Hiểu đúng về vaccine 

Có một điều thường dễ bị bỏ qua khi nói về vaccine, đó là khái niệm giá trị.

Trẻ em khỏe mạnh, được tiêm vaccine có nhiều thời gian học ở trường hơn. Nguồn: Báo Hòa Bình.

Trên thực tế, dẫu là vaccine COVID, cúm, sởi hay các căn bệnh truyền nhiễm khác thì cộng đồng sức khỏe toàn cầu cũng chưa hẳn đã thống nhất với nhau một tiêu chuẩn đáng giá tổng thể lợi ích kinh tế và xã hội của vaccine. Mark Jit, nhà miễn dịch học tại Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London, nói trên Nature về vaccine COVID “Rõ ràng có thể thấy những lợi ích của một vaccine không thuần túy về mặt sức khỏe. Chúng cho phép các quốc gia nới lỏng các biện pháp ngăn ngừa dịch không chỉ có một tác động rất lớn đến nền kinh tế mà còn đảm bảo cho mọi người sống một cách bình thường”. 

Từ lâu, các nhà khoa học trên toàn thế giới đã phát triển nhiều phương pháp trắc lượng để có thể đo lường, đánh giá trên một phạm vi rộng hơn của những lợi ích kinh tế xã hội, vùng và toàn cầu của vaccine. David E. Bloom, giáo sư Kinh tế và Nhân khẩu học tại Trường Y tế Công cộng Harvard, một trong những nhà khoa học xã hội đa ngành hàng đầu thế giới, cho rằng góc độ cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa bệnh dịch không phải là lăng kính duy nhất để chiếu rọi vào hiệu quả của các chương trình vaccine. Theo ông, giá trị của việc đầu tư cho chương trình tiêm chủng quốc gia còn hơn cả việc làm giảm tỉ lệ mắc bệnh và tỉ lệ tử vong của một đất nước bởi nó còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia và giảm thiểu đói nghèo.  

Sức khỏe dân số và sự thịnh vượng kinh tế 

Có một đường biên phân định giữa các quốc gia giàu và nghèo trong chăm sóc sức khỏe. Vào năm 2005, 86% chi tiêu cho sức khỏe của thế giới thuộc về các quốc gia khối OECD, vốn quy tụ khoảng 15% dân số thế giới. Ít nhất 20% trẻ em trên thế giới vẫn còn chưa được chủng ngừa vaccine DPT (bạch hầu – ho gà – uốn ván), theo số liệu năm 2008 của Worldbank còn nghiên cứu trên The Lancet cho là con số này có thể gần 26% hơn. Những bất bình đẳng lớn về chăm sóc sức khỏe tồn tại trên thế giới không chỉ giữa các quốc gia mà còn trong lòng các quốc gia, cụ thể giữa thành thị với nông thôn, trong các tầng lớp…

Không khó để giải thích sự chênh lệch trong chi tiêu cho sức khỏe. Khi người ta có nhiều tiền, họ có xu hướng có được nguồn dinh dưỡng tốt hơn, tiếp cận nước sạch, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn và các nguồn lực tâm lý xã hội như các cơ sở văn hóa, nghệ thuật, giải trí… tốt hơn. Các cơ chế ấy cho phép khái niệm hóa sức khỏe dân số như một hệ quả của sự tăng trưởng kinh tế, một cách nhìn về mối quan hệ sức khỏe – thu nhập nổi trội từ thuở ra đời của kinh tế hiện đại hai thế kỷ qua. 

“Giá trị của việc đầu tư cho chương trình tiêm chủng quốc gia còn hơn cả việc làm giảm tỉ lệ mắc bệnh và tỉ lệ tử vong của một đất nước bởi nó còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia và giảm thiểu đói nghèo”.

