Hoàng đế Napoleon có thực sự… lùn?

Hàng bao thế kỷ nay, hình ảnh Hoàng đế Napoléon hiện ra trong lịch sử và các tác phẩm văn hóa là người có chiều cao khiêm tốn. Nhưng, liệu có thực là ông thiếu tấc như lời đồn?

Bức biếm họa của Gillray về sự kiện năm 1798. Nguồn: Phòng trưng bày chân dung quốc gia, London

Chiều cao của vị Hoàng đế

Lý do mà chiều cao của Napoléon gây tranh cãi trong lịch sử là do sự khác biệt giữa hệ thống đo lường của Pháp và của Anh. Theo đơn vị inch của Pháp (pouce) vào lúc đó, 1 inch = 2,7cm, trong khi đơn vị inch của Anh thì thấp hơn:  1 inch = 2,54cm. Theo ba người thân cận với Napoléon – phụ tá Constant, Tướng Gourgaud và bác sĩ riêng Francesco Antommarchi — cho biết chiều cao của ông là hơn ‘5 pieds 2 pouces’ (5’2”). Điều này đã được khẳng định từ việc khám nghiệm tử thi Hoàng đế. Như vậy, tính theo đơn vị của Pháp vào lúc đó thì chiều cao của ông vào khoảng 1,67m. Từ đây, ta thấy là Napoléon cao hơn một chút so với mức trung bình của đàn ông Pháp ở đầu những năm 1800.

Phức cảm Napoléon

Khổ người được cho là nhỏ bé và tính tình nóng nảy của vị Hoàng đế này đã khiến người ta nghĩ ra thuật ngữ “phức cảm Napoléon” – một niềm tin phổ biến cho rằng những người đàn ông lùn xịt thường bù đắp cho tình trạng thiếu tấc của mình bằng hành vi hống hách và thái độ hung hăng. 

Ban đầu, thuật ngữ này được mọi người dùng để mô tả những người đàn ông tham vọng nói chung, như trong bài báo vào năm 1928 phàn nàn về “phức cảm Napoléon xuất hiện ở vô số thương nhân”, những người cố gắng tỏ ra là mình rất thành đạt, nhưng trên thực tế thì không hề như vậy.

Tuy nhiên, phức cảm này cuối cùng lại mang hàm ý như ta đã biết, là do sự xuất hiện của một trong những khái niệm tâm lý học nổi tiếng nhất mọi thời đại: “phức cảm tự ti”. Thuật ngữ này do nhà phân tâm học Alfred Adler đặt ra vào những năm 1920, ban đầu để mô tả những đứa trẻ có vóc người nhỏ bé và không có địa vị xã hội cố gắng giành quyền lực trong môi trường của mình.

Công chúng đã đưa ý tưởng về phức cảm tự ti này đối với người trưởng thành, và liên tưởng nó với chiều cao gây tranh cãi trong lịch sử của Napoléon. Cuối cùng thì, như chúng ta đã biết, mọi người bắt đầu dùng thuật ngữ “phức cảm Napoléon” khi nhắc tới những người trưởng thành quá hống hách, và… thiếu tấc. 

Các bức hình của nhà vẽ tranh biếm họa người Anh James Gillray 

Như thế, nếu Napoléon có chiều cao trung bình, vậy thì truyền thuyết về việc ông là người lùn từ đâu xuất hiện? Trên thực tế, đa phần nó tới từ sáng tác của một người đàn ông: nhà vẽ tranh biếm họa James Gillray người Anh. Dưới ngòi bút xuyên tác, giễu cợt của Gillray, vị thiên tài quân sự của nước Pháp đã trở thành một người đàn ông thấp bé nhẹ cân và hay nổi cáu. Hình ảnh này phổ biến và gây ảnh hưởng tới mức, vào lúc cuối đời Napoléon đã nói rằng Gillray “đã làm được nhiều hơn tất cả đội quân của châu Âu đã làm để hạ bệ tôi”.

Ngay từ đầu, Gillray đã chế giễu Napoléon là người có tính bốc đồng, thích khoe khoang, và… lùn tịt. Vào năm 1798, Đô đốc người Anh Horatio Nelson đã phá hủy Hạm đội Pháp trong trận chiến trên sông Nile. Trong hình vẽ của Gillray, “Buonaparte khi nghe về chiến thắng của Nelson đã thề với thanh kiếm của mình là sẽ xóa sổ nước Anh khỏi Trái đất”, Napoléon vung loạn thanh kiếm nhuốm máu và khoe khoang về nhiều chiến thắng quân sự mà mình đã tiến hành — nói nhiều tới mức mà khung thoại tưởng chừng như vỡ ra khỏi bức ảnh. Bức hình này đánh dấu hình ảnh Napoléon bé tí mà chúng ta quen thuộc ngày nay.

