Khai thác hay bảo vệ rừng: Chọn mục tiêu nào?

Trong bối cảnh lũ lụt, trượt lở, lũ quét nghiêm trọng diễn ra liên tục trong nhiều năm gần đây ở miền Trung, vấn đề bảo vệ rừng và chống suy thoái rừng nổi lên như một yêu cầu cấp bách. TS. Phạm Thu Thủy, trưởng đại diện Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) tại Việt Nam - một tổ chức khoa học nghiên cứu về chính sách và kĩ thuật quản lý rừng bền vững, đặc biệt là rừng nhiệt đới ở các nước đang phát triển - đã trao đổi với Tia Sáng về những chính sách, giải pháp cần triển khai sớm để khắc phục tình trạng phá rừng và chống suy thoái rừng ngày càng diễn ra trầm trọng.


TS. Phạm Thị Thu Thủy tại hội thảo “Phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” do trường Kinh tế (ĐHQGHN) phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) tổ chức vào ngày 24/10/2020.

Bức tranh về phá rừng và suy thoái rừng

 

Chị có thể cho biết thực chất bức tranh về rừng của Việt Nam hiện nay như thế nào?

Theo những kết quả nghiên cứu mà chúng tôi có được khi nhìn lại quãng thời gian những năm 1990 đến nay, độ che phủ rừng của Việt Nam đã được tăng lên với tỉ lệ che phủ từ hơn 30% lên 42%, trong đó chủ yếu là rừng trồng. Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là việc gia tăng diện tích đó không song hành với cải thiện chất lượng rừng, thậm chí việc duy trì chất lượng rừng thực sự là thách thức. Ngoài ra, trong khi diện tích rừng trồng tăng thì diện tích rừng tự nhiên lại giảm hoặc suy thoái nặng nề. Theo nhiều báo cáo khoa học, diện tích rừng tự nhiên được phân loại là rừng giàu giảm 10,2% trong khoảng thời gian 6 năm từ 1999 đến 2005 và lượng rừng chất lượng trung bình giảm 13,4% so với cùng kỳ. Đến năm 2012, rừng giàu đóng tán chỉ còn chiếm 4,6% tổng độ che phủ rừng. Trên thực tế, các rừng giàu đa dạng sinh học trên đất thấp đã hầu như không còn, nhất là rừng ngập mặn.

Diện tích và chất lượng rừng ở các vùng sinh thái cũng rất khác nhau do mỗi vùng có điều kiện tự nhiên, ưu tiên và chính sách phát triển kinh tế xã hội khác nhau. Ví dụ, rừng tự nhiên tái sinh cao nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt trong giai đoạn 1993 đến 2003 nhờ các chính sách hỗ trợ phủ xanh đất trống đồi trọc. Trong khi đó, diện tích rừng tại Tây Nguyên có nhiều biến động và có xu thế giảm trước sức ép về nhu cầu phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng. Diện tích và chất lượng rừng tự nhiên tăng có xu thế tăng nhẹ ở các khu vực rừng đặc dụng (vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên), trong khi rừng tự nhiên ngoài hệ thống này lại có xu hướng giảm hoặc bị không đổi.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng rừng và lâm sản có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân địa phương. Việt Nam có ít nhất 25 triệu người sống phụ thuộc vào rừng, trung bình khoảng 20% thu nhập (bằng tiền và hiện vật) của những người này là từ rừng.

“Hiện nay vẫn có dư luận ‘đổ tội’ người dân phá rừng. Không thể phủ nhận tại nhiều nơi việc khai thác gỗ củi và mật, săn bắn thú rừng, đốt nương làm rẫy đã dẫn đến việc một phần nhỏ diện tích của rừng bị suy giảm. Tuy nhiên, phần lớn diện tích rừng bị mất là do những chuyển đổi mục đích sử dụng đất lớn nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội hoặc do các bên có nguồn lực tài chính lớn. Ví dụ, vào giai đoạn sau Đổi mới, để phát triển kinh tế xã hội, nhà nước đã khuyến khích người dân di dân làm kinh tế mới, các nông lâm trường tăng gia sản xuất và chuyển đổi nhiều diện tích rừng sang trồng trọt nông nghiệp. Nhiều nghiên cứu trước đây cũng cho thấy trên thực tế, những hộ nghèo nhất lại phá rừng ít nhất. Vì vậy cần thực sự xem xét tới việc đâu là nguyên nhân chính dẫn đến phá rừng và suy thoái rừng thay vì giữ định kiến người dân và người nghèo luôn là nguyên nhân chính”. (TS Phạm Thị Thu Thủy).


