GS. Vũ Thị Thu Hà: Vượt qua “thung lũng chết” của công nghệ

Điều gì giúp sản phẩm của một nhà nghiên cứu vượt qua được “thung lũng chết” của công nghệ để đến được với thị trường? Nỗ lực cá nhân liệu có đủ?

GS. Vũ Thị Thu Hà. Ảnh: Thanh Nhàn.

Tại Việt Nam lâu nay vẫn tồn tại niềm tin ngây thơ và định kiến chết cứng là nhà khoa học chỉ có thể làm ra những bài báo với công thức khó hiểu, các công trình dạng hồ sơ lưu trữ rút cục chỉ để “cất ngăn kéo”, và dĩ nhiên không mấy hữu ích cho xã hội. Ít ai hiểu được rằng, để đi trọn một chu trình sản phẩm, từ một kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đến một công nghệ hoàn thiện, có thể chuyển giao được, họ phải trải qua vô số gian truân và thử thách trong khi sự hỗ trợ của cơ chế chính sách lại chưa nhiều. 

Bởi lẽ như vậy mà nỗi chật vật khi kinh qua những chặng đường khó khăn giăng mắc ở mọi nơi có thể làm nản lòng bất cứ nhà khoa học nào. “Nếu muốn yên ổn, rút vào nghiên cứu thuần túy, vùng an toàn thì dễ quá, phút mốt có thể rút vào an toàn được ngay vì mình có thể cứ túc tắc làm, mình không phải đâm lao, theo lao những cái mình say mê… Mọi việc thế thì đơn giản hơn nhiều”, GS. Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Lọc hóa dầu Quốc gia (KEYLAB PRT), trả lời trong một buổi trưa cuối đông, nắng vàng vờn nhẹ quanh những chậu cây xanh lấp lóa ngoài hàng hiên. Xứ nhiệt đới, đâu phải cây nào cũng chịu rụng lá, chuyển màu khi đông qua; thậm chí, có thể cái khắc nghiệt của mùa lại thành chất xúc tác đặc biệt hun đúc dòng nhựa sống gom từ từng mạch rây. “Thung lũng chết” của công nghệ cũng vậy, thách thức với nhiều người nhưng với chị, đó chỉ là một điểm mốc cần phải vượt qua, đơn giản thế thôi.

Đơn giản ư? Để hôm nay có thể nhẹ nhõm nói về nó như thế, chị đã mất hơn hai thập niên.

Bươn chải từ vạch xuất phát

Vạn sự khởi đầu nan, GS. Vũ Thị Thu Hà cũng không ngoại lệ, dù KEYLAB PRT là một trong số 16 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và có được hệ thống trang thiết bị khá hoàn bị trong khuôn khổ điều kiện của Việt Nam cách đây hơn 20 năm. Tuy nhiên, sự tồn tại lại mang dáng dấp riêng so với nhiều nơi khác. “Chúng tôi đã buộc phải tự chủ từ khi phòng thí nghiệm còn chưa ra đời”, chị nói. Sự thật đúng hai năm rõ mười như vậy: với một đơn vị mới thành lập, trực thuộc một tổ chức lớn hơn đã thuộc diện tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì chẳng có con đường nào khác. “Chúng tôi phải tự túc mọi khoản thu chi từ đầu đến cuối, không có bất kỳ một nguồn hỗ trợ về chi phí thường xuyên nào, kể cả lương cho người đứng đầu cũng không”.


Chưa cần nghĩ đến “thung lũng chết” – cái hụt hơi của đa phần kết quả nghiên cứu do không được tiếp sức bằng những nguồn lực cần thiết để tối ưu từng bước thành công nghệ và có thể ứng dụng trong thế giới thật – chỉ nội lo tiền lương cho người và tiền vận hành cho máy móc (running cost) cũng đủ nhược người. 

