GS. Cao Chi: “Và thiên thu trong một khắc đồng hồ”
Một khắc đồng hồ đủ sức gói gọn cả thiên thu và một đời người đủ năng lượng cô nén trong trang sách cả dòng chảy vật lý hiện đại. Điều này tưởng chừng nghịch lý nhưng thật có lý bởi thiên thu ấy thuộc về vũ trụ toàn ảnh và đời người ấy là giáo sư Cao Chi.
Thiên thu, vũ trụ và đời người, cái uy vũ bao trùm vạn vật và cái mong manh bé nhỏ được mã hóa và giao thoa trong một bức tranh toàn ảnh về thực tại nhiệm màu. Bức tranh ấy cho ta thấy sự hòa quyện và tồn tại đồng thời của quá khứ, hiện tại và tương lai, không có đường ngăn cách, phân lìa. Ở đó, chân dung của những người thuộc về một thời sáng lên trong một thứ ánh sáng tường minh, rất lạ; nó giúp nhìn thấu những con người mà đôi khi, vì lý do này hay lý do khác, chúng ta chưa hiểu lắm chân giá trị.
Giáo sư Cao Chi là một trong những người như thế. Ở quãng những năm 1950-1960, không có nhiều người Việt Nam được chính phủ cử đi Liên Xô theo học ở trường Đại học Tổng hợp Moscow mang tên nhà bác học Nga M. V. Lomonosov, ngôi trường có khẩu hiệu đầy tự hào bằng tiếng Latinh “Scientia est clara cognitio veritatis, illustratio mentis” (Khoa học là sự hiểu biết thấu đáo chân lý, khai sáng tâm trí). Năm 1955, hai chàng thanh niên tuổi ngoài đôi mươi là Cao Chi và Đào Vọng Đức – người sau này cũng trở thành một giáo sư vật lý nổi danh và là viện trưởng Viện Vật lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) – cùng theo học ở ngôi trường này. Mỗi khi nhớ lại việc được tới thánh đường khoa học Lomonosov, bao giờ ông cũng tự nhận là mình may mắn, giống như cái nhìn hoài niệm “năm 1944, khi thi đậu trường Collège Võ Tánh và được vào nội trú (internat) của trường”1, vốn chỉ số ít học sinh đạt được. Có lẽ, không có nhiều may mắn trùng lặp đến thế, ở bối cảnh một đất nước kinh qua nhiều sự kiện chính trị – xã hội lớn lao như Việt Nam, nếu không phải người có sức học cỡ “thần đồng xứ Quảng” và không phải là người hội tụ nhiều phẩm chất báo hiệu một tương lai khoa học rực rỡ.
Đó là một vinh dự lớn bởi dẫu Dubna mới được thành lập chưa tròn 10 năm nhưng vào thời điểm đó đã quy tụ được những tên tuổi lừng lẫy của vật lý Xô viết thời vàng son như Nikolay Bogolyubov (giải thưởng Max Plank 1973), Igor Kurchatov (tổng công trình sư chương trình hạt nhân Xô viết), Dmitrii Blokhintsev (tổng công trình sư nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới Obninsk, sáng lập Dubna), Igor Tamm, Ilya Frank (Igor Tamm, Ilya Frank và Pavel Cherenkov cùng được trao giải Nobel Vật lý năm 1958 cho việc giải thích tán xạ Cherenkov), Aleksandr Topchiev, Alexander Baldin, Georgy Flyorov… Tất cả như một cuộc xếp đặt vừa khéo cho một hành trình nghiên cứu mà đôi khi khó lặp lại trong đời người.
Bởi lẽ, dẫu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi kết nối với quốc tế vô cùng khó khăn thì các nhà vật lý lý thuyết Dubna đã đề xuất nhiều ý tưởng mới và phương pháp mới có khả năng thúc đẩy những nghiên cứu sâu hơn về cả lý thuyết lẫn thực nghiệm tại Dubna cũng như các trung tâm khoa học khác của đất nước. Các nguyên tắc tiếp cận chặt chẽ về mặt toán học cho lý thuyết trường lượng tử đã được hình thành, căn chỉnh phương pháp của các hệ thức tán sắc, một khái niệm gợi ra vận tốc pha và vận tốc nhóm. Phương pháp này ảnh hưởng đến sự phát triển của vật lý hạt, đặc biệt là các tương tác mạnh3.