Giáo sư David E. Bloom  

Tuy nhiên, giáo sư Bloom cho rằng, có mối liên hệ nhân quả ngược lại – từ sức khỏe đến thu nhập – cũng có thể hợp lý bởi ba nguyên nhân. Thứ nhất, một lực lượng lao động mạnh khỏe có xu hướng trở thành một lực lượng có hiệu suất lao động cao, với nhiều năng lượng hơn, sức khỏe tâm thần tốt hơn và ít nghỉ việc hơn. Thứ hai có thể cải thiện các kết quả kinh tế thông qua giáo dục tốt hơn, và quay ngược trở lại cải thiện sức khỏe. Trẻ em khỏe mạnh có xu hướng học ở trường lâu hơn và phát hiện nhận thức tốt hơn. Do đó việc đầu tư cho giáo dục ở những đứa trẻ khỏe mạnh sẽ đem lại nhiều kết quả cao hơn, vốn sẽ dẫn đến việc mở rộng hơn nữa những đầu tư đó. Giáo dục được coi là một trong những công cụ hữu hiệu bậc nhất của tăng trưởng kinh tế và chống đói nghèo. Thứ ba, sức khỏe và tuổi thọ ảnh hưởng đến tiết kiệm và đầu tư. Dân số khỏe mạnh sẽ có tỉ lệ tiết kiệm cao hơn. Tiết kiệm dẫn đến đầu tư với kết quả thể hiện trong tích tụ nguồn vốn vật chất và con người, và tiến triển công nghệ. Đó cũng là những định hướng cổ điển của tăng trưởng kinh tế. Cũng lưu ý là dân số khỏe mạnh thì có thể thu hút cả vốn đầu tư nước ngoài tốt hơn, nguồn lực mang theo công nghệ mới, tạo ra việc làm và gia tăng trao đổi thương mại.

Hãy tưởng tượng hai quốc gia đều tương đồng về mọi chiều kích quan trọng để tăng trưởng kinh tế, ngoài trừ một điều là người dân ở quốc gia này thì khỏe mạnh hơn người ở quốc gia khác. Những phát hiện của giáo sư Bloom và cộng sự cho thấy quốc gia khỏe mạnh hơn sẽ gia tăng thu nhập trung bình và giảm thiểu tỉ lệ đói nghèo nhanh hơn so với quốc gia còn lại. Và nó cũng cho thấy trung bình lợi thế năm năm tuổi thọ có thể được quy đổi thành 0,3 và 0,5 % của tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người hằng năm. 

Thoạt nghe thì con số 1% thu nhập tăng thêm có thể không giá trị nhiều lắm nhưng trong một nền kinh tế thế giới mà mỗi thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng cụ thể ở mức 2 đến 3% mỗi năm thì điều đó quả là có ý nghĩa. Ngược lại, 1% thu nhập tăng thêm cũng có ý nghĩa vì có tương đương với 10 năm tuổi thọ tăng thêm. Nó cũng gần như tương ứng với việc cải thiện tuổi thọ mà các quốc gia đang phát triển, nơi có độ tuổi trung bình khoảng 66, có thể được hưởng tương đương với các quốc gia phát triển, nơi có độ tuổi trung bình 77. Nó cũng tương ứng với mức cải thiện tuổi thọ mà nhiều nhà nhân khẩu học dự đoán cho các quốc gia công nghiệp giàu có.

Giáo sư Bloom cho rằng, phần lớn nguồn lực tài chính để cải thiện sức khỏe dân số sẽ đến từ khu vực công bởi bốn lý do. Thứ nhất là đạo đức, tính nhân văn, ví dụ dành các nguồn lực cho sức khỏe nhân dân là công bằng và chính đáng; thứ hai, sức khỏe là quyền cơ bản của con người; thứ ba, sức khỏe đóng vai trò thiết yếu trong xây dựng các xã hội khỏe mạnh; thứ tư, các chính phủ có một vai trò tự nhiên và thiết yếu trong lĩnh vực sức khỏe bởi từ quan điểm kinh tế thì với một số nguyên nhân, những thị trường không được kiểm soát sẽ khó cung cấp những dịch vụ sức khỏe mong muốn về mặt xã hội.

