GS Micheline Lessard: Phụ nữ thường bị lãng quên

Giáo sư Micheline Lessard, ĐH Ottawa, Canada là một trong số ít những học giả phương Tây nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề buôn bán phụ nữ và trẻ em trong thời kỳ Pháp thuộc ở Việt Nam. Ấn phẩm mới đây của bà về “Buôn bán người ở Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc”, tại nhà xuất bản uy tín Routledge đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà sử học Việt Nam. Theo bà, vấn đề này thường ít được nghiên cứu và nhắc tới trong lịch sử, nhưng lại phản ánh những góc khuất trong hệ thống cấu trúc xã hội.


GS. Lessard trao đổi với TS. Trần Thị Phương Hoa, phó viện trưởng Viện Sử học trong lần sang Việt Nam khảo cứu tài liệu vào tháng 11 – 12/2017. Ảnh: Bảo Như.

Trước hết, chúng tôi muốn hỏi bà tầm quan trọng của việc hiểu về buôn bán phụ nữ thời thuộc địa của Việt Nam…

Nếu bạn nhìn vào bất kì trường hợp nào mà con người và phụ nữ bị buôn bán, nhìn vào lịch sử vấn đề cho phép bạn kết nối giữa quá khứ và hiện tại, tìm ra những nhân tố ẩn giấu dưới lớp vỏ của sự kiện đó. Đó là một cách hữu ích để thấy rằng xã hội của chúng ta đã và không thay đổi như thế nào và lí do của điều đó là gì. Buôn bán phụ nữ không chỉ là vấn đề của thời thuộc địa. Có những nguyên nhân sâu xa, không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới, cho phép tệ nạn này tiếp tục diễn ra. Nguyên nhân đó là gì? Liệu chúng có còn tồn tại đến ngày nay? Câu trả lời thật buồn là có.

Và tôi nghĩ, việc kết nối được quá khứ với hiện tại là điều hết sức cần thiết nếu bạn muốn sửa chữa những vấn đề đang diễn ra ngày hôm nay. Có một nguyên nhân dẫn đến nạn buôn bán phụ nữ kéo dài từ quá khứ đến hiện tại, là nghèo đói. Việt Nam ngày nay là một nước có thu nhập trung bình, nhưng ở một vài nơi, nghèo đói vẫn hiện diện. Những nơi đó vẫn chưa được hưởng lợi từ công cuộc phát triển kinh tế, vẫn ở trong những điều kiện tương tự như vào thế kỉ 19. Tất cả các nguyên nhân đều phải được nhận diện như thế. Có những vấn đề cần một quãng thời gian rất dài để thay đổi.

Vậy bà có thể nói về những nguyên nhân này và cách soi chiếu nó vào thời đại ngày nay hay không?

Có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn bán phụ nữ, đó là nghèo đói, thái độ của xã hội đối với phụ nữ và cuối cùng là hỗn loạn chính trị. Ở Việt Nam bây giờ, dĩ nhiên hỗn loạn chính trị không còn là nguyên nhân nhưng nghèo đói thì có. Cuộc phát triển kinh tế thần kì của nước các bạn, dù rất sống động, nhưng chưa chạm tới tất cả mọi người, vẫn để lại một nhóm người dễ bị tổn thương. Tôi có thể hiểu tại sao một số phụ nữ Việt Nam, những người sống trong nghèo đói, không có gia đình, không được học hành đầy đủ nên cũng chẳng có sinh kế nào để sống tử tế lại hứng thú với việc tìm kiếm một ai đó ở Đài Loan để gửi gắm cuộc đời.

Người bình thường sẽ tự hỏi: “Tại sao những người đàn ông Đài Loan phải ra nước ngoài để mua cô dâu?”. Nhưng với những người phụ nữ này, làm cô dâu Đài Loan là một giải pháp đầy tiềm năng, tôi biết họ sẽ tặc lưỡi, được thôi, sẽ có khúc mắc về ngôn ngữ, sẽ không còn được về nhà, nhưng ít nhất mình có nhà, có một nơi ở thoải mái, mọi thứ sẽ đỡ khổ hơn. Trong những tình huống vô cùng khó khăn, chúng ta đều cố sức để tồn tại, đều tìm cách nào đó để tiếp tục sống.


Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ký văn bản Hiệp định Paris 1973.

