Hạt giống cây trồng chưa thể thích nghi với biến đổi khí hậu
Kể từ Thế chiến II, con người đã thay đổi hoàn toàn quá trình tiến hóa của cây nông nghiệp, tái lập lại hệ thống giống cây trồng bằng các biện pháp nông nghiệp công nghiệp, nhằm sản xuất đủ lương thực cho dân số ngày càng tăng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khí hậu biến đổi nhiều thập niên tới, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Vermont (Mỹ) cho rằng những hạt giống đảm bảo no ấm cho thế giới đang nằm trong tay các nông hộ nhỏ.
Trong bài báo trên tạp chí Plants, People, Planet, nhà sinh thái học tiến hóa côn trùng Yolanda Chen và các nhà xã hội học, di truyền học thực vật đã tìm hiểu về sự xuất hiện của các nhà lai tạo cây trồng chuyên nghiệp đã “phá vỡ quá trình tiến hóa” để “tái định hình toàn bộ hệ thống thực phẩm” như thế nào.
Việc sản xuất hàng loạt các hạt giống năng suất cao nhưng ít đa dạng về chủng loại đã dẫn đến sự phân cực giữa “hệ thống hạt giống chính thức” chi phối thị trường toàn cầu và “hệ thống hạt giống phi chính thống” do các nông dân vận hành, nơi họ có thể lựa chọn, bảo tồn và phát triển các giống cây trồng phù hợp với môi trường bản địa. Trong quá trình chọn lựa giống địa phương, các nông hộ nhỏ đem lại lợi ích cho hệ sinh thái, bao gồm các giống cây trồng có khả năng thích ứng với tình trạng hạn hán, nhiễm mặn và sâu bệnh dự kiến sẽ gia tăng khi khí hậu ấm hơn.
Các nhà nhân giống cây trồng thuộc hệ thống hạt giống chính thức đã chọn các chủng loại với mục tiêu duy nhất là năng suất cao. Họ cho rằng nhân giống giải phóng tiềm năng năng suất của cây trồng và tin phương pháp hiện đại sẽ nuôi sống thế giới. Để biến giả định này thành sự thực, họ dùng phân bón, tưới tiêu và thuốc trừ sâu để tái tạo cùng một môi trường màu mỡ, bất kể điều kiện địa phương là gì; và lựa chọn những giống hiện đại để trồng trong những điều kiện như vậy.
Tuy nhiên, các giống cây trồng bên ngoài đã tiến hóa cùng các loài vi sinh vật và động vật để chống chịu với những điều kiện môi trường khác nhau. Chẳng hạn, nhiều thực vật tiết ra chất hấp dẫn côn trùng tới tiêu diệt ký sinh trùng trên cây. Nói cách khác, chúng phát triển một đặc điểm để gọi vệ sĩ đến bảo vệ mình. Tuy nhiên, cây trồng từ hạt giống sản xuất hàng loạt không giữ được khả năng này, mà chúng cũng không cần tới vì con người liên tục giúp chúng chống lại sâu bệnh bằng thuốc trừ sâu. Kết quả, khi mất đi sự kết nối lâu đời với môi trường, cây trồng hiện đại không thể phát ra lời kêu cứu nữa.
Nền nông nghiệp canh tác thống nhất sẽ không thể đứng vững trước những đợt nắng nóng hay hạn hán cực đoan ập xuống ở nhiều vùng nông nghiệp. Các hạt giống bản địa mang những đặc tính cứng cỏi mới có thể tồn tại trong bất kỳ điều kiện nào mà biến đổi khí hậu sắp gây ra và sẽ trở thành tương lai của nhân loại.
Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở di truyền. Trong nền nông nghiệp hiện đại, các quan điểm tân thuộc địa xoay quanh việc ai sẽ là người quyết định? điều gì là quan trọng? Những người nông dân phát triển giống địa phương thường là các hộ nhỏ tại những nơi từng bị đô hộ. Công việc của họ không được coi là có giá trị.
Hơn nữa, hạt giống đa dạng mà các nông hộ nhỏ phát triển thường được coi là hàng hóa công cộng toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là họ sẽ được hưởng lợi gì khi đã chịu phần chi phí đắt đỏ hơn để phát triển các hạt giống địa phương? Các quốc gia công nghiệp không thể lấy không hạt giống của họ được. Cần phải có một cơ chế để đánh giá và chia sẻ sự đa dạng hạt giống nhằm quản lý sự phát triển của cây lương thực, nhưng cũng phải đảm bảo đền đáp xứng đáng cho các bên tham gia.
Nhóm tác giả đang soạn thảo một bản tóm tắt để chia sẻ kiến thức với các nhà hoạch định chính sách. Họ muốn đề ra các phương pháp chia sẻ lợi ích nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nông hộ nhỏ và sự đa dạng hạt giống mà họ tạo ra. Đồng thời, họ cũng tìm cách kết hợp kiến thức của người nông dân để sử dụng sự đa dạng hạt giống cho các thế hệ cây trồng quy mô lớn tiếp theo. □
Phương Anh lược dịch
Nguồn: https://www.uvm.edu/news/gund/modern-seeds-arent-ready-climate-change
Bài đăng Tia Sáng số 12/2024