Hình ảnh tiên tiến tiết lộ quá trình sáng tạo của nhà thơ

Tài năng thiên bẩm không phải là điều kiện duy nhất để con người có được thành công. Trên con đường ấy, con người phải nỗ lực rất nhiều, bầm dập qua thử và sai. Phát hiện mới của các nhà nghiên cứu Anh và Mỹ về nhà thơ Alfred Tenyson cho chúng ta thêm bằng chứng về điều đó.

Nhà thơ Alfred Tennyson. Nguồn: Wikipedia

Alfred Tennyson, nhà thơ Anh thế kỷ 19 được coi là người thể hiện thế giới quan đa cảm và bảo thủ của thời đại Victoria, đã được biết đến như một thần đồng khi ở tuổi 15 đã viết trường ca và kịch. Nhiều thành công liên tiếp đến với ông khi trưởng thành. Những vần thơ của Tennyson không thiếu nỗi suy tư về những vấn đề muôn thuở của tình yêu, cuộc sống và cái chết, do đó nhanh chóng được yêu thích và trích dẫn, ví dụ “Tis better to have loved and lost than never to have loved at all” (tạm dịch nghĩa ‘Thà được yêu và thất tình còn hơn là chưa từng được yêu’). Arthur Henry Hallam, một nhà thơ Anh và bạn thân của ông, đã đánh giá về phẩm chất thi ca của ông một cách sâu sắc “Sức tưởng tượng huy hoàng tràn ngập, xuyên qua tất cả mọi biên giới. Tôi thấy Tennyson như một người hứa hẹn sẽ trở thành nhà thơ vĩ đại nhất thế hệ chúng ta, có lẽ là của thế kỷ chúng ta’. 

Thế hệ sau này biết đến các thi phẩm của Alfred Tennyson nhưng rất ít cơ hội để biết được một cách tường tận về quá trình sáng tạo của ông. Liệu tài năng thi phú cho phép ông hạ bút là thành thơ? Liệu ông sáng tác có giống tích “thất bộ thi” của Tào Thực, được nhắc đến trong tiểu thuyết Tam Quốc chí của La Quán Trung? Song song với quá trình ngược dòng thời gian tìm hiểu những ghi chép đương thời còn sót lại trong các kho lưu trữ, một nhóm các nhà khoa học Anh và Mỹ đã áp dụng một cách tiếp cận liên ngành, sử dụng hình ảnh đa phổ tiên tiến để khám phá những phần chưa biết trong một số bản thảo của Tennyson.  Kết quả được họ công bố trong bài báo “Reading Behind the Lines: Ghost Texts and Spectral Imaging in the Manuscripts of Alfred Tennyson”, xuất bản trên tạp chí The Review of English Studies.

Khởi đầu của một dự án di sản văn hóa

“Bài báo này là một trong những ứng dụng hình ảnh đa phổ và xử lý hình ảnh đầu tiên để nghiên cứu về văn học Anh hiện đại”, ba nhà nghiên cứu Michael J Sullivan (ĐH Oxford), Roger Easton Jr. (Viện công nghệ Rochester, Mỹ) và Andrew Beeby (ĐH Durrham) viết. Đây là một phần của dự án Phục hồi các bản thảo văn học, một dự án nghiên cứu liên ngành được Sullivan thành lập vào năm 2021 với mục tiêu phát triển các kỹ thuật tiên tiến để phục hồi những dòng đã mất của các trang bản thảo, qua đó tiết lộ nhiều hơn những thông tin về thế giới bản thảo mà vẫn còn nằm ngoài tầm với của người đọc. “Cho dù các bản thảo văn học đều chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như những phá hủy của môi trường, việc biên tập hay sự gạch xóa, sửa đổi của chính tác giả, chúng vẫn còn tồn tại đến ngày nay và cho phép chúng ta đọc. Do đó, việc văn bản được phục hồi không chỉ giúp chúng ta tái hiện quá trình sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật mà còn giúp phục hồi những phần đầy giá trị của di sản văn hóa thế giới”, TS. Sullivan nhận xét trong thông cáo báo chí trên trang web ĐH Oxford.


