Huế: Thế tiến thoái lưỡng nan của một kinh thành
Nếu bạn là chúa Nguyễn Phúc Ánh, người vừa thống nhất Việt Nam năm 1802, bạn sẽ chọn vùng đất nào làm kinh đô?
Cổng Ngọ môn kinh thành Huế.
Câu trả lời đương nhiên là Huế. Gia Định là vùng trù phú, cơ sở của việc phục hưng vương triều, nhưng cách Thăng Long gần 2000 km. Phương tiện (gần như duy nhất) để đi từ Sài Gòn ra Bắc là tàu bè trên biển. Trong khi đó, Thăng Long là kinh đô cũ của nhà Lê Trịnh và trung tâm của vùng Bắc Hà, những người coi Nguyễn Phúc Ánh chỉ là một biên thần ‘kém văn minh’ như cách mô tả của Lê Quý Đôn. Những người Bắc Hà sau đó chờ đợi việc chúa Nguyễn sẽ nhanh chóng lập lại vua Lê (Hoàng Xuân Hãn, 1998: 1405). Tuy nhiên, việc Nguyễn Phúc Ánh ‘thất hứa’, lấy lí do là ông giành được ngai vàng từ tay nhà Tây Sơn ‘tiếm ngụy’ chứ không phải nhà Lê đã ngay lập tức làm cho dân chúng vùng châu thổ sông Hồng quay lưng lại với vương triều mới (Đại Nam liệt truyện (ĐNLT), sơ tập, quyển 10). Đó là lí do có các cuộc nổi loạn chống lại nhà Nguyễn ngay sau năm 1802.
Việc chọn Huế làm kinh đô, tuy thế, không đơn giản là ‘tìm về chốn cũ’ mà là một cuộc đấu trí địa-chính trị, địa-quân sự, địa-kinh tế cực kỳ phức tạp. Hệ quả của lựa chọn đó không chỉ là vận mệnh vương triều mà còn là triển vọng của một lãnh thổ Việt Nam vừa mới được thống nhất. Lãnh thổ này sẽ được quản lí từ đâu? Liệu nhà nước tiếp theo ở Việt Nam có bị ‘vỡ vụn’ như Tây Sơn?
Bài viết này không nhằm lên án “sai lầm” địa chính trị của Gia Long. Nó cũng không tìm cách đổ lỗi cho Huế vì những thăng trầm của lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XIX. Điều quan trọng hơn, bài viết chỉ ra khó khăn của người Việt đầu thế kỷ XIX trong việc tìm kiếm cách thức quản trị nhà nước ở Việt Nam, từ việc tìm vị trí đóng đô, cho đến điều hành quân đội, thu thuế, xác lập đơn vị hành chính. Lãnh thổ Việt Nam năm 1802 là một cấu trúc địa chính trị, vùng miền, cư dân, và kinh tế đặc biệt. Liệu nhà Nguyễn sẽ tìm kiếm một hình dung lãnh thổ mới hay tuân theo các tri thức và thói quen địa chính trị của chúa Nguyễn để áp đặt nó lên một Việt Nam thống nhất. Quyết định này không chỉ phản ánh tri thức của thời đại, cán cân quyền lực vùng miền mà còn là sự tự tin của Nguyễn Phúc Ánh và cách thức ông nhận thức về tính chính thống và khả năng quân sự của mình. Nói cách khác, nó gợi mở về câu hỏi Nguyễn Phúc Ánh đã chọn con đường nào cho Việt Nam?
Tôi đã lập luận rằng thất bại lớn nhất của Tây Sơn không phải là sự chia rẽ, hay quyền thần, hay vua nhỏ, hay tổ chức hậu cần… mà ở chỗ các chính quyền Tây Sơn chưa phác thảo một bản đồ tác chiến cho toàn Việt Nam. Vì điểm này, Tây Sơn hoàn toàn lúng túng trong việc đưa ra một giải pháp quân sự hữu hiệu trên toàn bộ lãnh thổ mà họ kiểm soát, liên quan đến chuyển quân, tuyển lính, dịch chuyển các trung tâm quân sự, tổ chức phòng thủ và yểm trợ lẫn nhau khi cần thiết (Vũ Đức Liêm, BBC, 2018). Các chiến dịch theo mùa gió nồm của Nguyễn Phúc Ánh chính là đã đánh trúng điểm yếu này, làm cho Tây Sơn hoàn toàn lúng túng, bị động trong cả một thập kỷ để tìm cách đối phó bằng cách kéo dãn lực lượng quân sự trên vùng duyên hải khoảng 800 km từ Diên Khánh đến Đồng Hới (Vũ Đức Liêm 2017; Đại Nam thực lục (ĐNTL), I, 6: 1a-b).