Được đặt ra cho hầu khắp các cơ sở nghiên cứu công lập của Việt Nam cũng từ hai thập niên trước, vấn đề tự chủ đã gây nhiều tranh cãi và để lại “dấu ấn lịch sử”, mỗi nơi một khác. Có lẽ, với KEYLAB PRT, một nơi khởi nghiệp nghiên cứu với “nhóm tiền thân năm người, trong đó có một tiến sĩ”, câu chuyện diễn ra may mắn hơn? “Do phải tự chủ nên chúng tôi phải đi tìm nguồn thu thông qua ‘đấu thầu’ nhiệm vụ KH&CN các cấp. Dĩ nhiên là làm sao mình 100% chắc chắn trúng thầu được. Vì thế, trúng thì được mà trượt thì coi như hỏng”. Có lẽ, chưa cần nghĩ đến “thung lũng chết” – cái hụt hơi của đa phần kết quả nghiên cứu do không được tiếp sức bằng những nguồn lực cần thiết để tối ưu từng bước thành công nghệ và có thể ứng dụng trong thế giới thật – chỉ nội lo tiền lương cho người và tiền vận hành cho máy móc (running cost) cũng đủ nhược người. 

Vào thời điểm được giao phòng thí nghiệm, tất cả còn ban sơ, cả chị cũng vậy. “Lúc đó nhận nhiệm vụ thì mình mới học xong tiến sĩ ở Pháp về nước, chỉ tha thiết được làm việc, hừng hực khí thế”. Vậy chị đã hiểu thực sự về tự chủ chưa? “Chưa, lúc ấy chỉ biết là phải tự nuôi nhau thôi”. Không dễ kể chi tiết về sự chật vật tồn tại của một cơ sở nghiên cứu thuộc diện tự lo ở hơn hai thập niên trước, chị đưa ra một phép so sánh: với một mầm non, nhu cầu dinh dưỡng, nước cho nó chưa phải quá nhiều, có khi chỉ cần tưới một giọt nước là đủ nhưng ở giai đoạn ra hoa kết trái thì cần rất nhiều năng lượng tiếp sức. Lúc ban đầu, phòng thí nghiệm này cũng vậy, một hai nhiệm vụ nho nhỏ cũng đủ để trang trải nhưng lúc trải qua một số đề tài, bắt đầu thấy hình hài công nghệ thì thử thách mới xuất hiện. “Nó đòi hỏi nhiều kinh phí, nhiều nguồn lực để đồng thời nuôi con người, ươm dưỡng công nghệ và rất nhiều thứ khác nữa”, chị nói.

“Tự túc là hạnh phúc”, câu nói giỡn chơi cửa miệng tạm đúng một nửa – sự chủ động trong nghiên cứu, xác định các hướng đi dài hạn và cả sự chủ động xử lý vấn đề. Tuy nhiên, ở vế còn lại là cái chật vật xoay xở trong phạm vi tài chính hạn hẹp. “Như nhiều phòng thí nghiệm khác, ở đây chúng tôi cũng gặp khó khăn trong duy tu bảo dưỡng máy móc. Máy móc chạy rồi hỏng hóc, hết thời hạn sử dụng. Nói ra thế giới người ta cười cho vì có những máy móc không thể mua được linh kiện và phụ tùng thay thế vì người ta có còn sản xuất nữa đâu”, GS. Vũ Thị Thu Hà nói về tình huống “cười ra nước mắt” của mình. 

GS. Vũ Thị Thu Hà và cộng sự trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Khánh Long/TTXVN.

Với các phòng thí nghiệm khác, khi thiết bị hỏng phải “muối mặt” làm đơn đề nghị xin đơn vị chủ quản cấp kinh phí sửa chữa (và chờ đợi rất lâu, chịu rất nhiều sức ép), còn phòng thí nghiệm của chị, đơn giản là “phải tự bỏ tiền ra sửa chữa, bao nhiêu tiền tích cóp được cũng bỏ ra hết để mua linh kiện thay thế, nhưng có khi kiểm tra thử nghiệm sau thay thế thì lại phát hiện ra máy lại bị hỏng thêm vài ba linh kiện nữa cơ. Mình phải hiểu được điều đó để mà phòng ngừa, và có phương án dự phòng”, chị không giấu giếm sự bươn chải của mình. 

