Giới nghiên cứu Iran hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân

Việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran sẽ thúc đẩy sự hợp tác khoa học trên toàn thế giới.

Thỏa thuận giữa sáu cường quốc thế giới và Iran nhằm khép lại chương trình hạt nhân của nước này là một bước tiến lịch sử hướng tới bình thường hóa quan hệ quốc tế của Iran – và mang ý nghĩa sâu sắc đối với tiềm năng của khoa học, các nhà nghiên cứu Iran cho biết.

Việc đi đến thỏa thuận giữa sáu cường quốc thế giới và Iran về chương trình hạt nhân được ký vào ngày 14/7 vừa qua tại Vienna, Áo, không chỉ chấm dứt các biện pháp trừng phạt từng làm tê liệt nền kinh tế Iran thời gian qua, mà còn tác động đến giới khoa học trong và ngoài nước.

“Thỏa thuận này về tổng thể sẽ ảnh hưởng sâu rộng đối với ngành khoa học Iran”, ông Reza Mansouri, nhà thiên văn học thuộc Viện nghiên cứu khoa học cơ bản (IPM) có trụ sở tại thủ đô Tehran và nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Iran, đánh  giá. Ông Mansouri coi thành công của các cuộc đàm phán mang ý nghĩa quan trọng bởi “nó là thực tế chứng tỏ khả năng và nỗ lực của cộng đồng quốc tế cũng như các nhà thương thuyết”.

Các biện pháp trừng phạt đã làm giảm thiểu các hoạt động hợp tác quốc tế [của khoa học Iran], nhà vật lý Shahin Rouhani, thành viên của IPM và chủ tịch của Hiệp hội Vật lý Iran, cho biết.

Một khi các rào cản được dỡ bỏ, ông nói, các nhà khoa học Iran sẽ thuận lợi hơn trong việc tham gia hội nghị quốc tế cũng như tạo điều kiện cho các nhà khoa học nước ngoài đến Iran làm việc. Các phòng thí nghiệm khoa học trong nước cũng dễ dàng hơn trong việc đặt mua thiết bị thí nghiệm của nước ngoài.

Các biện pháp trừng phạt từng khiến Iran gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào các dự án hợp tác quốc tế như dự án Nguồn sáng Synchrotron dành cho Khoa học thực nghiệm và ứng dụng tại Trung Đông SESAME (Synchrotron-light for Experimental Science and Applications in the Middle East), một nguồn bức xạ ánh sáng synchrotron (synchrotron-light) đang được xây dựng ở Jordan với nhiều quốc gia thành viên bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Israel và một số quốc gia Ả Rập. Nhà vật lý Herman Winick, Đại học Stanford (Mỹ) và là thành viên Ủy ban Tư vấn  khoa học SESAME, nhận xét, việc dỡ bỏ những hạn chế trong cả lĩnh vực ngân hàng sẽ cho phép Iran có thể thực hiện các khoản đóng góp cho dự án SESAME theo đúng cam kết.

“Tôi hy vọng rằng thỏa thuận [về chương trình hạt nhân giữa sáu cường quốc và Iran] cũng sẽ tăng cường sự kết nối của Iran với cộng đồng khoa học quốc tế”, ông Winick cho biết thêm, “qua đó tạo điều kiện cho tôi và những nhà nghiên cứu khác đến đây để nối lại quan hệ làm việc với những đồng nghiệp cũ.”

Hơn nữa, Fordow – một trong những địa điểm làm giàu uranium của Iran, một cơ sở đặt dưới lòng đất, có thể sớm trở thành một phòng thí nghiệm vật lý lớn. Theo một dự thảo không chính thức của thỏa thuận, Fordow “sẽ được chuyển đổi thành một trung tâm vật lý và công nghệ hạt nhân, còn các cơ hội về hợp tác quốc tế trong nghiên cứu do nới lỏng thỏa thuận sẽ được khuyến khích”.