 

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất rừng và suy thoái rừng ở Việt Nam?

Đây là một vấn đề hết sức phức tạp, bao gồm các nguyên nhân kinh tế, xã hội và tự nhiên. Các nguyên nhân do điều kiện tự nhiên bao gồm cháy rừng, hạn hán, sâu bệnh, biến đổi khí hậu cũng dẫn tới sự suy giảm diện tích và chất lượng rừng ở nhiều địa phương. Ngoài ra, ba nguyên nhân kinh tế và xã hội trực tiếp khác dẫn đến mất rừng và suy thoái rừng tại Việt Nam gồm: chuyển đổi sang đất canh tác nông nghiệp (đặc biệt là cho cây công nghiệp dài ngày); phát triển cơ sở hạ tầng; và khai thác gỗ không bền vững (cả hợp pháp và không hợp pháp). Bên cạnh đó, các nguyên nhân gián tiếp của mất rừng và suy thoái rừng tại Việt Nam là sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm nông lâm nghiệp, sự gia tăng dân số, thiếu nguồn tài chính bền vững cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, việc thực thi pháp luật và quản lí đất và đất rừng kém hiệu quả. Nguyên nhân và tác động của chúng ở các vùng và các mốc thời gian rất khác nhau cho thấy không có một công thức chung nào cho tất cả các địa phương.


Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Ảnh: Báo Nông nghiệp

Đáng lưu ý là các nguyên nhân dẫn đến phá rừng và suy thoái rừng phần lớn đến từ ngoài ngành lâm nghiệp. Do đó, việc giải quyết các nguyên nhân dẫn đến phá rừng và suy thoái rừng đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, một mình ngành lâm nghiệp sẽ không thể giải quyết được.

 

Cần nâng cao hơn nữa hiệu quả của chính sách

 

Trong nhiều năm qua, chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó vấn đề bảo vệ và phát triển rừng cũng được coi trọng. Theo chị, việc triển khai những chính sách này có đạt mục tiêu đề ra?

Mặc dù các chính sách hiện hành đã giúp giảm đi phần nào quy mô, tốc độ và phạm vi phá rừng tại một số địa phương nhưng hiện tượng phá rừng vẫn còn xảy ra. Việc thực hiện nhiều chính sách còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, sự thiếu hiệu quả trong phối hợp ngành dọc và chiều ngang, chưa thu hút được sự tham gia của người nghèo.

Trong 30 năm qua, tỉ lệ rừng tự nhiên tăng từ 9 triệu ha lên 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, như vậy so với cách đây 30 năm diện tích rừng tự nhiên đã tăng 1,3 triệu ha. “Tuy nhiên, chất lượng rừng tự nhiên chưa được tốt, trong 10,3 triệu ha rừng tự nhiên thì chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng, 50% là rừng trung bình và 35% là rừng nghèo kiệt”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn Quốc hội vào ngày 5/11/2020 (Nguồn: báo Lao Động).

Một điểm bất cập khác trong chính sách của Việt Nam là chưa có sự liên kết giữa thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Các chính sách về giảm thiểu tác động của khí hậu dựa vào rừng ở cấp trung ương và địa phương đều chưa tính đến nhu cầu thích ứng của các cộng đồng địa phương, trong đó có nhiều cộng đồng đang phải chịu các tác động của biến đổi khí hậu ngay tại nơi sống của họ. Mặt khác, do chính sách chỉ tập trung vào việc nâng cao diện tích rừng bằng các chương trình trồng mới đã dẫn đến việc xem nhẹ tầm quan trọng của việc phục hồi các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái và công tác bảo tồn sự đa dạng sinh học.

 

Vậy trong bối cảnh hiện nay, có giải pháp nào khả thi cho Việt Nam?

Khi đi tìm một giải pháp thiết thực và triệt để, chúng ta phải quay lại đi tìm nguyên nhân gốc rễ của phá rừng và suy thoái rừng.  Những giải pháp và cơ chế mà hiện nay chúng ta đang áp dụng chỉ giải quyết được một số vấn đề nhỏ lẻ mà chưa thực sự giải quyết các nguyên nhân gốc rễ. Tôi nghĩ để giải quyết được vấn đề này, Việt Nam cần giải pháp tổng thể, có thể dẫn đến sự thay đổi về mặt hệ thống.  Ngoài ra cần có cam kết thực sự để giải quyết các nguyên nhân của mất và suy thoái rừng từ tất cả các ngành, những thay đổi rộng hơn trong khung chính sách để tạo ra các động lực giúp tránh mất và suy thoái rừng, sự hợp tác liên ngành và nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ và phát triển rừng.

