Hệ thống chính sách và sự phát triển của khoa học công nghệ Trung Quốc

Thực hiện Nghị định hợp tác khoa học và công nghệ giữa 2 nước Việt Nam- Trung Quốc, vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cử một đoàn cán bộ quản lý KH&CN của Bộ và cán bộ quản lý KH&CN của sở KH&CN các tỉnh tham gia khóa“Quản lý khoa học và công nghệ” tại Bắc Kinh và Thượng Hải do Bộ KH&CN Trung Quốc đăng cai. Tia Sáng xin lược thuật về hệ thống chính sách, chiến lược phát triển công nghệ và công nghệ cao của Trung Quốc – một trong những thông tin chính của khóa đào tạo này.

Tình hình hoạt động khoa học công nghệ của Trung Quốc
Đội ngũ khoa học công nghệ
Tổng cộng có 38 triệu người hoạt động trên lĩnh vực khoa học công nghệ; 1,05 triệu người hoạt động nghiên cứu và triển khai, con số này lần lượt đứng đầu và thứ hai thế giới. Bình quân ởTrung Quốc, cứ 10.000 người làm kinh tế thì có 45 làm khoa học, hiện có 23 triệu sinh viên đại học, 4 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2006.
Cơ cấu nền  khoa học công nghệ
Trung Quốc hiện có 370 đơn vị nghiên cứu cấp nhà nước chuyển đổi thành doanh nghiệp khoa học, trong đó khoảng 150 đơn vị nghiên cứu trực thuộc chính phủ.  Trung Quốc hiện có hơn 100 phòng thí nghiệm trọng điểm nhà quốc gia ở các trường đại học.
Tăng đầu tư cho khoa học công nghệ
Năm 2001, lần đầu tiên mức đầu tư nhà nước cho R&D đạt tới mức đột phá 100 tỷ NDT. Năm 2005, mức này đã là 245 tỷ NDT, tỷ lệ R&D/ GDP đạt 1,34%. Doanh nghiệp khoa học không ngừng tăng trưởng, kinh phí R&D của doanh nghiệp chiếm 68,4% kinh phí R&D của toàn xã hội.
Số lượng  và chất lượng nghiên cứu
Năm 2004, Trung Quốc có 310.000 báo cáo khoa học, mỗi năm tăng khoảng 30.000 báo cáo. Số lượng báo cáo của Trung Quốc công bố ở nước ngoài tăng 22% mỗi năm. Năm 2005, số báo cáo khoa học của Trung Quốc công bố ở nước ngoài đứng thứ 5 thế giới. Những năm gần đây, số đơn xin cấp bằng sáng chế ở Trung Quốc tăng bình quân 18% năm.

 

Một phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia của Trung Quốc

Những lĩnh vực khoa học công nghệ được ưu tiên phát triển
Công nghệ bảo vệ tài nguyên và môi trường
Nguồn lực, tài nguyên và môi trường là những vướng mắc chủ yếu trong phát triển của Trung Quốc, mô hình đầu tư nhiều, tiêu hao lớn, ô nhiễm nhiều không thể tiếp tục. Giải quyết lương thực cho 1,3 tỷ nhân khẩu luôn là vấn đề hàng đầu của Trung Quốc. Bình quân tài nguyên đất, nước của Trung Quốc thấp hơn so với thế giới và ngày càng cạn kiệt. Trước những thách thức bức thiết đó, Trung Quốc phải dựa vào khoa học công nghệ để giải quyết vấn đề nông nghiệp
Phát triển nền nông nghiệp hiện đại
Qua các “Kế hoạch 863”, Kế hoạch Đốm lửa (Hỏa tinh kế hoạch), Chương trình trọng điểm về khoa học công nghệ trong nông nghiệp, hàm lượng công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp tăng mạnh. Trung Quốc hiện cơ bản thành công trong áp dụng giống lúa lai với diện tích đạt 50 triệu mẫu. Trung Quốc cũng phấn đấu nâng cao dinh dưỡng toàn dân, dùng khoa học công nghệ để nâng đời sống nông dân lên mức khá (tiểu khang)
Công nghệ thúc đẩy thay đổi phương thức tăng trưởng kinh tế
Trung Quốc đã duy trì mức tăng trưởng 9% trong  20 năm liên tục, tuy nhiên sự tăng trưởng còn dựa vào tài nguyên, nguồn lực và công nghệ nhập khẩu. Năng suất lao động so với các nước phát triển còn rất thấp, sản xuất thường chỉ thuộc vị trí thấp trong dây chuyền toàn cầu. Nếu không thay đổi phương thức kinh tế trong 15 năm tới thì khó duy trì được tăng trưởng. Chính phủ Trung Quốc nhận thức rằng nhập khẩu công nghệ là phương thức rất quan trọng cho phát triển kinh tế, tuy nhiên nhập khẩu công nghệ cũng không thể bằng tự sáng tạo. Sự phát triển của Trung Quốc chủ yếu dựa vào nội lực, vì thế tự chủ sáng tạo sẽ điều chỉnh kết cấu kinh tế và trở thành hạt nhân của tăng trưởng.

