Hợp tác với Israel: Những cơ hội phát triển công nghệ cao
Câu hỏi thứ một triệu Những quả "cà chua bi" bày bán trong khắp các siêu thị trong nước - hiếm người biết rằng đó là thành quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học nông nghiệp đầu ngành của khoa nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Weizman và công ti Zera của Israel
Ông Ilan Maor tại buổi hội thảo. |
Có thể kể thêm vô vàn những cái “nhất”, “đứng đầu”, “đầu tiên” ở đất nước nhỏ bé này: Israel là nước có số lượng người tốt nghiệp đại học/đầu người, nhà khoa học/lực lượng lao động, thậm chí cả số lượng bảo tàng/số dân cao nhất thế giới; những chiếc ống nhựa đơn giản làm nên hệ thống tưới nhỏ giọt của anh Simcha Blas đã tạo ra một cuộc cách mạng trong nông nghiệp; Checkpoint là công ti đứng đầu thế giới về mạng riêng ảo (VPT) và công nghệ tường lửa; Teva là công ti tân dược lớn nhất thế giới; công ty Given Imaging đã chế tạo loại camera siêu nhỏ đầu tiên có thể nhét vào viên thuốc để quan sát bên trong cơ thể và chẩn đoán bệnh ung thư, v.v…
Điều gì đã khiến đất nước nhỏ bé mới thành lập chưa đầy 60 năm trở nên một cường quốc công nghệ cao? Điều gì đã khiến một dân tộc phiêu tán, vừa trải qua thảm họa diệt chủng đã tập hợp thành những người làm chủ những công nghệ mũi nhọn?… Những người Israel đã ngầm tự hào khi gọi câu hỏi “Điều gì khiến Israel thành công?” là “câu hỏi thứ một triệu”. Ông Ilan Maor, Vụ trưởng Vụ kinh tế III của Israel phác hoạ những chặng đường phát triển của Israel bằng hình ước mơ của người mẹ. Những năm 50 của thế kỉ trước, các bà mẹ Israel đều mong con trở thành… nông dân. Đừng cười giấc mơ của họ, bởi 2000 năm tha hương, không có quyền sở hữu đất đai thì giấc mơ được trồng trọt cũng đã quá xa xỉ! Đến những năm 70, khi đã là những người nông dân giỏi nhất thế giới thì các bà mẹ Israel lại mong con mình thành bác sĩ. Còn ngày nay, giấc mơ của họ là con mình thành lập một công ti trên lĩnh vực công nghệ cao.
Nhà máy Intel đặt tại Israel |
Ông Ilan Maor cho rằng có mấy yếu tố khiến công nghệ cao của nước này phát triển, đó là thiếu tài nguyên thiên nhiên: “Trong khi tất cả các nước láng giềng có dầu mỏ thì Israel không. Nếu có dầu, chưa chắc Israel đã đủ động lực tập trung cho công nghệ.” Căng thẳng chính trị cũng khiến người Israel biến thành thế mạnh kinh tế. Công nghệ quốc phòng sẵn sàng phục vụ kinh doanh, ví như những nhà máy sản xuất ống nhòm cho xe tăng cũng có thể sản xuất thiết bị quang học cho vệ tinh. Một yếu tố mà ông Ilan Maor muốn nhấn mạnh là “tính cách Israel”: Dường như người Israel không bao giờ nói câu “tôi không làm được”, bởi không có điều gì “không làm được” mà chỉ có “chưa tìm ra cách” (Ilan Maor cũng không quên bổ sung: tính cách “thực hiện bằng được” này rất giống người Việt Nam – một cách nói xã giao chăng?). Song với người Israel bình thường, thành công trên lĩnh vực công nghệ không phải để họ có cuộc sống sung sướng hơn mà đơn giản chỉ giúp họ tồn tại giữa môi trường khắc nghiệt.
Hợp tác với một Israel “khác trên CNN”
“Hãy cố hợp tác với Israel!”, đó là thông điệp của ông Trương Gia Bình, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) tại hội thảo về nền kinh tế công nghệ cao của Israel vừa được tổ chức tại Hà Nội. Theo ông Trương Gia Bình, điều kiện thuận lợi để hai bên hợp tác không phải là sự tương đồng mà chính là sự khác biệt. Israel nắm công nghệ tiên tiến nhưng thị trường nội địa lại rất nhỏ (chỉ khoảng 7 triệu dân) và bất ổn bởi xung đột khu vực. Trong khi đó, Việt Nam có một thị trường rộng lớn (chưa tính thị trường các nước lân cận), một đội ngũ tri thức trẻ “khát” công nghệ và nền chính trị ổn định. Ông Phan Chiến Thắng, giám đốc công ti Đầu tư phát triển công nghệ điện tử – viễn thông (ELCOM) chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với Israel là đối tác “rất thân thiện và tin cậy”. Từ chuyến đi Israel cách đây 7 năm và sau nhiều lần thăm lại, ấn tượng về Israel của ông Thắng là những hình ảnh “hoàn toàn khác trên kênh CNN”, “thực tế số người chết vì khủng bố trong một năm ở Israel không bằng số người chết vì tai nạn giao thông vài ngày ở Việt Nam”. Các nhà máy công nghệ cao của Israel cũng gây ấn tượng cho ông Thắng bởi tổ chức đơn giản “như những xí nghiệp may ở Hưng Yên”. Cách đây 7 năm, công ti ELCOM bắt đầu bán, bước tiếp theo là hỗ trợ (support) và hiện nay là bổ sung các chức năng (function) cho các sản phẩm công nghệ cao của Israel. Theo ông Thắng, thuận lợi khi hợp tác với Israel là họ cần phát triển công nghệ bổ trợ (add ons), đây là điều các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được. 7 năm làm việc với Israel, chưa lần nào hợp đồng của ELCOM bị “vỡ” vì nếu có “vỡ” thì phía Israel sẽ tìm mọi cách “gắn” lại. Còn theo ông Mai Xuân Bắc, giám đốc công ti Netafim chuyên cung cấp các sản phẩm công nghệ cao phục vụ nông nghiệp của Israel thì đối tác bao giờ cũng tìm hiểu rất kĩ Việt Nam, chỉ khi thấy khả năng hai bên cùng có lợi mới tiến hành hợp tác. Hệ thống trồng cây trong nhà kính Israel do Netfim cung cấp đang hoạt động khá hiệu quả ở Hà Nội và Hải Phòng.
Hiện nay, trong khi Israel muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực thì theo ông Trương Gia Bình, trước hết Việt Nam nên hợp tác với Israel trên lĩnh các vực giáo dục, sau đó đến viễn thông, an ninh, bảo mật, chính phủ điện tử, y tế…