Đề xuất này đã được đưa vào trong các chương trình hoạt động từ tháng Tư, khi Iran đồng ý một thỏa thuận sơ bộ; và như Nature đã phản ánh vào thời điểm đó, các đường hầm Fordow có thể, ví dụ, đặt một máy gia tốc hạt hoặc các máy dò (detectors) để nghiên cứu các tia vũ trụ hoặc neutrino; và những máy ly tâm còn lại có thể được chuyển đổi mục đích để sản xuất đồng vị phóng xạ dùng trong chẩn đoán hình ảnh y tế. Tuy nhiên Mansouri cho biết, vẫn còn quá sớm để thảo luận về triển vọng cụ thể cho việc nghiên cứu và ông vẫn để ngỏ phương án lựa chọn các những lĩnh vực vật lý sẽ tham gia nghiên cứu tại Fordow.

Triển vọng phương án nào được lựa chọn trước tiên sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận được ký kết tại Vienna, Áo, vốn phụ thuộc vào những thách thức chính trị – đặc biệt là trong Quốc hội Mỹ – và phụ thuộc vào sự xác nhận tuân thủ đầy đủ thỏa thuận của Iran từ các nhà quan sát quốc tế.


Trụ sở SESAME được đặt tại Jordan, quy tụ nhiều quốc gia bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Israel
và một số quốc gia Ả Rập

Các chính sách phòng ngừa

Thỏa thuận này hướng tới mục tiêu đảm bảo chương trình hạt nhân của Iran là dành cho các mục đích hòa bình chứ không phải làm ra bom nguyên tử. “Mọi con đường dẫn đến khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân đã bị cắt đứt,” Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khẳng định trong tuyên bố từ Nhà Trắng vào sáng sớm ngày 14/7.

Iran đã cam kết: loại bỏ hai phần ba số các máy ly tâm vốn được sử dụng để làm giàu uranium; không sử dụng bất kỳ máy ly tâm còn lại nào để sản xuất các cấp độ vũ khí, uranium làm giàu cao; thanh trừ 98% lượng uranium đã được làm giàu hiện có.

Iran cũng sẽ chuyển đổi lò phản ứng hạt nhân ở Arak sang công nghệ không sản xuất plutonium ở cấp độ vũ khí. Iran cam kết cho phép giám sát quốc tế toàn bộ  hệ thống  cung ứng hạt nhân của mình, để đảm bảo không vật liệu nào được chuyển sang chương trình quân sự bí mật. Các biện pháp trừng phạt sẽ dần dần được xóa bỏ, song lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực trở lại  ngay lập tức nếu Iran vi phạm bất kỳ điều kiện  nào.

Frank von Hippel, nhà vật lý về lĩnh vực không phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí hạt nhân tại Đại học Princeton ở New Jersey (Mỹ) đánh giá thỏa thuận này là “tin tốt”. “Bây giờ chúng ta nên hướng tới việc thiết lập một chuẩn mực mà các chương trình làm giàu [uranium] do các tổ chức đa quốc gia chứ không phải là do các nước riêng lẻ quản lý”, điều này hết sức quan trọng với việc gia tăng việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì hòa bình song song với việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, ông nói.

Thỏa thuận này được thiết lập – ít nhất là trong thập kỷ tới – phòng trường hợp nếu không tuân thủ [các điều kiện nêu ra trong thỏa thuận] thì Iran cũng phải mất tối thiểu một năm mới sản xuất đủ nhiên liệu hạt nhân cho một quả bom nguyên tử. Von Hippel cho biết, thỏa thuận này phải được soạn thảo để phù hợp với mục tiêu đó. “Thời gian sản xuất uranium làm giàu cao đủ cho một quả bom sẽ vào khoảng một năm, còn để sản xuất đủ plutonium trong một lò phản ứng nghiên cứu sẽ phải mất nhiều năm”.

Nguyễn Thị Thu Hà  dịch

Nguồn: http://www.nature.com/news/iranian-researchers-welcome-nuclear-deal-1.17984

Đọc thêm: Thỏa thuận hạt nhân của Iran tăng hy vọng cho khoa học

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&News=8618&CategoryID=2

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)