Trên cơ sở của các ý tưởng và phương pháp phát triển trong lý thuyết trường lượng tử và lý thuyết siêu chảy, các nhà vật lý ở Dubna đã xây dựng mô hình siêu chảy của hạt nhân, lý thuyết giúp hiểu được bản chất của giả hạt và các trạng thái của hạt nhân biến dạng. Các dự đoán này đã hỗ trợ một loạt thực nghiệm ở Dubna, trong đó phần lớn được thực hiện trên máy gia tốc synchrophasotron để nghiên cứu về việc tạo ra các hạt lạ ở mức năng lượng tới 10 GeV. Đó là nền tảng của phát hiện hạt mới – hạt antisigma-mirius hyperon và nhiều phát hiện khác. Đáng chú ý là với máy gia tốc synchrophasotron, Dubna đã tạo ra được một hướng nghiên cứu mới bao gồm vật lý hạt nhân hấp dẫn, khiến cho việc nghiên cứu về những va chạm hạt nhân ở mức năng lượng cao thành hiện thực3.
Được gia nhập các nhóm nghiên cứu trên mặt tiền của vật lý hiện đại này, một số nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam đã cuốn theo và hấp thụ cái mới, như Nguyễn Đình Tứ tham gia thực nghiệm phát hiện hạt phản antisigma-mirius hyperon và sau được đại diện cho nhóm trình bày tại các hội thảo ở châu Âu, Nguyễn Văn Hiệu nghiên cứu về tương tác yếu, Cao Chi, Đào Vọng Đức nghiên cứu lý thuyết đối xứng…
Với giáo sư Cao Chi, quãng thời gian ở Dubna là một trong những giai đoạn nghiên cứu đẹp đẽ nhất của cuộc đời làm khoa học. Ông vừa được gặp gỡ, trao đổi với người bạn cùng trường Collège Võ Tánh, giáo sư Nguyễn Đình Tứ, vừa được đồng hành với người bạn cùng thời đại học Đào Vọng Đức. Trong không gian hòa trộn niềm say mê học thuật và tình bằng hữu, ông đã đạt tới mức sáng tạo cao khi công bố bảy bài báo có giá trị liên quan đến tương tác mạnh, mô hình chuẩn và đối xứng vô hạn. Những gì ông quan tâm đều xoay quanh các chủ đề lớn của vật lý hạt mà vấn đề còn thời sự tới ngày nay.
Có lẽ, khi nghiên cứu về những lực, những hạt và mô hình lý thuyết giải thích sự khởi sinh của vũ trụ từ chốn hỗn mang và trải qua một quá trình tiến hóa để hình thành vũ trụ như chúng ta đã biết, ông không khỏi rung động trước sự hiển thị của cái đẹp toàn bích trong lòng các lý thuyết đó. “Lý thuyết diễn tả toàn vẹn và giải thích nhất quán các đặc trưng của những viên gạch cấu tạo nên vật chất, dưới tác động của ba trong trong bốn lực cơ bản của Tự nhiên (lực điện-từ, lực hạt nhân mạnh và lực hạt nhân yếu) để từ đó vạn vật được hình thành và biến hóa”4.
Cũng như nhiều nhà khoa học khác, ông bị hút về sự toàn mĩ của đối xứng vô hạn. Mỗi khi nhắm mắt lại, ai cũng cảm giác như rơi vào cái vô hạn, không bị đường biên nào ngăn cách. Đối xứng vô hạn tưởng như một khái niệm trừu tượng nhưng lại rất thật, bởi đối xứng vô hạn liên quan đến các nguyên tắc bảo toàn, và nguyên tắc bảo toàn năng lượng liên quan đến đối xứng với sự dịch chuyển của thời gian, nguyên tắc bảo toàn của động lượng liên quan đến đối xứng dịch chuyển không gian, và nguyên tắc của bảo toàn động năng góc liên quan đến đối xứng quay. Đối xứng vô hạn và cái đẹp luôn luôn tương phùng. Nếu vô hạn là một bản chất của tự nhiên thì đối xứng thể hiện vẻ đẹp của tự nhiên. Vậy điều đó có thể còn ẩn chứa điều gì đó nằm ngoài phạm vi vật lý chăng. Phải chăng cả vật chất vô hình và hữu hình đều đồng điệu? phải chăng có thứ quy luật phổ quát cho cả tâm thức của con người? phải chăng bản chất của sự sống hay của vũ trụ đều là cái đẹp?