Bức tranh The Plumb-pudding in danger, năm 1805. Nguồn: history.com

Bức tranh “Maniac-raving’s-or-Little Boney in a strong fit” (1803) của Gillray châm biếm một sự kiện ngoại giao có thật xảy ra vào ngày 14/3/1803 tại cung điện Tuileries ở Paris. Trước sự hiện diện của hàng trăm quan chức tới từ các nước châu Âu, Napoléon đã trút cơn thịnh nộ xuống Đại sứ Anh Whitworth.

Trong bức biếm họa, Gillray vẽ Napoléon đi đôi bốt khiến ông trông lùn đi, vò đầu bứt tóc trong cơn giận dữ. Xung quanh ông là bàn ghế, đồ đạc bị hất đổ, có kích cỡ tương đương với ông, và các bong bóng thoại quay cuồng xung quanh Napoléon chứa đầy những suy nghĩ giận dữ điên cuồng về Anh quốc. Từ đó ông “chết tên” Little Boney. Và, cũng từ đây, Gillray tiếp tục vẽ Hoàng đế nước Pháp giống như đứa trẻ giận dữ, hay làm mình làm mẩy.

Hai năm sau, vào năm 1805, Gillray cho ra đời tác phẩm được coi là “bức biếm họa chính trị nổi tiếng nhất mọi thời đại”: The Plumb-pudding in danger. Trong bức tranh này, Thủ tướng Anh William Pitt Trẻ và Napoléon đang cùng nhau cắt xẻ thế giới thành những phạm vi ảnh hưởng. Napoléon được khắc họa với kích thước bé bằng một nửa so với Thủ tướng Anh, phải đứng lên thì mới có thể dùng thanh kiếm để cắt phần. Trong khi Thủ tướng Pitt cắt phần lớn quả địa cầu thì Napoléon dễ dàng chiếm được toàn bộ châu Âu, ngoại từ nước Anh và Ireland.

Nỗi sợ nước Pháp xâm lăng

Vào thời điểm đó, đội quân của Napoléon tung hoành trên khắp mặt trận châu Âu với thế như chẻ tre. Người Anh rất lo sợ trước vó ngựa của vị Hoàng đế, cũng như ý định rõ rành rành của ông là đưa họ hàng và những người thân cận ngồi vào các vị trí quyền lực. Những điều này đã được thể hiện trong bức họa năm 1806 của Gillray “Tiddy-Doll, the Great French-Gingerbread-Baker; Drawing Out a New Batch of Kings”. Trong đây, Napoléon là người thợ nướng bánh, lôi ra cái xẻng đặt các quốc vương bánh gừng, còn phụ tá của ông là Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Talleyrand nhào bột là các nước Ba Lan, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Cái tên “Tiddy-Doll” ám chỉ Tiddy-Dol Ford, người bán rong bánh gừng nổi tiếng thành London. Dù bức tranh này thể hiện rõ nỗi sợ trước quyền lực dường như không thể ngăn cản của ông, hình ảnh Napoléon nhỏ bé, trông như búp bê đã khiến ông chịu nhiều chế nhạo. Tới mức không lâu sau khi bức tranh xuất hiện, Napoléon đã gửi một loạt công hàm ngoại giao qua biển Manche để yêu cầu Chính phủ Anh kiểm duyệt báo chí nước này. Chắc không cần phải nói, các bộ trưởng Anh quốc đã phớt lờ ông.

Hình vẽ Napoléon là một người nhỏ bé của Gillray phổ biến tới mức các họa sĩ châm biếm khác cũng bắt chước luôn. Trong một bức họa vô danh năm 1811- “Bony’s visions or a great little man’s night comforts”, Napoléon có những nỗi kinh hoàng vào ban đêm khi đế quốc mà ông gây dựng bắt đầu xuất hiện dấu hiệu sụp đổ. Trong rất nhiều nhân vật đáng sợ vây quanh ông, một con quỷ giơ tấm bảng ghi những nỗi kinh hoàng châm biếm chính trị, trong danh sách đó “Tranh biếm họa của Gillray” được liệt kê. 

Ảnh hưởng lâu dài từ tranh châm biếm của Gillray đã biến vị tướng hùng mạnh và cứng rắn một thời như Napoléon Buonaparte thành một nhân vật bé tí, điên rồ; nó cho thấy châm biếm có thể là một vũ khí mạnh mẽ để chống lại kẻ mạnh như thế nào.

Phương Thảo – Hiếu Ngân dịch

Nguồn: history.com, nationalgeographic.com

(Bài đăng ở Báo KH&PT số 49)

Tác giả

(Visited 87 times, 1 visits today)