Góc nhìn khác về nhà vật lý xuất chúng
Freeman Dyson, người bạn của Feynman, chia sẻ, ông may mắn được chứng kiến khía cạnh tốt đẹp của con người Feynman khi bước ra từ quãng thời gian địa ngục khi người vợ đầu qua đời và nỗi giằng xé khi tham gia chế tạo bom nguyên tử trong dự án Mahattan. Chín bức thư chủ yếu do Freeman viết trong quãng thời gian ở Đại học Cornell cho ta một đánh giá chân thực về nhà vật lý vĩ đại dưới con mắt của chàng trai trẻ 25 tuổi và một góc nhìn độc đáo của hai nhà vật lý: năng lượng luôn sục sôi của Feynman, sự khiêm tốn và ngưỡng mộ sâu sắc của Dyson đối với người bạn - người đồng nghiệp xuất chúng.
Richard Feynman (bên phải) chơi trống bongo.
Vào năm 1999, tờ Physics World yêu cầu cộng đồng khoa học xếp hạng những nhà vật lý vĩ đại nhất trong lịch sử. Nhà vật lý Feynman xếp thứ 7, ngay sau Galieo. Richard Feynman là người có mối quan tâm rộng rãi trên nhiều lĩnh vực khoa học và một trí tuệ ưu việt. Ông đoạt giải Nobel cho lý thuyết về Điện động học lượng tử vào năm 1965 nhưng cộng đồng khoa học cho rằng, ông có thể được trao thêm ba giải Nobel khác.
Nhưng ảnh hưởng của Feynman không chỉ đến từ thành tựu khoa học, mà còn đến từ cuộc sống tinh thần đầy phong phú, sôi động và cả tính cách thất thường của ông. Đến hiệu sách của Caltech, phòng thí nghiệm ông từng làm việc, có thể cảm nhận được điều đó, ngay cả khi ông đã ra đi hàng thập kỉ nay: có hẳn một khu vực riêng về Richard Feynman và dường như mọi thứ của ông đều có thể xuất bản kể cả những bức phác họa bâng quơ, những bài giảng thất lạc và những bản chơi trống bongo. Sinh thời, Feynman luôn là trung tâm của mọi bữa tiệc. Nhưng dẫu vậy, dường như rất ít người hiểu được con người thật của Feynman. Nhà vật lý Murray Gell-Mann viết rằng Feynman “đã bao quanh mình một đám mây huyền thoại, anh đã dành vô khối thời gian và năng lượng để thêu dệt những giai thoại về mình”.
Ngày 11/5 vừa qua, Caltech đã tổ chức lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Feynman, trong đó Freeman Dyson, người bạn của ông cũng có mặt và phát biểu. Freeman chia sẻ rằng, ông may mắn được chứng kiến khía cạnh tốt đẹp của con người Feynman khi bước ra từ quãng thời gian địa ngục sau khi người vợ đầu tiên qua đời và nỗi giằng xé khi tham gia chế tạo bom nguyên tử trong dự án Mahattan. Chín bức thư dưới đây, chủ yếu do Freeman viết cho gia đình và người thân trong quãng thời gian ở Đại học Cornell, cho ta thấy một đánh giá chân thực và trong sáng nhất về nhà vật lý vĩ đại dưới con mắt của chàng trai trẻ 25 tuổi. Mà bản thân Freeman cũng tin vào điều đó: “Những bức thư là nhân chứng giá trị của lịch sử bởi không có sự hoài niệm khi viết nó”.
Suốt cuộc đời tôi chỉ có 3 mối quan tâm chính, với thứ tự ưu tiên rõ ràng: Gia đình là trên hết, rồi đến bạn bè và cuối cùng mới là công việc.”
Đó là điều mà nhà vật lý lý thuyết Freeman Dyson viết trong lời giới thiệu cho tuyển tập các bức thư “Maker of Patterns” vừa mới được xuất bản của ông. Kéo dài trong khoảng bốn thập kỷ, các lá thư giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về cuộc đời của người đã chứng khiến những thay đổi lớn lao của cả lịch sử thế giới và vật lý.
Dưới đây là một số đoạn trích trong chín bức thư của Dyson, phản ánh mối quan hệ của ông với nhà vật lý Richard Feynman. Dyson và Feynman có một mối quan hệ đặc biệt cả trong công việc và đời tư: Dyson giúp giải thích và thu hút sự chú ý của công chúng đến công trình của Feynman, mà sau đó mang lại cho ông giải Nobel Vật lý. Hai nhà khoa học cũng là hai người bạn cùng sát cánh trên các chuyến đi và trong công việc của họ.