Đó là một sáng ẩm ướt cuối xuân 2021. Trên kệ bếp, bình hoa loa kèn trắng loang loáng nước mưa, lặng lẽ tỏa làn hương nhè nhẹ tinh khiết, ánh sáng dịu dàng lướt trên các gáy sách nhiều màu, thấp thoáng những cái tên trường lượng tử, hạt cơ bản… Giờ đây, tất cả đã như thực, như hư.
***
Giáo sư Cao Chi làm việc ở Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia (sau đổi tên thành Viện Năng lượng nguyên tử VN), “dưới trướng” giáo sư Nguyễn Đình Tứ, một người mà theo nhận xét của ông “có tầm nhìn rộng, có tinh thần yêu nước, luôn lo nghĩ đến việc làm sao cho nước Việt Nam chúng ta có được một ngành hạt nhân vững mạnh”1. Những ngày tháng ấy, giáo sư Cao Chi được giao phụ trách phòng Vật lý lý thuyết, bắt đầu tổ chức các nghiên cứu và các buổi seminar học thuật trong điều kiện không được thuận lợi, hay đúng hơn là có rất ít điều kiện hỗ trợ nghiên cứu, ngay cả nghiên cứu lý thuyết. Thời kỳ đó, những người đi học ở một môi trường tiên tiến, được hỗ trợ rất nhiều tinh thần và vật chất ở Dubna rồi trở về Việt Nam như ông, chắc hẳn có phần hụt hẫng? Trong bối cảnh một quốc gia ngổn ngang sau chiến tranh, xây dựng từ đổ nát và kiệt quệ, không nhà khoa học nào dám mơ về một viễn cảnh mình được đầu tư đủ đầy trong khi xung quanh đầy rẫy thiếu đói. Và những câu chuyện thuần túy khoa học, tưởng là lẽ đương nhiên, lại trở thành điều khó ở cái thời mà theo hồi ức của giáo sư Hoàng Tụy “do ảnh hưởng dai dẳng của quan niệm chính trị là thống soái, từng có giai đoạn dài chi phối giáo dục và khoa học, chủ trương làm khoa học dễ bị quy chụp là chuyên môn thuần túy – một sai lầm lúc bấy giờ được coi rất nghiêm trọng”5.
Dĩ nhiên, làm khoa học trong bối cảnh này quả là thách thức. Với những người như giáo sư Cao Chi, điều đau khổ bậc nhất không phải là sự thiếu thốn về vật chất mà ngược lại, đó là việc gần như bị cô lập với thời sự nghiên cứu quốc tế, bởi quan điểm “trong nước không khuyến khích cán bộ khoa học quan hệ nhiều với phương Tây. Trên nguyên tắc, thư từ, bài vở muốn gửi ra nước ngoài phải báo cáo, và xin phép”5. Ở một viện nghiên cứu lớn nơi ông làm việc cũng không có tài liệu được cập nhật, tất cả chỉ còn cách đến đọc tại Thư viện Quốc gia “nhưng khi tạp chí đến tay chúng tôi thì bao giờ cũng muộn chừng 3, 4 tháng hoặc thậm chí là đến 5, 6 tháng. Nói chung là việc có tài liệu bao giờ cũng khó khăn và muộn trễ”. Trong lời kể của giáo sư Cao Chi, sau gần nửa thế kỷ, vẫn còn dấu vết của tiếc nuối về một thời làm khoa học thiếu thốn trăm bề. “Hồi đó lương bổng thấp nhưng thực ra tôi cũng như mọi người chỉ nghĩ đến khoa học thôi, không nghĩ gì đến thứ khác. Tiền đối với anh em làm khoa học thực sự có thành vấn đề mấy đâu, ai cũng chỉ thích viết được bài. Vui lắm, mừng lắm khi có bài được đăng, dù không ai trong chúng tôi có nhiều bài quốc tế”.
