Hiệu quả hoạt động Khoa học công nghệ?
Lâu nay trong dư luận xã hội và cả trong giới khoa học vẫn có định kiến các đề tài nghiệm thu xong là "xếp vào ngăn kéo". Thực tế có đúng như vậy không? Khoa học Việt Nam có những đóng góp gì cho đất nước? Làm gì để phát triển nền khoa học công nghệ nước nhà? Đã có rất nhiều ý kiến xoay quanh những vấn đề trên tại cuộc hội thảo "Thực trạng quản lý và chi khoa học công nghệ giai đoạn 2001-2005" do Tổng Kiểm toán Nhà nước và Bộ KH&CN tổ chức.
Khi quyết định xây dựng nhà máy điện Phú Mỹ (bằng vốn ODA của Nhật) hồi đầu thập kỉ 90, phía tư vấn Nhật đề nghị dùng công nghệ tuốc bin ngưng hơi. Các nhà khoa học Việt Nam với kinh nghiệm nhiều năm tham gia nghiên cứu về năng lượng đã kiến nghị chính phủ chuyển đổi công nghệ tuốc bin ngưng hơi (chi phí đầu tư tốn kém và tiêu hao năng lượng nhiều hơn) bằng công nghệ tuốc bin khí hỗn hợp (chi phí đầu tư tốn kém và tiêu hao năng lượng nhiều hơn). Biết tin này, một hãng của Nhật (hãng được coi là cầm chắc thắng thầu cung cấp thiết bị theo công nghệ tuốc bin ngưng hơi) đã ráo riết vận động hành lang để chính phủ Việt Nam không chuyển đổi công nghệ. Song cuối cùng, thủ tướng lúc đó đã quyết định chuyển đổi. Việc chuyển đổi này tiết kiệm cho Việt Nam 350 triệu USD chi phí đầu tư, ngoài ra phải tính thêm 400 triệu USD tiết kiệm nhiên liệu trong 20 năm phát điện. Tổng cộng 750 triệu USD! Con số trên được TS Phạm Hữu Giục đưa ra còn lớn hơn nhiều so với khoản tiền Nhà nước đầu tư cho KHCN cộng dồn từ 1954 cho đến đầu 1990. Điều đáng nói ở đây là những nhà khoa học năng lượng Việt Nam trước khi kiến nghị chính phủ trước đó đã có nhiều công trình nghiên cứu về năng lượng từng bị coi là “xếp vào ngăn kéo”.
Việc quản lý kinh phí thực hiện các đề tài, dự án KHCN giai đoạn 2006-2010 sẽ theo hướng mở rộng phân cấp và giao quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân chủ trì và gắn với trách nhiệm về các kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án… Theo đó sẽ thực hiện chế độ khoán kinh phí thực hiện đề tài, dự án KHCN sử dụng kinh phí nhà nước.
TS Nguyễn Trường Giang, Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính
Định kiến “xếp vào ngăn kéo” ăn sâu đến nỗi người ta quên mất rằng đánh giá kết quả và hiệu quả nghiên cứu khoa học là việc rất khó khăn. TS Giục cho rằng, ngay cả khi nghiên cứu kết thúc, ứng dụng thành công thì việc tính lợi nhuận của công trình cũng không thể hiện được bản chất hiệu quả của KHCN. Ví như Dự án thử nghiệm nuôi sinh sản nhân tạo ốc hương của Viện nuôi trồng thuỷ sản III với kinh phí nhà nước cấp là 1 tỷ 300 triệu đồng, thu hồi 500 triệu, chi phí tiêu hao trong quá trình nghiên cứu là 800 triệu. Ngay sau khi biết tin Dự án thành công, một doanh nghiệp tư nhân của Khánh Hoà đã đề nghị Viện chuyển giao độc quyền về công nghệ với giá 5 tỷ. Viện đã từ chối và chuyển giao cho chương trình khuyến ngư. Giả sử Viện đồng ý bán công nghệ này thì 1 đồng đầu tư có lợi nhuận hơn 600%, lãi rất lớn. Song bản chất vấn đề không phải như vậy, bởi nếu “bán đứt” thì Nhà nước chỉ thu một lần đúng 5 tỷ, một khoản quá nhỏ. Trong khi hơn ba năm qua, công nghệ này đã được chuyển giao cho 20 điểm ở miền Trung, tạo giá trị hơn 1.000 tỷ đồng và công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động, chưa kể kim ngạch ốc hương xuất khẩu trong tương lai dự tính sẽ tới hàng trăm triệu USD!