Tuy nhiên trong quá trình vận hành, cũng có lúc chị gặp may. “Khi máy móc thế hệ đầu nó hỏng hết rồi, không còn giá trị sử dụng nữa thì lại được thêm, giống như cú hích”, chị nói về tác động của dự án nâng cao năng lực từ Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN (FIRST). “Dự án mà FIRST tài trợ dành cho tổ chức KH&CN có sản phẩm thai nghén ngấp nghé chuyển giao với vốn đối ứng của mình là sản phẩm và toàn bộ nhân công, toàn bộ chi phí để sản xuất công nghệ đó”.

May mắn như thế chỉ như chấm nhỏ giữa một biển thử thách. Làm thế nào chị vượt qua nó? Ồ, phải vượt qua thôi, còn bao khó khăn ở phía trước nữa chứ, nụ cười nhẹ nhõm của chị khiến người ta bật ra câu hỏi “còn nhiều khó khăn nữa sao?”. “Đúng vậy, nếu chỉ làm nghiên cứu cơ bản mà không cần chuyển giao gì cả thì không nhiều khó khăn đến thế. Nhưng ngặt nỗi tôi thường làm cái gì thì cũng theo đuổi đến cùng, không chuyện nửa nửa chừng chừng”, chị chia sẻ chân thành. 


“Với cơ chế tự chủ, nếu chỉ làm những sản phẩm tồn tại trong phòng thí nghiệm và để nó lưng chừng, cách một đoạn dài mới ra dược đến thực tiễn, thì mình lấy được nguồn thu ở đâu? Áp lực vô cùng lớn, phải ra được sản phẩm, hay nói đúng hơn là ra sản phẩm hay là chết”. GS. Vũ Thị Thu Hà

Theo trọn vòng đời sản phẩm

KEYLAB PRT nằm trong khuôn viên Viện hóa học Công nghiệp Việt Nam – tiền thân của viện là Phòng thí nghiệm Bộ Công Thương, được hình thành trên cơ sở phòng thí nghiệm của sở mỏ Đông Dương cũ. Hơn trăm năm trước, sở mỏ Đông Dương là nơi nghiên cứu và vạch ra các kế hoạch khai thác những nguồn tài nguyên nằm sâu dưới lòng đất như các loại kim loại quý, các nguyên liệu hóa thạch… Câu chuyện này đã trở thành quá vãng, không chỉ ở khía cạnh lịch sử mà còn bởi giờ đây, mọi thứ đã đổi chiều và một cuộc chạy đua mới giữa các phòng thí nghiệm hóa học lớn nhỏ trên thế giới là làm thế nào tạo ra những nhiên liệu sạch, xanh, thân thiện với môi trường để giảm thiểu hoặc thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ. Là một chuyên gia về quá trình xúc tác, GS. Vũ Thị Thu Hà không thể bỏ qua xu hướng này bởi chị biết sức mạnh của thứ “vũ khí” trong tay mình. Thông thường, trong phản ứng hóa học, liên kết giữa các nguyên tử trong phân tử bị phá vỡ để bắt đầu một tiến trình mới, khiến các nguyên tử được sắp xếp lại, cấu trúc xây dựng lại, kết hợp lại, hình thành các phân tử mới. Chất xúc tác làm cho quá trình này diễn ra hiệu quả hơn, giúp các nguyên tử dễ dàng bị phá vỡ và hình thành liên kết hóa học để tạo ra các kết hợp mới, đồng thời còn tiết kiệm năng lượng hơn. Do đó, chị mong muốn tạo được ra những sản phẩm có thể giúp tối ưu quá trình đốt cháy nhiên liệu, dù nó ở dạng rắn hay lỏng, dù nhiên liệu hóa thạch hay sinh học. 