Dữ liệu hình ảnh khối có thể được tái cấu trúc để nhấn mạnh, giảm thiểu hơn nữa hoặc phân tách các xu hướng thống kê trong những vùng được quan tâm, có thể vẽ ra những dòng chữ nằm ngoài khả năng nhìn thấy của mắt người.

Tennyson là tác giả đầu tiên được nhóm nghiên cứu lựa chọn bởi từ năm 1850 đến năm 1892, ông là Nhà thơ được giải thưởng của Vương quốc Anh (United Kingdom’s poet laureate), một vị trí danh dự do đức vua bổ nhiệm theo lời khuyên của thủ tướng với kỳ vọng sẽ sáng tác thơ cho các sự kiện quan trọng của quốc gia. Trong dòng chảy văn chương, Tennyson còn nằm giao điểm giữa Lãng mạn và Hiện đại, giữa thời kỳ Nhiếp chính và Victoria.  

Các kỹ thuật hình ảnh tiên tiến được trao cơ hội khám phá mảnh đất mới là bản thảo của nhà thơ Tennyson. Trước đây, các kỹ thuật xử lý hình ảnh này đã giúp các nhà khoa học hiểu thêm nhiều bản thảo văn học và tác phẩm nghệ thuật thời Trung cổ. “Những tác phẩm mới đã được phát hiện sau các kiệt tác mà chúng ta quen thuộc và việc tái cấu trúc các bản thảo trong những tấm giấy da cổ xưa, bên cạnh việc phục hồi các dấu hiệu của mực in trên các minh họa thời Trung cổ, đã cho phép các học giả truy dấu các tuyến thương mại của màu vẽ trong thế giới Trung cổ”, họ đề cập đến những thành công thúc đẩy họ thử tìm cái chưa biết ẩn trong bản thảo của Tennyson. “Phân tích phần văn bản trong các bản thảo thi ca ở những thời điểm tác giả cân nhắc lựa chọn từ ngữ, và kết hợp hình ảnh đa phổ có thể cho phép loại bỏ về mặt số hóa các lớp mực in, qua đó tiết lộ những phiên bản sớm hơn mà người ta chưa từng biết đến. Với việc áp dụng những kỹ thuật tiên phong lên bản thảo của Tennyson, chúng tôi đã có thể phục hồi được văn bản đã bị tác giả gạch và xóa”. 

Các kỹ thuật hình ảnh tiên tiến giúp phục hồi những chữ, từ, đoạn bị gạch xóa. Ảnh: ox.ac.uk

Điều gì cho phép họ hiển thị những điều còn ẩn giấu dưới cái nhìn thông thường của “người trần mắt thịt”? Các phương pháp hình ảnh chính mà họ sử dụng khi nghiên cứu là các kỹ thuật không phá hủy như hình ảnh đa phổ (MSI), huỳnh quang tia X (XRF), và quang phổ phản xạ sợi quang (FORS). Một kính hiển vi kỹ thuật số tăng cường cận hồng ngoại và các thiết bị hình ảnh đa phổ cho phép họ chụp liên tiếp một tập bản thảo ở nhiều dải quang phổ khác nhau, từ hồng ngoại đến cực tím và quang phổ khả kiến. Ngoài việc ghi lại hình ảnh phản xạ, các thiết bị này còn cho phép áp dụng các kỹ thuật khác, chẳng hạn như huỳnh quang (trang được chiếu sáng ở bước sóng ngắn hơn, khiến trang phát ra ánh sáng hoặc ‘phát sáng’ ở bước sóng dài hơn), chiếu xuyên (ánh sáng chiếu qua mặt sau của trang trong khi đang được chụp ảnh) và chiếu sáng theo kiểu lia (ánh sáng chiếu qua bề mặt trang theo góc nhọn, làm nổi bật kết cấu của cả trang và mực). Nhờ vậy, họ có được một phạm vi hình ảnh rộng có thể làm nổi bật các chi tiết vượt xa phạm vi thị giác thông thường của mắt người. Sau đó, việc xử lý kỹ thuật số cho phép họ kết hợp các phiên bản của hình ảnh này để loại bỏ một số dấu hiệu trên trang bản thảo để tập trung phát hiện các dấu hiệu khác đã bị ẩn.

