ISDS: Tiên phong nghiên cứu vì quyền của những nhóm yếu thế

Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), một tổ chức độc lập đi tiên phong trong nghiên cứu những vấn đề nhạy cảm và ít được nghiên cứu ở Việt Nam như giới, tình dục, kỳ thị, phân biệt đối xử và quyền của các nhóm yếu thế, góp phần “lật ngược” lại những suy nghĩ đầy “định kiến” đã trở thành lối mòn thâm căn cố đế trong xã hội và đóng góp để các chính sách xã hội ngày càng nhân văn hơn.


 ISDS nghiên cứu vì quyền của các nhóm thiểu số. Ảnh: TS. Khuất Thu Hồng (viện trưởng ISDS) thảo luận cùng các nhóm LGBT.

Cách đây gần mười năm, cuốn sách nghiên cứu “Tình dục chuyện dễ đùa khó nói” do ISDS xuất bản đã gây sự chú ý của cả giới học thuật và công chúng. Một số độc giả chia sẻ rằng khi đọc cuốn sách này họ vừa tâm đắc vừa ngỡ ngàng. Tâm đắc vì nó thảo luận những vấn đề “xưa như trái đất” và gần gũi với từng con người là tình yêu, tình dục nhưng lại ngỡ ngàng vì chúng được phân tích theo cách rất khác với quan niệm phổ biến trong xã hội. Những trải nghiệm riêng tư vốn chỉ ở trong “mật thất” của từng cá nhân đã được đem ra thảo luận nghiêm túc dưới cái nhìn cởi mở, thậm chí mang tính cách mạng.

Khai phá những vấn đề bị “lảng tránh”

“Tới những năm 1990, tình dục vẫn là một “vùng cấm kị”, không được thảo luận trong cuộc sống đời thường và bị coi là không phù hợp cho nghiên cứu xã hội. Trong khi đó, những hệ luỵ xã hội liên quan đến tình dục đang nổi lên, gây tác động không nhỏ tới mỗi cá nhân và từng gia đình như đại dịch HIV, tình dục sớm và nạo phá thai, thiếu hoà hợp về tình dục dẫn đến ngoại tình, bạo lực… Các nhà làm chính sách, giới nghiên cứu và cả những người làm công tác xã hội đều rất lúng túng, không biết phải ứng phó như thế nào”, TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng ISDS) chia sẻ. Do đó, ISDS triển khai nghiên cứu về vấn đề này vào năm 2003 với mục tiêu lấp dần khoảng trống kiến thức đó và thay đổi nhận thức của xã hội dù Viện mới được thành lập.

Chuỗi nghiên cứu về tình dục của ISDS bao gồm ba nghiên cứu định tính, một nghiên cứu định lượng để tìm hiểu quan niệm và thực hành tình dục ở Việt Nam, tiến hành từ năm 2003 đến năm 2009 ở nhiều địa phương trong cả nước, đã chứng minh rằng việc thiếu thảo luận một cách nghiêm túc và cởi mở đã củng cố những quan điểm sai lầm trong xã hội về tình dục và cản trở các chương trình xã hội liên quan (về y tế, giáo dục, quyền con người…). Do đó, cần phải chấm dứt sự lảng tránh, mà phải nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn nữa về những khía cạnh khác nhau của tình dục, những yếu tố định hình và chi phối hoạt động sống quan trọng này của con người để có can thiệp phù hợp và kịp thời. “Nhiều người đặt câu hỏi liệu có thể chạm tới những vấn đề hết sức nhạy cảm và riêng tư đến vậy không, có thể thay đổi được quan niệm xã hội về tình dục hay không? Câu trả lời của chúng tôi là có”. Có thể nói, cụm nghiên cứu này của ISDS đã “tiên phong” mở đường cho việc thảo luận công khai về chủ đề tình dục trong giới nghiên cứu và giới làm chính sách tham khảo rộng rãi để thiết kế các dự án làm thay đổi hành vi tình dục, xây dựng hành vi tình dục an toàn.

“Nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam đòi hỏi trái tim dũng cảm. Không phải chỉ là việc bước chân vào những vùng cấm kỵ mà còn là sự vượt qua ánh mắt nghi ngờ của xã hội và nỗi lo lắng băn khoăn của người thân. Đã hơn một lần tôi bị hỏi: ‘Thiếu gì việc không làm mà lại đi nghiên cứu về những vấn đề tăm tối như tình dục, về mại dâm, ma tuý và HIV?’ Tôi cho rằng việc không muốn hay không dám nghiên cứu những chủ đề đó là thái độ ‘lảng tránh’ thực tế và phản ánh tư duy của những người ‘quân tử giả hiệu’. Không có nghiên cứu nào là tăm tối, chỉ có cách nhìn tăm tối với thực tiễn đời sống mà thôi.”TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng ISDS.

Cũng vào đầu những năm 2000, các vấn đề xã hội như nghiện ma tuý, HIV, mại dâm “nổ ra” ngày càng nhiều nhưng lại được giới làm chính sách nhìn nhận một cách mâu thuẫn và tiêu cực. Một mặt, các chương trình xã hội thường ít quan tâm đến những nhóm xã hội đang có nguy cơ cao với những vấn nạn đó. Mặt khác, truyền thông y tế công cộng lại gắn mác “nguy hiểm”, “tệ nạn” khiến công chúng càng hiểu sai và lo sợ. Tình trạng đó càng khiến “vùng cấm tệ nạn xã hội” có khả năng lây lan mạnh, càng khiến nhiều nhóm xã hội thiệt thòi do bị cản trở tiếp cận dịch vụ công và không có cơ hội “lên tiếng”. Để cung cấp thông tin và đưa ra giải pháp can thiệp, ISDS đã nghiên cứu về vấn đề này. “Lập luận của chúng tôi là, họ (những người nghiện ma tuý, mại dâm, có HIV…) là một bộ phận của xã hội. Nhiều khi, chính họ cũng là nạn nhân của những biến đổi xã hội tiêu cực. Tại sao họ sử dụng ma tuý và tìm đến mại dâm như một kế sinh nhai? Xã hội cũng phải chịu trách nhiệm, tìm ra câu trả lời về việc đó thay vì chỉ “đổ lỗi” cho các cá nhân”, TS. Hồng phân tích.

ISDS còn triển khai nhiều nghiên cứu để thay đổi nhận thức xã hội về những vấn đề như bất bình đẳng giới, quyền lợi của các nhóm yếu thế như người khuyết tật, người di cư, cộng đồng LGBT… Ở mỗi chủ đề, ISDS luôn đặt ra một câu hỏi, đó là: liệu có thể thay đổi những nhận thức chưa đúng nhưng đã ăn sâu, bén rẽ vào tư tưởng của con người từ nhiều thế hệ nay hay không? Vẫn tiếp tục tinh thần đó, ngay trong năm 2016, ISDS cùng với mạng lưới Phòng chống Bạo lực Giới (GBVNet) thảo luận về chủ đề “Nạn nhân hay tội nhân: Những rào cản thể chế và văn hoá trong giải quyết bạo lực tình dục ở Việt Nam”. Cuộc thảo luận này đã chỉ ra, một thực trạng nhức nhối ở Việt Nam hiện nay là trong khi các vụ việc bạo lực tình dục không được xử lý thoả đáng thì nạn nhân lại bị xã hội kỳ thị, “đổ lỗi” và kêu gọi tăng cường thực thi pháp luật, nhìn nhận đúng đắn và lên tiếng mạnh mẽ để chấm dứt bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.

Các nghiên cứu của ISDS thường kết hợp điều tra định lượng với phương pháp định tính nhằm mô tả thực trạng, phát hiện các xu hướng phổ biến đồng thời tìm hiểu sâu vấn đề để trả lời câu hỏi tại sao lại có hiện tượng xã hội đó. Chính vì vậy các nghiên cứu của ISDS thường được đánh giá cao và được sử dụng rộng rãi bởi các cơ quan làm chính sách và quản lý cũng như được trích dẫn bởi giới học thuật trong và ngoài nước.