Đặt cạnh nhau, những bức thư này cho chúng ta thấy một góc nhìn độc đáo của hai nhà vật lý: năng lượng luôn sục sôi của Feynman, sự khiêm tốn và ngưỡng mộ sâu sắc của Dyson đối với người bạn- người đồng nghiệp xuất chúng. Chúng ta cũng thấy họ phấn khích như thế nào trong vai trò tìm ra một số phát hiện có tính nền tảng của vật lý lý thuyết hiện đại.
19 tháng 11 năm 1947
Tôi chỉ muốn viết một bức thư ngắn trước khi chúng tôi đi Rochester. Mỗi thứ tư hằng tuần chúng tôi lại có hội thảo để nghe một vài nghiên cứu, và thỉnh thoảng còn có các nhà khoa học của Rochester University tham gia. Tôi đi cùng với Feynman, và điều đó chắc hẳn sẽ rất tuyệt vời nếu chúng tôi sống sót. Tôi dần phát triển một sự ngưỡng mộ đối với Feynman, nhà vật lý học trẻ tuổi nhưng sáng giá nhất ở đây và là nhà Vật lý người gốc Mỹ hiếm hoi mà tôi có cơ hội tiếp xúc. Feynman đã phát triển một phiên bản lý thuyết lượng tử của riêng mình, công trình được đánh giá cao và thậm chí còn hữu ích hơn phiên bản chính thống trong một số vấn đề. Feynman luôn có những ý tưởng mới, và hầu hết trong số đó ấn tượng và siêu phàm hơn là có ích. Đóng góp có ý nghĩa nhất của anh cho vật lý là một tinh thần bền vững: mỗi khi Feynman xông vào phòng với những ý tưởng táo bạo và rồi thể hiện nó với những hiệu ứng âm thanh sống động và tay chân khua khoắng: cuộc sống ít nhất là không vô vị.
8 tháng 3 năm 1948
…
Hôm qua tôi đã có một buổi đi dạo trong nắng ấm mùa xuân với Trudy Eyges và Richard Feynman. Feynman là một giáo sư trẻ tuổi người Mỹ, một sự kết hợp tuyệt vời của thiên tài và chú hề: với năng lượng lúc nào cũng tràn trề của mình, Feynman có thể làm cả các nhà vật lý và con cái của họ cảm thấy thích thú. Tuy nhiên, đó không phải là những điều đáng chú ý duy nhất ở Feynman và tôi nghĩ có thể bạn sẽ thích thú với câu chuyện mà tôi sắp kể. Khi Feynman đến Los Alamos, anh đã gặp và đem lòng yêu thương một cô gái xinh đẹp thông minh nhưng lại bị lao và lưu lạc đến New Mexico với hy vọng ngăn chặn căn bệnh quái ác. Khi gặp Feynman, bệnh tình của cô đã nặng đến mức bác sĩ nói cô chỉ sống được một năm nữa, nhưng Feynman vẫn quyết định cưới cô ấy và họ kết hôn.
Trong một năm rưỡi bên nhau, Feynman vừa làm việc hết mình cho dự án khoa học, vừa chăm sóc và làm cô cảm thấy vui vẻ hạnh phúc. Cô ấy qua đời ngay trước khi chiến tranh kết thúc.
Tôi đã nhầm khi viết rằng Feynman gặp vợ anh – Arlene – ở New Mexico. Feynman kết hôn ở một tòa thị chính ở Staten Island rồi đưa cô đi theo đến New Mexico. Câu chuyện được kể lại một cách đầy xúc động bởi Feynman trong cuốn sách “Bạn quan tâm gì đến việc những người khác nghĩ gì?” (1988), tựa đề là một câu nói của Arlene.
Richard Feynman và người vợ Arlene trên giường bệnh, 1945.
Như Feynman nói, bất cứ ai đã từng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc khó mà có thể độc thân được lâu, và vì vậy hôm qua chúng tôi đã nói chuyện về vấn đề mới: lần này lại là một cô gái ở New Mexico mà Feynman đang say đắm. Vấn đề lần này không phải là bệnh lao, mà là cô gái này là người Công giáo. Bạn có thể hình dung tất cả những rắc rối nảy sinh, bởi vì nếu có một điều Feynman không thể làm để cứu rỗi linh hồn mình, thì đó chính là trở thành một người Công giáo. Chúng tôi nói chuyện rất lâu cho đến khi tắt nắng và rồi đến tận tối. Cuối cùng, dù Feynman chưa thể giải quyết các vấn đề nhưng ít nhất cũng cảm thấy nhẹ lòng hơn. Tôi nghĩ Feynman sẽ kết hôn với cô gái thôi, nhưng tôi là ai mà có thể đưa lời khuyên về một chủ đề như vậy chứ.
