Hiểu lịch sử qua một bài học
Bạn có biết, chỉ từ khi Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ, món spaghetti nổi tiếng của người Ý mới có thêm cà chua? Đổi lại, cũng chỉ từ khi người châu Âu đặt chân đến Tân Thế giới, châu Mỹ mới biết đến đường – dù rằng sau này nói tới đường mía là phải nói tới Cuba, hòn đảo xinh đẹp thuộc châu Mỹ. Đó là những gì bạn sẽ biết sau khi đọc “Đại sử - từ vụ nổ lớn đến hiện tại”, tác phẩm nổi tiếng của nữ khoa học gia Cynthia S.Brown.
Xin dựa vào nhan đề một cuốn sách kinh điển của nhà báo Mỹ Henry Hazlitt, “Hiểu kinh tế qua một bài học”, để tóm tắt nội dung của “Đại sử – từ vụ nổ lớn đến hiện tại”.
Tác phẩm tóm tắt lịch sử của toàn vũ trụ kể từ khởi thủy với Vụ nổ lớn (Big Bang), tới sự hình thành Trái đất, sự xuất hiện của những sinh vật đầu tiên trên đó, thế rồi con người có mặt và bắt đầu nền lịch sử hàng nghìn năm của xã hội loài người. “Cynthia Brown kể cho chúng ta lịch sử của toàn cầu”. (…) Những ngôi sao bình thường biến đổi khí hydro thành khí heli, heli thành carbon, cứ thế, nhưng chỉ các siêu tân tinh là có thể tạo ra các nguyên tố ngoài sắt; những nguyên tố tạo ra sự sống trên Trái đất đã khởi nguồn từ vụ nổ khủng khiếp của các ngôi sao. Do đó mà Cynthia Stokes Brown đã viết những lời đầy lãng mạn: “Về nghĩa đen là tất cả chúng ta đều được làm bằng bụi sao“. Nhưng Chúa ơi, sự lãng mạn không kéo dài trong cuốn lược sử vạn vật này của Brown….” (Alan Cooperman điểm “Đại sử – từ vụ nổ lớn đến hiện tại”, bài đăng trên Washington Post).
“Lãng mạn” – đó là đặc điểm nổi bật trong những gì tác giả Cynthia S.Brown viết về giai đoạn bùng nổ và bành trướng của vũ trụ. “Không gian giãn nở và nhiệt độ tiếp tục giảm xuống. Vũ trụ là một điệu nhảy lấp lánh của cái chết và sự tái sinh, đổ nát và thanh lịch, bạo lực và tàn phá khủng khiếp song hành với cái đẹp và sự sáng tạo mê hồn”. Lồng trong những dòng văn đẹp và dữ dội đó là những chi tiết có thể khiến bạn dễ dàng ghi nhớ lược sử của vũ trụ, và nhớ rất lâu: “Mỗi mạt vàng trên hành tinh này đều có nguồn gốc từ các ngôi sao khổng lồ bùng nổ trước khi Mặt trời xuất hiện. Vàng ở trong chiếc nhẫn trên tay bạn đã trên 4,5 tỉ năm tuổi. Do đó, những vụ sao nổ đã tạo ra những nguyên tố góp phần hình thành cuộc sống trên Trái đất. Trên thực tế, bản thân chúng ta cũng do bụi vũ trụ tạo thành”.
Ở đây, Cynthia S.Brown đã viết như thể với tư cách một người “kể chuyện lịch sử” hơn là một vị giáo sư, nhà nghiên cứu khoa học. Ở tư cách ấy, bà hiểu hơn ai hết rằng cái sẽ đọng lại trong trí nhớ của người đọc hay người nghe không phải những công thức, những dãy số hàng chục con số 0 về tuổi của vũ trụ, bước sóng, năng lượng v.v., mà là những câu chuyện, những chi tiết thú vị và ít người biết, như là: “Vàng ở trong chiếc nhẫn trên tay bạn đã trên 4,5 tỉ năm tuổi”.
Nhưng “sự lãng mạn không kéo dài”, bởi vì tiếp sau phần mô tả giai đoạn hình thành vũ trụ trong một vẻ đẹp rực rỡ nhưng khốc liệt và tàn phá, tác phẩm bắt đầu “zoom” vào một hành tinh độc đáo, nơi mà chúng ta đã, đang và sẽ phải nương tựa, phải bám chặt vào sự sống của nó: Trái đất.
Băng qua 10.000 năm ấm áp
Vũ trụ vốn cực đoan, khi từ khởi thủy nó đã được hình thành theo cái cách cực đoan: “tất cả vật chất, năng lượng, không gian và thời gian được dồn nén đậm đặc ngoài sức tưởng tượng” trong một hạt nhỏ xíu với kích thước có lẽ chỉ bằng một nguyên tử. Cynthia S.Brown không cực đoan nhưng bà đã thể hiện kỹ thuật viết điêu luyện khi “cô đặc” cả quá trình hình thành vũ trụ lẫn lịch sử 10.000 năm ấm áp sau đó của con người trong những trang viết vài trăm từ.
