GS Nguyễn Tài Cẩn với chuyên ngành nghiên cứu lịch sử văn học dân tộc

Nói đến GS Nguyễn Tài Cẩn, những người có sự am tường nhất định về khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam đều có thể đồng thanh khẳng định ông là nhà ngôn ngữ học lỗi lạc, người anh cả của ngành ngôn ngữ học nói chung, Việt ngữ học và Hán ngữ học nói riêng. Địa vị của GS trong ngành hẹp của mình có thể nói là “bất khả tỷ giảo”.

Thông thường, nhà khoa học lớn trong một lĩnh vực nào đó thì công trình của người đó có quy mô và tính chất rộng lớn, vượt ra khỏi đường ranh giới vốn ít nhiều mang tính ước lệ giữa ngành hay chuyên ngành hẹp đó, để tác động sâu sắc tới các ngành hay chuyên ngành lân cận, hữu quan. Trong những trường hợp nhất định, những ảnh hưởng lan tỏa, phát tán như vậy vẫn có thể đạt tới tầm mức to lớn và quan trọng không kém ảnh hưởng mà nhà khoa học đó đã tạo ra trong chính chuyên ngành của mình.

Sinh thời, GS Nguyễn Tài Cẩn ít công khai nói tới những suy nghĩ và dự định của mình tham gia vào công việc của các ngành hay chuyên ngành khác. Mọi biểu hiện của ông làm người ta nghĩ rằng ông nhất tâm với chỉ ngành ngôn ngữ học, ít nhất những công trình khoa học được công bố vào giai đoạn sớm của ông (cho tới cuối những năm tám mươi thế kỷ trước) dường như hàm ý ấy.

Được trời phú cho tư chất hơn người (“Tài”), hành chức nhất tâm tậm lực đã đam mê lại chuyên cần (“Cẩn”), cái sự thành đại nghiệp trong một chuyên ngành ở GS dường là đương nhiên.Xin được chia sẻ ý kiến nhận xét sâu sắc và thâm trầm của GS Nguyễn Đức Dân về vị tiền bối trực tiếp : “Ảnh hưởng của ông tới giới ngôn ngữ học Việt Nam lớn nhất, lớn đến nỗi những khuynh hướng nào ông không quan tâm hoặc không thích thì khó mà phát triển”1.

Thật ra, những nhà bác học đích thực ở giai đoạn khai minh trong lịch sử của mỗi quốc gia – dân tộc không mấy ai chỉ là một chuyên gia, bó hẹp lao động và mối quan tâm của mình vào chỉ một lĩnh vực nhận thức. Từ những năm ba bốn mươi của thế kỷ XX cho tới tận nay, do hoàn cảnh bó buộc mà nhu cầu khai minh kéo dài, ở Việt Nam đã xuất hiện khá đông đảo những nhà bác học mang tính “bách khoa”, một loại hiện tượng hẳn là mang tính quy luật. Cố gò ép mình cũng chẳng được. “Anh hoa” cứ “phát tiết ra ngoài”. GS Nguyễn Tài Cẩn, qua di sản phong phú của ông, đã phải chứng tỏ mình là một trong những “con người ấy”.

Ngành nghiên cứu lịch sử văn học “muốn gì” ở ngành ngôn ngữ học?

Theo định nghĩa, thì văn học là một ngành nghệ thuật, cụ thể là nghệ thuật ngôn từ. Lịch sử văn học của một quốc gia – dân tộc, chiếu vào định nghĩa trên, có thể được phát biểu theo cách khác, rằng văn học là bộ phận ngôn từ của một ngôn ngữ quốc gia – dân tộc đạt tới định chế (status) nghệ thuật, hay được thể hiện ra như là những hình thức ngôn ngữ mang tính ngệ thuật.Lịch sử văn học của một quốc gia – dân tộc, từ một góc nhìn xác định, có thể và buộc phải hình dung như là lịch sử ra đời và phát triển của bộ phận ngôn ngữ mang tính nghệ thuật ở quốc gia – dân tộc ấy. Đây chính là lý do khách quan của việc ngay từ thời điểm ra đời của các trường Đại học lớn trên thế giới nhất là ở phương Tây thời cận hiện đại, ngành ngữ văn là một ngành cơ bản, gạo cội và tất yếu. Đối tượng nghiên cứu của ngành nghiên cứu văn học nói chung, phân ngành lịch sử văn học nói riêng cũng chính là đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học hay ít nhất cũng là đối tượng của một phân ngành thuộc khoa học đó. Xét về định chế nội tại, phân ngành lịch sử văn học là một phương diện, một “mặt cắt” của khoa học lịch sử. Vậy thì, ngay ở tọa độ xuất phát, công việc nghiên cứu lịch sử văn học là một hoạt động mang tính lai ghép, bị quy định bởi nhiều mối liên hệ hữu cơ với ít nhất là hai ngành khoa học khác, đó là sử học và ngôn ngữ học.