15 tháng 3 năm 1948
…
Công việc của tôi đã có một bước chuyển biến mới – kết quả từ chuyến thăm của Weisskopf tuần trước. Weisskopf nói về lý thuyết lượng tử mới của Schwinger, dù là Schwinger chưa hoàn thành nó trong buổi nói chuyện ở New York. Lý thuyết mới này quả thực là một công trình xuất sắc, do đó lúc này tôi đang cố gắng nghiên cứu và hiểu nó một cách kỹ lưỡng. Điều này sẽ giúp tôi vào một vị trí vững chắc với khả năng giải quyết một loạt các vấn đề quan trọng trong vật lý với một lý thuyết đúng đắn trong khi những người khác vẫn đang mò mẫm. Một điều rất thú vị nữa cũng xảy ra gần đây: anh bạn Richard Feynman của chúng ta, người luôn làm việc độc lập và có một phiên bản lý thuyết lượng tử của riêng mình, đã nghiên cứu cùng một vấn đề như Schwinger từ một hướng khác, và đến nay đã phát triển một lý thuyết gần như tương đương, đạt được rất nhiều ý tưởng tương tự một cách độc lập…….
25 tháng 6 năm 1948, Santa Fe, New Mexico
Feynman ban đầu lên kế hoạch đưa tôi đi chu du miền Tây với một phong cách thanh nhàn, dừng lại ngắm nhìn cảnh vật bên đường và không đi quá nhanh. Tuy nhiên, tôi không quá kỳ vọng là anh ấy trung thành với kế hoạch đó, vì người yêu của anh đang đợi ở Albuquerque. Rồi thì chúng tôi đi 1800 dặm (2900 km) từ Cleveland đến Albuquerque trong ba ngày rưỡi, và đấy là còn có một số khó khăn trên đường; Feynman lái xe suốt quãng đường, và anh lái khá tốt, không bao giờ quá nguy hiểm nhưng vẫn giữ tốc độ trung bình 65 dặm/giờ. Đó là một chuyến đi thú vị, tôi chỉ hơi hối tiếc vì tôi không khám phá được nhiều từ Feynman hơn là tôi đã có thể….
Trên đường đi Feynman nói rất nhiều về người yêu cũng như người vợ Arlene, người đã mất ở Albuquerque vào năm 1945, và về hôn nhân nói chung. Tôi đi đến kết luận là Feynman là một người đặc biệt cân bằng, một người có ý kiến riêng của mình chứ không phải mượn từ người khác. Anh ấy rất giỏi làm quen với mọi người, khi chúng tôi đến miền Tây, Feynman đã thay đổi giọng nói và biểu cảm trong vô thức để phù hợp với môi trường xung quanh, cho đến khi anh ấy có thể nói “I don’t know noth’n” với ngữ điệu y hệt những người bản xứ.
Khi Feynman đến Albuquerque, cô gái anh yêu đã quyết định chia tay để đến với người khác. Anh ở lại đó đúng năm ngày để chắc chắn rồi rời đi và dành phần còn lại của mùa hè tự thư giãn và cưỡi ngựa ở New Mexico và Nevada.