Sau chiến thắng đó, việc đóng đô ở Huế, không phủ nhận, được coi là “tối ưu” từ cái nhìn của nhà Nguyễn. Tuy nhiên, chính điều này đã gây ra khó khăn lớn trong việc quản trị nhà nước ở Việt Nam bởi vì Huế thích hợp là thủ phủ của một vùng hơn là kinh đô của một nước. Huế là trung tâm của chính quyền Đàng Trong khoảng hai thế kỷ, và việc lựa chọn vùng đất này bản thân nó là hệ quả của một quyết định khó khăn của các chúa Nguyễn thuở ban đầu. Huế là kinh đô cũ của dòng họ, nơi Nguyễn Phúc Ánh có chỗ dựa cũng như cơ sở hành chính. Tuy nhiên khi lãnh thổ đã kéo dài ra hơn 2000 km về phía Bắc và Nam thì kinh đô này nhanh chóng bộc lộ hai điểm yếu quan trọng.
Hai điểm yếu quan trọng
Thứ nhất là khung cảnh tự nhiên chật hẹp và vị trí địa lý bị cô lập.
Vùng đất này nằm ở trung tâm của một dải đồng bằng nhỏ hẹp và rất khó để huy động một nguồn lực lớn để phản ứng nhanh với tình trạng thảm họa hay tình thế khẩn cấp. Việc Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn loay hoay trong nhiều thập kỷ mới tìm được đất đặt trị sở lâu dài ở Phú Xuân chính là một phép thử của sự phức tạp địa lý. Từ ngã ba Bằng Lãng nơi dòng Tả Trạch hợp với Hữu Trạch thành sông Hương ra cửa Thuận An là 33 km. Tuy nhiên, theo đường chim bay, khoảng cách này chỉ là 20 km. Trong khi phía tây là núi thì phía đông là dải bờ biển chỉ rộng hơn 10 km. Các vụng và đầm phá nông làm cho Huế cực kỳ ‘bị động’ từ góc nhìn quân sự và kinh tế. Huế vì thế không có không gian cho một ‘sân khấu’ chính trị, quân sự, kinh tế lớn, hay các phương án tiến thoái cần thiết nếu như cửa Thuận An bị cô lập (như sẽ xảy ra vào năm 1883). Huế xa các nguồn hậu cần và (với kỹ thuật thời đó) không có khả năng kết nối với các nguồn ngày một cách nhanh chóng, hiệu quả khi cần. Vào thời Nguyễn, các cuộc duyệt binh lớn nhất ở Huế thường vào khoảng 20,000 người và voi, tuy nhiên, không gian địa hình, hậu cần, cũng như các cảng biển nhỏ, nông không cho phép một sự tập trung quân sự lớn và lâu dài ở khu vực này. Huế không phải là nơi có thể phòng thủ tốt. Điều này sẽ được minh họa vào năm 1883, 1885, 1968 và 1975. Vào tháng 3/1975, khi quân Việt Nam Cộng hòa bị tấn công từ phía tây nam, con đường Huế-Đà Nẵng bị cắt đứt, Huế bị cô lập và cửa Thuận An, Tư Hiền trở thành đường thoát duy nhất của họ.
Đại Nam toàn đồ gồm 32 tỉnh và 62 cửa biển (khoảng những năm 1830). Đường dịch trạm được tô đỏ. Nguồn bản đồ: Đại Nam toàn đồ (EFEO Microfilm).
