GS.TS. Đàm Thanh Sơn: Việc cần làm nhất là tập trung xây dựng một trường đại học thật tốt

Trước thềm năm mới, GS.TS Đàm Thanh Sơn- Đại học Washington ở Seattle, Mỹ đã có cuộc trao đổi với Tia Sáng về Khoa học và Giáo dục nước nhà.

Trước hết xin GS cho biết đôi nét về công việc hiện nay của GS?
Là một giáo sư Vật lý tại trường, tôi có trách nhiệm giảng dạy cho sinh viên. Thời gian giảng dạy không nhiều, thời gian còn lại tôi được tự do nghiên cứu. Tôi nghiên cứu về vật lý lý thuyết, chủ yếu là vật lý hạt cơ bản và vật lý hạt nhân, nhưng tôi cũng quan tâm đến vật lý chất rắn, thiên văn học, và các ngành vật lý khác. Nguồn tài trợ chính cho nghiên cứu của tôi là từ chính phủ liên bang Mỹ, thông qua Bộ Năng lượng.
Hiện nay tôi nghiên cứu về chất plasma quark gluon. Đây là trạng thái của vật chất ở nhiệt độ rất cao, tới hàng nghìn tỷ độ C (1012độ C). Trạng thái này đã từng tồn tại trong những khoảnh khắc đầu tiên của vũ trụ, và người ta đang tìm cách tái tạo lại nó trong phòng thí nghiệm. Trong quá trình tái tạo này, người ta tìm ra là chất plasma quark luôn có một tính chất rất lạ, là độ nhớt của nó rất thấp. Tôi muốn hiểu chi tiết hơn về trạng thái này, và tại sao độ nhớt lại thấp.
Là một nhà lý thuyết, các công cụ nghiên cứu của tôi hết sức đơn giản: một tập giấy nháp, một cái bút, và một thùng rác để vứt các tính toán sai hoặc vô dụng (trong đó có thể thùng rác là quan trọng nhất!). Ngoài ra, tôi còn sử dụng máy tính cá nhân, có nối Internet.

Vậy trong hoàn cảnh Việt Nam, phải chăng trước mắt ta nên tập trung phát triển vật lý lý thuyết, đến khi có một hạt nhân vật lý lý thuyết mạnh và có đủ điều kiện về kinh tế, ta có thể bắt đầu đầu tư vào nghiên cứu thực nghiệm?
Con đường này nghe có vẻ rất hấp dẫn. Tiếc thay, vấn đề không đơn giản như vậy. Để giải thích, tôi phải nói thêm về công việc của một nhà vật lý lý thuyết.
Một nhà nghiên cứu giỏi trong ngành vật lý lý thuyết phải biết những kiến thức cơ bản về vật lý hiện đại, như cơ học lượng tử, vật lý thống kê. Tuy nhiên, có kiến thức không chưa đủ, điều quan trọng hơn là phải “đánh hơi” được ở đâu ta có thể tìm ra những quy luật mới của tự nhiên. Một nhà vật lý lý thuyết cần có hai kỹ năng: một là kỹ năng tính toán, tức là có thể làm các phép tính dài mà không bị nhầm lẫn, và thứ hai là biết được những vấn đề nào là vấn đề quan trọng để tiến hành tính toán. Kỹ năng thứ nhất có thể luyện được, kỹ năng thứ hai đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, và không phải ai cũng có được. Làm sao để biết được vấn đề gì là quan trọng, vấn đề gì không?
Điểm then chốt là ở chỗ này: vật lý là một khoa học thực nghiệm. Vấn đề quan trọng là các vấn đề có quan hệ trực tiếp đến thế giới tự nhiên. Một nhà vật lý lý thuyết giỏi là một người biết hiện trạng của vật lý thực nghiệm: Những tiên đoán nào của lý thuyết có thể kiểm tra được bằng thực nghiệm? Những kết quả thực nghiệm nào đang đòi hỏi lý thuyết giải thích? Một nhà lý thuyết không những phải biết các kết quả công bố trên báo chí, mà phải biết sàng lọc: kết quả nào đáng tin, kết quả nào không? Bởi vì có nhiều kết quả thực nghiệm sau một thời gian lại hóa ra là sai.
Một ví dụ là việc khám phá ra hạt Theta+.
Làm sao nhà vật lý lý thuyết có thể chọn lọc được trong một mớ bòng bong, kết quả thực nghiệm nào là đáng tin cậy, kết quả nào khả nghi? Để làm được việc này, những người làm lý thuyết phải dựa vào một đội ngũ các cộng tác viên, đồng nghiệp, trong đó có những đồng nghiệp trực tiếp làm thực nghiệm. Qua họ, các nhà vật lý lý thuyết sẽ có được những thông tin chính thức, bán chính thức, thậm chí cả tin đồn (ví dụ, “nghe nói ở A người ta đang định kiểm tra lại thí nghiệm của B…”). Trong khoa học, cái máy điện thoại cũng là một công cụ nghiên cứu lợi hại.
Như vậy, nếu Việt Nam chỉ theo đuổi vật lý lý thuyết trong tình trạng không có các nhà vật lý thực nghiệm hỗ trợ thì các nhà vật lý lý thuyết sẽ rất khó khăn trong việc định hướng nghiên cứu. Có thể một số người có được liên hệ với các đồng nghiệp của mình ở nước ngoài, nhưng số người đó chắc sẽ là thiểu số. Ngoài ra, không có vật lý thực nghiệm làm “keo dính” họ chắc sẽ làm việc đơn lẻ, rời rạc (thường tinh thần cá nhân chủ nghĩa của các nhà vật lý lý thuyết rất cao!) không tạo nên được một cơ sở để phát triển lâu dài.

