Hàng triệu người bị ảnh hưởng của dao động giữa hạn hán và lũ lụt
Một nghiên cứu mới cho thấy, kể từ đầu thế kỷ này, hàng triệu người trên thế giới sống trong cảnh nghèo đói đang phải trải qua một sự dao động nguy hiểm giữa hai thái cực hạn hán và lũ lụt.
Nhóm nghiên cứu, do các nhà nghiên cứu tại Đại học Cardiff và Đại học Bristol dẫn dắt, và được WaterAid ủy quyền – đã kiểm tra tần suất và mức độ nghiêm trọng của lũ lụt và hạn hán trong 41 năm qua ở Pakistan, Ethiopia, Uganda, Burkina Faso, Ghana, Mozambique và nước Ý – nhóm bổ sung thêm một đất nước ở châu Âu để thể hiện rằng, biến đổi khí hậu không phân biệt theo khu vực. Giáo sư Michael Singer – đến từ Trường Khoa học Trái đất và Môi trường tại Đại học Cardiff, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết thêm: “Mặc dù phạm vi của nghiên cứu giới hạn trong một số quốc gia và khu vực cụ thể, chúng tôi tin rằng sự dao động nguy hiểm nói riêng, những thay đổi về tần suất và mức độ nguy hiểm của lũ lụt và hạn hán nói chung, là một vấn đề mà hầu hết mọi nơi trên hành tinh này sẽ đều phải giải quyết”.
Kết hợp hình ảnh vệ tinh với dữ liệu khí hậu, nghiên cứu của nhóm cho thấy một biến động nguy hiểm của khí hậu: ở những khu vực từng thường trải qua hạn hán, giờ đây lại dễ gặp lũ lụt hơn; còn những khu vực từng hay bị lụt trong quá khứ, giờ lại chịu hạn hán nhiều hơn.
Có một vấn đề là những nhóm cộng đồng ở những nơi này phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt lại thường không được trang bị đầy đủ để ứng phó trong khi chúng có thể xóa sổ mùa màng và sinh kế, tàn phá các cơ sở hạ tầng cung cấp nước vốn yếu ớt, làm gián đoạn các dịch vụ cung cấp nước, khiến con người dễ mắc bệnh và tử vong. WaterAid cảnh báo, nếu không có được hành động nhằm thích ứng với khí hậu tại COP28, người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất có thể sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói, di cư, bệnh tật và thậm chí là xảy ra xung đột – khi mà sự khắc nghiệt và dễ biến động của khí hậu sẽ khiến cho các vấn đề khan hiếm nước và lương thực trở nên tồi tệ hơn.
Từ biện pháp chống lũ lụt cho đến chống hạn hán, các giải pháp thích ứng đã có, nhưng chưa được triển khai đủ để chuẩn bị cho tương lai này. Việc mở rộng quy mô và tối ưu hóa các khoản đầu tư liên quan đến nước ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ không chỉ cứu sống người dân, mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế – với phân tích cho thấy nó có thể mang lại giá trị kinh tế ít nhất là 500 tỉ USD mỗi năm.
WaterAid đang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tại COP28 năm nay ưu tiên nước sạch và hệ thống vệ sinh đảm bảo chất lượng, như một yếu tố chính trong các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như nhanh chóng tăng quy mô đầu tư vào an ninh nước ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Tim Wainwright, Giám đốc Điều hành của WaterAid, chia sẻ: “Cuộc khủng hoảng khí hậu là một cuộc khủng hoảng về nước […]. Từ các vùng đất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán cho đến những khu định cư bị lũ lụt tàn phá, các cộng đồng ở Pakistan, Burkina Faso, Ghana và Ethiopia đều đang trải qua những ảnh hưởng đáng báo động của khí hậu; Uganda đang đối mặt với lũ lụt thảm khốc hơn bao giờ hết, còn ở Mozambique là sự kết hợp hỗn loạn của cả hai thái cực trên”.
“COP28 sắp diễn ra, và nó không thể trở thành một hội nghị thượng đỉnh nữa, nơi mà việc thích ứng khí hậu lại bị trì hoãn. Các nhà lãnh đạo cần phải nhận ra sự cấp bách và ưu tiên trong việc đầu tư vào hệ thống nước sạch và có khả năng phục hồi ngay bây giờ”.□
Lan Oanh tổng hợp