Cái đích hay thế nhưng khổ một nỗi, rất khó để tìm ra một chất xúc tác hoàn hảo có thể làm cho nhiên liệu sử dụng trong các động cơ đốt trong của ô tô, xe máy, lò nung clinker ở các nhà máy… được đốt cháy hoàn toàn mà vẫn đảm bảo đạt các yêu cầu: không phát thải thêm khí thải vào môi trường nhưng không được làm tăng thêm các bước chuẩn bị, không làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của thiết bị, và nhất là không làm tăng chi phí người dùng. Mấy không trong một có, thách thức chẳng kém việc phải tự chủ! Bản thân chị cũng biết rõ “Làm ra được sản phẩm theo xu hướng thế giới không dễ, nó đòi hỏi mình phải có nguồn lực và cũng phải có sự đầu tư chứ không thể làm chơi chơi được. Và mình cũng phải chấp nhận là mình phải theo nó lâu dài, theo nó đến lúc thành hình hài sản phẩm”.

GS. Vũ Thị Thu Hà có mặt tại nhà máy xi măng Tân Thắng trong buổi thử nghiệm công nghệ.

Thật khó mà liệt kê được tất cả những gì nếm trải trong chục năm đó, gối đầu rất nhiều đề tài, để đi từ một kết quả thai nghén, thử nghiệm, ứng dụng thử nghiệm, đến thương mại hóa. Vậy đào đâu kinh phí cho đủ? “Cũng tùy lúc, may thì rơi vào lúc có những đề tài gối đầu nhưng thường thì khoa học có độ trễ nên có thể dễ rơi vào các tình huống như đề tài chưa xong thì có doanh nghiệp muốn thử nghiệm chẳng hạn, hoặc xong đề tài rồi thì lại chưa gặp được doanh nghiệp. Nếu tại một thời điểm nhất định nào đó nó không khớp về mặt thời gian như vậy thì mình phải bỏ tiền ra. Nếu gặp đúng thời điểm thì có nhiệm vụ KH&CN hỗ trợ còn nếu không thì tự mình phải bỏ tiền ra thôi”. 

Năng lực bươn trải của người quyết làm, có lẽ, tăng theo hàm mũ trong những tình huống không khớp về thời gian mà trớ trêu thay lại phổ biến. Đó là lý do, có lúc chị đã phải “cầm sổ đỏ”, vay lãi để có kinh phí gối đầu. Liệu chị có sợ thất bại, khi khoa học có tiếng là rủi ro với câu “sấm truyền”: rủi ro trong nghiên cứu cơ bản thì lớn nhưng tổn thất thì nhỏ còn cái rủi ro của nghiên cứu ứng dụng thì nhỏ nhưng tổn thất thì lớn. “Đúng là thách thức, thường khi bắt tay vào làm thì dù tự tin nhưng cũng không thể bỏ qua được việc nghĩ là nó thất bại sẽ như nào”, kinh nghiệm rút ra từ hơn hai thập kỷ tích lũy của chị. “Thất bại trong nghiên cứu cơ bản thì chi phí của nó chỉ gói gọn trong phòng thí nghiệm và cái tốn kém chính là công sức của người thực hiện, là thời gian, trong khi thử nghiệm mà hỏng thì mất ‘tiền tươi thóc thật’, và mất nhiều vì quy mô đã lớn và làm hỏng của người ta thì phải đền”. 