Thứ hai, khung cảnh kinh tế, xã hội, dân cư và quân sự của Huế gây ra trở ngại trong việc điều hành nền chính trị nhà nước. Có nhiều trung tâm chính trị trên thế giới có quy mô nhỏ và vẫn điều hành được một nhà nước, đế chế lớn. Tuy nhiên, đáng tiếc là điều này không dành cho Huế bởi vì triều đình ở đây không chỉ làm chức năng hành chính đơn thuần mà thành bại của họ gắn với khả năng điều hành trực tiếp hệ thống kinh tế, quân sự tại hai trung tâm dân cư ở hạ lưu Mekong và châu thổ sông Hồng. Bất cứ phản ứng thiếu linh hoạt nào trước các biến động tại hai khu vực đông dân cư này đều để lại hậu quả khó lường cho cả vương quốc. Thêm nữa, Huế và vùng lân cận không tự sản xuất đủ lương thực, không đủ nguồn lính dự trữ, vì thế việc điều phối kinh tế và điều hành quân sự là sống còn cho chính bản thân Huế. Từ thời các chúa Nguyễn, Huế đã lệ thuộc về lương thực, thuế khóa vào Thuận Quảng và Gia Định. Ghi chép của các giáo sĩ phương Tây cho thấy khi Tây Sơn chiếm được Quy Nhơn và cắt đôi Đàng Trong, Huế đã rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực. Khi quy mô của nhà nước mở rộng, sự lệ thuộc này chỉ có ngày càng tăng lên.
Đối mặt với điều này, Nguyễn Phúc Ánh cũng không thể làm hơn, dù ông là người chiến thắng. Ông biết tình thế nan giải về địa chính trị của mình, và dung hòa bằng cách cử hai vị tướng giỏi nhất án ngữ hai vùng châu thổ đông dân, giàu có, còn bản thân ông cai trị một khu vực nghèo nàn ở miền Trung. Di sản này buộc con trai ông, Minh Mệnh trả giá 15 năm để tìm cách thống nhất, theo sau một thập kỷ của biến loạn và xung đột khắp cả nước, từ Phan Bá Vành, Nông Văn Vân ở Bắc Kỳ đến Lê Văn Khôi ở Gia Định (1826-1836).
Cũng chính việc Nguyễn Ánh lựa chọn Huế làm kinh đô mà hàng loạt các vấn đề kinh tế, xã hội quân sự được đặt ra khi triều Nguyễn luôn phải tìm cách tạo thế cân bằng và hoạch định chính sách cho hai đồng bằng lớn. Riêng việc vận tải lúa gạo, lương thực, quân lính, tiền đúc… hằng năm giữa Gia Định, Huế, Nam Định-Hà Nội đã là một gánh nặng khổng lồ so với nhân lực thời bấy giờ.
Thông tin liên lạc là một trong những trở ngại lớn nhất của quản trị nhà nước ở Việt Nam sơ kỳ hiện đại (1600-1850). Đến tận 1748 mới có các tuyến giao thương liên lạc đường bộ kết nối Gia Định với khu vực xung quanh. Liên lạc giữa Gia Định và Hà Tiên phải tiến hành bằng thuyền, dọc theo duyên hải, mất nhiều ngày. Tới năm 1804, nhà Nguyễn mới bắt đầu kết nối các hệ thống giao thông Bắc Nam, được biết đến là đường Thiên Lý hay đường Cái Quan. Tuy nhiên, đến tận những năm 1830, Đại Nam Thực lục vẫn chép về việc hổ đi lang thang khắp nơi dọc theo các tuyến đường này. Cùng với hổ, ‘thổ phỉ’ cũng ở khắp nơi. Kể cả những vùng như Tam Điệp (Ninh Bình), Hà Trung (Thanh Hóa), nơi mà những năm 1830, việc văn thư đi qua đây bị cướp là chuyện không hiếm. Phải mất nhiều thập kỷ để đường xá, kênh đào, hệ thống liên lạc được xác lập.
Một hành khách “bất đắc dĩ’ trên con đường này là vị tiến sĩ triều Thanh Thái Đình Lan (1801-1859), người bị bão đánh dạt trên đường trở về quê ở Bành Hồ tới phủ Tư Nghĩa (Quãng Ngãi) vào năm 1835. Sau đó ông xin phép Minh Mệnh theo đường bộ quay trở lại Trung Hoa và mô tả cuộc hành trình đầy gian nan này, bao gồm thử thách leo đèo Hải Vân và nỗi ám ảnh giặc cướp phục kích suốt một dải hàng trăm km từ Quảng Bình ra Nghệ An: “Từ Quảng Bình đến Nghệ An khoảng 400 dặm, đất đai thấp ướt, đường trơn như mỡ, bùn lầy dính chặt chân không rút chân lên được, đồng không mông quạnh, hàng mấy chục dặm không thấy bóng một căn nhà nào, trộm cướp thường ẩn nấp trong các lùm cây rậm rạp khiến khách đi đường không thể không lo lắng đề phòng. Các nhà trọ thì thường bỏ thuốc độc hại người, khách ăn phải thuốc độc trộn với thịt bò thì vô phương cứu chữa.” (Trần Ích Nguyên 2009: 200).
