Hạn hán khắc nghiệt sẽ xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn
Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science của Viện Nghiên cứu Rừng, Tuyết và Cảnh quan Liên bang Thụy Sĩ (WSL) đã cảnh báo: hạn hán dai dẳng kéo dài nhiều năm đã ngày càng trở nên phổ biến kể từ năm 1980, và sẽ tiếp tục diễn ra dưới ảnh hưởng của sự ấm lên toàn cầu.

Đợt hạn hán dai dẳng, tàn khốc diễn ra suốt 15 năm – thời gian dài nhất trong một nghìn năm – gần như đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ nước của Chile, thậm chí ảnh hưởng đến sản lượng khai thác mỏ quan trọng của đất nước này. Đây mới chỉ là một ví dụ rõ ràng về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với hạn hán kéo dài nhiều năm và các cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng ở những khu vực dễ bị tổn thương trên toàn cầu.
Tuy nhiên, hạn hán thường chỉ được chú ý đến khi chúng gây thiệt hại cho nông nghiệp hoặc ảnh hưởng rõ rệt đến các khu rừng. Câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta có thể liên tục xác định được các đợt hạn hán kéo dài nhiều năm và xem xét tác động của chúng lên hệ sinh thái hay không? Và chúng ta có thể học được gì từ các mô hình hạn hán trong bốn mươi năm qua?
Để trả lời những câu hỏi này, các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Rừng, Tuyết và Cảnh quan Liên bang Thụy Sĩ (WSL) và Viện KH&CN Áo (ISTA) đã phân tích dữ liệu khí tượng toàn cầu và lập mô hình hạn hán từ năm 1980 đến năm 2018. Họ đã chứng minh được: các đợt hạn hán kéo dài nhiều năm đang gia tăng một cách đáng lo ngại, thời gian diễn ra hạn hán cũng dài hơn, thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn, cũng như bao phủ nhiều diện tích đất hơn.
“Kể từ năm 1980, mỗi năm, các khu vực bị hạn hán đã lan rộng trung bình thêm 50 nghìn km2 – gần bằng diện tích của Slovakia hoặc các tiểu bang Vermont và New Hampshire của Hoa Kỳ cộng lại – gây ra thiệt hại to lớn cho các hệ sinh thái, nông nghiệp và sản xuất năng lượng”, GS. Francesca Pellicciotti của ISTA – nhà nghiên cứu chính của Dự án EMERGE – cho biết.
Với mục tiêu làm sáng tỏ những tác động lâu dài có thể xảy ra của tình trạng hạn hán dai dẳng trên toàn cầu và giúp đưa ra chính sách chuẩn bị cho các đợt hạn hán nghiêm trọng và thường xuyên hơn trong tương lai, nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu khí hậu CHELSA với các dữ liệu từ năm 1979 do nhà nghiên cứu cao cấp của WSL và tác giả nghiên cứu Dirk Karger biên soạn. Họ đã tính toán các bất thường về lượng mưa và thoát hơi nước – sự bốc hơi nước từ đất và thực vật – và tác động của chúng lên các hệ sinh thái tự nhiên trên toàn thế giới.
Nhờ đó, họ xác định được tình trạng hạn hán kéo dài nhiều năm ở cả những khu vực được nghiên cứu kỹ lưỡng cũng như những nơi khó tiếp cận, đặc biệt là ở những khu vực như rừng nhiệt đới và dãy Andes – nơi có rất ít dữ liệu quan sát. “Phương pháp của chúng tôi không chỉ giúp lập bản đồ các đợt hạn hán đã được lưu lại thông tin kỹ càng mà còn làm sáng tỏ những đợt hạn hán cực đoan vốn chưa được chú ý đến, chẳng hạn như đợt hạn hán ảnh hưởng đến rừng mưa nhiệt đới Congo từ năm 2010 đến năm 2018”, Karger cho biết. Sự khác biệt này có thể là do cách rừng ở các vùng khí hậu khác nhau phản ứng với các đợt hạn hán..
Để đảm bảo kết quả nhất quán trên quy mô toàn cầu, nhóm nghiên cứu đã phát triển một quy trình phân tích nhiều bước giúp xác định rõ hơn những thay đổi ở các vùng có mật độ lá cao và xếp hạng các đợt hạn hán theo mức độ nghiêm trọng của chúng kể từ năm 1980.
“Hiện nay, các chiến lược giảm thiểu hạn hán chủ yếu coi hạn hán là sự kiện diễn ra hằng năm hoặc theo mùa, điều này hoàn toàn trái ngược với các đợt hạn hán lớn kéo dài và nghiêm trọng hơn mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong tương lai”, Pellicciotti cho biết. “Chúng tôi hy vọng rằng bản kiểm kê hạn hán mới công bố sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách hướng tới các biện pháp phòng ngừa và chuẩn bị thực tế hơn”.□
Kim Dung lược dịch
Nguồn: https://ista.ac.at/en/news/the-megadroughts-are-upon-us/
Bài đăng Tia Sáng số 3/2025