HƯỚNG TỚI TRỞ THÀNH QUỐC GIA DỰA TRÊN SÁNG TẠO KH&CN
Những thay đổi mạnh mẽ Song song với các Dự án Lớn còn có vài hệ thống R&D được thực hiện trong thập kỷ 70 và 80.
Năm 1981, MITI thành lập “Hệ thống công nghệ công nghiệp cơ bản thế hệ mới”, hay “Thế hệ Mới”, nhằm đáp ứng mục tiêu trở thành “Quốc gia dựa trên KH&CN” được công bố trên sách trắng của chính phủ. Đây là dấu mốc kết thúc giai đoạn “đuổi kịp”, và chính phủ Nhật Bản bắt đầu hướng tới các lĩnh vực đòi hỏi nghiên cứu cơ bản ở mức cao như công nghệ sinh học, vật liệu mới. Dầu vậy thì việc điều hành “Thế hệ Mới” cũng giống hệt Dự án Lớn.
Trên thực tế, khuynh hướng chuyển sang nghiên cứu cơ bản xuất hiện từ thập niên 80 là kết quả của sức ép trong nước và bối cảnh quốc tế. Mỹ đã nhiều lần yêu cầu Nhật Bản phải tăng cường nghiên cứu cơ bản và không nên ứng xử như “người đi nhờ xe”. Trong khi đó, các công ty tư nhân đã có nhiều kinh nghiệm và năng lực R&D, học đã khai thác được lợi nhuận lớn từ các chương trình nghiên cứu do chính phủ hỗ trợ. Nghiên cứu cơ bản của các Phòng thí nghiệm Trung tâm được đầu tư lớn. Các phòng thí nghiệm thuộc AIST (Văn phòng KH&CN) có khuynh hướng chuyển sang nghiên cứu cơ bản rõ rệt, vượt xa những gì mà giới công nghiệp và thị trường cần.
Hướng tới trở thành “Quốc gia dựa trên sáng tạo khoa học và công nghệ”
Thập niên 90 bị gọi là “thập niên thất bát” (the lost decade) do kinh tế Nhật Bản suy thoái trong một thời gian dài. Trong bối cảnh đó, năm 1995, chính phủ Nhật công bố Luật Cơ bản về KH&CN (Science and Technology Basic Law). Đây là sự hoàn chỉnh pháp lý để để nhà nước theo đuổi mục tiêu “Quốc gia dựa trên sáng tạo khoa học công nghệ”, theo đó nhà nước phải có trách nhiệm đầu tư nhiều và dài hạn hơn nữa cho khoa học công nghệ. Đáng lưu ý là từ năm 1968, Hội đồng Khoa học và Công nghệ từng đề nghị chính phủ Nhật xây dựng Luật Cơ bản trên, nhưng do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của giới học giả trong khối đại học nên khi đó bộ luật đó đã không thể ra đời.
Có thể tóm tắt bộ Luật trên như sau: Nhà nước “có trách nhiệm xây dựng và thực hiện hệ thống chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ”. Luật nhấn mạnh sự liên kết giữa phòng thí nghiệm quốc gia, trường đại học và khu vực kinh tế tư nhân; sự cân bằng giữa nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai, trách nhiệm đào tạo các nhà nghiên cứu. Quyền tự chủ của nhà nghiên cứu hay những hoạt động nghiên cứu đặc thù trong các trường đại học cũng được bộ Luật bảo vệ.
Đồng thời, bản Kế hoạch Cơ bản về KH&CN do Hội đồng Khoa học Công nghệ vạch ra cũng được áp dụng, theo đó chính phủ sẽ tập trung cải thiện môi trường R&D trong giai đoạn 1996 – 2000.
Nhận thức rằng đầu tư của chính phủ cho R&D phải bằng với mức các nước phương Tây để nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt tăng cường mối gắn kết giữa giới công nghiệp và các trường đại học, bản Kế hoạch đề ra:
– Đến năm 2000, tăng gấp đôi tỷ lệ phần trăm GDP cho R&D.
– Hỗ trợ về tài chính để đạt mục tiêu năm 2000 có 10.000 người làm sau tiến sĩ (“Chương trình hỗ trợ 10.00 người sau tiến sĩ” nhằm kích thích khoa học công nghệ do bộ bộ Giáo Dục, Nông nghiệp, Y tế, Ngoại thương và Công nghiệp thực hiện).
– Thực hiện những biện pháp thích hợp để thúc đẩy trao đổi liên ngành, liên vùng, quốc tế như tăng các dự án hợp tác, chuyển giao công nghệ hay bố trí nhiều hơn các cuộc gặp định kỳ.
