Hiệu quả của lò phản ứng nghiên cứu mới: Bốn yếu tố cơ bản
Đầu tư cho một dự án như Trung tâm KH&CN hạt nhân (CNEST) là đầu tư dài hạn và có tầm nhìn trên 50 năm, tương đương với vòng đời của lò phản ứng nghiên cứu đa năng theo công nghệ VVR do Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nga (ROSATOM) cung cấp. Do đó, nếu dự án được chính thức thông qua, việc khai thác hiệu quả lò phản ứng nghiên cứu sẽ là nhiệm vụ số một của ngành NLNTVN.
Các nhà nghiên cứu của Viện Kurchatov làm việc tại một trong tám lò phản ứng nghiên cứu của Viện. Nguồn: wikipedia.
Với suy nghĩ này, chúng tôi đã quy tính hiệu quả của dự án CNEST và lò phản ứng nghiên cứu mới vào bốn yếu tố cơ bản: địa điểm xây dựng (đáp ứng tiêu chí an toàn, gần các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện và trung tâm ứng dụng), khả năng khai thác lò (bao gồm một kế hoạch dài hạn triển khai nghiên cứu ứng dụng, thu hút các đơn vị sử dụng và tất nhiên sẽ phụ thuộc vào mức độ phát triển của KH&CN trong nước); nguồn nhân lực (bao gồm nhân lực quản lý, chuyên gia đầu đàn, các nhà khoa học có năng lực, tâm huyết); hợp tác quốc tế (hợp tác nghiên cứu với các nước, đào tạo nhân lực). Nếu CNEST được xây dựng mà thiếu đi một trong bốn yếu tố này thì không thể coi là hiệu quả và thành công. Vì thế, để dự án hội tụ được cả bốn yếu tố, chúng tôi buộc phải suy nghĩ thật “chín” trước khi thực hiện những bước đi theo đúng lịch trình của một dự án hạt nhân thông thường. Điều đó có nghĩa là, tất cả những vấn đề mà chúng tôi quyết định lựa chọn đều phải ở mức tối ưu.
Thu hút nhân tài
Theo cách nhìn nhận thông thường, người ta vẫn quy lò phản ứng nghiên cứu và lò phản ứng năng lượng vào chung một nhóm và cho rằng, ắt điều gì phù hợp với lò năng lượng là tự động hợp lý với lò nghiên cứu. Ít ai hiểu rằng, giữa hai loại lò này có sự sai khác: một bên được vận hành theo những quy chuẩn chặt chẽ với mục tiêu duy nhất là sản xuất ra điện năng một cách an toàn, một bên được vận hành để phục vụ việc nghiên cứu, tức là sản xuất ra cái mới – những công trình công bố, phát triển ứng dụng… Đội ngũ trực tiếp tham gia làm việc tại lò nghiên cứu và lò năng lượng đều có những đòi hỏi khác nhau: một bên là hiểu và làm việc theo quy tắc, quy trình đã được thiết lập nhằm đảm bảo vận hành lò an toàn, hiệu quả kinh tế; một bên là hiểu sâu về bản chất các quá trình để khám phá, phát hiện, đưa ra cái mới, nói tóm lại là làm việc một cách sáng tạo.
Chính vì chưa nhận biết được sự khác biệt này mà trong quá trình lựa chọn địa điểm xây dựng lò nghiên cứu, người ta cứ máy móc quy tiêu chuẩn lò nghiên cứu theo tiêu chuẩn của lò năng lượng và sắp xếp những nơi không phù hợp, ví dụ như xa các trục đường giao thông, xa trung tâm thành phố, thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết cho cuộc sống khiến khó khăn trong việc đi lại, di chuyển… Rõ ràng, với một địa điểm như vậy, chúng tôi sẽ rất khó khăn, thậm chí là không thể thu hút được nhân tài tới làm việc. Trong cuộc hội thảo quốc tế tại Bộ KH&CN vào ngày 10/2, đại điện ROSATOM cũng đã gợi ý Việt Nam nên lựa chọn địa điểm hội tụ đủ các tiêu chí như gần các thành phố lớn, thuận lợi giao thông, gần các trường đại học, viện nghiên cứu, gần các doanh nghiệp, bệnh viện – nơi hấp dẫn và thu hút được những người giỏi đến làm việc và đón nhận những sản phẩm ứng dụng của lò phản ứng và gần các khu vực đô thị… để triển khai xây dựng CNEST.