Tương tự quan điểm của TS Phạm Hữu Giục, TS Nguyễn Đăng Vang, Viện trưởng Viện chăn nuôi cho rằng không thể phủ nhận vai trò của KHCN trong sự tăng trưởng của đất nước: “Nhiều người nói chỉ thấy nông dân đóng góp hàng tỷ đô-la xuất khẩu cho đất nước mà chẳng thấy ‘ông khoa học đâu’. Như vậy chẳng khác nhìn một cây cầu mà nói nó chỉ do công nhân xây dựng nên, còn không có công lao của kiến trúc sư, kĩ sư xây dựng.”
TS Vang cho rằng bản chất của đầu tư cho KHCN là đầu tư mạo hiểm, ngay khảo sát ở Mỹ tháng 5/2006 cũng cho thấy cứ 10 đề tài nghiên cứu cơ bản thì mới có 1 đề tài có khả năng trở thành hàng hoá. Vì vậy cũng không nên “sốt ruột” khi thấy các kết quả nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn đang “xếp ngăn kéo”.
Góc nhìn khác
Nếu như những thành tựu KHCN Việt Nam khó “đong đếm” cụ thể thì những yếu kém của nó cũng không phải nhìn ngay ra được. Dẫn lời của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải “nhìn chung công cuộc đổi mới còn chưa thành công trong giáo dục và KHCN”, GS Hoàng Tụy cho rằng sở dĩ những tiêu cực trong hoạt động KHCN ít bị xã hội “ca thán” hơn những tiêu cực trong giáo dục vì nó không tác động ngay tới tới từng gia đình. Vấn đề “đầu tiên và then chốt” của KHCN Việt Nam là tiền lương và điều kiện làm việc. Có thực mới vực được đạo. Không ở đâu như Việt Nam, nhà nước trả lương cho nhà khoa học chỉ đủ cho họ tồn tại trong 10 ngày, sau đó tạo cơ chế “thoáng” để nhà khoa học hưởng kinh phí đề tài. Chính vì thu nhập từ đề tài gấp nhiều lần tiền lương nên nhà khoa học phải “suy tính” dùng tiền như thế nào. Đó là nguồn gốc làm mất chất lượng nghiên cứu và nảy sinh sự lừa dối trong khoa học. Vì chỉ có “cây đa cây đề” mới được tin tưởng nên các nhà khoa học trẻ không có đất làm việc.
Theo GS Hoàng Tuỵ, chữa căn bệnh tiêu cực trong khoa học bằng đấu thầu đề tài, nghe thì hay nhưng chẳng khác nào “dùng thuốc giảm sốt để chữa ho”, nghĩa là không trừ được tận gốc tiêu cực trong khoa học, bởi gốc tiêu cực không phải ở khâu đấu thầu, xét chọn. GS Tụy lo ngại cơ chế đầu tư như hiện nay sẽ biến các nhiệm vụ quốc gia, dự án KHCN và đề tài trọng điểm bị biến thành “các xí nghiệp quốc doanh” làm ăn thua lỗ triền miên.