Theo GS, ở Việt Nam vấn đề gì là cấp bách nhất để phát triển khoa học?
Không ít nhà khoa học đang làm việc ở nước ngoài, rất gắn bó với đất nước, rất muốn về Việt Nam để làm việc, nhưng hiện vẫn chưa về. Vấn đề không phải là lương bổng: phần lớn những người đi theo con đường khoa học là những người không đặt lợi ích vật chất lên cao nhất (nếu không họ đã làm những ngành khác từ lâu!). Cuộc sống ở Việt Nam có rất nhiều nét hấp dẫn, và Nhà nước cũng đang quan tâm đến việc thu hút chất xám từ nước ngoài, nhưng trên hết đó là Tổ quốc, là nơi có gia đình và những người thân. Vậy tại sao họ chưa về? Theo tôi, ngoài môi trường nghiên cứu như tôi đã trình bày ở trên, còn có một số lý do khác. Ở đây tôi muốn tập trung nói về vấn đề giáo dục.
Không ai có thể phủ nhận những thành tựu to lớn của nền giáo dục Việt Nam. Từ một nước phần lớn dân số mù chữ, Việt Nam đã có một nền giáo dục phổ cập trung học. Và theo tôi, những học sinh tốt nghiệp phổ thông ở Việt Nam, ít nhất là ở những trường tốt mà tôi biết ở Hà Nội, có kiến thức sơ đẳng về khoa học không thua kém nhiều so với bạn bè cùng lứa ở các nước phát triển. Tuy nhiên, tới đại học thì khoảng cách đó trở nên rất xa.
Theo tôi, thông qua các chương trình tài trợ của Nhà nước hay nước ngoài, chúng ta đã và đang tạo điều kiện cho sinh viên được học trên đại  học ở nước ngoài. Tuy nhiên, đó mới là sự hỗ trợ bước đầu về mặt tài chính. Trong lĩnh vực khoa học, ở trên lãnh thổ Việt Nam hiện chưa có một trường đại học đủ trình độ để trang bị cho sinh viên của mình những kiến thức và kỹ năng thiết yếu, và đủ uy tín để giới thiệu họ theo học trên đại học ở các trường tốt nhất trên thế giới. Trong khi đó sinh viên Trung Quốc cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc học tập như sinh viên Việt Nam, nhưng Trung Quốc có một số trường Đại học rất có uy tín ở nước ngoài. Ở những trường đó tập trung những sinh viên giỏi nhất của Trung Quốc. Mặc dù việc giảng dạy và nghiên cứu có hạn chế, sinh viên của các trường đó sang Mỹ vẫn có đủ khả năng theo kịp chương trình học. Và có những giáo sư ở Trung Quốc có khả năng đánh giá khách quan trình độ và hạn chế của từng sinh viên và được các giáo sư ở Mỹ tin cậy trong việc này. Do vậy tạo được bàn đạp để sinh viên Trung Quốc học lên cao ở các nước khác.
Do đó, tôi nghĩ việc cần làm nhất ở Việt Nam là tập trung xây dựng một trường Đại học thật tốt, để thu hút những sinh viên, giáo sư và các nhà nghiên cứu giỏi nhất của Việt Nam. Ngoài chức năng đào tạo, đó còn phải là một trung tâm nghiên cứu, và đồng thời đảm nhiệm việc phát triển những tài năng trẻ ở nưóc ta, tạo được uy tín của trường trên thế giới để làm bàn đạp cho những tài năng này tiến xa hơn trong khoa học.
Muốn xây dựng một trường như vậy thì phải vượt ra khỏi tâm lý dàn đều, bình quân chủ nghĩa có vẻ còn phổ biến ở Việt Nam. Tháng 10 năm 2006, bộ trưởng bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức đã quyết định tập trung đầu tư vào ba trường đại học “elite”, không dàn đều đầu tư ra tất cả các trường như trước. Con số 3, theo tôi, có thể vẫn còn là nhiều ở quy mô Việt Nam.
Xin cảm ơn GS.