Trái đất hình thành, và các tế bào sống đầu tiên trên hành tinh của chúng ta bắt đầu xuất hiện. Rồi sự có mặt của con người. Cuốn sách lại tiếp tục trình bày hàng chục chi tiết thú vị khác. Những vụ mùa đầu tiên ở châu Mỹ, nơi người ta sống bằng hồ tiêu và bí ngô. Những hải trình đầu tiên: Người Polynesia khi đặt chân lên đảo Phục sinh cách đây khoảng 1.600 năm hẳn là đã tới châu Mỹ hàng trăm năm trước khi ông Christopher Columbus xuống bến. Những thay đổi về chế độ ăn: Từ khi Colombo phát hiện châu Mỹ, thức ăn của người châu Âu đã có thêm chocolate, cà chua, khoai tây, thuốc lá và hồ tiêu. Đổi lại, châu Mỹ lần đầu tiên biết đến đường – thứ chất ngọt có rất nhiều calorie – rồi ngựa, và đặc biệt nguy hiểm chết người: hàng loạt thứ vi khuẩn và virus.
Cứ như thể cuốn sách đưa chúng ta đi khắp nơi trên Trái đất, gặp gỡ từ người Mông Cổ tới những tên cướp biển Viking, từ bộ lạc Maya tới bộ lạc Aztecs, từ đế chế La Mã tới Trung Hoa và người Hồi giáo. Tất cả chuyến du lịch xuyên không gian và thời gian ấy được thực hiện chỉ trong một cuốn sách mỏng.
Vụ nổ trên Mặt trăng |
Những vấn đề nóng bỏng
Bên cạnh việc kể chuyện lịch sử, “Đại sử” còn có tính thời sự, khi cuốn sách cung cấp cho người đọc một phần gọi là “Những câu hỏi chưa có lời giải đáp” ở cuối mỗi chương. Phần này điểm lại những vấn đề kiến thức còn bị bỏ ngỏ hoặc đang gây tranh cãi, như “có phải 0,5% số nam giới trên Trái đất là hậu duệ của Genghis Khan (Thành Cát Tư Hãn)?”, hay “tại sao chủ nghĩa tư bản lại xuất hiện tại một số khu vực ở châu Âu thay vì Trung Quốc hoặc Ấn Độ?”, hoặc đặt vấn đề phải chăng đạo Tin Lành đóng vai trò quan trọng trong việc khởi động công nghiệp hóa?
Tác giả Cynthia S.Brown dành hẳn một chương sách để đề cập một cách tổng quát tới những vấn đề lớn của nhân loại ngày nay: ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, nạn phá rừng, xói mòn đất, cạn kiệt dầu mỏ, ô nhiễm biển và nguồn nước ngọt, phóng xạ và chiến tranh hạt nhân.
Dễ dàng nhận thấy rằng tương lai của tất cả những vấn đề này đều nằm trong tay con người. Mà nói cho đúng thì, toàn bộ cuốn sách đều làm toát lên một mối quan hệ rất mật thiết giữa con người và tự nhiên. Phần cuối sách chỉ là để đặt ra câu hỏi: Liệu nhân loại, sau khi đã liên tục chứng tỏ khả năng gây biến đổi khí hậu và môi trường sống của mình, có thể kiểm soát được sự tiến hóa để giữ cho Trái đất vẫn là nơi sống được cho bản thân và cho các sinh vật khác hay không?
“Đại sử” – thực chất đó chính là lịch sử tác động của con người đến tự nhiên.
Môn khoa học mới
Trái với tên gọi hoành tráng, đại sử (big history) chỉ là một phân nhánh nhỏ của lịch sử thế giới (và lịch sử thế giới thì là một nhánh của khoa học lịch sử nói chung). Nhưng đối tượng nghiên cứu của bộ môn này thì lại rất rộng và có tính liên ngành: lịch sử từ Big Bang cho đến hiện tại, huy động kiến thức trong một loạt lĩnh vực – sinh vật, thiên văn, địa lý, khí hậu, tiền sử, khảo cổ, nhân học, vũ trụ, lịch sử tự nhiên, dân số, môi trường.
Đại sử bắt đầu được dạy vào cuối thập niên 1980 ở Đại học Southern Methodist (Texas, Mỹ). Từ năm 1996 đến nay, đã có một số cuốn sách nghiên cứu về đại sử được xuất bản, và “Đại sử – từ vụ nổ lớn đến hiện tại” của Cynthia S.Brown, ra đời năm 2007, là tác phẩm phổ thông đầu tiên về môn khoa học đa ngành mới mẻ và hấp dẫn này.
Giáo sư David Christian, Đại học San Diego (Mỹ), đã nói rằng nếu lịch sử thế giới cho thấy mối quan hệ của mỗi quốc gia với toàn bộ phần còn lại của thế giới, thì đại sử hé lộ sự gắn kết giữa lịch sử của con người với toàn bộ vũ trụ. Đây là môn học cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng thể. Chẳng hạn, nếu giả định rằng vũ trụ bắt đầu thành hình cách nay 13 năm, thì Trái đất ra đời 5 năm về trước; thiên thạch va vào Trái đất và giết chết toàn bộ khủng long 3 tuần trước; người thông minh (Homo sapiens) xuất hiện cách đây 53 phút; xã hội công nghiệp hiện đại chỉ mới tồn tại được 6 giây. Cuốn sách của Cynthia S.Brown cũng đặt ra nhiều giản lược tương tự để giúp người đọc dễ hình dung hơn về lịch sử như một tổng thể.
Đối với độc giả phương Tây, “Đại sử – từ vụ nổ lớn đến hiện tại” là một cuốn sách khoa học phổ thông. Tuy nhiên, với độc giả Việt Nam thì nó không hoàn toàn dễ đọc, bởi nó đòi hỏi người đọc phải có sự quan tâm nhất định mang tính đa ngành về khoa học. Dẫu vậy, nếu bạn muốn “hiểu lịch sử qua một bài học” thì tác phẩm này là sự lựa chọn tương đối tốt.