Nhìn từ góc độ lý thuyết “thuần túy” thì thế. Nhưng nhìn vào thực tế lịch sử của phân ngành nghiên cứu lịch sử văn học ở Việt Nam thì rất khó hình dung như thế!

Nếu quan sát cụ thể ở các tác giả biên soạn các sách giáo khoa thư của bộ môn văn học trước cách mạng tháng Tám, sẽ không khó nhận ra rằng nỗ lực lớn nhất mà các tác giả đó muốn truyền đạt là những áng văn chương tiêu biểu, đồng thời với những kiến thức sơ giản của nghệ thuật tạo tác nên những áng văn đó. Tiếp theo, các bộ sách lịch sử văn học trước Cách mạng tháng Tám như Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi, các sách văn học sử của Nguyễn Sĩ Đạo, của Ngô Tất Tố, của Nghiêm Toản. Cả đến Quốc văn giáo khoa thư của Trần Trọng Kim cũng đều trước tác theo tinh thần như vậy. Nhưng từ sau hòa bình lập lại ở miền Bắc, các bộ sách văn học sử đã có sự “đổi sắc” khá rõ rệt: nỗ lực vận dụng nguyên lý phản ánh và nguyên lý nội dung quyết định hình thức của triết học, các tác giả của các bộ văn học sử đó đã nghiêng một cách mạnh mẽ nội dung biên soạn về phía chính trị – xã hội – tư tưởng, phần nghiên cứu hình thức và đặc trưng nghệ thuật chỉ còn là thành phần phụ, thậm chí có thể bị bỏ qua. Một số khá lớn các tác giả biên soạn các bộ sách ấy, dễ giải thích thôi, là các nhà sử học! Mãi đến nửa sau thập kỷ sáu mươi, đội ngũ này mới được “trả lại tên cho em”: đó là những người nghiên cứu lịch sử văn học thực thụ!

Nhưng tuy vậy, quán tính và thao tác nghiên cứu văn học vẫn đã định hình theo lối của các sử gia và theo tinh thần triết học duy vật lịch sử. Rất ít những công trình lịch sử văn học trong cả một thời kỳ dài, từ giữa những năm năm mươi tới giữa những năm tám mươi, đặt trọng tâm là nghiên cứu “lịch sử một lĩnh vực nghệ thuật”.

Trong suốt cả thời gian ấy, ngành ngôn ngữ học may mắn thụ hưởng một “ân điển” trời cho: J. Stalin khẳng định thành nguyên lý kinh điển, rằng ngôn ngữ là phạm vi không cần quan tâm tới tính giai cấp. Được ban “phép thông công”, các nhà ngôn ngữ học mặc sức nghiên cứu hình thức mà không lo đến những bản án lơ lửng trên đầu, như điều chắc chắn sẽ xảy ra đối với các nhà nghiên cứu văn học, nếu họ táo gan làm như thế!

Các quá trình nghiên cứu diễn ra theo các quỹ đạo khác nhau, nên chẳng có gì lạ rằng giữa hai bộ phận (ngữ và văn) nhanh chóng trở nên “lạ hóa” đối với nhau. Để giữ an toàn, người làm ngôn ngữ “chẳng tội tình gì” đi sâu vào văn học. Không có bộ phận ngôn ngữ văn học, ngành ngôn ngữ đâu có suy suyển bao nhiêu về mặt đối tượng nghiên cứu? Mặc dù, từ một phía, đó chính là đối tượng “khó nhằn” và từ phía khác, cũng “vừa là thách thức vừa là cơ hội”, hấp dẫn biết bao! Những tài năng đích thực luôn luôn muốn được thử thách và thử sức mình trong việc chinh phục những đối tượng khó khăn.