14 tháng 9 năm 1948, 17 Edwards Place, Princeton…
Vào ngày thứ ba của cuộc hành trình, một điều đáng chú ý đã xảy ra. Sau bốn mươi tám giờ trên xe buýt, tôi bắt đầu suy nghĩ rất nhiều về vật lý, đặc biệt là về hai lý thuyết bức xạ (radiation theories) được đưa ra bởi Schwinger và Feynman. Dần dần suy nghĩ của tôi trở nên mạch lạc hơn, và trước khi biết mình đang ở đâu, tôi đã giải quyết được vấn đề ám ảnh tôi cả năm nay: chứng minh sự tương đương của hai lý thuyết này. Hơn nữa, vì mỗi lý thuyết đều có những điểm vượt trội riêng của mình, sự tương đương có thể kết hợp ưu điểm của cả hai. Chứng minh này không quá khó và cũng không cần sự thông minh đặc biệt, nhưng không thể phủ nhận nó thật sự quan trọng nếu chưa có ai làm. Tôi trở nên khá phấn khích và khi đến Chicago, tôi gửi ngay một lá thư cho Bethe để thông báo về thành tích đó. Tôi chưa có thời gian để viết lại một cách bài bản, nhưng tôi dự định sẽ công bố bằng một bài báo chính thức càng sớm càng tốt…
May mắn lớn đối với tôi chính là việc tôi là người duy nhất đã trải qua sáu tháng lắng nghe Feynman trình bày những ý tưởng mới tại Cornell và sau đó dành sáu tuần nghe Schwinger giải thích công trình của mình ở Ann Arbor. Cả hai đều giải thích cùng các thí nghiệm: đo bức xạ tương tác với các nguyên tử và electron. Nhưng hai cách giải thích các thí nghiệm có vẻ hoàn toàn khác nhau, Feynman vẽ những hình minh họa và Schwinger viết ra các phương trình phức tạp. Những chớp sáng trên xe buýt Greyhound đã giúp tôi kết nối giữa hai lời giải thích, và kết quả là tôi đã có một lời giải thích đơn giản hơn, kết hợp các ưu điểm của Schwinger và Feynman.
30 tháng 9 năm 1948
…
Một điều mà tôi phải luôn luôn ghi nhớ để không trở nên quá tự mãn về bản thân chính là việc tôi đã cực kì may mắn với công trình vừa hoàn thành này. Công trình bao gồm sự thống nhất của lý thuyết bức xạ, kết hợp các ưu điểm của hai lý thuyết được đưa ra bởi Schwinger và Feynman. Tôi là người trẻ tuổi duy nhất trên thế giới đã làm việc với lý thuyết Schwinger ngay từ đầu và cũng đã có một mối liên hệ bạn bè lâu dài với Feynman tại Cornell, vì vậy tôi đã tận dụng cơ hội ngàn năm có một này để đưa cả hai lý thuyết lại với nhau.
1 tháng 11 năm 1948, Khách sạn Avery, Boston
Sau lá thư cuối cùng gửi cho bạn, tôi quyết định rằng tôi cần một kỳ nghỉ cuối tuần dài rời khỏi Princeton. Tôi thuyết phục Cécile Morette đi cùng tôi đến gặp Feynman ở Ithaca. Đây quả thực là một bước đi táo bạo, nhưng nó không thể thành công hơn khi chúng tôi đã có một kì nghỉ cuối tuần đầy hạnh phúc.
Cécile Morette là người sáng giá nhất trong số những nhà vật lý trẻ tuổi đến viện vào cùng thời điểm với tôi. Cô là người duy nhất nhanh chóng hiểu những ý tưởng mới của Feynman. Chúng tôi trở thành bạn ngay lập tức. Việc cô ấy là phụ nữ hoàn toàn không liên quan gì đến tình bạn của chúng tôi. Cô ấy là một thủ lĩnh bẩm sinh, cô hiểu về toán học hiện đại hơn cả tôi, và cô ấy có một khiếu hài hước tuyệt vời.
Chúng tôi dành ngày hôm sau để thảo luận về vật lý. Feynman đã đưa ra một bài trình bày tuyệt vời về lý thuyết của mình, làm cho Cécile cười liên tục và làm cho bài nói của tôi chỉ còn là một cái bóng nhợt nhạt. Anh nói rằng anh đã đưa bài báo của tôi cho một sinh viên cao học đọc, và hỏi lại rằng chính anh có nên đọc nó không. Chàng sinh viên nói không, và Feynman không tốn một chút xíu thời gian nào vào nó và tiếp tục theo đuổi các ý tưởng riêng của mình. Feynman và tôi thực sự hiểu nhau: tôi biết rằng anh ấy là người duy nhất trên thế giới không học hỏi thêm được gì từ những điều tôi viết, và anh ấy không ngại nói với tôi như vậy. Chiều hôm đó, Feynman đã đưa ra nhiều ý tưởng xuất sắc với tốc độ khủng khiếp mà tôi chưa từng thấy trước đó cũng như về sau. Vào buổi tối, tôi đã đề cập đến hai vấn đề mà tính hữu hạn của lý thuyết giải thích chúng vẫn là điều cần chứng minh. Hai vấn đề này đều rất nổi tiếng và khiến các nhà vật lý e ngại, nhiều nghiên cứu và các công bố dài đến hơn năm mươi trang được dành để thảo luận chúng mà vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng. Khi nghe tôi đề cập đến điều này, Feynman chỉ nói “chúng ta sẽ xem thế nào”, và bắt tay vào giải quyết, chỉ hai tiếng sau, ngay trước mắt chúng tôi, Feynman đã chứng minh được tính hữu hạn và hợp lý cho cả hai vấn đề. Đó là một quá trình tính toán với tốc độ chớp nhoáng kinh ngạc nhất tôi từng chứng kiến, và kết quả chứng minh, ngoại trừ vài khó khăn phát sinh, thì lý thuyết hoàn toàn nhất quán. Hai vấn đề đó là sự tán xạ ánh sáng bởi điện trường, và sự tán xạ ánh sáng bởi ánh sáng.
