Họ rất gắng bó với nông dân

Đại sứ Israel tại Việt Nam Effie Ben - Matityan mở đầu cuộc trò chuyện với Tia Sáng về nền nông nghiệp, đặc biệt về các nhà khoa học nông nghiệp của Israel bằng việc giới thiệu khái quát những thành tựu nổi bật của nền nông nghiệp Israel.

Israel chỉ rộng bằng 1/58 Việt Nam, mật độ dân số thuộc hàng đông nhất thế giới. Nhưng chỉ với 2,5% dân số làm nông nghiệp, Israel không những bảo đảm đủ nhu cầu lương thực mà còn xuất khẩu tới 3 tỉ USD nông sản. Có được điều này là nhờ năng suất nông nghiệp của Israel rất cao, xin đưa ra những con số dễ hình dung: Năm 1950, một nông dân Israel cung cấp thực phẩm đủ cho 17 người, còn ngày nay là 90 người. Một hecta đất của Israel hiện cho 3 triệu bông hồng, hay 500 tấn cà chua/vụ; đặc biệt, một con bò của Israel cho tới 11 tấn sữa/năm – đây là năng suất mà không một nước nào trên thế giới có được. Tất nhiên, chìa khóa thành công của nông nghiệp Israel chính là công nghệ (know – how).

Do đâu các nhà nghiên cứu nông nghiệp Israel thành công đến vậy?
Nhờ nước Israel rất nhỏ (cười), đồng ruộng san sát, vì thế các nhà nghiên cứu nông nghiệp Israel rất gần gũi với đồng ruộng. Từ viện nghiên cứu hay trường đại học, họ có thể “đi vèo” tới các cánh đồng. Không bao giờ các nhà nghiên cứu nông nghiệp Israel có thái độ kẻ cả khi tới ruộng. Do gần gũi với nông dân, hoặc chính gia đình mình là nông dân nên các nhà nghiên cứu nông nghiệp giải quyết các vấn đề của đồng ruộng với tư cách bạn bè. Mặt khác, sức ép thiếu đất và nước rất đắt khiến các nhà nghiên cứu nông nghiệp phải bằng mọi cách đẩy năng suất lên cao nhất. Israel là nước phát minh ra hệ thống tưới nhỏ giọt (dip irrigation) điều khiển bằng máy tính, không một giọt nước bị bỏ phí. Trình độ nông dân của Israel cũng rất cao, tất cả họ đều đã học xong trung học; nhiều người sau khi học xong đại học đã quay lại đồng ruộng, sau đó lại mang kinh nghiệm đồng áng của mình tới trường đại học.

Thường các nhà nghiên cứu nông nghiệp Israel làm việc cho nhà nước hay tư nhân?
Phần lớn các nhà khoa học nông nghiệp của chúng tôi làm cho nhà nước. Có tới hơn 60% các công trình nghiên cứu nông nghiệp là của Cơ quan Nghiên cứu Nông nghiệp (ARO) hay Trung tâm Volcani thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. ARO có 7 viện nghiên cứu con: Viện Rau, Viện Thu hoạch, Viện Vật nuôi, Viện Khoa học Đất-Nước và Môi trường, Viện Bảo vệ Thực vật, Viện Sau thu hoạch và Viện Cơ khí nông nghiệp. Khoa Nông nghiệp của các trường Đại học Hebrew, Đại học Tel Aviv… cũng có chức năng nghiên cứu nông nghiệp. Mỗi năm Israel chi khoảng 90 triệu USD cho nghiên cứu nông  nghiệp, trong đó khu vực tư nhân chi khoảng 20 triệu USD.

Vậy đâu là động lực của các nhà nghiên cứu nông nghiệp Israel?
Câu hỏi rất thú vị! Các công ty tư nhân thường trả lương rất cao nên nhà nước cũng phải trả lương cao để giữ chân các nhà nghiên cứu. Nhưng dù các công ty tư nhân trả lương cao hơn, các nhà khoa học vẫn thích làm cho nhà nước, vì nhà nước cho họ điều kiện nghiên cứu tốt hơn. Họ làm việc không hoàn toàn vì tiền, mà trước hết vì khoa học. Ngoài ra, họ cũng có thể đi tư vấn cho các nông trại.

Sự khác biệt của các nhà nghiên cứu nông nghiệp Israel so với đồng nghiệp ở các nước có nền nông nghiệp phát triển khác, như Mỹ, Hà Lan…  là gì?

 
Nông nghiệp cũng là một loại công nghiệp

Điều này rất khó nói, có thể đó là khác biệt về tâm lí và địa lí. Các nhà nghiên cứu nông nghiệp của Mỹ, Đức, Hà Lan, Trung Quốc… cũng rất giỏi, nhưng có khi vì đất nước của họ quá rộng nên họ bị xa cách với đồng ruộng; cũng có khi vì khí hậu đồng nhất nên họ không thể giải quyết được một lúc nhiều vấn đề. Israel thì ngược lại. Nước chúng tôi nhỏ nhưng địa hình rất phức tạp: có đồng bằng, có núi, có sa mạc, thời tiết cũng rất đa dạng, vì thế các nhà nghiên cứu nông nghiệp Israel phải rất linh hoạt trong tư duy để có thể giải quyết được những vấn đề phức tạp, áp dụng được ở nhiều nơi khác nhau. Mặt khác, như tôi đã nói, các nhà nghiên cứu nông nghiệp Israel không xa cách với nông dân, đặc biệt, luôn coi trọng những kinh nghiệm trong sản xuất của họ.

Mô hình nông nghiệp Israel liệu có thể áp dụng cho Việt Nam?

Theo tôi, vấn đề chính của nông nghiệp Việt Nam là bắt kịp khoa học tiên tiến. Nông nghiệp cũng là một loại công nghiệp. Lấy ví dụ ngay việc nuôi bò, vấn đề không phải là nuôi năm ba con, để nó tùy ý đi lại, thỉnh thoảng lại ăn một chút cỏ, mà nên xem nó như một chiếc… ô tô. Phải có “đầu vào” tốt, cung cấp đủ lượng protein, tạo độ ẩm và nhiệt độ thích hợp, giữ nền chuồng sạch sẽ, thậm chí phải cho… ngủ đủ, “đầu ra” mới có nhiều sữa. Nhờ các nhà kính, hệ thống tưới tiêu có điều khiển, kĩ thuật chọn giống, tiến bộ sinh học… nông nghiệp hiện đại ngày càng ít phụ thuộc vào môi trường. Trình độ của các nhà nghiên cứu nông nghiệp của Việt Nam rất tốt, tuy nhiên nền nông nghiệp của các bạn vẫn lạc hậu, còn rất nhiều thách thức phải vượt qua.

P.V

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)