Nghiên cứu khoa học cơ bản
Tình hình chung
Chất lượng nghiên cứu cơ bản ở Trung Quốc hướng từ mở rộng về lượng chuyển sang nâng cao về chất. Từ 2001 – 2005, tổng kinh phí cho nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc là gần 47 tỷ NDT, mỗi năm tăng bình quân 25%. Năm 2005 đạt tới 13,5 tỷ NDT, tăng gần 190% so với mức gần 4,7 tỷ NDT của năm 2000. STC ghi nhận, bình quân số lượng báo cáo nghiên cứu từ năm 1997 tới nay tăng 19%/năm. Năm 2005, số lượng báo cáo nghiên cứu đạt hơn 57.000.
Kế hoạch 973
Kế hoạch quốc gia phát triển nghiên cứu cơ bản trọng điểm (gọi tắt là Kế hoạch 973) là một trong những kế hoạch của chính phủ Trung Quốc nhằm hỗ trợ nghiên cứu cơ bản. Kế hoạch 973 mang tính chiến lược, tính dự báo, tính toàn cục, chủ yếu hỗ trợ các nghiên cứu cơ bản quan trọng nhất với mục tiêu giải quyết các vấn đề về kiến thiết kinh tế quốc gia, duy trì phát triển xã hội, hấp thu những thành quả lớn của khoa học thế giới để làm nền tảng cho kinh tế xã hội. Từ 2001 – 2005, Trung Quốc đã đầu tư 4 tỷ NDT cho Kế hoạch 973.
Quỹ khoa học tự nhiên quốc gia
Để cải cách thể chế khoa học, cải cách phương thức thanh toán cho nghiên cứu và đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản, tháng 2/1986, Trung Quốc thành lập Quỹ khoa học tự nhiên quốc gia. Định hướng của Quỹ khoa học tự nhiên quốc gia là hỗ trợ nghiên cứu cơ bản, khuyến khích tự do khám phá, phát huy tính hướng dẫn. Quỹ khoa học tự nhiên quốc gia chủ yếu do nhà nước cung cấp, đồng thời cũng do các đơn vị và cá nhân quyên tặng. Từ 1986 tới 2005, chính phủ Trung Quốc đã cấp cho quỹ 17 tỷ NDT, nhưng chỉ từ 2001 – 2005, Quỹ đã nhận  hơn 10 tỷ NDT.
Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia
Năm 1984, Trung Quốc bắt đầu thiết lập hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, chủ yếu đặt ở các trường đại học và viện nghiên cứu. Phòng thí nghiệm trọng điểm do hội đồng khoa học chỉ đạo về học thuật đồng thời mở rộng cho  các nghiên cứu viên bên ngoài, vận hành theo cơ chế chủ nhiệm phụ trách và cơ chế “cởi mở, linh hoạt, hợp tác, cạnh tranh”. Tổ chuyên gia tiến hành đánh giá hoạt động của phòng thí nghiệm trọng điểm 5 năm một lần. Đến hết năm 2005, Trung Quốc có 182 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia đang hoạt động, bao trùm tất cả các lĩnh vực khoa học cơ bản trọng điểm. Cơ cấu nhân sự của phòng thí nghiệm trọng điểm luôn là 8532 người, giá trị thiết bị thí nghiệm lên tới 7,47 tỷ NDT. Nhiệm vụ của phòng thí nghiệm trọng điểm là thực hiện các nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu công nghệ cao có tính chất cạnh tranh và phục vụ công ích. Trung Quốc xem phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia là nơi đào tạo và giao lưu của nhân tài chất lượng cao trong nước, là sự  đại diện cho chất lượng nghiên cứu của nước này.

