Kể từ năm 1700, Trái đất mất 1/5 vùng đất ngập nước

Giống như nhiều môi trường tự nhiên trên hành tinh, các vùng đất ngập nước đã bị hủy hoại trong suốt 300 năm qua. Đầm lầy cây bụi trên đất than bùn dày (bog), đầm lầy cỏ trên đất than bùn mỏng (fen), đầm lầy cỏ (marsh) và đầm lầy cây bụi (swamp) đã biến mất khỏi bản đồ và ký ức, bị hút cạn, đào xới và xây dựng trên đó. 


Nằm gần nguồn nước và thường bằng phẳng, các vùng đất ngập nước luôn là nơi đầu tiên được nhắm đến để xây dựng các thị trấn và trang trại. Bằng cách rút cạn những nơi này, con người đã tạo ra một số vùng đất nông nghiệp màu mỡ nhất hiện nay.

Tuy nhiên, các vùng đất ngập nước cũng cung cấp những giải pháp tự nhiên tốt nhất cho các cuộc khủng hoảng hiện đại. Chúng có thể làm sạch nước bằng cách loại bỏ và lọc các chất ô nhiễm, hạn chế lũ lụt, là nơi ở của động vật hoang dã, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta, cũng như lưu trữ lượng carbon đang làm biến đổi khí hậu.

Một nghiên cứu mới công bố trên Nature đã tìm hiểu sự biến mất của các vùng đất ngập nước trên Trái đất kể từ năm 1700. Trước đây, người ta cho rằng khoảng 50% các vùng đất ngập nước đã bị xóa sổ. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy thực tế là gần 21% – có diện tích gần bằng Ấn Độ.

Đây là một trong những nghiên cứu công phu nhất về các vùng đất ngập nước. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các tài liệu lịch sử và bản đồ mới nhất để theo dõi việc sử dụng đất trên toàn cầu.

Dù vậy, bài báo nhấn mạnh có một số rào cản văn hóa và khoa học trong nghiên cứu và quản lý đất ngập nước. Chẳng hạn, việc xác định đâu là vùng đất ngập nước cũng khó hơn so với các môi trường sống khác.

Đặc trưng xác định một vùng đất ngập nước – ẩm ướt – không phải lúc nào cũng dễ xác định ở từng vùng và từng mùa. Mức độ ẩm ướt bao nhiêu là phù hợp? Một số hệ thống phân loại liệt kê các rạn san hô là vùng đất ngập nước, trong khi một số khác cho rằng nó quá ẩm ướt. Và trong nhiều thế kỷ, vùng đất ngập nước bị coi là đất hoang không có giá trị về mặt kinh tế, có thể chuyển đổi thành đất trồng trọt. Do vậy, các tài liệu về hệ sinh thái nơi đây thường khá sơ sài.

Báo cáo cho thấy tình trạng mất mát các vùng đất ngập nước trên toàn cầu diễn ra không đồng đều. Một số khu vực mất mát nhiều hơn mức trung bình. Khoảng một nửa vùng đất ngập nước ở châu Âu đã biến mất, trong đó Vương quốc Anh mất đi 75% so với diện tích ban đầu.

Mỹ, Trung Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á cũng mất 50% diện tích đất ngập nước. Sự khác biệt [về tỉ lệ mất mát] giữa các khu vực đã dẫn đến ý nghĩ rằng một nửa vùng đất ngập nước trên toàn cầu đã biến mất.

Sự chênh lệch cũng phần nào mang đến hy vọng, cho thấy vẫn còn nhiều vùng đất ngập nước chưa bị phá hủy – đặc biệt là vùng đất than bùn rộng lớn phía Bắc Siberia và Canada.

Một điều may mắn là các quốc gia và tổ chức quốc tế bắt đầu hiểu được tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước ở địa phương và toàn cầu, với một số chính sách buộc các nhà phát triển dự án phải khôi phục bất kì môi trường sống nào mà họ phá hủy.

Nhiều dự án bảo tồn các vùng đất ngập nước đang được triển khai trên khắp thế giới với mức chi phí khổng lồ. Kế hoạch khôi phục Florida Everglades – một mạng lưới độc đáo gồm các vùng đất ngập nước cận nhiệt đới, đòi hỏi kinh phí hơn 10 tỷ USD và kéo dài trong 35 năm. Đây là dự án phục hồi sinh thái lớn nhất và tốn kém nhất trên thế giới.

Mức độ mất mát vùng đất ngập nước toàn cầu là 20% hay 50% không thực sự quan trọng, điều quan trọng là chúng ta phải ngừng coi các vùng đất ngập nước là đất hoang. Khoảng 40% các loài trên Trái đất sinh sống ở các vùng đất ngập nước, và một tỷ người phụ thuộc vào chúng để kiếm sống. Việc bảo tồn và khôi phục các môi trường sống quan trọng này là chìa khóa để đạt được một tương lai bền vững. □

Thanh An lược dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2023-02-earth-lost-one-fifth-wetlands-1700but.html

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)