Hoa Kỳ: Rò rỉ lượng khí methan khổng lồ trên không gian
Năm 2018 một tập đoàn khí đốt gây rò rỉ một lượng lớn khí đốt ở Hoa kỳ. Giờ đây một nghiên cứu cho thấy, lượng khí methan gây hại cho khí hậu đã tràn ra bầu khí quyển lớn như thế nào.
Từ lâu các nhà nghiên cứu không khỏi lo lắng về lượng khí methan toàn cầu. Loại khí này làm cho khí hậu nóng lên còn tệ hại hơn cả carbondioxid (CO2). Và trong thời gian gần đây các nhà khoa học ghi nhận sự gia tăng của methan trong bầu khí quyển.
Nguyên nhân một phần vì sự tan băng ở những vùng giá lạnh đóng băng vĩnh cửu trên trái đất. Sinh khối từ cây cối bị chết bị vi sinh vật phân hủy trong quá trình đó hình thành CO2 và Methan. Một lý do nữa gây nên sự gia tăng khí thải này là sự khai thác ngày càng nhiều khí đá phiến – methan là thành phần chủ yếu trong khí đốt (Erdgas).
Một nghiên cứu mới xuất bản trên Proceedings of the National Academy of Sciences đã cho thấy một lượng lớn khí methan rò rỉ ra bầu khí quyển do sự cố trong quá trình khai thác.
Để phát hiện các điểm rò rỉ cũng như các điểm nóng gần đây các nhà khoa học sử dụng dữ liệu vệ tinh của Tổ chức không gian châu Âu (Esa). Một nhóm các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Vũ trụ ở Utrecht, Hà Lan đã phân tích, đánh giá dữ liệu về một vụ rò rĩ khí ga ở khu mỏ khai thác khí đốt thuộc bang Ohio, Hoa Kỳ vào tháng hai 2018. Nhà điều hành Exxon Mobil cho đến nay cho hay không nắm được lượng khí bị thất thoát là bao nhiêu, theo New York Times.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan đã cung cấp các dữ liệu chính xác hơn. Theo điều tra này thì rò rỉ kéo dài 20 ngày và lượng khí thất thoát là 120 tấn trong một giờ. Dựa vào lượng thất thoát tính theo giờ thì lượng rò rỉ ở vụ này lớn gấp đôi vụ rò rỉ lớn nhất trong lịch sử khai thác khí đốt của Hoa Kỳ: năm 2015 đã có hàng tấn methan bị thất thoát từ một kho chứa ngầm dưới đất ở Aliso Canyon, California. Tổng lượng thất thoát hồi đó cao hơn lượng thất thoát ở Ohio.
Trong 112 ngày đã có 100.000 tấn methan ở California tràn ra ngoài. Vụ rò rỉ ở Ohio chỉ có khoảng 60.000 tấn, theo ước đoán của các nhà nghiên cứu. Con số này tương đương một phần tư tổng lượng khí thải methan trong một năm của sản xuất dầu mỏ và khí đốt ở Ohio.
Methan (CH4) là khí thải gây hiệu ứng nhà kính có hại cho khí hậu, tác động của nó đối với việc tăng nhiệt độ trên thế giới đã bị coi nhẹ trong một thời gian dài. Trong thực tế loại khí này làm tăng nhiệt độ toàn cầu mạnh hơn nhiều so với carbondioxid – cho dù lượng methan được giải phóng thấp hơn nhiều so với CO2. Methan có trong tự nhiên và khi bị đốt cháy nó tạo ra ít CO2 hơn so với than. Nhưng khi loại khí không mùi, không mầu này thoát ra bầu khí quyển thì nó có tác hại lớn với khí hậu. Nó oxy hoá thành carbonmonoxid và sau đó thành carbondioxid.
Theo các nhà khoa học, nghiên cứu này cho thấy những gì có thể đạt được từ các dữ liệu vệ tinh về giám sát khí methan. Giờ đây có thể đánh giá từ không gian những gì diễn ra ngay cả ở những nơi chỉ mang tính khu vực. Dữ liệu về nồng độ khí methan trên thế giới nhà nghiên cứu có thể có được nhờ công cụ giám sát tầng đối lưu (Tropospheric Monitoring), gọi tắt là Tropomi. Nó bay vòng quanh trái đất cùng vệ tinh quan sát trái đất Sentinal-5P . Bên cạnh khí methan, nó còn có thể đo được hàm lượng Ozon, Carbonmonoxid hay sulfuadioxid trong bầu khí quyển.
Fracking bị nghi ngờ
Trong quá trình khai thác khí đốt các nhà nghiên cứu lo ngại nhất về công nghệ Fracking đang gây nhiều tranh cãi. Công nghệ này bị nghi có dính líu đến việc làm tăng giải phóng khí methan. Đặc biệt Hoa kỳ và Canada dùng phương pháp này để tiếp cận các mỏ khí đốt tự nhiên mà trước đây họ không tiếp cận được. Khi tiến hành kỹ thuật Fracking, trước hết họ phải khoan vào đá phiến sau đó ép một chất lỏng với áp xuất cao vào lớp đá. Lớp đá bị rạn nứt và khí đốt thoát ra từ các vết rạn đó vào lỗ khoan để ra ngoài.
Cách đây ít tháng có thông tin chính phủ của tổng thống Donald Trump có ý định nới lỏng luật Môi trường đối với ngành công nghiệp dầu và khí đốt. Theo đó Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (Environmental Protection Agency EPA) trong tương lai, chính phủ sẽ nới lỏng việc giám sát lượng khí thải methan.
Hiện tại các doanh nghiệp buộc phải áp dụng các công nghệ rất tốn kém đối với các lỗ khoan, đường ống hoặc kho chứa, để xác định được các chỗ rò rỉ khí và hàn gắn lại kịp thời.
Xuân Hoài dịch