Cải cách cơ chế khoa học công nghệ Trung Quốc
Cải cách thể chế khoa học công nghệ Trung Quốc
Từ thập niên 80, Trung Quốc bắt đầu thực hiện cải cách thể chế khoa hoc. Cốt lõi của cải cách là thúc đẩy kết hợp khoa học công nghệ với kinh tế, đẩy nhanh việc ứng dụng thành quả khoa học công nghệ để phát triển sức sản xuất. Nhiệm vụ chủ yếu của cải cách là điều chỉnh cơ cấu tổ chức, cải cách chế độ quản lý nhân viên, thay đổi cơ chế vận hành khoa học công nghệ. Chính phủ Trung Quốc cải cách cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ, thực hiện chế độ hợp đồng, giữ vai trò mở thị trường công nghệ, làm trung gian cho việc biến thành quả khoa học công nghệ thành sản phẩm.
Những thay đổi trong  cơ chế khoa học công nghệ
Cải cách đã thúc đẩy việc kết hợp khoa học công nghệ với kinh tế, khoa học công nghệ điều chỉnh nền kinh tế, cải tạo sản xuất truyền thống.
Cải cách các viện nghiên cứu khai phá
Các viện nghiên cứu khai phá của Trung Quốc có nhiệm vụ nghiên cứu kinh tế và sản xuất. Trước 1999, có hơn 2.000 viện nghiên cứu trực thuộc chính phủ thuộc loại này. Chính phủ Trung Quốc đã phân loại, chuyển hóa một phần các viện này thành doanh nghiệp. Đã có 242 viện trực thuộc trung ương và 136 viện trực thuộc địa phương thuộc loại này thực hiện chuyển hóa để hình thành tập đoàn hay doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Cải cách các viện nghiên cứu công ích
Các viện công ích của Trung Quốc chủ yếu nghiên cứu trên lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, vệ sinh y tế, bảo vệ môi trường, địa chấn, v.v. Đến năm 2000, Trung Quốc có 259 viện trực thuộc trung ương thuộc loại này. Hai năm sau thì Trung Quốc bắt đầu phân loại cải cách các viện nghiên cứu công ích, trong đó chuyển hướng thành các doanh nghiệp hướng tới thị trường, đáp ứng các nhu cầu thiết thực của chính phủ. Sau khi phân loại, cải cách, chỉ còn khoảng 100 viện nghiên cứu công ích với đội ngũ được tinh giản là 15.000 người.
Thí điểm công trình sáng tạo trong Viện Khoa học
Viện Khoa học Trung Quốc là lực lượng chính nghiên cứu khoa học cơ bản và công nghệ cao có tính chiến lược. Năm 1988, chính phủ Trung Quốc quyết định thí điểm “Chương trình sáng tạo tri thức” (Tri thức sáng tân công  trình) tại Viện với một loạt điều chỉnh kết cấu, thay đổi cơ chế và đổi mới  quản lý. Chính phủ dành một khoản ngân sách riêng cấp cho thí điểm “Công trình sáng tạo tri thức” để cải thiện hiện tượng nghiên cứu phân tán, đề tài trùng lặp, chất lượng thấp, đồng thời tiến hành đánh giá hiệu quả vận hành của cơ chế. Hiện nay Viện Khoa học Trung Quốc đang tiến hành giai đoạn ba của kế hoạch thí điểm. Mục tiêu trước mắt là tạo được một đội ngũ quản lý tinh hoa, cán bộ nghiên cứu có chất lượng cao, làm nền tảng cho sự sáng tạo và có sức cạnh tranh quốc tế.
Sáng tạo công nghệ ở hệ thống trường đại học
Trung Quốc dùng “Chương trình 211” (211 công trình) và “Kế hoạch hành động chấn hưng hệ thống giáo dục hướng tới thế kỷ 21” để nâng cao sức sáng tạo và hoàn thiện cơ cấu các trường đại học. Từ 2000 – 2005, các viện nghiên cứu thuộc trường đại học thực hiện phần lớn nhất trong “Kế hoạch 973” với hơn 54% hạng mục đề tài và khoảng 40 % số hạng mục của “Kế hoạch 863”. Từ 2001 – 2004, các trường đại học dùng gần 78% Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia với hơn 56% tổng số hạng mục đề tài.