Chị đã trải nghiệm tất cả những điều đó, kể cả cái hồi hộp bất an khi ứng dụng thử nghiệm ở nhà máy. “Nó là câu chuyện khác. Ở ngoài thực tế có muôn vàn yếu tố tác động, và nó đòi hỏi một sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học và doanh nghiệp. Chỉ có những người tại nhà máy mới hiểu được quá trình ứng dụng nhất, biết được vấn đề mà người ta cần phải cải tiến chẳng hạn, và chỉ có mình hiểu sản phẩm của mình nhất. Hai người ấy mà đồng hành với nhau được thì thường thử nghiệm sẽ thành công”. 


“Muốn chuyển giao được sản phẩm phải cần đến rất nhiều điều kiện, trong đó cả nhà khoa học lẫn doanh nghiệp đều phải là những người cùng thích cái mới, thích sản phẩm mang lại hiệu quả thực sự và cùng chấp nhận rủi ro để cộng hưởng. Nếu chuệch choạc thì sẽ không ra kết quả”. GS. Vũ Thị Thu Hà

Những kinh nghiệm như thế là chất thử của lòng kiên nhẫn. “Muốn chuyển giao được sản phẩm phải cần đến rất nhiều điều kiện, trong đó cả nhà khoa học lẫn doanh nghiệp đều phải là những người cùng thích cái mới, thích sản phẩm mang lại hiệu quả thực sự và cùng chấp nhận rủi ro để cộng hưởng. Nếu chuệch choạc thì sẽ không ra kết quả”, chị ngậm ngùi khi đề cập đến ‘cái duyên’ chuyển giao của nhà khoa học. Ngay cả dòng phụ gia đa năng tiết kiệm nhiên liệu và giảm khói thải ô nhiễm, không cần phải khuấy trộn và chỉ cần dùng ở mức phần triệu trong nhiên liệu, nghe thì hấp dẫn thế nhưng đi mãi mới gặp được bạn đồng hành – nhà máy xi măng Tân Thắng ở Nghệ An trong nỗi bí bách về chi phí nhiên liệu (than) đã tìm đến chị. “Ba bốn ngày đầu thử nghiệm phụ gia FNT6VN và ECOAL không như ý muốn, nếu dừng ở đây đơn giản là ba ngày đầu không ra gì hết, thậm chí còn âm. Nếu những người ở Tân Thắng không giỏi về công nghệ, không cảm nhận được công nghệ, không có được sự quyết tâm, ủng hộ của lãnh đạo cũng là dân công nghệ thì chắc chắn thử nghiệm sẽ dừng lại và đưa ra kết luận là không có tác dụng gì”, chị nhớ lại. “Lúc đó chán lắm rồi, tinh thần xuống lắm rồi bởi vì thực tế thì không phải do sản phẩm của mình mà do phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố”.

Trước Tân Thắng cũng có vài ba thử nghiệm thất bại như vậy nhưng cái may ở đây là họ phát hiện ra điểm sáng cần thiết. “Họ không bỏ cuộc, đến ngày thứ tư mới nhìn thấy ánh lửa và thứ sáu, thứ bảy mới bắt đầu đạt được điểm maximum của đồ thị và thấy thành công”. Sự kiên trì của hai bên đã đem đến kết quả ngoài mong đợi: phụ gia ECOAL giúp giảm chi phí bảo dưỡng, tăng tuổi thọ vật liệu liên quan trực tiếp đến nhiên liệu như gạch xây lò, và làm quá trình vận hành lò không bị tắc khi tránh được sự kết bám của muội than trong lò nung mà dân trong nghề gọi là “trứng khủng long”… “Cái hay nữa là phụ gia của mình có thể phối trộn với các loại than cấp thấp hơn so với thiết kế của lò đốt. Đó là công sức của các anh ấy tiếp tục thử nghiệm và đến bây giờ thì lò đốt clinker chạy được bằng than cám 6a. Trên thế giới chưa có lò đốt loại than xấu nào đến như vậy mà lại thành công”, chị nói như reo trong niềm vui chứng thực được hiệu quả từ thứ công nghệ “của đau, con xót”.