Quá trình nghiên cứu những trang bản thảo này như một quá trình đãi quặng tìm vàng trong một cái mỏ đã được khai thác, vì vậy cần phải kiên nhẫn gạn bỏ rất nhiều dữ liệu thô, hình ảnh thô mới thấy được những mảnh bụi quý cần tìm. “Một số kết quả xuất hiện ngay lập tức dưới một bước sóng cụ thể mà không cần phải xử lý gì thêm. Tuy nhiên, những kết quả khác thì việc xử lý hình ảnh vẫn phải tiếp tục thông qua việc kết hợp những hình ảnh thô ban đầu vào những ‘khối dữ liệu”, vì việc xếp lớp những hình ảnh khác nhau cho phép phân tích sự khác biệt của các bước sóng ở cấp độ từng điểm ảnh”, họ giải thích trong công bố. “Dữ liệu hình ảnh khối có thể được tái cấu trúc để nhấn mạnh, giảm thiểu hơn nữa hoặc phân tách các xu hướng thống kê trong những vùng được quan tâm, có thể vẽ ra những dòng chữ nằm ngoài khả năng nhìn thấy của mắt người”. 


Một trong những hệ quả quan trọng của các kỹ thuật số đa phổ là mở ra một cánh cửa mới vào quá trình sáng tạo trên các bản thảo viết tay cũng như hiểu sâu hơn về tình trạng của các bộ sưu tập để có phương án bảo tồn đúng mức.

Vô số kỹ thuật tiên tiến cho họ bước sâu hơn vào quá trình sáng tạo của nhà thơ sống cách ngày nay hàng thế kỷ, bao gồm các phép chuyển đổi khối dữ liệu, hình ảnh màu giả – hình ảnh thể hiện vật thể ở màu sắc khác với màu sắc thực tế nếu nhìn bằng mắt thường để hiển thị thông tin từ dữ liệu hình ảnh thu được ở các dải phổ điện từ không nhìn thấy được bằng mắt thường, kết hợp với phần mềm do Viện Công nghệ Rochester thiết kế. Quá trình xử lý như vậy giúp họ khai thác được những sự khác biệt tinh tế của màu sắc trong các bức ảnh thông qua việc đẩy các dải màu sắc của ảnh đi xa hơn để làm nổi bật chúng, trong đó một số hình ảnh phải mất rất nhiều giờ để xử lý một cách tỉ mỉ. “Việc ứng dụng các kỹ thuật này cho phép phát hiện những chi tiết không thể thấy ở phổ ánh sáng khả kiến thông thường”, các tác giả tiết lộ quá trình gạn lọc thông tin của mình và giải thích vì sao lại sử dụng chúng. 

Việc sử dụng hình ảnh đa phổ cũng xuất phát từ một thực tế thú vị là mực in thế kỷ 19, gallotannic (mụn sắt) trở nên trong suốt dưới ánh sáng cận hồng ngoại. Gallotannin, vẫn được biết đến như một loại acid tannic, một dạng tannin, cụ thể là một tannin bị thủy phân được tìm thấy ở nhiều loại cây, đặc biệt là ở các mụn sồi. Gallotannins được biết đến từ cổ xưa bởi được sử dụng làm thuốc, thuộc da, chất nhuộm và thậm chí là gia vị nấu ăn. Khi sử dụng quang phổ phản sợi quang để tạo ra phổ phản xạ mực in, và huỳnh quang tia X để nhận diện các nguyên tố trong thành phần mực in và cụ thể là các nguyên tố kim loại nặng hơn như sắt, đồng và kẽm, “chúng tôi xác nhận là các mẫu mực in mà Tennyson sử dụng không nghi ngờ gì nữa là mụn sắt… Mực in mụn sắt của Tennyson đúng là đã trở nên trong suốt dưới tia sáng cận hồng ngoại.