Tuy nhiên, có một sự thật là tên tuổi của ông hay những đồng nghiệp khác đã đủ thắp lên trong lòng thế hệ tiếp theo ước mơ khoa học hồn nhiên và chân thành. “Thế hệ tôi thời đó rất mừng là được nối nghiệp các bậc đàn anh như GS. Cao Chi, GS. Phạm Duy Hiển. Lúc đó chúng tôi ngây thơ, lúc nào cũng nghĩ là học xong được làm việc phục vụ đất nước, được nối nghiệp là may mắn… Đến bây giờ, các anh lớn tuổi vẫn đóng góp cho khoa học, đó là tấm gương lớn cho tôi”, giáo sư Đào Tiến Khoa, từng là nghiên cứu sinh vật lý lý thuyết xuất sắc thế hệ sau ở Dubna, không giấu sự ngưỡng mộ đối với các bậc đàn anh giỏi giang của mình6. Thời gian trôi đi, vật đổi sao dời nhưng dòng chảy khoa học của họ vẫn liền lạc.
Khi về Việt Nam, giáo sư Cao Chi nghiên cứu lý thuyết trường chuẩn, lý thuyết trường về các hạt truyền tương tác như photon, hạt W, Z, gluon, graviton…, thứ nguyên lý dẫn đường cho xây dựng các tương tác còn lại (tương tác yếu, tương tác mạnh, thậm chí tương tác hấp dẫn) và các lý thuyết đã biết. Thậm chí ngày nay, lý thuyết trường chuẩn còn là một trong những nền tảng xây dựng thứ vật lý nằm ngoài Mô hình chuẩn như lý thuyết thống nhất vĩ đại (grand unification) và lý thuyết của tất cả (theory of everything). Lý thuyết trường chuẩn khiến ông trở nên hiểu sâu sắc hơn cái toàn vẹn, cái bất toàn cũng như những thứ mà tri thức vật lý vẫn chưa giải thích nổi. Các câu hỏi về vũ trụ, vạn vật, tri giác, hiện hữu, định xứ, ý thức, cảm xúc, trí nhớ… cứ thế đột sinh và chồng lấn ở trong và ngoài không gian vật lý. Mấy chục năm sau, trong một buổi tọa đàm về cái đẹp của Toán học do Tia Sáng tổ chức, giáo sư Cao Chi đã đặt câu hỏi mang tính triết học với giáo sư Hà Huy Khoái “Toán học có miêu tả được hết tự nhiên không?” và nhận về câu trả lời đầy nỗi kính phục Mẹ Thiên nhiên “Ồ không, toán học chưa bao giờ và có thể không bao giờ có thể làm được chuyện đó” – cuộc đối đáp ngắn gọn này khiến gợi nhớ đến câu nói của Paul Dirac, ông trùm của đối xứng, phản hạt “Chúa đã tạo ra thế giới này bằng thứ toán học tuyệt đẹp”.
Làm việc trong một tập thể lớn như Viện Năng lượng nguyên tử VN, giáo sư Cao Chi luôn có tinh thần cầu thị và học hỏi. Đó là một phần lý do ông nhận làm chủ trì đề tài “Nghiên cứu Chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật và Năng lượng hạt nhân ở Việt Nam” (1992-1994), quãng thời gian ông và đồng nghiệp tìm hiểu rất sâu các ứng dụng năng lượng, phi năng lượng của hạt nhân và xây dựng các kịch bản công nghệ phù hợp. Tiền đề đó, rút cục vẫn chưa phát triển thành một kết quả có thực bởi vấp phải rất nhiều tranh luận, công khai và không công khai, ở Việt Nam. Không phải ai cũng hiểu được sâu sắc và thấu đáo về địa hạt này, ngay cả người trong ngành hạt nhân. Tại cuộc tọa đàm do Tia Sáng tổ chức sau quyết định dừng chương trình hạt nhân vào tháng 12/2016, giáo sư Cao Chi mái tóc bạc phơ trầm ngâm và lặng lẽ bên những mái đầu xanh và điểm bạc thế hệ sau của Viện Năng lượng nguyên tử, “Tôi nghĩ rằng Việt Nam có lẽ nên tuyên bố là tạm dừng chứ không phải là cắt đứt hoàn toàn với điện hạt nhân. Theo thông lệ quốc tế, một chương trình hạt nhân là một cam kết lâu dài cả trăm năm của một quốc gia”.
