Hợp tác quốc tế về KHCN theo nghị định thư – 5 năm nhìn lại

Những năm 80 và đầu 90, biến động chính trị ở Liên Xô và Đông Âu đã khiến các mối quan hệ hợp tác về KHCN của Việt Nam bị gián đoạn, đặc biệt là nguồn viện trợ không hoàn lại mà các nước này dành cho Việt Nam cũng kết thúc.

Chỉ từ sau năm 1995, hợp tác quốc tế về KHCN mới phục hồi. Bắt đầu bằng những nỗ lực tìm kiếm các đối tác mới, đồng thời nối lại những mối quan hệ hợp tác truyền thống, đến năm 2000, Bộ KH&CN đã có chủ trương dành một phần ngân sách sự nghiệp khoa học để hỗ trợ một số nhiệm vụ HTQT về KHCN theo nghị định thư. Ban đầu các nhiệm vụ này chủ yếu được thực hiện với các đối tác thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu, sau đó hình thức này được mở rộng với nhiều đối tác khác. Đây không phải là quá trình đơn giản. Ông Thạch Cần, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ KH&CN cho biết đặc thù của hợp tác khoa học với nước ngoài theo nghị định thư là “nội dung hợp tác phải được các bên thỏa thuận, song nếu đối tác nước ngoài không quan tâm mà chỉ có phía ta quan tâm thì mất rất nhiều thời gian đàm phán”. Ngoài ra kinh phí đối ứng từ ngân sách sự nghiệp KHCN (nếu có) chỉ mang tính hỗ trợ hoạt động, không bảo đảm cho toàn bộ các hoạt động của nhiệm vụ nghiên cứu.
Giai đoạn 2001 – 2005, Bộ KH&CN đã triển khai khoảng 350 nhiệm vụ hợp tác quốc tế theo nghị định thư. Trong đó phải kể đến những nhiệm vụ như “Nghiên cứu áp dụng mô  hình NWSRFS của Mỹ để dự báo, cảnh báo lũ lụt”. Với mô hình này, Viện Khí tượng Thủy văn đã thử nghiệm thành công việc dự báo lũ lụt cho hệ thống sông Hồng – Thái Bình. TS Trần Thục đánh giá  thái độ của đối tác Mỹ là “rất hiệu quả”. Sự hợp tác này mới chỉ đang trong “giai đoạn thăm dò lẫn nhau”, phía Mỹ cũng dự kiến chuyển giao mô hình NWSRFS để áp dụng cho lưu vực sông Mê Kông.
Hợp tác với Nga qua nhiệm vụ “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thuốc tuyển quặng Apatit Việt Nam và các chất hoạt động bề mặt khác trên cơ sở parafin tách từ dầu mỏ”, Viện Hóa học công nghiệp đã nhanh chóng làm chủ hoàn toàn công nghệ này. Trên cơ sở đó, Viện đã xây dựng được một nhà máy tuyển thuốc hiện đại, đáp ứng 70% nhu cầu thị trường trong nước, doanh thu khoảng 40 tỷ đồng/năm. Công trình này đã được Giải thưởng Nhà nước năm 2005.
Đặc biệt, với nhiệm vụ “Xây dựng và ứng dụng công nghệ vật liệu chứa carbon và compozit carbon” hợp tác với Nga, Trung tâm Công nghệ Vật liệu đã làm chủ công nghệ chế tạo carbon xốp, mở ra nhiều hướng ứng dụng trong y tế, vật liệu mới… Ông Cao Mạnh Tường cho biết, việc hợp tác này không những thành công mà còn đạt được nhiều kết quả “ngoài dự kiến”. Đó là khi biết Trung tâm đang chế tạo các bon xốp ứng dụng trong y tế, một trường đại học nước ngoài đã tặng không bộ khuôn trị giá tới 20.000 USD.
Một kết quả “bất ngờ” khác cũng nảy sinh trong quá trình nghiên cứu bào chế, thử lâm sàng thuốc Cedemex hợp tác với Trung Quốc. Thuốc Cedemex do Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo chế tạo được phía Trung Quốc phát hiện còn tác dụng… giã rượu rất tốt. Tất nhiên tác dụng chính của Cedemex vẫn là cắt cơn nghiện một cách hiệu quả.
Ngoài ra, phải kể đến những thành công của “Nghiên cứu khả năng ứng dụng thiết bị lazer trong các mỏ hầm lò” hợp tác với Ba Lan, “Xây dựng điểm trình diễn và chuyển giao công nghệ nuôi cá nước ngọt” hợp tác với Hungary… Hầu hết chủ ý kiến đều đánh giá đối tác rất cởi mở. TS Đào Chí Thành, người tham gia “Nghiên cứu ứng dụng viễn thám siêu cao tần thụ động” hợp tác với Bulgari, còn nhận xét: “Phía Bulgari nhiệt tình tới mức ta không theo kịp”.
Tất nhiên, việc hợp tác quốc tế về KHCN không chỉ có thuận buồm xuôi gió. Ông Thạch Cần đánh giá: “Đội ngũ các nhà nghiên cứu của Việt Nam còn nhiều bất cập về cả chuyên môn lẫn ngoại ngữ, kỹ năng giao dịch quốc tế. Đặc biệt là thiếu các nhà khoa học đầu đàn  có trình độ tầm cỡ khu vực và thế giới đủ năng lực để xây dựng và chủ trì các chương trình, dự án quy mô lớn mang tính đa ngành, liên ngành. Chưa thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ và chưa thực sự hiểu rõ thế mạnh của từng đối tác để khai thác thế mạnh của họ” Ngoài ra nguồn tài chính cho hoạt động hợp tác còn hạn hẹp, chỉ mang tính “hỗ trợ”, chưa đạt ngưỡng tối thiểu để thực hiện nhiệm vụ đặt ra (tổng kinh phí đối ứng của Việt Nam trong 5 năm qua là 115 tỷ đồng).
Trong giai đoạn tới đây, việc định hướng hợp tác quốc tế về KHCN sẽ tùy theo từng địa bàn: Với Mỹ và Canada, đặc biệt gắn kết nội dung nghiên cứu với phát triển kinh tế, thu hút tối đa các nhà khoa học Việt kiều tham gia. Chú trọng về phát triển hợp tác với các nước thuộc nhóm G7 ở châu Âu, đây cũng là khu vực có nhiều trí thức Việt kiều sinh sống. Tranh thủ kinh nghiệm của Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc về chính sách phát triển KHCN. Tăng cường quan hệ hợp tác sẵn có với các nước thuộc Liên Xô cũ, tiếp thu các kết quả nghiên cứu và công nghệ lưỡng dụng. Với các nước ASEAN, cần khai thác có hiệu quả các chương trình KHCN trong khối và giữa khối với các nước đối thoại. Ngoài ra cũng tranh thủ tối đa các tổ chức nghiên cứu khoa học quốc tế (IDRC, CGIAR…) để tăng cường tiềm lực của KHCN Việt Nam.
Theo ông Thạch Cần, về lâu dài, cần nghiên cứu “Quỹ hỗ trợ hợp tác quốc tế về KHCN” hoặc “Quỹ hỗ trợ hội nhập quốc tế về KHCN”. Quỹ hỗ trợ này có thể có nhiều chức năng nhưng trong đó có chức năng hỗ trợ các nhiệm vụ HTQT về KHCN theo nghị định thư.

Chú thích ảnh: Thuốc Cedemex chế tạo từ thảo dược của Viện Nghiên cứu và ứng dụng dược liệu điều trị bệnh hiểm  nghèo

P.V

Tác giả