Sức ép cho việc dịch chuyển các nguồn lực
Hệ quả lớn nhất của việc Huế trở thành kinh đô của Việt Nam chính là việc phải dịch chuyển các nguồn lực từ lúa gạo, quân lính, tiền đúc, kim loại, súng đạn, thuốc súng, đá xây dựng cho đến dây mây, cá khô… giữa Gia Định, Huế, và Hà Nội. Việc cung cấp tiêu dùng cho hoàng gia và chính quyền trung ương trong điều kiện nửa đầu thế kỷ XIX là không đơn giản vì phần lớn được vận chuyển bằng thuyền từ Nam Kỳ và Bắc Kỳ. Chỉ riêng việc vận chuyển lương thực và tiền đồng bảo đảm nguồn dự trữ, lương cho binh lính, quan lại, cứu đói, và phục vụ các chiến dịch quân sự dưới thời Minh Mệnh đã là một nỗi ám ảnh lớn đối với vương triều. Công việc này hằng năm yêu cầu phục vụ của khoảng 650 thuyền và hàng vạn phu thuyền. Điều này tạo ra sức ép khổng lồ về nhân lực ở thế kỷ XIX và gây ảnh hưởng đến việc giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội.
Chính việc này choán hết tâm sức của nhà Nguyễn và hệ thống quan liêu. Nhiều người đã tìm cách giải quyết, nhưng dường như không hữu hiệu. Đề xuất năm 1829, Nguyễn Công Trứ đề nghị lập các kho thóc tại xã (xã thương) để điều tiết giá cả, và tìm cách quản lí chính nguồn lương thực tại châu thổ sông Hồng (Châu bản triều Minh Mệnh, tập 30: 203). Tuy nhiên điều này là khó khả thi vì không may là trong những năm 1802-1861, cứ hai năm thì Bắc Kỳ có một lần vỡ đê, một trong những tỉ lệ cao nhất trong lịch sử gần 1000 năm khi người Việt bắt đầu “tiếp quản” vùng châu thổ này. Vì thế, Bắc Kỳ thường xuyên lệ thuộc vào lúa gạo cứu trợ, và triều đình phải thường xuyên điều hành mạng lưới dòng chảy lương thực này.
Luân chuyển binh lính là một sức ép khác của nền hành chính điều hành từ Huế. Triều Nguyễn không tin vào binh lính địa phương vì sợ các mối quan hệ họ hàng thân thuộc tiếp tay cho thế lực cát cứ, nổi loạn. Điều này đặc biệt được nhấn mạnh sau khi Lê Chất qua đời (1826) và Bắc Kỳ chìm vào cơn hỗn loạn bạo lực. Binh lính từ Hà Tĩnh ra Bắc phần nhiều được lấy từ Quảng Bình trở vào Nam. Quy mô của chính sách này đã gây ra sức ép cho ngân khố đến mức năm 1833, Hộ bộ tấu lên Minh Mệnh, yêu cầu rà soát lại hệ thống lương bổng của quan và binh Bắc Kỳ vì hệ thống này làm cho ngân khố không gánh được (Đại Nam thực lục, II, 95: 16b).
Đường kết nối Huế-Quảng Trị và cửa Thuận An.
Chỉ riêng việc lo tổ chức vận chuyển binh lính, lương thực… hằng năm với hàng trăm tàu thuyền và hàng vạn người tham gia đã là một gánh nặng đối với xã hội và nền chính trị, tạo ra sự kìm hãm sự phát triển của thương mại tự do, của các nhà nước tài chính (fiscal-state) trong lúc quá trình hiện đại hóa của các nhà nước và quản trị nhà nước trở nên cấp thiết hơn bao giờ. Nói cách khác, vận mệnh của nước Việt Nam hiện đại đã bị đánh đổi bởi những chương trình nghị sự vương triều mà một phần không nhỏ đến từ vị thế tiến thoái lưỡng nan của Huế.