Theo kế hoạch của chúng tôi, dự án CNEST không chỉ nhằm xây dựng một trung tâm nghiên cứu ở tầm quốc gia, với một hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu hiện đại mà sau 10, 15 năm đi vào hoạt động, CNEST phải là nơi thu hút các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng như điểm đến của nhiều nhà khoa học quốc tế, nhiều nhà khoa học Việt kiều uy tín… Họ sẽ cùng nhau thực hiện những dự án nghiên cứu liên ngành quốc tế hoặc cùng tham gia những seminar, hội thảo quốc tế để trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, trao đổi thông tin, phát hiện mới… Chính những điều đó sẽ góp phần làm nên sức sống của CNEST và đặc biệt của lò nghiên cứu, góp phần đem lại những kết quả đích thực mà mọi người vẫn kỳ vọng ngay từ khi bắt đầu dự án CNEST.
Những kỳ vọng như vậy về một tổ hợp nghiên cứu ở tầm quốc tế sẽ khó đạt được nếu chúng ta không thu hút được nhân tài, những nhà nghiên cứu cơ hữu và những cộng tác viên tầm cỡ quốc tế. Hiện nay, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) có khoảng 50 cán bộ trẻ đang được đào tạo theo chương trình thạc sỹ và tiến sỹ tại Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Âu khác. Cùng với các nhà nghiên cứu tuyển chọn từ các viện thành viên của Viện NLNTVN, trong đó Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt là nòng cốt, họ sẽ cùng làm việc tại một trung tâm nghiên cứu hiện đại như CNEST. Tại hội thảo với ROSATOM, các đồng nghiệp Nga thông báo một tin vui: một, hai ngày tới, khóa sinh viên đầu tiên về điện hạt nhân mà Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 gửi đi đào tạo tại Nga sẽ nhận bằng tốt nghiệp. Có thể nhiều em trong số này sẽ chuyển sang làm việc trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình cũng như trong các nhà máy nhiệt điện và các ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện của EVN như giải pháp mà thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ đã nêu1. Chúng tôi hy vọng rằng, nếu dự án CNEST được triển khai, sẽ có cơ hội tuyển chọn để đào tạo và định hướng các em theo con đường nghiên cứu.
Học hỏi kinh nghiệm quốc tế
Suy nghĩ của chúng tôi không có gì sai khác với những đồng nghiệp quốc tế. Trên thế giới, nhiều quốc gia đi trước ta hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử như Nga, Mỹ, Hà Lan, Đức, Thụy Điển… thường ưu tiên lựa chọn những địa điểm thuận lợi để xây dựng lò phản ứng nghiên cứu. Họ đã đặt nhiều lò phản ứng nghiên cứu ở các trung tâm lớn của đất nước mình, nơi tập trung đông dân cư và là đầu mối quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội… Đó là cách họ “ưu ái” năng lượng nguyên tử, một lĩnh vực khoa học có nhiều tác động đến những lĩnh vực khác và góp phần đem lại vị thế cho đất nước. Có thể kể ra lò phản ứng của Viện Kurchatov ở thủ đô Moscow, ngay gần quảng trường Kurchatov; lò phản ứng của trường ĐH Công nghệ và kinh tế Budapest (Budapest, Hungary); lò phản ứng trường ĐH Công nghệ Delft (Delft, Hà Lan), lò phản ứng PULSTAR tại trường ĐH Bắc Carolina (Raleigh, Bắc Carolina, Mỹ)… Đặc biệt, lò phản ứng PULSTAR mà tôi có dịp tới làm việc vào tháng 5/2016, được xây dựng vào những năm 1950, dù công suất 1 MW nhưng cũng thực hiện được nhiều nghiên cứu và ứng dụng về tán xạ neutron, thử vật liệu… Nhiều dự án liên kết với các tổ chức nghiên cứu khác như Ủy ban năng lượng nguyên tử Jordan, Bộ Năng lượng Mỹ, IAEA… đã được thực hiện trên lò nghiên cứu này.
Trong quá trình bàn bạc, soạn thảo nội bộ về dự án CNEST, chúng tôi đã học hỏi mô hình của Viện KAERI (Hàn Quốc) với lò đa năng HARANO 30 MW và BATAN (Indonesia) với lò Kartini 100 kWt, lò TRIGA 2 MW, và lò RSG-GAS 30 MWt, những nơi có một số điều kiện thành lập ban đầu tương tự Việt Nam và đã thành công, đạt được nhiều kết quả rất tốt trong nghiên cứu ứng dụng.
———————————
1http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Thong-cao-bao-chi-ve-viec-dung-thuc-hien-Du-an-dien-hat-nhan-Ninh-Thuan/201611/20332.vgp.