Hàng trăm website đưa thông tin sai lệch về vaccine COVID-19
Trong hợp tác với WHO, NewsGuard - một công ty đánh giá mức độ tin cậy của các website, đã phân tích hơn 500 trang web lan truyền thông tin thất thiệt về virus corona, trong đó có cả các thông tin đã được khẳng định là sai sự thật về vaccine COVID-19.
Mới đây, NewsGuard thông báo, trong tổng số hơn 6,700 website được đưa vào phân tích, công ty này đã phát hiện ra có 519 trang web đăng tải thông tin sai lệch về COVID-19. Một số trang web đăng các thông tin đáng ngờ liên quan đến sức khỏe hoặc các thuyết âm mưu chính trị, trong khi đó một số trang khác thì “được tạo ra với mục đích lan truyền thông tin thất thiệt về COVID-19”. Theo Gordon Crovitz, đồng sáng lập của NewsGuard: “Mọi người gần như không thể phân biệt được trang web nào đăng thông tin đáng tin cậy còn trang nào thì không”.
NewsGuard đã lựa chọn các nhà báo giàu kinh nghiệm để đánh giá mức độ tin cậy và tính minh bạch của các trang tin tức phổ biến nhất tại Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Ý. Sau khi đánh giá, công ty sẽ công bố “nhãn dán” để giúp người dùng nhận biết được các trang thông tin nào đã tuân thủ hoặc vi phạm tiêu chuẩn báo chí. NewsGuard đã xác định được 50 “huyền thoại” phổ biến nhất về vaccine COVID-19 được lan truyền trên internet, bao gồm cả những tin nhảm đã bị lật tẩy từ trước như vaccine có thể thay đổi DNA của con người, gây vô sinh hoặc tạo ra các biến thể mới của virus. “Tất cả đều là những trò lừa bịp phổ biến, chúng lan truyền từ trang web này sang trang web khác”, Matt Skibinski, quản lý cấp cao của NewsGuard, nói.
Trong số các trang web có trong danh sách của NewsGuard, có 339 trang có lượng độc giả chủ yếu ở Mỹ. Một số trang trong đó, bao gồm InfoWars và Mercola.com, đã tuyên truyền các thuyết âm mưu và các thông tin đáng ngờ về sức khỏe. Một số trang khác thì cố gắng lừa người đọc bằng cách sử dụng tên miền gần giống với các hãng tin tức uy tín, chẳng hạn như WashingtonPosted.news và Ussanews.com để bắt chước Washingtonpost.com và USNews.com. Thậm chí một số website còn trở nên phổ biến trên internet hơn cả các trang tin tức đáng tin cậy về COVID-19.
Chẳng hạn, nhóm vận động chống vaccine có tên Children’s Health Defense đã nhận được lượng tương tác trên mạng cao hơn cả CDC và Viện Y tế Quốc gia Mỹ trong 90 ngày qua. Trang web này đã đưa ra nghi ngờ về tính an toàn của vaccine COVID-19 cũng như cổ vũ các thuyết âm mưu về công nghệ 5G.
Để tìm ra các kết quả phân tích như vậy, NewsGuard đã sử dụng NewsWhip – sản phẩm của một công ty phân tích truyền thông xã hội – để đo lường mức độ tương tác, bao gồm cả tương tác trên mạng xã hội và lưu lượng truy cập website. Theo Crovitz – nhà đồng sáng lập NewsGuard, không nên coi thường mức độ nguy hiểm của các trang web đưa thông tin sai lệch, dù chúng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số các thông tin được đăng tải trên mạng.
Phát hiện của NewsGuard là nỗ lực mới nhất nhằm định lượng các thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19. Trước đó, một báo cáo hồi tháng 3 của NGO có trụ sở ở London – Trung tâm Chống lại Thù ghét trên nền tảng Kỹ thuật số (Center for Countering Digital Hate), đã phát hiện hàng chục tài khoản chịu trách nhiệm đăng tải 65% các thông tin sai về vaccine trên Facebook và Twitter. NewsGuard cũng đã xác định được “những kẻ siêu truyền bá” tin nhảm về vaccine COVID-19. Các báo cáo này đã gây ra các “làn sóng” ở Washington – nơi các nhà lập pháp đã đưa ra luật nhằm buộc các công ty truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm cho những thông tin sai lệch về sức khỏe.
Dù vậy, nhiều trang web đưa tin thất thiệt về COVID-19 – được các nhà quảng cáo không biết về bản chất của các website này tài trợ một phần – vẫn đang tiếp tục thu hút chú ý. Các quan chức y tế công cộng cho rằng, điều này có thể ảnh hưởng đến chiến dịch tiêm chủng đang diễn ra hiện nay. “Những gì chúng ta thấy trong 20 tháng qua là sự xói mòn niềm tin, xói mòn khoa học và xói mòn sự thật”, Andy Pattison, trưởng nhóm phụ trách các kênh kỹ thuật số tại Phòng Đổi mới sáng tạo và Sức khỏe Kỹ thuật số của WHO, cho biết. “Và tôi nghĩ rằng điều đó thực sự rất đáng sợ”.
Mỹ Hạnh dịch
Nguồn: https://techxplore.com/news/2021-09-covid-vaccine-misinformation-hundreds-websites.html