Những suy nghĩ thấu đáo của một nhà vật lý lý thuyết, dù không được đào tạo về công nghệ hạt nhân, còn đọng lại trong ngày sinh nhật thứ 90 của mình, “không nên vì việc dừng dự án mà có thể cho là ngành hạt nhân làm việc duy ý chí. Người ta đã quên đi mất một điều quan trọng là ngành hạt nhân đã chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản từ những nghiên cứu như vậy”.
Giữa cái bất toàn của hiện tại, nỗi day dứt về ngành hạt nhân của ông, dễ mấy người có được.
***
Giáo sư Cao Chi và nhiều đồng nghiệp cùng thời của mình, những người dẫu không được hưởng cơ chế đầu tư cho khoa học tốt hơn như các thế hệ sau, bằng nhiều cách vẫn cố gắng duy trì mạch nghiên cứu. Cả không gian vật lý hiện đại là nơi ông dành trọn tâm huyết để rồi cuối cùng, được đồng nghiệp trân trọng tự đáy lòng “Giáo sư Cao Chi là một nhà vật lý lý thuyết đã hiểu rất sâu sắc toàn bộ vật lý hiện đại”, giáo sư Trần Hữu Phát, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN, nhận xét như vậy trên trang facebook của ông.
Đó là kết quả của nỗ lực mà ắt hẳn phải xuất phát từ một tình yêu khoa học trong sáng, vô vụ lợi đến mức gần như lý tưởng. Mấy ai như ông, trong vòng hơn hai thập niên, tự mình biên dịch nhiều sách vật lý và nghiên cứu các vấn đề của vật lý hiện đại ở một phạm vi rất rộng mà không cần bất cứ “đơn đặt hàng” nào. Nhờ vậy từ năm 2011 đến năm 2022, ông lần lượt xuất bản bảy cuốn sách về vật lý hiện đại, trong đó cuốn cuối cùng, Vũ trụ đột sinh, theo đánh giá của giáo sư Đào Tiến Khoa là “một công trình đồ sộ được tác giả Cao Chi thực hiện trong hơn 20 năm qua, trình bày theo phong cách bách khoa toàn thư ngắn gọn nhưng rất sư phạm về nhiều vấn đề thời sự cùng những thành tựu phát minh, khám phá gần đây của vật lý hiện đại”.
Với những cái nhìn đầy thực tế đúc kết nỗ lực ở đời bằng của nả hay công danh, một con người như vậy thật khó hiểu. Có lẽ, ông thuộc về một bộ lạc khác, nơi những con người ưu tú, thánh thiện và thuần khiết có duy nhất mục tiêu cuộc đời là sống để tìm cái đẹp tuyệt đích mà rút cục, có thể ông là người cuối cùng, hoặc (may mắn hơn cho chúng ta) là gần như cuối cùng. Sự tồn tại của cái đẹp tuyệt đích, phải chăng là để cho những con người như vậy? Hay bản thân việc hướng về cái đẹp tuyệt đích đã giúp ông tự thanh lọc khỏi những lề thói hư danh phàm tục?
Nhà vật lý lý thuyết, tự mình, đã là nhà triết học của tự nhiên. Tình yêu thi ca, hội họa mà có lần giáo sư Cao Chi kể “một xu hướng nhỏ trong gia đình tôi ngày trước” và việc theo học trường dòng Providence (Huế), một trường cho dành cho con cháu người Pháp và con cháu các nhà giàu có trong nước với mức học phí bằng một nửa lương tháng của bố ông7, đã bổ sung cho nhà triết học tự nhiên ấy một mạch nguồn cảm xúc, một phong tư riêng biệt. Giữa những cộng tác viên sôi nổi và hoạt bát của Tia Sáng, ông bao giờ cũng có phần lắng dịu, nhỏ nhẹ. Sau này, khi đến dự các cuộc tọa đàm, ông thường bắt xe buýt từ khu Thanh Xuân lên, lần nào cũng đến rất sớm. Từ xa đã thấy cái vóc dáng thanh thoát đẹp đẽ, không thể trộn lẫn. Ông thường ngồi một chỗ khiêm tốn, cặp mắt trong veo ngước lên, lấp lánh.