Mải mê theo đuổi “chủ nghĩa nội dung”, các nhà nghiên cứu văn học, dĩ nhiên trong đó có những người làm lịch sử văn học, lại ngày càng trở nên xa lạ với những kiến thức mang tính hệ thống của ngôn ngữ học nói chung và những tri thức, phương pháp, thủ pháp, thao tác cần có nói riêng, để có thể “tự xử lý” lấy phưong diện ngôn ngữ của văn học và văn học sử. “Chi tộc ngữ văn” ngày mỗi ngày càng trở nên thưa thớt “nhân đinh”, rồi đến một ngày, như hôm nay, cơ hồ “tuyệt tự”.

Giờ thì đã có thể nói được, giới nghiên cứu văn học muốn gì ở giới nghiên cứu ngôn ngữ học. Muốn rằng, phải tái tạo lại quá trình “xích lại gần đây, xích lại gần nhau”. Muốn rằng, các nhà ngôn ngữ học và các nhà nghiên cứu văn học hãy cùng “xử lý” cái đối tượng chung đã đề cập từ “thuở định nghĩa ban đầu” ấy. Một ước mong bất vị kỷ, bất vụ lợi, nhưng dường như đã trở nên thiên nan vạn nan để thực thi.

GS Nguyễn Tài Cẩn đã làm gì với ngành nghiên cứu văn học, hay là giới nghiên cứu văn học tri ân GS ở những điểm nào?

Từ nhiều năm trước đây, vào thời điểm GS Nguyễn Tài Cẩn còn làm việc sung sức, đã có nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong và ngoài nước viết về những đóng góp mà GS Nguyễn Tài Cẩn đã – đang mang lại cho ngành nghiên cứu văn học. Vào thời điểm GS qua đời, một số cây bút cũng bắt đầu nghĩ đến công việc “định luận” những gì ông đã làm được trong lĩnh vực này. Một trong những người bạn vong niên mà tri kỷ của GS là nhà phê bình Đặng Tiến đã viết trên hướng ấy một số bài viết tâm huyết và tỏ tường. Trong bài viết ngắn này, từ góc nhìn của một người nghiên cứu lịch sử văn học dân tộc và phần nào là văn học khu vực, tôi cũng cố gắng thử hệ thống hóa lại những thu hoạch cá nhân qua việc tiếp nhận từ GS phần di sản có liên quan đến công việc của phân ngành mình làm việc2.

Đóng góp đầu tiên và sớm nhất của GS Nguyễn Tài Cẩn cho phân ngành nghiên cứu lịch sử văn học, theo ý tôi chưa phải là những công trình nghiên cứu ngữ văn lịch sử nào đó, mà ở việc với tư cách nhà khoa học có tiếng nói quan trọng, đồng thời là một cán bộ giữ cương vị lãnh đạo vào thời điểm giữa những năm sáu mươi ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã hết sức kiên trì và tích cực trong việc khôi phục lại chuyên ngành Hán Nôm. Nhờ chấn hưng được ngành học này, mà chúng ta kịp thời bảo tồn và khai thác được rất nhiều di sản của mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Mất mấy năm “làm thủ tục”, đến năm 1972 ngành Hán Nôm mới chính thức được “hạ sơn khai môn”. Chắc chắn GS Nguyễn Tài Cẩn là một trong không nhiều những nhà giáo, nhà khoa học lúc bấy giờ có đóng góp mang tính quyết định vào việc mở ra ở một trường Đại học (duy nhất) miền Bắc, ngành học này. Cứ nhìn vào đội ngũ những người từ giữa những năm bảy mươi lại nay đã và đang công tác ở Viện nghiên cứu Hán Nôm, ban Trung đại Viện Văn học, ở các sở văn hóa, các Ban quản lý di tích…và sản phẩm lao động của họ, cũng có thể hình dung ra ý nghĩa, giá trị của việc mở lại ngành học này. Không có những kết quả lao động của đội ngũ đó, dễ mà phân ngành nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam, nhất là thời trung đại và cận đại, đã phải “án binh bất động” mấy chục năm vừa qua.