Tất cả các nghiên cứu của ISDS đều được ứng dụng trong các hoạt động giảng dạy, xây dựng tài liệu truyền thông, nâng cao năng lực và vận động chính sách. Ví dụ, các nghiên cứu về giới và tình dục là cơ sở để ISDS xây dựng chương trình giảng dạy về giới và tình dục cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Phụ nữ, Khoa Công tác xã hội của trường Đại học Lao động – Xã hội… Đó cũng là nguồn thông tin đáng tin cậy mà giới truyền thông Việt Nam thường tìm đến. Trong nhiều năm qua, ISDS luôn nổi tiếng ở Việt Nam như một tổ chức chuyên gia về lĩnh vực này.

Khuyến nghị chính sách để không ai ở lại “bên lề”

Tất cả các vấn đề nghiên cứu của ISDS đều nhằm hướng tới một mục tiêu quan trọng là thay đổi chính sách sao cho đảm bảo quyền lợi của các nhóm xã hội, đặc biệt là các nhóm yếu thế, thay đổi nhận thức xã hội sao cho nhân văn hơn và ngày càng chấp nhận tiếng nói đa dạng. Dựa trên nền tảng các nghiên cứu của mình, ISDS cung cấp bằng chứng cho giới làm chính sách chỉnh sửa các văn bản pháp luật, thay đổi cách thức xây dựng các chương trình xã hội. Trong mười lăm năm qua, ISDS tham gia góp ý xây dựng văn bản pháp luật trong nhiều lĩnh vực, chủ yếu gồm các lĩnh vực về gia đình và giới, phòng chống HIV, người khuyết tật…

Cụ thể, khi tham gia tư vấn xây dựng luật Phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/ AIDS) vào năm 2006, ISDS đã vận động để Luật phòng chống HIV “tách” HIV khỏi “tệ nạn xã hội” bởi cách hiểu cũ gắn HIV với “tệ nạn xã hội” là nguyên nhân gốc rễ của kỳ thị và phân biệt đối xử, dẫn tới thiệt thòi cho ngươi có HIV và càng làm gia tăng các gánh nặng xã hội. Viện cũng cộng tác với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng năng lực cho các cơ quan Đảng và giới truyền thông đại chúng trong việc giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV.

ISDS vận động chống phân biệt đối xử với người khuyết tật thông qua việc xây dựng Bộ Công cụ hướng dẫn giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người khuyết tật và nâng cao năng lực cho các tổ chức và cá nhân làm việc với người khuyết tật. Bộ công cụ đã được sử dụng để tổ chức chương trình tập huấn và hội thảo nâng cao nhận thức ở cấp quốc gia và cấp tỉnh và cấp xã tại nhiều tỉnh khác nhau. Đến năm 2010, Luật về Người khuyết tật đã chính thức đưa thêm vào các điều khoản liên quan tới chống phân biệt đối xử và kỳ thị với người khuyết tật.

Đó là những ví dụ tiêu biểu cho quá trình tham gia vào xây dựng và thay đổi pháp luật để đảm bảo quyền cho những nhóm yếu thế của ISDS. Trong tương lai, quá trình nghiên cứu để khuyến nghị chính sách này vẫn tiếp tục. Chẳng hạn, ISDS đang chỉ ra rằng người nghèo chưa được hưởng lợi đầy đủ từ các chính sách y tế và sẽ sử dụng các kết quả nghiên cứu để hỗ trợ người nghèo “nói lên” những bất cập trong tiếp cận dịch vụ y tế của họ. Từ đó, vận động thay đổi các chính sách y tế hiện hành để hỗ trợ quyền lợi của các nhóm nghèo, cận nghèo tốt hơn.