Về thái độ đối với phụ nữ, tôi nghĩ không chỉ là việc không coi họ như một món hàng mà là tạo ra một cơ chế xã hội mà ở đó giảm khả năng phụ nữ rơi vào hoàn cảnh như trên. Chẳng hạn như, đảm bảo rằng mọi phụ nữ đều được học hành đầy đủ. Đảm bảo rằng phụ nữ cũng được trả lương tốt ngang với nam giới, để dù có một thân một mình, họ vẫn sống sót… Kiểu như vậy. Và nói về thái độ đối với phụ nữ, ở một mức nào đó, ngay cả ở đất nước của tôi vẫn không đảm bảo được điều này. Là một nước giàu có nhưng phụ nữ vẫn được trả lương chỉ bằng 75% so với nam giới ở cùng một vị trí. Trong một công ty, tổ chức, phụ nữ cũng ít cơ hội thăng chức hơn nam giới. Ngoài ra, nếu nhìn vào những trường hợp bạo hành phụ nữ bị “bóc mẽ” gần đây ở Mỹ và rất nhiều nơi khác trên thế giới, thái độ với phụ nữ từ xưa đến nay dường như vẫn không có nhiều thay đổi, ở những nước mà quấy rối và hiếp dâm là phạm pháp, vẫn có những người rất nổi tiếng ngang nhiên thực hiện điều đó với thái độ cho rằng phụ nữ sinh ra là để bị lạm dụng. Đó hẳn là nguyên nhân khó xử lý nhất. Ngay cả khi không còn nghèo đói, không còn hỗn loạn chính trị, nếu thái độ với phụ nữ vẫn chưa thay đổi, tệ nạn này vẫn sẽ diễn ra.

Phụ nữ và động thái chính trị

Điều gì đã dẫn bà đến việc nghiên cứu về vấn đề này?

Khi tôi khám phá ra tài liệu cho chủ đề này, tôi đang thực hiện nghiên cứu về phụ nữ Việt Nam và phương thức họ tham dự vào phong trào chống chủ nghĩa thực dân và đóng góp vào chủ nghĩa yêu nước. Tôi nhận ra rằng, phụ nữ thực sự đóng góp vào độc lập dân tộc bằng nhiều cách. Nhưng nhiều điều họ làm không được coi là hành động chính trị. Sự đóng góp về mặt chính trị của một người từ trước đến nay là do nam giới định nghĩa: Họ có ở trong một đảng phái chính trị nào không? Nhưng đó không phải là một định nghĩa đầy đủ. Nếu bạn là một người ủng hộ nữ quyền, bạn nhận ra rằng, tất cả mọi thứ đều mang màu sắc chính trị.

Nếu một phụ nữ ngồi ở chợ chỉ cho quân đội Việt Nam rằng địch đang đi hướng này. Đó là hành động chính trị. Ở thời điểm đó, họ đã đưa ra một lựa chọn để giúp đồng bào mình được an toàn. Đó là sự đóng góp. Phụ nữ quyết định nuôi con mình theo cách khác, đó cũng là động thái chính trị. Nhưng tất cả những điều đó đều không được bao gồm trong lịch sử mặc dù nó nên như thế. Một vài người cho rằng việc bà Sương Nguyệt Ánh có một tờ báo riêng về nữ công gia chánh, về lối sống không liên quan đến chính trị. Nhưng, riêng ý tưởng về việc phụ nữ được xuất bản báo vào năm 1920 ở Việt Nam đã là động thái chính trị rồi. Và trùng hợp thay, cảnh sát Pháp thời bấy giờ cũng cho rằng bà là người theo chủ nghĩa yêu nước do xuất bản báo và đề cập đến đủ mọi loại vấn đề khác nhau. Ngay cả khi nội dung của nó bảo thủ. Nó vẫn là chính trị. Bạn biết không, bạn không cần đầy tinh thần cách mạng để có tính chính trị. Bạn có tính chính trị kể cả khi bạn là người bảo thủ. Chúng ta cần thay đổi góc nhìn của mình, một góc nhìn hạn hẹp về hoạt động chính trị.

Vậy, mục tiêu của tôi là nhìn vào lịch sử phụ nữ trong chính trị. Tôi hứng thú với chủ đề phụ nữ Việt Nam sống, bị đối xử và hành động ra sao trong lịch sử. Và những tài liệu về buôn bán phụ nữ mà tôi tìm thấy khi nghiên cứu cũng đều có sự kết nối với điều này. Đó là lịch sử nhận thức của xã hội về phụ nữ. 

Vậy bà có thể nói thêm về việc phụ nữ Việt Nam đã có được quyền bình đẳng giới trong lịch sử thế nào không?

Thi thoảng có một biện hộ cho chủ nghĩa thực dân ở Pháp đó là giai đoạn thuộc địa giúp cho phụ nữ đạt được một mức độ bình đẳng nhất định so với nam giới. Tôi không chắc là điều đó đúng. Nhưng điều nó đã làm, là với việc giúp phổ biến Quốc Ngữ và báo chí, từ đó tạo ra cơ hội để phụ nữ viết báo, xuất bản báo và tranh biện về những vấn đề về nữ quyền. Cũng theo cách này, sự hình thành của Đảng Cộng sản Đông Dương với những con người như Hồ Chí Minh, thấm nhuần khái niệm nam nữ bình quyền khi ở nước ngoài cũng góp phần thúc đẩy phong trào này.