Có lần, vào cuối năm 2018, TS. Nguyễn Xuân Xanh, qua Tia Sáng, gửi tặng ông cuốn sách Tại sao lí thuyết dây? của giáo sư vật lý lý thuyết Joseph Conlon mới được xuất bản. Khi nhận được email thông báo, ông lập tức gọi điện thoại đến tòa soạn, giọng háo hức “Bác được biết bác Xuân Xanh có gửi tặng cuốn Lý thuyết dây, bác mong được cầm cuốn sách quá!”.
Những mảnh ký ức lớn hơn, giữa người đọc và người viết qua những bài viết của ông, “tôi đã lớn lên cùng những bài viết về vũ trụ học của giáo sư Cao Chi trên Tia Sáng”, nhà văn trẻ Hiền Trang chia sẻ cách đây vài năm. Giờ có thể ít nhiều thấy bóng dáng của vật lý trong văn chương của Hiền Trang, điều không nhiều tác giả trẻ có được. Thật kỳ lạ, những bài viết của ông, quả thực nhiều công thức và cũng không dễ hiểu với người không học vật lý, lại giúp gợi mở và nuôi nấng óc tưởng tượng. Một thế hệ bạn đọc yêu khoa học và nhất là yêu vật lý, từ những trang viết của ông. Đó có phải là món quà lớn lao tưởng thưởng cả người đọc và người viết.
Ở điểm giao của nghệ thuật và vật lý, tâm hồn trong trẻo và giàu xúc cảm của ông đã thấy những điều đẹp đẽ và toàn vẹn “Trước tiên người nghệ sĩ đưa ra một cách nhìn mới về thế giới, sau đó các nhà vật lý sẽ định dạng từ đó một cách suy nghĩ về thế giới. Và tiếp theo sau các thành phần khác sẽ du nhập những quan điểm mới đó vào các lĩnh vực khác nhau của nền văn hóa”, “Phương thức nghệ thuật của Manet đã báo trước quan điểm của Einstein và Bohr: phải tích hợp hai khía cạnh bổ sung của thế giới khách quan mới hiểu được thực tại khách quan”, “truyền thuyết mẹ cắn ngón tay, tim con đau xót (câu chuyện cảm động về Tăng Tử và bà mẹ) là một truyền thuyết minh họa không khí của triết lý toàn ảnh”…
Giờ thì một vì sao mới, được bao bọc bởi những gợn sóng hấp dẫn lan truyền trên bề mặt không thời gian của vũ trụ huyền diệu, tỏa thứ ánh sáng thánh thiện mà khiêm nhường.
“Để thấy vũ trụ trong một hạt cát
Và bầu trời trong một đóa hoa rừng
Hãy giữ vô cùng trong lòng tay bạn
Và thiên thu trong một khắc đồng hồ”.
(Trích trường thi Auguries of Innocence, William Blake) □
————————–
1. https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nho-giao-su-nguyen-dinh-tu-28528/
2. https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1635/N30374/%E2%80%9CNguoi-dac-biet%E2%80%9D-cua-nganh-vat-ly.htm
3. https://www.iaea.org/sites/default/files/publications/magazines/bulletin/bull18-5/185_606406067.pdf
4. https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/mo-hinh-chuan-cua-vat-ly-hat-co-ban-nhap-de-phan-i-6838/
5. https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/xay-dung-mot-vien-nghien-cuu-dang-hoang-10309/
6. https://tiasang.com.vn/tin-tuc/gs-dao-tien-khoa-lam-khoa-hoc-ma-khong-tu-nghiem-khac-thi-kho-truong-thanh/
7. Tôi trưởng thành từ trường Lương Văn Chánh, Phú Yên (chicaomodernphysics.blogspot.com)
Bài đăng Tia Sáng số 17/2024