Tái hiện quá trình sáng tạo

Có lẽ, không có cách thức nào để người ta bẻ ngược mũi tên thời gian, quay trở về thế kỷ 19 để tận mắt chứng kiến quá trình sáng tạo của một nhà thơ như Tennyson. Quá trình này của ông có khác so với các tác giả cùng thời và cả hậu thế không? Phải chăng ông có hạ bút là có ngay những vần thơ tuyệt tác không? Chúng ta khó hình dung được điều đó, nếu không nhờ sự giúp sức của các nhà khoa học, trong trường hợp này, tập hợp các dấu vết, từng chút một như những thám tử xuyên không. 

Việc phân định được những khác biệt nhỏ trong màu mực thông qua hình ảnh đa phổ đem lại cho các nhà khoa học những gợi ý về sự biên tập, sửa chữa và phê bình lớn đã thực hiện. Sở dĩ có được điều này là họ ‘loại bỏ’ được những vết mực bên trên cho phép hiển thị những dòng chữ bên dưới đó một cách gần như nguyên vẹn. Theo cách đó, những dòng chữ nháp có thể được phục hồi, giúp họ hình dung ra quá trình sáng tạo của nhà thơ. 

Kết quả của hình ảnh phổ có thể cho thấy những điều người ta chưa biết, ví dụ trường hợp câu chuyện tình yêu của hiệp sĩ Lancelot và Elaine, một truyện tình bi thảm trong tập thơ Idylls of the King, một bộ gồm mười hai bài thơ tự sự kể lại truyền thuyết về vua Arthur, các hiệp sĩ của ông, tình yêu của ông dành cho Guinevere và sự bội phản của nàng với ông, cùng sự trỗi dậy và sụp đổ của vương quốc Arthur. Không có tập thơ Idylls of the King nào được in trước đây có phiên bản này. 

Tại sao Tennyson lại sửa chữa bản thảo này? Do thôi thúc của ông hay của nguồn nào đó? Các nhà nghiên cứu đã sử dụng tập thơ của Thư viện Wren. Những chữ bị gạch xóa được phục hồi cho thấy bản nháp Lancelot and Elaine của Tennyson dài hơn và kịch tính hơn. Việc tự biên tập lại này có thể là do ông phải hứng chịu sự chỉ trích, phê bình khá gay gắt vào năm 1858 của Walter Bagehot, một nhà kinh tế học nổi tiếng cùng thời và cũng viết nhiều tiểu luận phê bình văn học. Phân tích Idylls of the King, Bagehot cho rằng, những ngày Tennyson còn là tiếng nói và nguồn cảm hứng cho giới trẻ cấp tiến đã qua và đặt thêm một số câu hỏi về giá trị nghệ thuật của tập thơ khi chỉ ra một số ngôn ngữ quá kịch tính hoặc quá cao siêu.  


Nhân văn số và biên tập số đang mang lại một thời kỳ mới cho nghiên cứu văn học, bởi chúng không chỉ đưa ra những phương pháp bổ sung trong phê bình mà còn mở rộng hơn nữa kho tàng văn bản có sẵn.

Cũng phải nói thêm rằng với việc xuất bản Idylls of the King, Tennyson đã đạt tới đỉnh cao của một nhà thơ được mọi người yêu thích: sau bản in đầu tiên với 40.000 bản, trong vòng sáu tháng, tập thơ này đã được tái bản và tiền bản quyền của tập thơ này mỗi năm đem lại cho nhà thơ 2.000 bảng. 