Một số vua triều Nguyễn ý thức phần nào về tác động của vị trí địa lý của Huế, tuy nhiên rõ ràng là họ không có lựa chọn nào khác tối ưu. Giống như Quang Trung, Nguyễn Ánh từng có ý tưởng đóng đô tại Nghệ An. Tuy nhiên, lựa chọn này dường như đơn thuần mang ý nghĩa khoảng cách địa lý nhiều hơn là các tính toán kỹ lưỡng về địa chính trị và quyền lực vùng. Con trai ông, vua Minh Mệnh sau đó đã cảnh báo con cháu một cách nghiêm khắc rằng không bao giờ được phép dời đô về Nghệ An hay ra Bắc (ĐNTL, II, 12: 1a-b).
Một trong những ảnh hưởng dễ nhận thấy từ vị trí địa lý của Huế chính là sự lúng túng trong việc điều quân, tổ chức lực lượng tiến hành các chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và sau đó là cuộc chiến tranh chống Pháp xâm lược. Đương nhiên thái độ của triều đình, tình trạng sức khỏe của Tự Đức, hay đối sách quân sự đóng vai trò cốt lõi, tuy nhiên vị thế của Huế và khó khăn của hệ thống thông tin liên lạc đã gây trở ngại lớn cho cách thức triều đình tổ chức hệ thống quân sự, hậu cần, vũ khí, lương thực… để chống Pháp ở hạ lưu Mekong và châu thổ sông Hồng. Vị thế nhỏ bé và ‘không lối thoát’ của Huế cũng đã được định đoạt bằng cuộc bao vây quân sự của người Pháp tháng 8/1883, sau đó là cuộc tấn công trực diện vào cửa Thuận An và Huế đã không thể đưa ra một kế hoạch tác chiến cơ động nào. Cuộc rút chạy hai năm sau đó của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết qua gần 100 km tới Cam Lộ (Quảng Trị) cho thấy khả năng cơ động thấp của Huế và khả năng kết nối thấp với các vùng hậu cần chiến lược.
Cuối cùng, thế tiến thoái lưỡng nan của Huế cho thấy những gian nan của người Việt trong nỗ lực xác lập hình hài Việt Nam hiện đại với lãnh thổ thống nhất từ Lạng Sơn đến Hà Tiên. Dĩ nhiên, không thể ‘đổ lỗi’ cho tất cả các biến cố của lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XIX là do Huế hay vị trí của Huế. Lịch sử được quyết định bởi con người, do người cầm quyền đưa ra lựa chọn.Tuy nhiên, địa lý luôn là yếu tố can dự vào các tương tác của con người vì thế cần phải hiểu chúng đóng vai trò nào trong các biến cố của Việt Nam. Bài viết vì thế đơn giản chỉ ra một góc nhìn khác về địa chính trị, lãnh thổ, quyền lực và ảnh hưởng của nó đến diễn trình lịch sử Việt Nam sơ kỳ hiện đại. Nó gợi ý về những gian nan của cha ông trong bước đầu tổ chức quản lí một lãnh thổ thống nhất và rộng lớn chưa có tiền lệ. Việc phải cân bằng ba trung tâm quyền lực trên lãnh thổ Việt Nam: Huế, Gia Định, Hà Nội là điều không dễ, và chưa bao giờ dễ dàng.
Còn bây giờ, nếu bạn là Gia Long, bạn sẽ đóng đô ở đâu? □
Tham khảo
“Châu Bản Triều Nguyễn, Triều Minh Mệnh/阮朝硃本,明命朝, 1820-1841.” Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội.
Hoàng Xuân Hãn. La Sơn Yên Hồ, Tập 2. Hà Nội: Giáo Dục, 1998.
Vũ Đức Liêm. “‘Nam Tiến’ và Cái Bẫy Địa Lý Của Người Việt”, BBC Vietnamese, October 2018. https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46007247?fbclid=IwAR2ApH9LFwxvkF4lpehsElPX9h11CoGcSXTU-aux4lJG6TgwrqfZdQ_7fUM.
———. “The Age of Sea Falcons: Naval Warfare in Vietnam, 1771-1802.” In Warring Societies of Pre-Colonial Southeast Asia: Local Cultures of Conflict Within a Regional Context, edited by Kathryn Wellen and Michael Charney, 103–29. Copenhagen: Nordic Institute of Asian Studies, 2017.
———. “Việt Nam: Lịch Sử Một Dân Tộc ‘Dễ Bị Tổn Thương.’” Tia Sáng, 2018. http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/Viet-Nam-Lich-su-mot-dan-toc-“de-bi-ton-thuong”-12721.