Một mô thức đánh giá vaccine khác

Cách nhìn mới như vậy đã đem lại những gợi ý quan trọng để đánh giá giá trị của các chương trình miễn dịch học quốc gia một cách thấu đáo. Nếu theo truyền thống, các nhà kinh tế học tập trung vào một phạm vi nhỏ hơn khi giả định trẻ được tiêm vaccine thì không bị ốm, tránh được chi phí y tế, bố mẹ có lợi khi không phải bỏ việc trông con ốm hoặc dẫn đi khám. Đó là hai lợi ích trực tiếp nhưng vẫn chỉ là hai thành phần nhỏ trong vô vàn lợi ích mà việc tiêm chủng có tiềm năng đem lại cho trẻ em, bố mẹ chúng và cộng đồng chúng. Ví dụ trẻ em khỏe mạnh có thể học hành tốt hơn ở trường, chúng đến trường nhiều năm hơn. Trẻ em được tiêm chủng cũng có xu hướng tránh được di chứng dài hạn của bệnh tật mà trẻ em thường mắc, như suy giảm thần kinh, lãng tai, cũng như nhiều chứng khác. Khỏe mạnh hơn, giáo dục tốt hơn bạn bè cùng lứa, những đứa trẻ được tiêm chủng đầy đủ sẽ có xu hướng trở thành những người làm việc có hiệu suất cao hơn khi trưởng thành. 

Nhiều lợi ích không thể chỉ có ở trẻ em. Với ông bà, bố mẹ chúng, họ có xu hướng khỏe mạnh hơn nếu con cháu đều khỏe mạnh. Họ cũng có tỉ lệ bỏ việc ít hơn và tránh được những căng thẳng liên quan đến việc có con cháu ốm o.

Xã hội nhận được nhiều lợi ích từ những đứa trẻ được tiêm chủng và khỏe mạnh. Những lợi ích đó liên quan đầu tiên tới miễn dịch cộng đồng, nơi ngay cả các cá nhân không được miễn dịch cũng nhận được sự bảo vệ khỏi bệnh tật khi những người khác trong cộng đồng được miễn dịch. Các nhà miễn dịch học và lâm sàng coi phần thưởng cho miễn dịch cộng đồng này là con số tăng thêm một cách hiệu quả của người được miễn dịch; các nhà kinh tế tập trung vào khía cạnh tiền bạc, nơi con người tránh mắc bệnh nhờ miễn dịch cộng đồng sẽ có xu hướng có hiệu suất làm việc cao hơn và đòi hỏi ít nguồn lực chăm sóc sức khỏe hơn. Lợi ích xã hội cũng bao gồm giảm đi tình trạng kháng kháng sinh. Bởi vì miễn dịch học nghĩa là ít cần đến việc điều trị bệnh tật bằng kháng sinh hơn, nó làm giảm sự phát triển kháng kháng sinh và nhu cầu phụ thuộc vào những loại thuốc đắt đỏ hơn. Cuối cùng, sự kỳ vọng trẻ em sẽ lớn lên một cách khỏe mạnh dẫn đến việc gia đình sinh ít hơn.

Một mô thức cho đánh giá giá trị kinh tế của vaccine dựa trên cái nhìn rộng hơn về lợi ích của tiêm chủng khi tích hợp được nhiều nhân tố đã được giáo sư Bloom nêu và phân tích, không chỉ là chi phí y tế và chi phí bị mất thời gian làm việc của cha mẹ. Nói cách khác, một khi chấp nhận “khỏe mạnh hơn nghĩa là thịnh vượng hơn” thì có lý do để cho rằng, một tính toán hợp lý các lợi ích của tiêm chủng phải là, ở mức độ tối thiểu, bao gồm cả việc năng suất lao động tương lai của những đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh hơn, thông minh hơn, được giáo dục tốt hơn cũng như lợi ích kinh tế thu được ở những người khác trong gia đình và cộng đồng các em được hưởng. □

Thanh Hương lược dịch

Nguồn: Bloom, D. E. (2010). The Value of Vaccination. Hot Topics in Infection and Immunity in Children VII, 1–8.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)