GS Pierre Darriulat, một nhân cách khoa học lớn, một tình bạn thắm thiết với Việt Nam
Một buổi sáng cách đây 13 năm, tôi nhận được e-mail của một người ký tên Pierre Darriulat – một cái tên lúc đó còn xa lạ đối với tôi. Cho rằng đó là một thư rác, tôi xoá đi. Ít hôm sau tôi lại nhận được e-mail đó một lần nữa, lần này đọc kỹ mới hay rằng đó là thư nghiêm túc của một nhà khoa học Pháp đang làm việc ở Hà Nội có nhiều ý kiến muốn trao đổi với tôi về giáo dục và khoa học. Tôi được may mắn quen biết và kết thân với GS Darriulat từ ngày ấy.
Về sau tôi được biết ông là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực hạt nhân và vật lý thiên văn, viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ 1986, Giám đốc khoa học Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) trong khoảng 1987-1994. Sau khi nghỉ hưu cuối 1999, ông sang định cư ở Hà Nội cùng vợ người Việt, dành gần hết thời gian và công sức giúp đỡ xây dựng và phát triển vật lý thiên văn ở Việt Nam. Đặc biệt, với những thiết bị tự mua sắm bằng tiền túi hoặc tự tạo bằng nhiều cách, ông đã thành lập Phòng thí nghiệm tia vũ trụ Vietnam-Auger ở Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân Việt Nam, đặt ngay trên nóc nhà trụ sở của viện. Phòng thí nghiệm đặc sắc đó, với tên gọi VẬT LÝ, đã hoạt động hiệu quả trong nhiều năm như một thành viên của Dự án thí nghiệm quốc tế Pierre Auger săn tìm các tia vũ trụ năng lượng siêu cao. Đồng thời, trong khuôn khổ phòng thí nghiệm đó, ông đã tập hợp và đào tạo một nhóm các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực vật lý thiên văn, vật lý hạt nhân và hạt sơ cấp. Trong số các nhà khoa học trẻ được đào tạo và trưởng thành từ cái nôi này đã có năm tiến sĩ và chín thạc sĩ. Còn về kết quả nghiên cứu thì nhóm Phòng thí nghiệm VẬT LÝ, hợp tác với Đài thiên văn Pierre Auger, là đồng tác giả của nhiều bài báo quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu tia vũ trụ năng lượng siêu cao. Đặc biệt trong số đó có bài báo về phát hiện mối quan hệ giữa nguồn phát của các tia vũ trụ này với các tâm thiên hà hoạt động, đăng trên tạp chí Science, được bình chọn là một trong mười sự kiện vật lý của Hội Vật lý Mỹ năm 2007.
Năm 2008, GS Darriulat được trao giải thưởng danh giá André Lagarrigue, giải thưởng mang tên nhà bác học Pháp đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu tại CERN tìm ra hạt boson Z trung hoà vào năm 1973.
Cũng như nhiều nhà khoa học lớn, ông sống giản dị, khiêm tốn, say mê nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu, thương yêu chăm sóc tận tình các học trò của mình, đồng thời quan tâm thiết tha đến mọi mặt đời sống, nhất là về khoa học và giáo dục, ở đất nước mà ông đã gắn bó như một Tổ quốc thứ hai. Bác Pierre, như tên gọi thân thương mà các học trò của ông thường dành cho ông, là tấm gương sáng không riêng cho giới trí thức trẻ Việt Nam. Ngay cả những người trong giới khoa học đã thành danh cũng học tập được nhiều điều từ ông.
Đáng quý nhất là người thầy ấy không chỉ hết lòng chăm lo bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho học trò (dạy chữ, như cách nói của nhiều người), mà còn thiết tha lo lắng đến cả tâm hồn, cuộc sống và nhân cách của họ (dạy người – một vấn đề lớn của giáo dục ta hiện nay). Những trí thức lớn có tâm huyết với đất nước, và những nhân vật được sự nể trọng rộng rãi của những người tử tế trong xã hội, thường được ông tìm cách mời đến nói chuyện, giao lưu thân mật với nhóm học trò của ông, để giúp họ, qua những tấm gương thực tế đó, hiểu được sâu sắc nghĩa vụ của mình đối với cộng đồng, tăng ý thức tự rèn luyện thành những công dân có trách nhiệm, không bàng quan trước tình trạng nghèo nàn, lạc hậu của đất nước, biết phẫn nộ trước những bất công trong xã hội, để nung nấu quyêt tâm phấn đấu cho đất nước ngày càng tốt đẹp hơn về mọi mặt vật chất cũng như tinh thần.
Là một cộng tác viên tích cực của Tạp chí Tia Sáng, GS Darriulat đã lên tiếng rất nhiều lần trên diễn đàn này để ủng hộ, cổ vũ cho những tư duy, quan điểm, thái độ đúng đắn về giáo dục, khoa học. Ông đặc biệt quan tâm đến những người trẻ, một mặt cổ vũ cho thế hệ trẻ được mạnh dạn giao phó trách nhiệm xứng đáng từ sớm, mặt khác luôn nhắc nhở họ “biết trọng trí tuệ hơn tiền bạc, quyền lực, và nhớ rằng sự giàu có của một đất nước chủ yếu là ở bàn tay và khối óc chứ không phải ở két sắt của các ngân hàng, là ở những sản phẩm làm ra hơn là những kỹ năng tiếp thị, rằng sự giàu có ấy chủ yếu nhờ những giọt mồ hôi của người lao động hơn là những quy định có khi ngớ ngẩn được đặt ra bởi những người, những cơ quan quản lý thiếu chuyên nghiệp”.
Một vấn đề quan trọng mà GS Darriulat thường nhắc tới khi giao lưu với thế hệ trẻ là đạo đức, văn hoá làm khoa học. Trung thực, thượng tôn sự thật, nghiêm túc và liêm khiết đến cùng là những đức tính cần thiết trong đời thường lại càng tuyệt đối cần thiết trong khoa học. Một nhà khoa học chân chính không bao giờ có thể nhân nhượng với thói gian trá, như đạo văn hay thậm chí chỉ là lập luận hồ đồ, không dựa trên những bằng chứng khoa học xác thực. Không thể vì nể nang bạn bè, mà lợi dụng vị trí của mình trong bộ máy nhà nước để bênh vực, thậm chí tiếp tay những việc làm sai trái, phản khoa học, càng không thể dung túng thói gian dối như những vụ đạo văn từng gây ra tai tiếng lớn cho giới khoa học Việt Nam một thời trên một số diễn đàn khoa học quốc tế. Trong các cuộc tranh luận về đạo đức khoa học, GS Darriulat bao giờ cùng đứng bên cạnh những nhà khoa học chân chính lên án mạnh mẽ những hành động gian dối, không ngại đụng chạm những đồng sự có vai vế bất cứ ở đâu, dù trong nước hay trên quốc tế. Như có lần ông đã lên tiếng trên diễn đàn quốc tế phê phán thẳng tay thái độ cẩu thả khoa học của một số nhà khoa học khí hậu khi đưa ra những phân tích thiếu căn cứ khoa học khách quan, tuy chỉ với mục đích tốt hưởng ứng cuộc vận động đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu đang ngày càng đe doạ trầm trọng cuộc sống trên hành tinh chúng ta.
Thật là may mắn cho cộng đồng khoa học, giáo dục Việt Nam có được một người bạn chân thành, tha thiết và trí tuệ như Pierre Darriulat.