– Cải thiện hạ tầng nghiên cứu cả về cơ sở vật chất lẫn thông tin công nghệ, tài sản tri thức.
Chính phủ còn thực hiện một số biện pháp cụ thể để tăng mối gắn kết giữa các trường đại học và giới công nghiệp. Với các biện pháp này, chính phủ kỳ vọng các trường đại học sẽ rời bỏ “tháp ngà” và giữ vai trò chính trong sáng tạo. Nguyên nhân do việc vượt từ vị trí bám đuôi lên dẫn đầu trong cuộc đua sáng tạo đòi hỏi sự gắn kết mạnh mẽ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, tức là sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, giới công nghiệp và các phòng thí nghiệm quốc gia, giữa bộ Giáo dục và các bộ ngành liên quan tới khoa học công nghệ, đặc biệt với MITI.
Làm thế nào để hợp tác giữa các trường đại học và giới công nghiệp có hiệu quả? Chính phủ Nhật đã công bố Luật Thúc đẩy Chuyển giao công nghệ, gỡ bỏ rào cản trong trao đổi nhân sự giữa trường đại học và giới công nghiệp, khuyến khích công ty tư nhân tham gia nghiên các nghiên cứu chung, tăng cường chất lượng đào tạo kỹ sư.
Là tổ chức trực thuộc bộ Giáo dục, trường đại học công lập ở Nhật không có tư cách pháp nhân (legal personality). Và Nhà nước, với tư cách là chủ các trường đại học công lập cũng sẽ là chủ sở hữu các sáng chế ở đây. Ở các trường đại học tư nhân thì ngược lại. Cho nên thông thường, việc chuyển giao công nghệ từ một khoa của trường đại học công lập tới công ty tư nhân diễn ra không chính thức, và những người sáng tạo công nghệ chỉ được hưởng phần rất ít. Với Luật Tổ chức bằng sáng chế công nghệ (Law on Technology License Organizations) ban hành năm 1998, những người sáng chế có thể nhận lại một mức theo quy định để tái đầu tư cho nghiên cứu.
Nâng cấp cơ sở vật chất các phòng thí nghiệm cũng là một biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và giới công nghiệp. Bên cạnh Trung tâm Hợp tác nghiên cứu (Center for Cooperative Research), bộ Giáo dục còn lập những “Phòng thí nghiệm cho kinh doanh mạo hiểm” (Ventures Business Laboratories) trong các trường đại học. Tài chính cho các phòng thí nghiệm này lấy từ “Quỹ thúc đẩy sáng tạo khoa học công nghệ cho các Trung tâm nghiên cứu”, là một phần của ngân sách bổ sung năm 1995.
Đáng lưu ý là bộ Giáo dục đã nhấn mạnh việc thực tập tại các công ty là một phần của chương trình đào tạo chứ không phải là công cụ để các công ty tuyển người. Thực tế, các công ty lợi dụng các chương trình thực tập để chọn những sinh viên phù hợp với nhu cầu và “văn hóa công ty”, điều đó khiến việc thực tập trở nên thiên lệch. Quan điểm của bộ Giáo dục là các công ty tư nhân phải nhận thức được vai trò xã hội của mình: bằng việc tạo môi trường thực tập, họ đã giúp nâng cao trình độ những kỹ sư tương lai, tức là đã đóng góp lợi ích cho nền công nghiệp và toàn bộ xã hội.
Về phía MITI, các hệ thống nghiên cứu của họ thêm linh hoạt nhờ Luật Tăng cường Công nghệ công nghiệp (Law for Reinforcing Industrial Technology), theo đó trường đại học công lập có thể nhận tài trợ từ công ty tư nhân.
Tóm lại, tất cả những biện pháp trên đều để thực hiện ý tưởng các trường đại học phải đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng lại hệ thống sáng tạo. Thực tế việc thực hiện các biện pháp trên không hề đơn giản, và chính sách công nghệ của Nhật Bản ngày càng trở nên phức tạp và chồng lấn. Xây dựng một hệ thống chính sách khoa học công nghệ mạch lạc đang là một nhu cầu cấp thiết của chính phủ Nhật Bản.
Các trường đại học công lập Nhật Bản cũng đang tìm cách cân bằng giữa chức năng đào tạo cơ bản với yêu cầu đóng góp thiết thực cho xã hội. Trực thuộc bộ Giáo dục không có nghĩa là các trường đại học công lập có quyền ở lỳ trong các “tháp ngà”.
Kỳ sau: Hướng phát triển khoa học công nghệ trong tương lai