GS.Đỗ Đức Thái: Toán học thật đẹp và quyến rũ

Năm 1996 được Nhà nước phong hàm PGS khi mới 35 tuổi, bảy năm sau tiếp tục được phong hàm GS, tính về tuổi đời, anh là một trong những giáo sư trẻ nhất hiện nay. Khiêm nhường, đôn hậu nhưng quả quyết và chắc chắn, đó là những cảm nhận khi lần đầu tiếp xúc với anh, GS. Đỗ Đức Thái-Phó Chủ nhiệm Khoa Toán, ĐHSP Hà Nội.

Muốn thành công phải nỗ lực không ngừng
Thoạt đầu, nhiều người không thể hình dung được tại sao một người ở độ tuổi mà theo định kiến chung là còn rất trẻ như anh mà đã có thể trở thành một “vị” giáo sư toán học có tiếng ở một trường đại học lớn. Khi đã tiếp xúc và hiểu anh rồi thì đây không còn là “chuyện lạ” gì nữa. Anh tâm sự, “Muốn thành công thì phải nỗ lực không ngừng”.
Ngay từ nhỏ Đỗ Đức Thái đã kịp “bén duyên” với toán và liên tục là học sinh xuất sắc của các trường chuyên. Năm 1975, chàng trai xứ Hà Thành này được nhận vào học tại khối chuyên toán của ĐHSP Hà Nội. Đó là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời anh, “cái duyên” hướng anh vào “nghiệp” toán. Và bắt đầu từ đó, như anh  vẫn thường nói, “toán đã ngấm vào máu thịt của mình”. Đến năm 1978, được chọn là một trong 8 người tham gia đội tuyển Olympic Toán quốc tế tại Rumani, anh đã vinh dự mang về cho Đất nước tấm huy chương đồng. Nhưng dường như, song hành với những thành công rạng ngời lại đan xen những “rủi ro”, mà nếu không có nó, ngày nay biết đâu anh đã trở thành một “vị giáo sư” ở một trường đại học ở nước ngoài như bao bạn học của anh cùng tham gia đội tuyển đợt đó? Nhưng cũng có thể đó là “cái may”, bởi vì thế mà Đỗ Đức Thái tiếp tục được “tôi luyện” trong cái nôi ĐHSP.
Chỉ mất có vỏn vẹn hai năm hoàn thành chương trình đại học, ra trường, với thành tích học tập xuất sắc, Đỗ Đức Thái được giữ lại trường làm giảng viên. Cánh cửa lớn đã mở để anh tiếp tục dấn thân vào cái “nghiệp” của gia đình mà ở đó các anh chị em đều làm toán. Đến năm 1982, anh bắt đầu làm nghiên cứu sinh về hình học vi phân dưới sự hướng dẫn của GS.Đoàn Quỳnh. Trong quá trình làm đề tài đã xuất hiện những bài toán mới. Và từ đây, anh đã được GS.Nguyễn Văn Khuê dìu dắt và tận tình giúp đỡ. Số phận đã ưu ái khi năm 1992, trong thời gian làm thực tập sinh ở Liên Xô (cũ), anh có cơ hội được học hỏi dưới sự chỉ bảo của GS.M.Zaidenberg. Nhưng cuộc đời không mỉm cười. Đến thời điểm gần hoàn thành xong luận án phó tiến sỹ thì Liên Xô xảy ra những biến động chính trị. Phân viện toán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô không thể bao cấp kinh phí được nữa. Có được 2000 USD trang trải cho việc tổ chức Hội đồng chấm luận án đối với anh là “bất khả thi”. Vì vậy, chỉ còn cách trở về bảo vệ trong nước. Sau khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ, đến năm 1995, anh tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại ĐHSP Hà Nội. Nhìn lại những khó khăn gặp phải, anh thầm cảm ơn GS.Nguyễn Văn Khuê và GS. M.Zaidenberg. Có lẽ thế cho nên anh thường bông đùa với đồng nghiệp đang làm việc ở nước ngoài rằng, “mình là sản phẩm giáo dục hoàn toàn “made in” Việt Nam”.
Tính đến nay, Đỗ Đức Thái đã có 26 năm tuổi nghề.  Nếu đem so sánh với tuổi đời thì đó quả là con số quá lớn. Lấy toán học làm niềm say mê, cặm cụi lao vào nghiên cứu, anh đã có khoảng 30 bài báo công bố trên những tạp chí toán học quốc tế. Nếu tính trung bình, mỗi năm GS. Đỗ Đức Thái cho “ra lò” khoảng 2 bài. Anh cho biết, “Đôi khi gặp những bài toán khó, để tìm ra lời giải cuối cùng thì mất khoảng 1 năm, thậm chí phải vài năm”. Anh đã đi sâu nghiên cứu và đạt được những kết quả xuất sắc trong lĩnh vực hình học của những không gian phức hypecbolic cũng như lý thuyết phân bố giá trị và xấp xỉ Diophantine.
Ngoài công việc nghiên cứu, GS. Đỗ Đức Thái còn tham gia giảng dạy, đào tạo nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước. Hiện anh là giáo sư thỉnh giảng của một số trường đại học ở Pháp, Nhật, Đức. Chính điều này đã tạo cơ hội giúp anh không ngừng nâng cao chuyên môn, đạt tới những chuẩn mực cuă khoa học thế và từ đó dần áp dụng  vào điều chỉnh đào tạo nghiên cứu sinh trong nước. Những thành công mà vị giáo sư này có được là kết quả của những nỗ lực, niềm say mê và phấn đấu không mệt mỏi. Anh tâm sự, “Toán học thật đẹp và quyến rũ. Và vì vậy, tôi luôn cảm thấy cần phải học và nỗ lực làm toán không ngừng”.

