Gương mặt bí mật của Stephen Hawking
Dù cơ thể bị khiếm khuyết, tác giả của “Lược sử thời gian” vẫn là nhân vật chính của bộ phim "Thuyết của vạn vật". Nhà nhân học Hélène Mialet hé lộ cơ chế đằng sau một nhân cách quyến rũ.
Nhà vật lí thiên văn thiên tài này là nhân vật chính của một bộ phim “Thuyết của vạn vật”. Vậy cơ chế đằng sau con người của ông là gì?
Đến gần các ngôi sao nhất. Số phận kì lạ của nhà vũ trụ học nổi tiếng mở ra trên màn ảnh rộng trong bộ phim “Thuyết của vạn vật”. Ngoài những đóng góp kiến thức quan trọng của ông về lỗ đen, cái đặc biệt kì dị của con người này còn nằm ở tình trạng thể chất của ông. Mắc bệnh teo cơ một bên, thoái hoá những nơron thần kinh vận động, ông bị liệt hàng vài chục năm trời. Không còn nói được nữa, ông giao tiếp bằng một máy tính có cài chương trình tổng hợp tiếng nói, lúc đầu ông còn gõ bằng ngón tay, và gần đây thì bằng cử động của má. Nhờ hệ thống này ông đã viết được cuốc sách Lược sử thời gian, một tác phẩm tham khảo đã bán được gần mười triệu bản. Vào tuổi 73, Stephen Hawking trở thành thần tượng thiên tài khoa học, tiếp tục viết và tham gia những hội nghị. Như thế nào? Đó là câu hỏi mà Hélène Mialet – nhà triết học và nhân học, giáo sư thỉnh giảng ở Đại học California ở Davis, Hoa Kì – đặt ra với nhà khoa học phi thường này. Bà đã có mười năm phỏng vấn, quan sát, gặp gỡ những người thân và những đồng nghiệp của ông 1.
Tờ Ngày thứ bảy văn hóa: Thưa bà, Stephen Hawking là ai?
Hélène Mialet: Thật khó trả lởi, vì ông là một thần tượng. Người ta tưởng tượng rằng, Stephen Hawking, bị tật nguyền nặng, có khả năng, một mình, làm khoa học. Ông là hiện thân của huyền thoại về tính hiện đại của chúng ta, là người có gốc rễ từ cách thể hiện tư duy của Descartes, theo đó người ta không cần phải có một thân xác để suy nghĩ, mà chỉ cần có một tinh thần. Bản thân Stephen Hawking đi xa hơn khi nói rằng “Để làm vật lí, chỉ cần tinh thần là đủ.” Tôi hiểu nó theo nghĩa đen và trong phạm vi dân tộc học, tôi đã qua nhiều năm theo đuổi môn này, đã nghiên cứu cách làm việc của nó, đã phỏng vấn các học trò và các đồng nghiệp của ông. Có thể nói ông đã trở thành gia đình của tôi! Tôi đã tái lập một mạng lưới những người giỏi có kiến thức xung quanh ông và làm nổi bật lên một tập thể phức hợp. Câu hỏi đặt ra trong quyển sách của tôi đúng hơn là: Stephen Hawking đứng ở vị trí nào trong cái tập thể này?
Liệu chỉ riêng trí tuệ sáng chói của Stephen Hawking có đủ để làm khoa học không?
Không, tôi nghĩ là không. Ông không thể nhúc nhích, không thể sử dụng được các đồ vật. Ông chỉ có thể nói qua trung gian của một giọng tổng hợp phát ra từ một chiếc máy tính. Tất cả phải nhờ vào máy móc và những người khác. Những người thân của ông đã biết cách giao tiếp với ông nhanh hơn bằng cách đặt cho ông những câu hỏi mà ông chỉ cần trả lời có hoặc không. Loại từ vựng được nhập vào máy tính của ông là loại có tổ chức, và chương trình phần mềm sẽ hoàn thành các câu của ông một cách hệ thống bằng cách khôi phục những mẫu hình diễn đạt của ông. Những người này cũng hoàn thành các câu của ông, đưa những phát biểu của ông thành hành động. Trái với điều người ta vẫn tưởng, không phải tất cả ở trong đầu ông, mà ở cả ngoài nữa. Các sinh viên được tổ chức xung quanh ông thực hiện những dự án nghiên cứu, làm những phép tính. Cuối đợt, ông là tác giả chính và những người giúp đỡ ông biến mất khỏi quá trính ấy.
Stephen Hawking có khác với các nhà khoa học khác không?
Không, thân thể ông được đặt nằm trong tập thể cho phép ông làm khoa học như tất cả những nhà nghiên cứu ở trình độ của ông. Các trưởng phòng thí nghiệm cũng đưa ra các định hướng nghiên cứu cho người khác làm thí nghiệm. Stephen Hawking đặc biệt vì ông có tính tập thể rất cao, chứ không phải vì ông bị cắt đứt với thế giới của con người.
Stephen Hawking với người vợ đầu tiên Jane và hai người con, Robert và Lucy. Nguồn: history.com
Ông ấy phản ứng như thế nào khi đọc cuốn sách của bà?
Tôi có gửi sách cho ông nhưng không nhận được phản hồi. Thư kí của ông ấy nói với tôi rằng ông ấy thấy cái bìa mà nhà xuất bản chọn cho bản tiếng Anh là kì cục [hình một bức tượng của ông bằng cẩm thạch trong chiếc ghế bành bềnh bồng giữa các vì sao]. Tôi khá đồng ý, vì cái hình minh hoạ ấy lại có liên quan đến tính huyền thoại củaông.
Các cuộc gặp giữa bà và ông ấy diễn ra như thế nào?