Hệ thống pháp quy
Luật về khoa học công nghệ
Trong khoảng 20 năm, Trung Quốc đã ban hành hàng chục bộ luật liên quan tới khoa học công nghệ như “Luật tiến bộ khoa học công nghệ”, “Luật phổ biến công nghệ nông nghiệp”, “Luật xúc tiến thành quả khoa học công nghệ”, “Luật phổ cập khoa học công nghệ”, “Luật đo lường”, “Luật tiêu chuẩn”, “Luật Sáng chế”, v.v.
Quyền tài sản tri thức và phát minh khoa học công nghệ
Năm 2002, chính phủ Trung Quốc và các cơ quan hữu quan công bố “Một số quy định về quyền tài sản tri thức và thành quả  nghiên cứu của các kế hoạch khoa học công nghệ quốc gia” và “Quy định tăng cường về quyền tài sản tri thức của các kế hoạch khoa học công nghệ quốc gia”. Các chính sách này đã giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng lâu năm về bản quyền sáng chế, bản quyền giống mới, bản quyền phần mềm, bí quyết công nghệ, v.v.
Chế độ khen thưởng
Năm 1995, chính phủ Trung Quốc công bố “Danh mục giải thưởng nhà nước về khoa học công nghệ” mới, đặt ra giải thưởng cao nhất về khoa học công nghệ để tặng những người có cống hiến đặc biệt trên lĩnh vực này. Hệ thống giải thưởng nhà nước về khoa học công nghệ gồm giải thưởng về khoa học tự nhiên, giải thưởng về phát minh công nghệ, giải thưởng về tiến bộ khoa học công nghệ và giải thưởng về hợp tác khoa học công nghệ quốc tế.
Giải thưởng quốc gia cao nhất về khoa học công nghệ
Giải Khoa học công nghệ tối cao quốc gia với trị giá 5 triệu NDT được lập từ  năm 1999 là giải thưởng nhà nước cao nhất về khoa học công nghệ, mỗi năm không tặng quá  hai người và do chủ tịch nước ký và trao tặng. Nhận giải là những người tạo được bước đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến hoặc sáng tạo ra công nghệ đem lại lợi ích to lớn cho kinh tế hay xã hội. Từ năm 2000 đến nay, đã có 9 nhà khoa học: Ngô Văn Tuấn, Viên Long Bình, Vương Tuyển, Hoàng Côn, Kim Di Khiêm, Vương Vĩnh Chí, Lưu Đông Thăng, Diệp Đốc Chính, Ngô Mạnh Siêu được giải thưởng cao nhất này.

ảnh trên cùng: Chủ tịch nước Trung Quốc trao Giải khoa học công nghệ tối cao quốc gia cho nhà khoa học Diệp Đốc Chính

PV

Tác giả

(Visited 29 times, 1 visits today)