“Tôi lo lắng sẽ không còn nhiều bạn trẻ làm toán”

Khi một nền kinh tế chuyển đổi từ  cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường thì những ngành khoa học cơ bản lý thuyết nói chung, trong đó có toán, vốn “sống” và phát triển được nhờ vào đầu tư và bao cấp của Nhà nước sẽ bị tác động đầu tiên, tác động một cách khốc liệt, và “sụt giảm” rõ rệt. Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Cái mà những ngành khoa học này làm ra và đóng góp cho xã hội là rất lớn nhưng lại “vô hình”, không thể đo được bằng đồng tiền cụ thể. GS. Đỗ Đức Thái nhận định, “Nền toán học của ta đang ở vị trí rất thấp và còn rất xa mới có thể so sánh với những nước có nền toán học phát triển…”. Nhưng anh cũng tin rằng, “Việt Nam có đủ những sinh viên toán ưu tú nhất”. Do nhiều nguyên nhân mà những cô cậu sinh viên này không tiếp tục chọn toán như là một nghề nghiệp. Nhiều lúc, anh cảm thấy chạnh lòng khi thấy những học sinh giỏi đều “bỏ” toán mà lao vào những ngành như kinh tế, ngoại thương hay ngoại giao.
Trong vị trí một người thầy và gánh vác trách nhiệm của người quản lý, GS.Đỗ Đức Thái không khỏi lo lắng cho thế hệ làm toán kế cận. Anh cho biết, “Khi thế hệ những người làm toán đi trước nhìn lại, họ sẽ thấy một sự hụt hẫng lớn đối với thế hệ làm toán kế sau”. “Chỉ cần 10 năm nữa, khi các thế hệ làm toán cha chú dần vắng bóng, nếu không tập trung đào tạo gấp rút lực lượng trẻ làm toán kế cận thì ngành toán học sẽ bị “hẫng” lớn”, anh tiếp lời. Theo anh, Nhà nước phải có một đầu tư tốt hơn, thực sự là bao cấp, cho những em sinh viên trẻ, giỏi trong lĩnh vực toán vì phần lớn những em theo học toán đều là con nhà nghèo. Cũng chính từ nỗi băn khoăn trước cuộc khủng hoảng đội ngũ mà nhà khoa học này đã dành nhiều thời gian, dồn hết tâm huyết để đào tạo những nghiên cứu sinh về toán. Đến bây giờ, đã có 9 tiến sỹ được “ra lò” dưới sự hướng dẫn của anh. Đây là một con số “đáng nể” đối với một nhà khoa học còn “trẻ”. Nhiều học trò của “ông giáo sư” này hiện đã thành danh ở nước ngoài và cũng có người đã trở thành TSKH.
Khi được hỏi về tương lai phát triển toán học ở Việt Nam. Thoáng chút suy tư, anh bộc bạch, “Để thúc đẩy nền toán học nước nhà đi lên thì cần phải có một chính sách trên tầm quốc gia. Và như Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói, “cần phải có một chương trình mục tiêu”. Rồi anh tiếp, “Chính sách mục tiêu như vậy phải giải quyết hai nhiệm vụ: Tạo điều kiện để những nhà toán học Việt Nam đã thành danh hiện nay làm việc được tốt hơn; Đào tạo ra một lớp các nhà toán học trẻ, càng nhiều càng tốt, tiệm cận đến trình độ quốc tế”. Theo anh, để thực hiện được nhiệm vụ thứ nhất thì phải thực hiện được 3 việc: Phải tạo điều kiện vật chất thuận lợi để nhà khoa học có thể yên tâm làm việc, trong đó điều quan trọng nhất là phải đảm bảo mức lương đủ sống; Tạo điều kiện về hợp tác và giao lưu quốc tế; Phải có quỹ tài trợ khoa học thường xuyên.

GS.Đỗ Đức Thái thỉnh giảng ở Đại học Tổng hợp Zurich, Thụy Sỹ.

PV

Tác giả

(Visited 68 times, 1 visits today)