Tự nhận là có cái nhìn “từ dưới lên”, GS Trần Xuân Hoài nêu những nhận xét rất sắc sảo về và hiệu quả đầu tư cho khoa học. Từ thực trạng KH hiện nay, GS Hoài đề xuất một “kịch bản giả định” đầu tư để phát triển 5 lĩnh vực công nghệ có tác động kinh tế lớn mà ta phải chủ động nắm. Theo đó, để thực hiện khoảng 25 nhiệm vụ, Việt Nam sẽ cần ít nhất là 75 nhà khoa học đầu ngành, khoảng 750 nhà khoa học lãnh đạo nhóm và 7.500 nhà khoa học. Giả sử lương các nhà khoa học đầu ngành là 1.500 USD/tháng, nhà khoa học nhóm là 1.000 USD/tháng và nhà khoa học là 500 USD/tháng (“trên thế giới, giá chất xám ở đâu cũng như nhau” – GS Hoài lý giải). Thông thường, đầu tư cho nhân lực khoa học chiếm 1/4 tổng đầu tư, như vậy nhà nước cần đầu tư cho khoa học 220 triệu USD/năm! (Theo nghị quyết của quốc hội thì trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm khoa học chi tiêu 3.919 tỷ đồng, tức khoảng gần 250 triệu USD). Con số trên là khả thi, nhưng để có được 75 nhà khoa học đầu ngành thực sự mới là vấn đề.
Tiêu chí đánh giá
TS Nguyễn Đăng Vang cho rằng hiện đang có hai luồng ý kiến, một cho là KHCN Việt Nam, bên cạnh một những mặt yếu, còn cơ bản đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước; luồng ý kiến kia cho rằng KHVN rất yếu kém, thậm chí phải “giải phóng mặt bằng KHCN để xây dựng cái mới”. Rõ ràng để đánh giá đúng những hiệu quả mà KHCN mang lại thì phải thống nhất được tiêu chí đánh giá.
TS Phạm Hữu Giục cho rằng bên cạnh hiệu quả trực tiếp, KHCN còn có hiệu quả tiềm năng, như đầu thập niên 70 Việt Nam bắt đầu nghiên cứu về ưu thế lai, 25 năm sau thì đánh bật được các công ty nước ngoài, giành lại thị phần ngô giống lai ở Việt Nam; hiệu quả mang tính tích hợp, ví như Việt Nam chặn đứng được dịch SARS sớm nhất trên thế giới là nhờ công của các nhà nghiên cứu siêu vi trùng, dịch tễ học, bác sĩ điều trị; hiệu quả gián tiếp, như công trình nghiên cứu sản xuất dây hàn lõi thuốc bằng vật liệu trong nước ngoài hiệu quả kinh tế còn góp phần vào nâng bao chất lượng đóng tàu của Việt Nam.
Ở một khía cạnh khác, GS Hoàng Tuỵ đưa ra nguyên tắc đánh giá các đề tài khoa học: Nếu do nhà nước đầu tư thì kết quả nghiên cứu phải được công bố trên các tạp chí chuyên ngành nước ngoài, nếu không công bố được trên các tạp chí chuyên ngành nước ngoài nghĩa là đề tài chưa xứng tầm quốc gia tài trợ. Với những đề tài chưa rõ ứng dụng cụ thể, rủi ro cao thì các chuyên gia của trường đại học, viện nghiên cứu lập dự án, sau đó xin tài trợ của nhà nước. Nhà nước chỉ kiểm tra kết quả và thưởng cho những đề tài có hiệu quả.
GS Vũ Cao Đàm ở ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh cần phân biệt rõ kết quả và hiệu quả nghiên cứu: kết quả thì đánh giá, còn hiệu quả phải lượng định. GS Đàm cũng đưa ra tiêu chí đánh giá hiệu quả gồm hiệu quả khoa học (tức hiệu quả thông tin, cả những nghiên cứu thất bại cũng có hiệu quả này); hiệu quả công nghệ; hiệu quả kinh tế; hiệu quả môi trường; hiệu quả xã hội…