Hộp đen kiểu mới cho các chuyến bay thương mại

Hộp đen tự thoát đắt khoảng gấp đôi hộp đen thông thường, được kỳ vọng sẽ làm cuộc cách mạng trong công tác tìm kiếm máy bay gặp nạn.

Sau một năm tìm kiếm cực kỳ tốn kém, cho tới nay chiếc hộp đen của chuyến bay MH370 mất tích bí ẩn ngày 8/3/2014 vẫn bặt vô âm tín. Trong các tai nạn trước đây cũng vậy, hộp đen cùng với các mảnh xác máy bay rơi rải rác trên diện tích cực rộng, khiến cho đội tìm kiếm rất khó xác định được vị trí hộp đen. Thí dụ hộp đen của chuyến bay Air France 447 rơi xuống biển năm 2009 trên đường bay từ Rio de Janeiro đi Paris, mãi tới năm 2011 mới tìm thấy. Thời gian qua dư luận từng bàn nhiều về vấn đề cần chế tạo được loại hộp đen kiểu mới có thể dễ tìm thấy sau khi máy bay gặp nạn.

Tổng công ty Máy bay thương mại Trung Quốc (Commercial Aircraft Corporation of China Ltd, COMAC) đã quan tâm nghiên cứu giải quyết vấn đề này. Tờ “Hương cảng Thương báo” ngày 10/3 đưa tin: mới đây Công ty con tại Mỹ của COMAC (COMAC America Corporation) đã chế tạo được loại hộp đen có thể tự động thoát ra ngoài từ đuôi máy bay trước khi máy bay bị phá hủy.

COMAC nói thiết bị được đặt tên là Harbinger này có thể làm cuộc cách mạng trong công tác tìm kiếm máy bay gặp nạn. Tuy vậy cũng có ý kiến nói loại hộp đen này tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố cho máy bay nếu do thiết bị trục trặc mà nó tự bắn ra ngoài khi máy bay đang bay bình thường.

Thiết bị Harbinger chủ yếu dùng cho máy bay thương mại. Đoạn video do COMAC America Corp. trình bày cho thấy: khi mô hình máy bay thí nghiệm sắp rơi, thiết bị đó (gồm bộ ghi dữ liệu và thiết bị bắn ra) sẽ tự động thoát ra từ phần đuôi máy bay. Bộ ghi dữ liệu có thể ghi lại vài phút hình ảnh và âm thanh cuối cùng trên máy bay trước khi máy bay rơi và có thể nén được cực nhiều thông tin về vị trí máy bay, mọi số liệu trong hộp đen và hình ảnh video ghi được, sau đó lập tức truyền mọi dữ liệu đó tới các vệ tinh liên quan. Như vậy thiết bị có thể giúp đội tìm kiếm nắm được mọi thông tin ghi trong hộp đen truyền thống, nhờ đó phục dựng được tình trạng tai nạn một cách chân thực.

Harbinger có lắp dù và phao, sau khi thoát ra khỏi máy bay, phao sẽ làm nó nổi trên mặt nước (nếu rơi xuống biển), dù sẽ giúp nó hạ cánh nhẹ nhàng không bị hư hỏng (nếu rơi trên đất liền), đồng thời Harbinger sẽ liên tục phát tín hiệu cầu cứu, giúp đội tìm kiếm xác định được vị trí của nó.

Từ tháng 10 năm ngoái đến nay, COMAC America Corp. đã hoàn thành một loạt thí nghiệm hệ thống Harbinger trên mô hình máy bay. Ngày 5/3 họ đã nộp đơn lên Cục Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (US Patent and Trademark Office) xin cấp patent. Ông Diệp Vỹ (Ye Wei) Giám đốc COMAC America Corp. nói: công ty “sẽ gấp rút triển khai sản phẩm này, tin rằng các máy bay thương mại trong tương lai sẽ được hưởng lợi ích từ Harbinger”.

Theo The Economic Times, trước khi COMAC công bố tin nói trên, Công ty Airbus đã chuẩn bị lắp cho hai kiểu máy bay lớn nhất của họ là A350, A380 loại hộp đen tự thoát. Nhưng đối thủ cạnh tranh của họ là Công ty Boeing không quan tâm tới loại hộp đen ấy. Ông Mark Smith, chuyên viên điều tra tai nạn máy bay của Boeing còn cảnh báo: loại hộp đen này rất dễ tự bắn ra khỏi máy bay khi đang bay bình thường, trái với mong muốn, vì thế tiềm ẩn nguy hiểm cho máy bay. Smith cho biết bình quân cứ 10 năm mới xảy ra một trường hợp máy bay chở khách rơi xuống biển và không tìm thấy hộp đen của nó sau hơn một năm tìm kiếm ; trong khi đó sự cố hộp đen tự thoát ra khỏi máy bay một cách ngoài ý muốn lại có thể xảy ra năm-sáu lần trong một năm, và sự cố này không thể kiểm soát được.

Trên thực tế, loại hộp đen tự thoát lâu nay đã được lắp cho máy bay quân sự. Các ý kiến phản đối lắp hộp đen tự thoát cho máy bay dân dụng chủ yếu với lý do loại này có giá thành đắt khoảng gấp đôi hộp đen thông thường (30.000 USD so với 13.000~16.000 USD, theo Reuters).

Nguyên Hải tổng hợp

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)