Thường thì người ta vẫn hay cho rằng việc thành lập các cơ quan nghiên cứu, các trường hay ngành học ở Đại học, nói chung, các “cơ quan nhà nước” là “việc nhà nước”, và quy công cho “đường lối chủ trương” hoặc giả là cho các chính khách hàng đầu đương thời. Lối “tóm lại” ấy tuy không sai, nhưng thiếu cụ thể, trên thực tế là không nhìn nhận được vai trò, đóng góp thực của các cá nhân, nhất là các khoa học gia có tầm chiến lược. Vậy nên, một lần nữa, tôi muốn nhắc lại rằng một trong những đóng góp đầu tiên của GS Nguyễn Tài Cẩn cho ngành nghiên cứu văn học sử là tham gia tích cực vào việc mở lại ngành Hán Nôm bậc Đại học và suốt một thời gian dài GS là một trong những giảng viên chính của ngành này, đúng hơn, vừa đào tạo sinh viên, vừa đào tạo và đào tạo lại hầu hết các thầy cô giáo của ngành học đó. Nói khác đi, GS là thầy của hầu như tất cả các nhà giáo và các nhà nghiên cứu có sử dụng Hán Nôm trong công việc khắp nước Việt, dĩ nhiên trong đó có người viết những dòng này.

Tạo ra được một số lượng “tới hạn” những độc giả, thính giả “của mình” rồi, GS Nguyễn Tài Cẩn từng bước “ra khỏi nơi cố thủ” là lĩnh vực “ngôn ngữ học thuần túy”. Và những người nghiên cứu folklore bắt đầu bị cuốn vào một quỹ đạo khảo tả nghiêm ngặt về những điều lâu nay ẩn hiện trong khu vực huyền thoại, truyền thuyết3. Những tác phẩm văn học sớm nhất của văn học viết Việt Nam được “đọc hiểu” theo đúng tinh thần của thời đại mà chúng ra đời4. Phần lớn những bài viết này xuất hiện từ cuối những năm bảy mươi và kéo dài đến tận cuối đời ông.

Theo sự hiểu biết của tôi, không hề là tùy hứng, ngẫu nhiên khi GS chọn Đinh Nhật Thận, Thiệu Trị và Nguyễn Du và một số tác phẩm của họ làm đối tượng để đi sâu vào miền ngữ văn lịch sử. Trong tương lai, khi bình diện lịch sử của ngôn ngữ văn học viết dân tộc được triển khai nghiên cứu sâu rộng và đạt tới một tầm điển phạm hóa nhất định, người quan sát hẳn sẽ ngạc nhiên về độ tinh nhạy và chiều sâu của những lựa chọn này. Chỉ có điều, tương lai ấy gần hay xa thì không còn lệ thuộc vào ông nữa!

Xuất phát từ tri thức và phương pháp của ngôn ngữ học lịch sử, dựa vào sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử tiếng Việt và Hán ngữ, cùng với tri thức và năng khiếu văn học, bắt đầu từ năm 1980 GS đã lần lượt tiến hành những công trình nghiên cứu ngữ văn đích thực khi đối tượng khảo sát là những tác giả, tác phẩm văn học quan trọng: Quốc âm thi tập và Nguyễn Trãi, Bạch Vân quốc ngữ thi tập và Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giới Hiên thi tập và Nguyễn Trung Ngạn, Bài thơ Vũ trung sơn thủy và Thiệu Trị, Thu dạ lữ hoài ngâm và Đinh Nhật Thận,… để rồi, vào mười năm cuối đời, ông say sưa với Đoạn trường tân thanh và Nguyễn Du, cho xuất bản tới ba cuốn sách dày về “tư liệu Truyện Kiều”.

Tôi không muốn làm công việc quá to lớn trong một bài viết nhỏ là tổng thuật các công trình mang tính ngữ văn đích thực này của GS và vì thế, cũng chưa thể đưa ra ở đây những ý kiến đánh giá chi tiết về tác động của những công trình này đối với phân ngành nghiên cứu lịch sử văn học. Vậy nhưng không thể lảng tránh việc nêu lên những nhận định ban đầu, những đánh giá sơ bộ và có lẽ hứng thú hơn, cung cấp thêm một vài “thông tin nội bộ” về hướng nghiên cứu này của GS Nguyễn Tài Cẩn.