Ngoài trường hợp của Lancelot and Elaine, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra một số đoạn trong The Princess xuất bản năm 1847 đã bị gạch xóa. Các kỹ thuật xử lý hình ảnh cho phép họ nhận diện được những khác biệt về màu mực in giữa các giai đoạn sáng tác và chỉnh sửa sau đó. Tennyson đã viết xuống những dòng “She said you had a heart / Our Ida has a heart—an hour before (Bà ấy nói bạn có một trái tim / Ida của chúng ta có một trái tim’ –một giờ trước) nhưng khi xuất bản là “She said you had a heart—I heard her say it— / ‘Our Ida has a heart’—just ere she died” (tạm dịch: “Bà ấy nói bạn có một trái tim – Tôi nghe thấy bà ấy nói vậy – ? Ida của chúng ta có một trái tim’ – chỉ ngay trước khi bà ấy qua đời). Cụm “Just ere she died” lại được nhà thơ cân nhắc đưa vào khổ thơ trước lúc xuất bản và bỏ cụm “an hour before”. Các nhà nghiên cứu nhận xét, việc gạch bỏ có thể giúp ông loại đi ‘một nét tính cách khắc nghiệt hơn của một bà mẹ khi phán xét con gái mình”. 

Những hình ảnh đa phổ còn giúp các nhà khoa học nhận thấy, Tennyson cũng cân nhắc thay đổi một số từ, như “us” (chúng ta/chúng tôi) thành “me” (tôi/mình) và “our” (của chúng ta) thành “my” (của tôi) để đạt được sự biểu cảm như ông mong muốn. 


Nghiên cứu mới về Tennyson cho thấy các kỹ thuật hình ảnh tiên tiến có thể hữu dụng trong việc hỗ trợ các phương pháp truyền thống đã trở thành chuẩn mực của nghiên cứu văn học Anh. Vai trò của nó là ở chỗ có thể khôi phục hồi các dòng chữ đã bị xóa, bị ẩn trong bản thảo gốc, có thể giúp các nhà nghiên cứu văn học khám phá thêm về tác giả họ mong muốn.

Việc được tiếp xúc với nhiều bản thảo của Tennyson ở các thư viện khác nhau cũng trao cơ hội cho các nhà nghiên cứu đến với nhiều bài thơ khác nhau. Ví dụ bài thơ cuối cùng, 1865–1866, trong cuốn sổ tay mà Thư viện Wren lưu giữ cho thấy một dòng trước nay người ta chưa từng biết “Cocks at the farm were crowing’ (Các con gà trống trong trang trại đồng loạt gáy) đã bị loại bỏ và thay thế bằng “Seas at my feet were flowing” (Biển ngay dưới chân tôi đang chảy trôi), cảnh đồng quê đã được tái định hình trong quang cảnh với hình ảnh đôi chân ngập trong các con sóng vỗ. Những dòng này cho thấy Tennyson bị giằng xé giữa hai lựa chọn, hai mô típ ập đến, bủa vây ông trong quá trình sáng tạo: sự xuất hiện của những con gà và tiếng gáy như một phép ẩn dụ – và lời kêu gọi của biển cả mà Tennyson muốn thể hiện cho cuộc viễn du cuối cùng của vua Arthur đến một vùng đất khác, ngoài vùng đất của sự sống: tiếng vọng của bài hát xuyên qua mặt nước và là chủ đề của bài thơ bi tráng Crossing the Bar. Bài thơ cuối cùng này tập trung vào sự kỳ lạ của chuyến du hành đến cái chết, ‘When that which drew from out the boundless deep / Turns again home’ (tạm dịch Khi bứt ra khỏi vực sâu vô tận/ Trở về nhà).

Mở thêm cánh cửa vào thế giới văn chương

Một trong những hệ quả quan trọng của các kỹ thuật số đa phổ là mở ra một cánh cửa mới vào quá trình sáng tạo trên các bản thảo viết tay cũng như hiểu sâu hơn về tình trạng của các bộ sưu tập để có phương án bảo tồn đúng mức. Ví dụ có một sự thật phũ phàng là mực mụn sắt có thể là nguyên nhân gây phá hủy văn bản theo thời gian. Có những chỗ mà mực của Tennyson đã bắt đầu ăn mòn cả chữ và giấy. Như các bản thảo thời Trung cổ và xa xưa hơn, sự ăn mòn của mực này có thể dẫn đến dự mất mát các vật liệu văn hóa nó tạo ra: môi trường thể hiện các tác phẩm, các kiệt tác nghệ thuật sẽ đến điểm kết thúc và tự phá hủy. Nhìn chung, một quá trình như vậy phải mất hàng thế kỷ và có thể diễn ra theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên có một điều là “sự khác nhau tinh tế của màu mực và văn bản vẫn cho phép chúng ta đưa trở lại ‘những dòng bị viết đè lên’, bị tẩy xóa” và cả sự phá hủy của môi trường”, các nhà nghiên cứu cho biết trong công trình của họ.