Những nghiên cứu của ISDS về những chủ đề bị “lảng tránh” trong xã hội luôn được chuyển tải thành những ấn phẩm ngắn dễ đọc với số đông độc giả (đồng thời với các xuất bản dưới dạng sách nghiên cứu, tham khảo dành cho giới chính sách và giới nghiên cứu). Nhưng để tăng hiệu quả truyền thông, nhằm góp phần thay đổi nhận thức xã hội mạnh mẽ hơn, ISDS chọn lựa một cách làm hoàn toàn khác với rất nhiều cơ quan nghiên cứu nhà nước, đó là thảo luận các kết quả nghiên cứu trước giới truyền thông, công chúng. Tất cả các nghiên cứu của ISDS đều được thảo luận công khai trong suốt quá trình thực hiện cho tới khi có kết quả chính thức (hai vòng hoặc ba vòng tuỳ thuộc vào thời gian, tính chất của các nghiên cứu). Giới truyền thông luôn được mời đến những sự kiện này và được ISDS hướng dẫn cách truyền thông đúng, tránh những lỗi truyền thông vô tình làm “khoét sâu” thêm tổn thương của các nhóm yếu thế. ISDS kết hợp với nhiều đài truyền hình, tờ báo lớn để sản xuất những chương trình truyền hình, các chuyên đề nhiều kỳ về tính dễ bị tổn thương và nhu cầu bảo trợ xã hội của các nhóm yếu thế, làm rõ những đặc trưng văn hoá cần tôn trọng ở các nhóm xã hội khác nhau. Các chương trình truyền thông về người di cư, bạo lực trên cơ sở giới, người khuyết tật… trên nhiều kênh thông tin từ nhiều năm nay luôn nhận được sự tư vấn của ISDS. Các nhà nghiên cứu của ISDS cũng rất thường “chịu khó” xuất hiện trước giới truyền thông để giải nghĩa, phân tích nguyên nhân về các vấn đề xã hội đang gây bức xúc trong dư luận. “Mặc dù rất bận tôi vẫn thu xếp thời gian để trả lời giới truyền thông, bởi vì tôi nghĩ rằng, nếu người làm nghiên cứu không lên tiếng, thì có thể vấn đề đó sẽ bị hiểu lầm một cách nghiêm trọng hơn”, TS Hồng nói.

Mặt khác, tất cả các nghiên cứu của ISDS đều có hợp phần kết hợp với các cơ quan nhà nước chuyên cung cấp dịch vụ công (như các cơ quan y tế, giáo dục) hoặc làm công tác tuyên truyền như ban Tuyên giáo, các Hội trực thuộc Mặt trận tổ quốc Việt Nam. ISDS soạn thảo nhiều bộ tài liệu gửi tới các cơ quan này và liên tục mở các lớp tập huấn trong khuôn khổ từng nghiên cứu nhằm thay đổi các nhận thức của các cơ quan này trước các vấn đề xã hội.

ISDS được thành lập vào năm 2002, hiện có 16 cán bộ và nghiên cứu viên, tập trung làm việc về các vấn đề xã hội quan trọng nhưng lại ít được các cơ quan nghiên cứu của nhà nước quan tâm như các nhóm thiểu số, yếu thế trong xã hội. ISDS nhận được tài trợ (từ các quỹ Ford, Rockefeller ,Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Chính phủ Mỹ- PEPFAR, Cơ quan phát triển Quốc tế Úc – Ausaid…) và kết hợp với nhiều cơ quan nghiên cứu, tư vấn chính sách (Tổ chức Lao động Quốc tế – ILO, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc – UNDP, Tổ chức Nghiên cứu Phát triển Quốc tế – IDRC của Canada…) đã tiến hành nhiều nghiên cứu tiên phong để giải thích những thách thức tồn tại trong xã hội Việt Nam và đề xuất các giải pháp về chính sách. Một số dự án nghiên cứu tiêu biểu mà ISDS đã tiến hành: Chuỗi nghiên cứu về Tình dục và Sức khỏe Tình dục, Tìm hiểu về Kỳ thị và Phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại Việt Nam, Điều tra quy mô lớn đầu tiên về người khuyết tật ở Việt Nam tại các tỉnh có tỷ lệ người khuyết tật cao, Bảo trợ xã hội cho người di cư ở Việt Nam, Các yếu tố quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam, Tiểu văn hoá của những người sử dụng ma tuý, Giảm kỳ thị liên quan đến mại dâm và ma tuý… Đến nay, ISDS đã trở thành một trong những cơ quan nghiên cứu có uy tín ở Việt Nam trong nghiên cứu ứng dụng và tư vấn chính sách.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)