GSTS Võ Tòng Xuân: ĐANG QUÊN MÔI TRƯỜNG!

Mở đầu cuộc trao đổi với Tia sáng, Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường đại học An Giang, khẳng định: “Thời chiến tranh, bom đạn, thuốc hoá học... đã huỷ hoại tàn khốc môi trường. Nay thời bình, môi trường vẫn bị hủy hoại không kém”...

Đành phải nói đấy là sự thật. Nông dân Việt Nam vẫn còn rất nhiều người nghèo. Cái nghèo, buộc họ phải khai thác thiên nhiên để sống. Cứ thấy nhiều vùng, nhiều người giàu lên vì con tôm sú, nên họ cũng ào ạt đi theo. Nuôi tôm, nhưng đất đai hạn chế sinh ra chuyện phá rừng ngập mặn, bỏ lúa…lập vuông nuôi.
Rừng giảm dần diện tích, đồng nghĩa với môi trường sinh sản của nhiều loài thuỷ sản, động vật sinh sống tại đó bị ảnh hưởng. Nguồn lợi thiên nhiên suy giảm đã đành, chuyện chắn gió, chống sạt lở bờ biển cũng ảnh hưởng theo. Tôi nói thật, dân mình vẫn còn nhiều người có tâm lý: cứ lợi dụng được gì, lợi dụng nấy. Chặt một vạt rừng, thải một mớ rác, mà cứ nghĩ không ảnh hưởng ai.
Chuyện nuôi tôm, thậm chí có nơi, nông dân còn làm áp lực để Nhà nước cho họ bỏ lúa nuôi tôm mà chưa tính đến chuyện mình có vững kỹ thuật nuôi hay không, đất vùng đó có thích hợp không. Đất nuôi tôm nhiễm mặn, dễ nhiễm nhiều mầm bệnh. Cộng thêm lượng thức ăn cho tôm bị dư, lâu ngày hoá thành chất sulfic, vô tình tạo môi trường tốt cho các vi khuẩn gây bệnh bám vào tôm. Nhiều nơi, có vuông tôm chết sạch vì bệnh đốm trắng. Đâu dừng lại ở đó! Nhà nước hiện thiếu kinh phí đầu tư thuỷ lợi hợp lý cho nuôi thuỷ sản, nên ở các vùng nuôi tôm, nước từ vuông tôm bị nhiễm bệnh, tuôn ra kênh rạch tự nhiên, lại len vào vuông khác, mang theo mầm bệnh. Rồi sự di chuyển của nguồn nước ấy, cảnh báo kéo theo sự tàn phá thảm thực vật ven kênh rạch, rừng ngập mặn ven biển, diệt cả nhiều loại thuỷ sản quí trong tự nhiên.
Nông dân có tâm lý “hễ thua phải gỡ”. Thất vụ này, gầy vụ khác. Có người, chỉ cho đó là do con giống, do thời tiết chứ không ngờ tôm chết có thể chính từ ảnh hưởng môi trường. Thậm chí, nhiều người chưa nhận thức rõ việc nuôi tôm của họ ảnh hưởng đến môi trường như thế nào.
Đất nuôi tôm, nước mặn đã phá cấu trúc đất. Muốn chuyển trở lại trồng lúa, phải mất từ 5- 6 năm, thậm chí 10 năm mới thực sự ngọt hóa trở lại để lúa phát triển tốt.
Đài Loan, Thái Lan, Philippinnes… đều từng chung “số phận”. Nhiều vùng ven biển, trở thành vùng “trắng”. Nhưng tôm chết liên miên, diện tích rừng suy giảm, họ cảnh báo và nông dân bỏ ngay. Hiện nay, họ chỉ nuôi ở vùng qui hoạch, có đầu tư hệ thống thuỷ lợi đúng cách.
Còn chất thải của các nhà máy chế biến, phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Nhưng xem ra, việc thực hiện vẫn chỗ có chỗ không? Ở Long An, trước đây có một nhà máy thải nước gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Dân kiến nghị, ngành chức năng lập tức yêu cầu đóng cửa. Chỉ vài tháng sau, nhà máy này đầu tư hệ thống xử lý nước thải trị giá năm triệu đô la Mỹ. Nhưng tại Việt Nam, những trường hợp xử lý kiên quyết như thế không nhiều. Khó ở chỗ, làm gay buộc nhà máy đóng cửa, công nhân mất việc thì tính sao? Chưa nói đến việc nể nang nhau, nhất là giữa cơ quan Nhà nước với xí nghiệp cũng của Nhà nước.
Thực ra giải pháp khắc phục đã có từ lâu, nhưng thực hiện được hay không mới khó. Ở Indonesia, chính phủ đứng ra vay tiền của Ngân hàng Thế giới, đầu tư hệ thống thuỷ lợi phù hợp cho hàng ngàn héc-ta. Nước vào vuông hay thải ra, có hệ thống xử lý riêng biệt, không gây ảnh hưởng môi trường. Nông dân chỉ việc đến nhận đất, nuôi tôm theo định hướng, kế hoạch cụ thể theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Còn ở ta, trước mắt có thể nuôi tôm theo mô hình tôm-lúa. Nước mặn chỉ xâm xấp ở tầng trên, chất thải qua quá trình nuôi, đến mùa mưa khi gieo trồng lúa có thể “nhờ” cây lúa xử lý.
Đối với các nhà máy chế biến, tôi nghĩ, không cách gì khác là phải xử lý kiên quyết. Dự án đầu tư, chỉ cấp phép khi có kèm theo dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Khi nhà máy đi vào hoạt động, phải kiểm tra xem hệ thống này có hoạt động cùng lúc hay không. Phải kiên quyết phạt tiền, đóng cửa nếu vi phạm. Đừng ham xuất khẩu lấy nhiều đô la mà hy sinh môi trường.
Chuyện phá rừng nuôi tôm cũng phải kiên quyết. Theo tôi, có thể phạt tiền, hay buộc người vi phạm phải trồng lại bao nhiêu héc-ta rừng tương xứng. Tôi nói phải kiên quyết, bởi lẽ, đã có rất nhiều hội nghị khoa học, có cả nhiều đại diện các nước, bàn về chuyện nuôi tôm như thế nào không ô nhiễm, không ảnh hưởng diện tích rừng. Nhưng cái khó cũng thấy rõ. Chính quyền xã là nơi sâu sát nhất. Nhưng không tránh khỏi chuyện, một vài nơi vẫn làm ngơ. Bởi cứ khư khư giữ rừng, lấy thuế đâu mà thu?
Thượng sách nhất, nên khuyến khích mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến. Nuôi ở mật độ thấp, trồng xen cây rừng. Hoặc không, cứ nuôi theo dạng sinh thái, mất một ít diện tích rừng nhưng giữ được nguồn lợi thuỷ sản thiên nhiên lâu dài./.

Lệ Hương ghi

Theo Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, mô hình thuỷ lợi thích hợp cho việc nuôi thuỷ sản có thể nghiên cứu:
– Có kênh lớn tập trung để lấy nước từ biển, pha độ mặn thích hợp, sau đó bơm vào vuông.
– Cạnh đó, có kênh tiêu tập trung, cách biệt với nguồn nước vào. Nước thải từ các vuông đổ vào kênh này, dẫn vào một vuông lớn khác. Tại vuông này, nuôi các loại ốc, vọp… xử lý lượng thức ăn dư thừa của tôm. Nước xử lý xong, đưa qua tiếp một khu rừng sác ngập mặn để đảm bảo lọc sạch trước khi đổ ra biển.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)