Tôi mất hai năm mới tiếp cận được ông. Cuộc trò chuyện đầu tiên của chúng tôi, năm 1998, rất không ổn vì mọi tương tác đều phải chuyển qua máy tính. Tôi không đọc được ngôn ngữ cơ thể của ông. Tôi đặt những câu hỏi, ông gõ máy để trả lời, và giọng nói tổng hợp của ông thường có độ lệch về thời gian. Cả hai chúng tôi cùng nhìn vào màn hình. Đôi khi những người phụ tá đến hỏi ông, và cuộc nói chuyện bị gián đoạn. Có lúc, máy ngừng hoạt động. Thật ra, khi người ta thật gần ông, người ta không còn biết ông ở đâu nữa. Khi người ta ở cách xa, qua truyền thông và phim ảnh, người ta cảm nhận một thiên tài, tức là một cá nhân được thiên phú cho những phẩm chất ổn định, những câu chuyện được tái tạo trên nhân cách của ông và những phát minh khoa học của ông.
Sau đó bà có gặp lại ông ấy không?
Có, tại hội nghị về Lí thuyết dây ở Berlin năm 1999. Chúng tôi đã nhảy với ông ấy trong một hộp đêm! Thư kí báo chí của ông đã qua nhiều tuần lễ ở Berlin để chọn câu lạc bộ thích hợp nhất. Khi chúng tôi đến ông ấy đã ở giữa sàn nhảy, và mọi người nhảy xung quanh ông. Sau đó, cuối thời gian của tôi ở Cambridge, năm 2007, ông ấy đã nhiều lần mời tôi ăn tối với ông ở trường đại học. Ông ấy rất muốn nói thân mật hơn về cách suy nghĩ và làm việc của ông ấy.
Hawking suy nghĩ như thế nào?
Về câu hỏi này, tôi đã trả lời: “Bằng tưởng tượng”. Theo các học trò của ông, ông giải các bài toán bằng cách nhớ nó. Ông đã tạo ra một cách suy nghĩ theo thị giác bằng cách thao tác những biểu đồ mà các học trò vẽ ra dưới mắt ông. Họ cũng viết, dưới mắt ông, những chứng minh phép giải các phương trình, và ông nói chúng đúng hay sai. Những quan sát của tôi cho thấy ngay cả những công việc trí tuệ trừu tượng nhất cũng cần sử dụng đến thân thể, trong trường hợp Stephen Hawking, mắt ông nhìn những người khác làm việc và thân thể những người khác đang vẽ những biểu đồ. Đó là một tương tác hai chiều không nghỉ.
Ông giữ mối quan hệ nào với xung quanh?
Ông có óc khôi hài, nó giúp ông thiết lập nhanh chóng quan hệ với người khác. Ông có một tính cách mạnh mẽ và kiểm soát thành thục những người xung quanh. Những phụ tá gần gũi nhất của ông, bận rộn lo công việc hậu cần, đi lại, ít khi ở lại hơn một năm vì họ kiệt sức đáp ứng cả ngày lẫn đêm những nhu cầu của ông. Nhưng ông kiểm soát tốt hình ảnh của ông trước các nhà báo.
Ông không bao giờ muốn thay đổi giọng Mỹ của tiếng nói tổng hợp. Tại sao?
Rất nhiều bạn người Anh của ông ấy muốn làm cho ông một giọng Anh. Ông đã phản đối và không chấp nhận vì ông bảo giọng Mỹ đã trở thành giọng nói của chính ông rồi. Những phần mềm cập nhật có thể giúp ông thông tin nhanh hơn nhưng ông không muốn thay đổi vì ông đã quen với nó.
Stephen Hawking đặc biệt khác thường về cái gì?
Những công trình khoa học của ông về các lỗ đen, nhất là những công trình công bố trong những năm 1970, là những khám phá cơ bản. Nhưng đối với tôi, con người này đặc biệt bởi vì ông đã trở thành một tấm gương do tình trạng bất thường của mình. Tình trạng tật nguyền và phụ thuộc của ông làm rõ ràng thứ mà người ta không thể nhìn ông khác được, giống như những điều cần thiết để là một ngôi sao, một trưởng phòng thí nghiệm, nhưng cũng là những điều cần thiết để nghĩ theo lối thị giác hoặc để có một cuộc nói chuyện trôi chảy.
Ở Cambridge, người ta đang xây dựng những bộ hồ sơ với những bài báo về Stephen Hawking và những bài báo của chính ông. Chúng đặt ra vấn đề về công việc lưu trữ một tác giả trong thời đại kĩ thuật số. Đối với ông, tất cả những việc này đã tiến hành nhờ một chiếc máy từ lâu rồi, và bản thân ông quyết định những gì ông muốn giữ lại hay không. Chúng ta ngày càng trở nên phụ thuộc vào máy tính bảng và máy tính, nhưng việc này thì ông đã đi trước cả mọi người. Ông đã sử dụng những chương trình mà ngày nay chúng ta ai cũng sử dụng, như những chương trình hoàn tất từ và câu của ông. Stephen Hawking là một người tiên phong của chủ nghĩa hậu nhân văn.
Aurélie Coulon thực hiện
Hiếu Tân dịch
TS. Nguyễn Trần Thuật (Trung tâm Nano và năng lượng (Đại học KHTN, ĐHQGHN) hiệu đính
Nguồn: https://www.letemps.ch/sciences/face-secrete-stephen-hawking-enfin-devoilee
—————-
1. Hélène Mialet đã xuất bản tác phẩm Đi tìm Stephen Hawking (tạm dịch từ A la recherche de Stephen Hawking) dày 168 trang năm 2014 tại Nhà xuất bản Odile Jacob.