Như đã nói, mối liên hệ hữu cơ và tự nhiên giữa nghiên cứu văn học và nghiên cứu ngôn ngữ nằm ở miền giao thoa của đối tượng nghiên cứu, và điều đó, trong điều kiện phát triển lành mạnh của khoa học, tạo ra sự tòng thuộc lẫn nhau ở kết quả thu về của hai khoa học lân cận. Đối với phân ngành nghiên cứu lịch sử văn học, tất cả những tri thức và thành tựu nghiên cứu của ngôn ngữ học trên các bình diện ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa và từ vựng đều là những tri thức mang tính nền tảng để xâm nhập vào địa hạt lịch sử ngôn ngữ văn học, đặng tái hiện lại sự vận động của bộ phận ngôn ngữ đặc biệt đó theo diễn trình thời gian.

Dễ nhận ra rằng trong hầu hết các bộ sách về lịch sử văn học, bao gồm từ sách giáo khoa, các giáo trình Đại học, các chuyên khảo, chuyên luận do những người làm văn học sử viết, việc trình bày ngôn ngữ văn học cơ hồ vắng mặt. Thưa thớt lắm, người đọc mới bắt gặp một số nhận định, một số lời bình lẻ tẻ, vụn vặt về ngôn ngữ trong một số tác phẩm cụ thể, một số tác giả cụ thể. Xét từ góc độ lý thuyết, ngôn ngữ văn học đương nhiên phải được tìm hiểu khởi đi từ ngôn ngữ tác phẩm, qua ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ nhân vật (nếu có), tức là nhận biết từ tầm vi mô, đến ngôn ngữ thể loại, ngôn ngữ thời đoạn, thời kỳ, thời đại, tức là tầm vĩ mô. Xuyên suốt một thời đại văn học nhất định, người nghiên cứu lịch sử văn học phải chỉ ra mối liên hệ mang tính bản thể giữa ngôn ngữ trong các tác phẩm văn học với ngôn ngữ chung của thời đại tương ứng. Trong lịch sử văn học viết Việt Nam, chỉ xét riêng thời đại thứ nhất, tức từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, về mặt văn tự, văn học viết đã sử dụng song song hai hình thức chữ viết là chữ Hán và chữ Nôm. Có những tác giả chỉ trước tác bằng chữ Hán, có những tác giả chỉ để lại tác phẩm bằng chữ Nôm hoặc chủ yếu là chữ Nôm, cũng lại có một lực lượng sáng tác đồng thời sử dụng cả hai hình thức văn tự vừa Hán vừa Nôm.

Các nhà nghiên cứu và ngay cả bạn đọc phổ thông đều biết đối với người Việt, kể cả hết thảy những người được học và sử dụng chữ Hán tới tận ngưỡng đỗ đại khoa, thì kể từ ngày khôi phục lại nền độc lập dân tộc và chủ quyền chính trị của quốc gia, chữ Hán đã không thể nào còn là sinh ngữ. Theo thời gian, người Việt sử dụng chữ Hán khác dần với người Trung Quốc trên quê hương của họ. Thứ chữ Hán mà người Việt sử dụng, đặc biệt là chữ Hán văn học, chắc chắn là dần dà hình thành nên những đặc điểm riêng, trên hầu khắp mọi tiêu chí cả định lượng lẫn định tính về ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp, từ vựng, …Nền độc lập được duy trì càng lâu, sự khác biệt giữa “chữ Hán Việt Nam” với “chữ Hán Trung Quốc” càng lớn.

Lịch sử chữ Hán văn học ở Việt Nam, đó là đối tượng nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học hay các nhà nghiên cứu văn học sử? Đương nhiên là đối tượng của cả hai ngành. Nhưng trên thực tế, hầu như không một nhà nghiên cứu văn học sử nào đã từng tiến hành một công trình cơ bản nào theo đường hướng đó! Rồi đến chữ Nôm văn học cũng “cùng chung số phận”.

Các nhà ngôn ngữ học hoặc xuất thân từ ngành ngôn ngữ học có ưu thế vượt trội đương nhiên để tiến hành những công trình nghiên cứu như thế. Vậy nhưng nhìn theo lối kiểm toán, số lượng những công trình đặc khảo về ngôn ngữ văn học của giới ngôn ngữ học cũng thật khiêm tốn biết bao!