Khi Việt Nam giành độc lập vào năm 1945, trong Hiến pháp và Pháp luật, khái niệm bình quyền nam nữ được đưa vào đó. Một cách hợp pháp và chính thức, các bạn có quyền bình đẳng. Nhưng, như ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, có quyền bình đẳng trên giấy tờ không có nghĩa là điều đó được đảm bảo trong thực tế. Nhưng dù sao, khi tôi đến Việt Nam, tôi có thể thấy phụ nữ làm việc trong mọi lĩnh vực ngành nghề còn trước cả khi họ được phép ở Mỹ. Vào những năm 70, khi tôi đi học thì phụ nữ còn không được nhận vào những trường kỹ thuật, nhưng các bạn có điều đó từ năm 1945. Điều đó cũng thể hiện trong lĩnh vực quân sự (cũng một phần là vì ưu tiên nó). Phụ nữ trở thành lãnh đạo trong quân đội ở Việt Nam trước khi Mỹ cho phép phụ nữ gia nhập quân đội một khoảng thời gian rất dài.

Đúng là bình đẳng được đề cập trong hiến pháp và luật pháp đầu tiên của Việt Nam và phụ nữ được tham gia vào các lĩnh vực chủ chốt trong quân đội và chính phủ từ rất sớm nhưng dường như vai trò của họ trong lịch sử quân sự và chính trị Việt Nam lại hạn chế hơn nhiều so với nam giới.

Đúng nhưng không chỉ Việt Nam mà khắp mọi nơi trên thế giới luôn có xu hướng lờ đi vai trò của phụ nữ. Tôi phát hiện ra, chẳng hạn, Nguyễn Thị Giang ở Việt Nam Quốc dân Đảng, hầu như không được nhắc đến trong khi bà ấy đã hi sinh cả đời mình cho chủ nghĩa yêu nước của Việt Nam và khi tôi đọc những ghi chép của Pháp về bà, cảnh sát Pháp thời đó nghĩ rằng bà còn tham gia vào chính trị mạnh mẽ hơn cả Nguyễn Thái Học. Bà là người tổ chức rất nhiều chiến dịch tuyên truyền và ra chiến lược cài đặt bom của Việt Nam Quốc dân Đảng. Là người có học, bà cũng là người soạn thảo các văn bản quan trọng của tổ chức này. Khi có lục đục trong Đảng và một số người tỏ ý quay lưng với Nguyễn Thái Học, bà là người đã giữ cho tổ chức của mình khỏi bị chia rẽ. Bà cũng là người luân chuyển tài liệu quan trọng bằng tàu hỏa và hóa trang xuất sắc đến nỗi chưa bao giờ bị bắt mặc dù một bên mắt bà bị hỏng.

Nghĩ đến Quốc dân Đảng, người ta chỉ nghĩ đến Nguyễn Thái Học và nhìn bà Nguyễn Thị Giang như một người bạn gái hay người vợ dịu dàng, ngọt ngào và xinh đẹp của ông nhưng trên thực tế Nguyễn Thị Giang không đi theo mà là người can thiệp sâu sắc vào việc tổ chức, lên kế hoạch, chiến lược, là người có tri thức và nhạy cảm chính trị và một phần quan trọng của đảng này.

Khi tôi tìm thấy lưu trữ về Nguyễn Thị Giang và đọc những điều bà đã làm. Tôi nghĩ: Tại sao? Đúng là có một con đường được đặt theo tên bà nhưng không có bất kì một bài báo hay quyển sách viết về vai trò của bà. Tôi không nghĩ đó là chủ ý, nhưng có lí do khiến người ta thậm chí còn không nghĩ đến điều đó. Nhiều phụ nữ trong xã hội Canada cũng có những đóng góp văn hóa quan trọng nhưng chưa bao giờ được nhắc đến trong sử sách cho đến khi ngày càng nhiều phụ nữ trở thành sử gia và bắt đầu khai quật thông tin.
Ngay cả trong thời kì mà sử gia Việt Nam và thế giới tập trung vào- Việt Nam ở những năm 1970- 1980 với sự lớn mạnh của Đảng Cộng sản, những người như bà Nguyễn Thị Bình vẫn lép vế trước những yếu nhân khác. Chúng ta biết về bà và công lao của bà trong quân đội và ngoại giao, đáng lẽ phải có quyển sách về những gì con người này đã làm nhưng nếu đi vào hiệu sách, sẽ thấy có cả bức tường sách về Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp còn của bà chỉ có một quyển hồi kí…

Xin cảm ơn bà!

Bảo Như – Hảo Linh thực hiện

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)