Rút cục, nếu việc sử dụng bộ phụ gia đem lại cho Tân Thắng một khoản tiết kiệm về chi phí nhiên liệu xấp xỉ 170 tỷ đồng/năm và những khoản chi phí khác chưa đo đếm được thì với GS. Vũ Thị Thu Hà, nó củng cố thêm niềm tin để mở rộng dòng sản phẩm. Trên một bộ khung cơ bản có sẵn, chị hình thành được ba bốn sản phẩm khác nhau của dòng phụ gia đa năng, tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí thải, có thể áp dụng cho các dạng nhiên liệu khác nhau. Có lẽ, chỉ khi hiểu và yêu sản phẩm đến từng phân tử thì một nhà khoa học mới có thể “thiên biến vạn hóa” nó như thế. 

Đổi mới từ nội lực và say mê

Những thành công như thế có đưa KEYLAB PRT chuyển hướng sang ứng dụng và chuyển giao để tạo nguồn thu ổn định không nhỉ? Nghe có vẻ có lý nhưng nếu phòng thí nghiệm này, vốn đã hoạt động độc lập và tự chủ, nay chỉ tập trung vào đó thì sẽ không khác gì một doanh nghiệp KH&CN, chị trao đổi. Thậm chí, nếu chạy theo doanh thu, có thể sẽ rơi vào cảnh mòn cụt vốn liếng công nghệ, không còn gì mới mẻ nữa. “Mình vẫn phải tiếp tục nghiên cứu cơ bản chứ bởi làm nghiên cứu cơ bản tốt là để phục vụ cho chính công nghệ. Công nghệ mà không có cơ bản thì làm sao mà bền vững được, làm sao mà đi đến cùng được, làm sao mà đáp ứng được nhu cầu của xu hướng thế giới bây giờ”, GS Vũ Thị Thu Hà nói. Ừ nhỉ, mình vẫn phải làm đổi mới sáng tạo, làm ra cái mới, mình không thuần túy là sản xuất kinh doanh. Quan trọng hơn, “mỗi sản phẩm mình đưa ra phải có cái gốc về khoa học, về đổi mới sáng tạo, nó phải có cái gì khác biệt, còn nếu như giống sản phẩm của người thì mình không thể cạnh tranh được”. 

Càng làm, chị càng thấm thía nỗi hàm oan của giới khoa học, “nhà khoa học không có kỹ năng nào để kinh doanh, chào hàng cả, lại càng không giỏi makerting, không giỏi đánh bóng, dù giỏi chuyên môn. Sản phẩm của họ rất khó để đến được với thị trường”… Từ những gặt hái ban đầu từ sản phẩm của mình, chị cho rằng, có may mắn dự phần “Nói chung có được 1 đến 2% may mắn trong cuộc đời là đã thấy nhiều lắm rồi”. 

Do đó, chị chỉ biết làm tốt từ cái gốc khoa học của mình, với tinh thần bền bỉ không khoan nhượng. Nhờ vậy mà chị có thể tự hào “Chúng tôi có một ngân hàng công nghệ, sau hơn 20 năm tích lũy”. Tại sao lại thế nhỉ? “Chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu cơ bản nên khi hình thành công nghệ A thì có khi nó lại tạo ra cho mình cái đổi mới sáng tạo để đi đến công nghệ B khi cả hai công nghệ trên cùng một trục đường, một hướng nghiên cứu, một vấn đề quan tâm  của thế giới. Nếu mình nắm được từ cái gốc gác của vấn đề thì từ một cái nhánh có thể tỏa ra nhiều công nghệ”. Trên thực tế còn có những điểm thưởng từ quá trình ứng dụng. “Thông thường, mỗi nhà máy là một chủ thể đặc biệt và riêng biệt, không nhà máy nào giống nhà máy nào. Không có một sản phẩm nào có thể áp dụng phù hợp ngay mà đều phải điều chỉnh cho từng nơi, từng địa điểm, từng thời gian nên các sản phẩm có thể được thiết kế riêng theo nhu cầu của họ”. 