Mang những suy nghĩ và mong ước đó trình bày với GS Nguyễn Tài Cẩn từ đầu những năm tám mươi, tôi đựợc ông đồng tình, chia sẻ. Tôi đã đề nghị ông, với tư thế của “người anh cả ngành ngôn ngữ học”, hãy tổ chức hoặc cho những người làm ngôn ngữ học hướng tới mảng đề tài này, hoặc làm đạo sư cho các nhà nghiên cứu lịch sử văn học thế hệ trẻ. Chẳng rõ sự tình cụ thể là thế nào, cho tới giữa những năm chín mươi, ông bảo với tôi rằng “ Vì bắn không nên, mình đền đạn vậy”. Hai năm sau lời hứa đó, công trình nghiên cứu về ngôn ngữ thơ chữ Hán thời Lý – Trần thông qua một case study (Giới Hiên thi tập – Nguyễn Trung Ngạn) của GS viết xong, và tôi hân hạnh được là một trong những người đọc góp ý sớm nhất.

Tính hàn lâm cao độ trong các công trình nghiên cứ ngữ văn của GS Nguyễn Tài Cẩn là điều ai cũng nhận thấy, và chính tính chất ấy, nói thật lòng, khiến cho đại đa số độc giả là người nghiên cứu, giảng dạy, chưa nói là người theo học ngành văn học, ngại ngần hay sợ hãi. Không ít người giữ thái độ “kính nhi viễn chi” đối với những công trình đó. Lấy hết can đảm, tôi đã thông báo tình trạng ấy với GS, thậm chí mạnh bạo đề nghị ông giảm bớt hàm lượng thuật ngữ chuyên ngành, thứ mà tôi gọi đùa là “bùa chú khoa học”. Ông không giận tôi, lắng nghe rất căng thẳng, chăm chú, nhưng cũng lộ vẻ buồn, ít nhiều cũng băn khoăn.

Nhiều lần, GS than thở với tôi về quỹ thời gian…mặc dù ông là người có hiệu suất làm việc cao khủng khiếp. Cuốn sách về bài thơ Vũ trung sơn thủy của Thiệu Trị nếu tôi không nhớ nhầm thì từ lúc được ông chính thức khởi thảo (không kể các bài báo) cho đến lúc hoàn thành chỉ chừng ba tháng!

Chẳng dám tự nhận mình là đệ tử “danh môn chính phái, trực truyền” của thầy, dẫu vậy tôi từng nhiều lần thầm cảm ơn số phận đã run rủi cho tôi đựợc thầy coi là một người học trò nhỏ. Từ góc nhìn của một người làm lịch sử văn học, những dòng này xin được coi như những lời tri ân đối với những gì thầy đã tạo tác nên cho chuyên ngành “lân lý”. Tôi cũng hy vọng được đồng nghiệp cho phép thay mặt để nói lên.

Tháng Ba 2012, tưởng nhớ Thầy tròn năm về cõi Thọ
     T.N.V.

1. Xem Nguyễn Tài Cẩn – học giả “bất yếm, bất quyện”. T/c Văn hóa Nghệ An xuất bản. 2011, tr. 214.

2. Hiểu rằng yêu cầu của bài viết là phải mang nội dung khoa học khách quan, nhưng với một bậc thầy mà bản thân người viết có tới gần ba mươi lăm năm tiếp xúc, chịu ảnh hưởng với nhiều kỷ niệm và ấn tượng được lưu ký mãi mãi, từ phía khác, có cả không ít những cuộc trao đổi “lạnh”, thật khó mà tách bạch giữa hai hình thái diễn ngôn.

3. Xem các bài viết: Tên gốc của trống đồng Đông Sơn; Về tên gọi con Rồng của người Việt; Bàn thêm về chuyện tên Rồng; Một giả thuyết nữa về lai lịch tên “chằn” trong “chằn tinh” và “bà chằn”; Về cách đọc tước hiệu Bố Cái đại vương; Lăm và nhăm, một và mốt. In trong : Nguyễn Tài Cẩn – Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2001.

4. Chẳng hạn, cách giải nghĩa của GS về bài thơ Nam quốc sơn hà, bài từ Vương lang quy

 

Tác giả