Hòn đá vô tri và ô nhiễm môi trường

Những công trình kiến trúc và các tượng đài lịch sử tuyệt đẹp ở Pháp thường có màu xám. Tại sao vậy? Thoạt đầu, người ta cho đó là hậu quả của ô nhiễm đô thị. Nhưng nếu phân tích kỹ càng hơn, những viên đá không phải đợi đến cuộc cách mạng công nghiệp để có cái màu xám đó.

Sau khi hoàn thiện công việc trùng tu, một số công trình hoặc tòa nhà tôn giáo có vẻ bề ngoài sáng sủa hẳn. Nhưng người ta dường như đã quên đi rằng màu nền móng bằng đá của các ngôi nhà đó lúc đầu cũng có màu sáng. Khi dạo chơi trong các thành phố, người ta thường nhìn vẻ bên ngoài của các tòa nhà và đoán chúng phải có tuổi từ 3-4 thế kỷ trước. Và đôi khi người ta hình dung các thành phố với những tòa nhà đẹp đẽ sẽ tráng lệ hơn, khi vẻ bề ngoài của chúng được làm mới lại. Có thực vậy không?

Ô nhiễm môi trường gây hỏng đá xây dựng

Những hòn đá dường như phải chịu ảnh hưởng của mặt trái của các đô thị hiện đại nhưng chúng chẳng phải đợi đến khi có cuộc cách mạng công nghiệp mới mất đi vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài của chúng.

Những viên đá thường bị ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường. Trong các môi trường đô thị, mức độ ô nhiễm nhiều hơn và do vậy việc màu sắc bên ngoài của các công trình lịch sử thường có màu xám hơn so với màu sắc nguyên bản.


Một ngôi nhà cổ ở Pháp

Vòm đá trong khu công trình kiến trúc cổ

Trên thực tế, từ thế kỷ XIX, việc sản xuất và sử dụng năng lượng gia tăng, các nền công nghiệp phát triển, dầu mỏ và các sản phẩm phái sinh đã dần dần thay thế gỗ (củi). Tất cả các hoạt động mới này đã sản sinh mức phát thải nhiều hơn ra môi trường, trong đó có các thành phần lưu huỳnh, dưới dạng khí, SO2, hoặc các phần tử trong tro bụi, bồ hóng hay các chất chứa nhiều hàm lượng oxit đạm. Những hòn đá đã ghi nhận những thay đổi này vì chúng bị ảnh hưởng của môi trường: quá trình sunfat hóa, những mảng đá bị vỡ, những vết nước chảy… Nhưng thời hiện đại không phải là thủ phạm chính bởi ô nhiễm môi trường đã xuất hiện từ thế kỷ XII và là tác nhân khiến các viên đá nền móng kia bị hư hại.

Đá, chất liệu dễ bị hỏng

Ô nhiễm môi trường tác động lên đá có độ đa dạng khác nhau tùy theo các tiêu chí khác nhau. Một ngôi nhà nằm trong khu đô thị tất nhiên là bị ô nhiễm nhiều hơn so với một ngôi nhà khác ở vùng nông thôn. Nhiệt độ, độ ẩm trong không khí và thời tiết xấu là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất tới các tính chất cơ học của đá, khiến chúng có nhiều lỗ xốp hơn. Yếu tố khí hậu cộng thêm với chất lượng của không khí, vốn tùy thuộc từng nơi, vào hoạt động của con người. Chính vì các yếu tố nói trên, đá hấp thụ ô nhiễm theo nhiều cách khác nhau và có thể bị bẩn, bị tật, bị mài mòn, ăn mòn, bị bong từng mảng…


Một tòa nhà có lịch sử lâu đời ở Pháp vừa được trùng tu và tái tạo lại

Đường ống dẫn nước cổ bằng đá ở Montpellier

Và những thay đổi nói trên trên bề mặt của đá rất dễ nhận thấy bằng mắt thường. Nếu nhìn chúng bằng kính hiển vi và phân tích, chúng sẽ khiến ta thay đổi quan niệm về ô nhiễm trước thời kỳ công nghiệp hóa.

Gỗ, một chất liệu gây ô nhiễm

Đúng vậy, có thể nói rằng ô nhiễm đã từng tồn tại trong quá khứ và những viên đá từ thời Trung cổ đã bị xám màu do ô nhiễm gây ra. Chúng không bị ô nhiễm bởi dầu khí và các chất phái sinh, nhưng chúng lại bị ô nhiễm bởi gỗ. Chính gỗ là thủ phạm gây ra “các loại bệnh” cho đá. Không quá khó để nhận biết điều này: cần các nhà khoa học giỏi và cả chút ít may mắn nữa là có thể tìm thấy những bức tượng thời Trung cổ đã bị bỏ quên hàng thế kỷ trong một ngôi nhà cổ hẻo lánh nào đó, và rất có thể chúng không phải chịu ảnh hưởng của ô nhiễm thời hiện đại, hoặc họ cũng có thể gặp các trường hợp trùng tu các công trình lịch sử… Tóm lại, họ có thể tìm lại được trạng thái ban đầu của các viên đá trong quá khứ. Sau đó, cần phân tích chúng dưới kính hiển vi, xem xét và so sánh chúng với các tòa nhà khác…

Công việc này đã được thực hiện ở nhiều tòa nhà tại Pháp và các kết luận đưa ra rất giống nhau. Gỗ đã gây ra một sự ô nhiễm không khí đáng kể và ảnh hưởng tới các viên đá trong các công trình xây dựng. Như vậy, hãy quên đi giấc mơ đánh bóng lại các thành phố với các công trình bằng đá sáng sủa.

Khoa học cho phép chúng ta đi ngược trở lại quá khứ, hiểu được cuộc đời của các công trình lịch sử, nhưng không chỉ có thế. Tất cả các nghiên cứu về sự thoái hóa của đá, vào một ngày nào đó, cũng cho phép dẫn tới việc hình thành các biện pháp phòng tránh và các tiến trình tự động rửa đá bởi “các toà nhà của ngày hôm nay sẽ là các tượng đài cho mai sau”.

    Vương Tiến  theo Linternaute

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)