28 tháng 2 năm 1949, Chicago
Vào một ngày thứ năm, Feynman đến Princeton và anh ở lại cho đến khi tôi rời đi vào ngày Chủ nhật. Anh ấy thuyết trình tám tiếng trong ba ngày, chưa kể còn thêm những buổi nói chuyện riêng rất dài nữa. Đó quả là một nỗ lực phi thường, và tôi tin rằng tất cả mọi người trong viện đều hiểu Feynman đang làm gì. Ít nhất thì tôi cũng đã học được rất nhiều. Feynman như thường lệ luôn trong trạng thái phấn kích và vô cùng nhiệt tình, dùng tay để minh họa rất nhiều và khiến mọi người đều bật cười. Ngay cả Oppenheimer cũng bắt đầu nắm được tinh thần và nói những điều bớt hoài nghi hơn thường lệ. Feynman rõ ràng có hơi lo lắng khi thuyết trình, và nếu được cho phép có lẽ anh sẽ nói vô thời hạn mất: chắc hẳn anh đang chịu cảm giác “bị đóng chai” khi phải kìm nén trong khi có quá nhiều ý tưởng cũng giống như tôi vào mùa thu năm ngoái. Vấn đề là Feynman không bao giờ công bố những gì anh làm, và tôi đôi khi cảm thấy có lỗi khi đã “đi trước” Feynman với chính ý tưởng của anh. Tuy nhiên, cuối cùng thì anh ấy cũng chịu viết hai bài báo lớn để cho thế giới thấy sự thiên tài của Feynman. Rất có thể tôi đóng góp vào việc thúc đẩy Feynman bằng việc cho anh ấy thấy việc bị qua mặt.
23 tháng 10 năm 1965
Chúng tôi rất vui mừng vì ba người bạn Tomonaga, Schwinger và Feynman đã giành được giải Nobel. Bạn có nhớ rằng chính sau các công trình đáng nể của họ vào năm 1947 mà sự nghiệp của tôi bắt đầu bằng cách tiếp nối những gì họ đã phát triển. Tôi rất vui vì giải Nobel được dành cho cả ba người. Tôi cảm thấy mình cũng góp phần vào điều đó vì lúc đầu Schwinger được chú ý rất nhiều trong khi Tomonaga và Feynman vẫn vật lộn trong bóng tối. Chính từ bài báo “Lý thuyết bức xạ của Tomonaga, Schwinger và Feynman” mà lần đầu tiên cả ba người được đánh giá đúng đắn. Tôi hiện đang viết một bài báo ghi lại lịch sử về công trình của họ để xuất bản vào tuần tới.
Hạnh Duyên dịch
Nguồn: http://nautil.us/issue/59/connections/another-side-of-feynman
Nguồn ảnh: https://www.quora.com/What-is-the-most-iconic-photo-of-Richard-Feynman
——
Tít bài do Tia Sáng đặt lại
Freeman Dyson là một nhà vật lý lý thuyết và nhà toán học, một giáo sư danh dự tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton, và tác giả của “Disturbing the Universe”.
Oppenheimer: Julius Robert Oppenheimer là một nhà vật lý lý thuyết người Mỹ và là giáo sư vật lý tại Đại học California, Berkeley.
Hans Albrecht Bethe: nhà vật lý hạt nhân người Mỹ gốc Đức, đoạt giải Nobel Vật lý năm 1967 cho công trình của ông về lý thuyết tổng hợp hạt nhân tinh tú.
Cécile Morette: Cécile Andrée Paule DeWitt-Morette là một nhà toán học và vật lý nổi tiếng người Pháp. Bà đã được Hiệp hội ở Mỹ của người Pháp trao tặng Huy chương danh dự 2007 cho thành tích xuất sắc.