Thật kỳ lạ, trên cái nền cơ bản với các từ khóa ‘quá trình xúc tác’, ‘công nghệ hóa dầu’, ‘xúc tác dị thể’ tưởng chừng rất riêng mà chị có thể ứng biến thử nghiệm trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều phạm vi khác nhau. Con mắt của nhà chuyên môn thấy “hầu hết chúng lại có mối liên hệ với nhau, chẳng hạn với nguyên liệu tái tạo có nguồn gốc dầu béo, sinh khối, bất kể với chất gì thì cũng có hằng hà sa số sản phẩm có thể đi ra từ nó hoặc các thứ khác đi vào cho nó ứng dụng. Quan trọng là mình nắm được cái gốc và cái xu hướng của thế giới nữa”. 

Vô số ý tưởng chồng chập trên cái nền xúc tác khiến người ta bị ngợp và đặt câu hỏi: liệu 24 giờ một ngày có đủ để chị thỏa sức nghiền ngẫm ý tưởng và nghiên cứu? Khuôn mặt chị rạng rỡ “Nếu muốn làm việc thì một giây cũng làm việc được mà, mình lại nghĩ về nó suốt ngày và nó cũng nằm trong máu thịt của mình rồi. Và nếu không được suy nghĩ gì về công việc thì mình như chết luôn, mình cảm thấy mọi thứ nó cứ nhạt nhẽo đi”. 

Nỗi ước ao của chị, một người bây giờ tạm cho mình có thể về ‘sớm’ hơn trước – tầm sáu rưỡi, bảy giờ – là  có thể dành tất cả thời gian và sức lực của mình để làm nghiên cứu và đổi mới. Nhưng bản thân việc gần như dành trọn tâm trí cho công việc đôi khi cũng buộc chị phải hy sinh. “Khi mang bầu bé thứ hai đến tháng thứ bảy, tôi vẫn sang Pháp công tác. Năm ngày sau sinh đã trở lại làm nghiên cứu. Được một tháng thì cho em bé vào giỏ xách cùng mẹ đi họp, đói thì bú nhờ đồng nghiệp của mẹ, chờ mẹ họp xong. Mười một tháng tuổi, em lại theo mẹ sang Pháp họp hành”. Trong bức ảnh đại diện trang cá nhân trên ResearchGate của chị, cặp mắt long lanh của cô con gái nhỏ và nét dịu dàng, duyên dáng của người mẹ nhắc nhở một kỷ niệm đẹp cũng ở Pháp, trong một chuyến làm việc khác.

Cuộc đời hóa ra có những tưởng thưởng bất ngờ, khi niềm say mê của người mẹ trở thành chất xúc tác điều hướng lựa chọn nghề nghiệp của con cái. “Cả hai đứa đều theo đuổi đúng chuyên ngành của mẹ. Một sự trùng lặp thú vị là năm 2023, con trai tôi bắt đầu trở thành nghiên cứu sinh tại đúng nơi tôi từng làm nghiên cứu sinh cách đây 27 năm, một viện nghiên cứu hàng đầu châu Âu về quá trình xúc tác” –  niềm hạnh phúc của chị quả thực tăng theo hàm mũ…

Giờ thì thời gian hun đúc thêm ở người phụ nữ ấy sự vững chãi, đằm thắm, và cả những nếp nhăn, nhưng không thể tước đi ngọn lửa đam mê trong đôi mắt “Tôi vẫn chỉ thích suy nghĩ và tìm tòi, cho đến bây giờ vẫn thế. Có lẽ, bây giờ cũng có thể đến lúc cho phép mình lười lười nhác nhác được song tôi vẫn cảm thấy tràn trề năng lượng và say mê”.□

Bài đăng Tia Sáng số 1+2/2025

Tác giả

(Visited 130 times, 130 visits today)