Hài lòng với thành công bước đầu của phòng thí nghiệm trọng điểm

Sau hơn một năm chính thức đi vào hoạt động, chị Vũ Thị Thu Hà, giám đốc phòng thí nghiệm trọng điểm hóa lọc dầu, vui mừng thông báo bằng sáng chế đầu tiên đăng ký tại châu Âu của phòng thí nghiệm chị liên kết với đối tác Pháp đã được cấp kinh phí hoàn thiện công nghệ.

Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ tại Viện nghiên cứu quá trình xúc tác của Pháp vào năm 1999 chị Hà trở về nước làm nghiên cứu tại Viện Hóa học công nghiệp. Thời điểm đó, chị thấy khoảng cách khá lớn giữa điều kiện nghiên cứu tại Pháp và Việt Nam. Chị gặp những khó khăn nhất định trong việc tìm hướng nghiên cứu cũng như tìm nguồn tài trợ nghiên cứu. Năm 2001 chị Hà quay trở lại Pháp thực tập sau tiến sĩ vì nghĩ rằng điều này sẽ giúp chị có nhiều kinh nghiệm làm nghiên cứu hơn. Hai năm sau, khi chị Hà quay về Việt Nam cũng là lúc Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam bắt đầu triển khai dự án xây dựng Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc và hóa dầu. Lần này, những trách nhiệm và kỳ vọng của ban lãnh đạo trong Viện đã giữ chân chị lại. 

Bằng sáng chế đầu tiên đăng ký tại Pháp
Nhận thấy nhu cầu về dung môi tại Việt Nam lớn, khoảng vài trăm nghìn tấn mỗi năm và đang phải nhập ngoại gần như hoàn toàn. Hơn nữa, lâu nay bên công nghiệp vẫn quen với các dung môi nguồn gốc hóa thạch trong khi dung môi có nguồn gốc thực vật có nhiều ưu điểm hơn như khả năng hòa tan tốt, ít bay hơi, không bắt cháy, không ảnh hưởng đến sức khỏe, có khả năng phân hủy sinh học, nhóm nghiên cứu của chị Hà tại Viện hóa công nghiệp và nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu quá trình xúc tác của Pháp đã đề xuất đề tài nghiên cứu công nghệ sản xuất dung môi sinh học từ các nguồn nguyên liệu tái tạo. Đối tác Pháp là Viện nghiên cứu nơi chị làm luận văn tiến sĩ và cũng là viện nghiên cứu đã giúp đỡ Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện dự án xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm. 

Đề tài bắt đầu triển khai từ năm 2008. Phần lớn khối lượng công việc được tiến hành ở Việt Nam, tuy nhiên với những giai đoạn cần thiết bị hiện đại hơn chị Hà và các nghiên cứu viên trong nhóm sang Pháp tiến hành, nhiều khi làm lại các thí nghiệm để kiểm tra độ chính xác. Kết quả sau 2 năm, nhóm nghiên cứu của chị Hà đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất hỗn hợp dung môi sinh học với thành phần chính là metyl este dầu thực vật và este etyl lactate từ các nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp.


PGS. TS Vũ Thị Thu Hà tốt nghiệp Công nghệ Hữu cơ– Hóa dầu, Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1992. Hoàn thành luận án tiến sĩ năm 1999 tại Viện nghiên cứu quá trình xúc tác, Pháp. Hiện nay là Viện phó Viện Hóa học công nghiệp đồng thời làm giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc và hóa dầu.

Kết quả nghiên cứu đã được đăng ký bằng sáng chế tại Pháp. Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS) đồng ý bỏ kinh phí ra để đăng ký độc quyền. Trong năm đầu tiên sau khi đăng ký sáng chế, CNRS có dịch vụ hỗ trợ nâng cao giá trị của các bằng sáng chế bằng cách mời bên công nghiệp tới giới thiệu. Trong số 70 bằng sáng chế của ngành hóa, các hãng công nghiệp quan tâm tới 10 bằng sáng chế và mời các tác giả trình bày cụ thể. Sau khi gửi thông tin thuyết trình, bằng sáng chế của nhóm chị Hà là một trong 5 sáng chế được lựa chọn để cung cấp tài chính hoàn thiện công nghệ để chuyển giao cho bên công nghiệp. 

Luôn tìm kiếm những hướng nghiên cứu mới
Từ khi bắt đầu xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, chị Hà đã được lãnh đạo Viện cũng gửi gắm trách nhiệm điều hành phòng thí nghiệm khi hoàn thành. Do vậy khi chính thức được bổ nhiệm giám đốc phòng thí nghiệm trọng điểm vào tháng 7/2009 chị không cảm thấy gặp nhiều khó khăn và áp lực. 

Hiện tại, phòng thí nghiệm của chị có khoảng 18 cán bộ nghiên cứu. Các hướng nghiên cứu chính của phòng thí nghiệm là công nghệ lọc và hóa dầu gắn liền với xúc tác; nhiên liệu sạch; sản phẩm thân thiện với môi trường; năng lượng tái tạo. 

Theo quy định, các phòng thí nghiệm trọng điểm sẽ được đánh giá 4 năm/lần theo các tiêu chí về công bố quốc tế, sáng chế, ứng dụng, số lượng người đào tạo, đề tài dự án thực hiện. Cũng như giám đốc của các phòng thí nghiệm khác, chị Hà mong muốn đạt được các yêu cầu để được tiếp tục đầu tư trong giai đoạn tới. Nhưng chị không thấy quá lo lắng, “so với các phòng thí nghiệm khác, phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ hóa lọc dầu được đánh giá trong số 3 phòng thí nghiệm có kết quả tốt”. 

Khi được hỏi công việc quản lý có làm chị thiếu thời gian dành cho nghiên cứu, chị Hà cho biết, “các công việc hành chính có hơi hướm chuyên môn chủ yếu liên quan tới việc đưa ra các ý tưởng, xây dựng đề tài, viết thuyết minh, tổ chức seminar. Do vậy phần lớn thời gian tôi vẫn dành cho nghiên cứu”. 

Trải qua những khó khăn trong nghiên cứu, chị Hà hiểu bước khởi đầu khó khăn của các nghiên cứu viên. Chị luôn cố gắng tạo điều kiện học tập, cơ chế đãi ngộ tốt, tôn trọng đồng nghiệp để họ toàn tâm toàn ý với công việc. Theo chị Hà, ở Việt Nam có nhiều kênh khác cho nghiên cứu ứng dụng. Các nhà nghiên cứu trẻ có chuyên môn vững vàng, am hiểu tình hình thực tế của Việt Nam, luôn cập nhật nghiên cứu mới trên thế giới sẽ dễ tìm ra được những hướng nghiên cứu phù hợp và xin được tài trợ.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)