Với một sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc ở một trường Đại học nổi tiếng của Trung Quốc, khả năng được đi học sau đại học ở một trường hàng đầu ở Mỹ rất cao. Trong khi đó, rất ít sinh viên tốt nghiệp Đại học khoa học tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội có được điều kiện này. Tại sao? Ta hãy giả sử có một sinh viên X tốt nghiệp đại học Tsinghua, và sinh viên Y tốt nghiệp ĐHKHTN-ĐHQGHN cùng gửi đơn xin học sau đại học ở một số trường đại học ở Mỹ, trong đó có MIT, Harvard. Ta hãy theo dõi xem đơn của hai sinh viên X và Y sẽ được xem xét như thế nào.
Có một giáo sư (năm nay là giáo sư R) được phân công đọc tất cả các hồ sơ xin học PhD. Nhiệm vụ đầu tiên của giáo sư này là loại khoảng hơn một nửa số đơn ngay vòng đầu. Người nộp đơn phải vượt qua được vòng này mới được đưa ra hội đồng xét tuyển. Khi đọc đến hồ sơ của X, giáo sư R tìm thấy một tài liệu đáng chú ý. Đó là thư giới thiệu của giáo sư L ở khoa vật lý trường Tsinghua, nói rằng em X là  một trong hai sinh viên giỏi nhất của khoa trong 5 năm gần đây.
Điều này làm giáo sư R chú ý, vì trường Tsinghua là một trong vài trường tốt nhất ở Trung Quốc, vào được trường đó rất khó, và nếu X là một trong hai sinh viên giỏi nhất trong vòng 5 năm thì là một điều rất đáng chú ý. Nhưng làm sao biết là vị giáo sư L của trường Tsinghua viết như vậy là đúng? Giáo sư R hỏi các đồng nghiệp của mình và được biết rằng giáo sư L đã từng giới thiệu nhiều sinh viên giỏi cho trường MIT và nhiều trường khác, và những điều vị giáo sư này viết từ trước đến nay đáng tin cậy. Tuy nhiên, để cho chắc chắn, giáo sư R nhờ một giáo sư khác ở Bắc Kinh gặp và nói chuyện với sinh viên X. Giáo sư đó, sau một cuộc phỏng vấn, đã khẳng định với giáo sư R rằng sinh viên X là người rất có triển vọng. Và sau khoảng một tháng, sinh viên X nhận được giấy của trường MIT và trường Harvard nhận vào học khóa học tới, và X có quyền chọn một trong hai trường. Trong khi đó, vì giáo sư R không biết trường ĐHKHTN là trường nào, và cũng không có mối liên hệ nào để xác minh thư giới thiệu cho sinh viên Y, nên hồ sơ của Y bị loại.

P.V

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)