tác giả

(Visited 106 times, 1 visits today)