Nhân văn số và biên tập số đang mang lại một thời kỳ mới cho nghiên cứu văn học, bởi chúng không chỉ đưa ra những phương pháp bổ sung trong phê bình mà còn mở rộng hơn nữa kho tàng văn bản có sẵn. Do đó “các ví dụ và phương pháp mà chúng tôi đề xuất đã thể hiện cách các bức ảnh đầy đủ chi tiết có thể giúp mở rộng thêm ý nghĩa này. Một phiên bản được phục hồi không chỉ là một phiên bản mới mà còn rọi thêm ánh sáng vào những gì chúng ta suy ngẫm về công trình của một tác giả, sự phát triển của họ, quá trình sáng tạo của họ, và những mối liên quan của những dòng phác thảo trong một tác phẩm và việc làm mới chúng”, các nhà nghiên cứu lý giải sâu sắc hơn ý nghĩa của việc áp dụng phương pháp phân tích mới trên các bản thảo văn hóa. Cách một tác giả viết, chất liệu họ sử dụng và điểm kết thúc quá trình sáng tạo của họ đều nằm ở trung tâm của nghiên cứu văn học với tư cách là hình thức và ý tưởng sáng tác, một kênh vật chất mà người ta có thể tin cậy là có thể giúp bước vào thế giới riêng của nhà văn. Những cái nhìn mới mẻ vào bản thảo và mực in của Tennyson cho phép họ “lập nên những tiêu chuẩn mới để phân loại các bản thảo thi ca của ông, trong khi các khía cạnh của quá trình sáng tác được tiết lộ qua mực in và các trang giấy làm gia tăng hiểu biết của chúng ta về những hệ quả từ các thay đổi và chuyển hướng trong thực hành viết lách của ông”.

Nghiên cứu mới về Tennyson cho thấy các kỹ thuật hình ảnh tiên tiến có thể hữu dụng trong việc hỗ trợ các phương pháp truyền thống đã trở thành chuẩn mực của nghiên cứu văn học Anh. Vai trò của nó là ở chỗ có thể khôi phục hồi các dòng chữ đã bị xóa, bị ẩn trong bản thảo gốc, có thể giúp các nhà nghiên cứu văn học khám phá thêm về tác giả họ mong muốn. Trong trường hợp của Tennyson, một nhà thơ nằm giao điểm giữa Lãng mạn và Hiện đại, giữa thời kỳ Nhiếp chính và Victoria, việc mở ra các trang bản thảo theo cách chưa từng làm trước đây và cách các từng dòng thơ hình thành và thay đổi, đem lại một cây cầu nối giữa nghiên cứu theo kiểu truyền thống và nghiên cứu về lịch sử của các ý tưởng, khám phá sự tiến hóa của tư tưởng và khái niệm trong lịch sử (intellectual-historical study) của thi ca và văn xuôi: một cách giải thích các hoàn cảnh vật chất và sự tồn tại của các tác phẩm, trong diễn giải và lưu trữ chúng trong không gian số.□

Tài liệu tham khảo:

Michael J Sullivan, Roger Easton, Jr, Andrew Beeby. “Reading Behind the Lines: Ghost Texts and Spectral Imaging in the Manuscripts of Alfred Tennyson”. The Review of English Studies

Thông cáo báo chí: Oxford researcher reveals hidden Alfred Tennyson text using innovative imaging techniques

https://www.ox.ac.uk/news/2025-03-11-oxford-researcher-reveals-hidden-alfred-tennyson-text-using-innovative-imaging

Bài đăng Tia Sáng số 8/2025

Tác giả

(Visited 23 times, 22 visits today)