Một điều quan trọng nữa cần nhìn lại đó là xác định đúng và đủ về vị thế  và vai trò của ngành lâm nghiệp. Hiện nay vai trò và đóng góp của ngành lâm nghiệp trong GDP chưa được tính toán đầy đủ và toàn diện. Các sản phẩm xuất khâu từ gỗ và lâm sản vốn có đóng góp chủ đạo của ngành lâm nghiệp lại được tính vào đóng góp của ngành Công thương. Chúng ta cũng chưa tính đủ giá trị mà rừng đem lại, đó là giữ cho đất không bị xói mòn, điều hòa không khí, đảm bảo cung cấp số lượng và chất lượng nước nhiễm. Đến khi có chuyện xảy ra thì người ta mới bắt đầu tính đến bài toán về rừng và nhận thấy những mất mát khi không có rừng.  Nếu chúng ta xác định ngành lâm nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải thì rõ ràng cần có nguồn ngân sách đầu tư xứng đáng, chính sách và thực thi pháp luật hiệu quả để bảo vệ và phát triển rừng.

 

Vậy giải pháp tổng thể ở đây là gì?

Các nguyên nhân dẫn đến phá rừng và suy thoái rừng phần lớn đến từ ngoài ngành lâm nghiệp nên để có thể giải quyết các nguyên nhân này cần có sự phối hợp đa ngành. Tuy nhiên, việc phối hợp đa ngành này không thể chỉ do một bộ ngành quyết định mà phải có quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm đảm bảo giải pháp chiến lược phát triển của mỗi ngành hài hòa với nhau và khi xếp cạnh nhau thì không có sự mâu thuẫn giữa các ngành. Ví dụ như Bộ NN&PTNT xây dựng chiến lược phát triển lâm nghiệp, mở rộng diện tích rừng nhưng các ngành khác lại cho rằng vẫn cần thêm đất để mở rộng diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng diện tích cây trồng nông nghiệp, xây dựng các nhà máy năng lượng, chế biến… Vì thế cần một kế hoạch tổng thể làm cơ sở như kế hoạch phát triển tài nguyên thiên nhiên của quốc gia chẳng hạn, nó được xây dựng trên thảo luận và đồng thuận giữa nhiều bên liên quan để có thể phân bổ nguồn tài nguyên hợp lý.

Từ năm 2005 đến năm 2017, các diện tích rừng do các công ty lâm nghiệp quốc doanh quản lý giảm hơn 1.2 triệu héc ta đúng như các chiến lược của chính phủ về việc giảm số doanh nghiệp nhà nước (SOE) hoạt động không hiệu quả và cho phép có thêm quỹ đất rừng cho các cộng đồng và hộ gia đình để thúc đẩy sự hỗ trợ của xã hội trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng. Mặc dù tổng diện tích rừng do cộng đồng quản lý vào năm 2017 đã tăng gấp đôi so với 2005, diện tích rừng do cộng đồng và hộ gia đình quản lý vẫn còn thấp hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu của chính phủ với mong muốn bàn giao các diện tích đang do các công ty nhà nước kém hiệu quả quản lý cho hộ gia đình và cộng đồng. Hiện vẫn còn một diện tích lớn đất rừng thu hồi từ các công ty lâm nghiệp nhà nước chưa được chuyển giao cho cộng đồng. (Trích báo cáo “Bối cảnh cho REDD+ tại Việt Nam: Nguyên nhân, đối tượng và thể chế của CIFOR).

Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch cũng cần tính đến định hướng phát triển chung của đất nước là gì, nếu đặt mục tiêu phát triển kinh tế lên đầu với việc gia tăng diện tích sản phẩm nông nghiệp thì mục tiêu đảm bảo diện tích rừng hiện sẽ khó có thể đạt được. Khi nghĩ đến rừng, người ta thường đặt câu hỏi “ở Việt Nam, diện tích và tỉ lệ che phủ rừng bao nhiêu là đủ?”. Câu hỏi đó chưa đúng và đủ bởi thực chất phải hỏi  “mục tiêu  và ưu tiên của Việt Nam là gì?” và định hướng vai trò của ngành lâm nghiệp của Việt Nam trong bối cảnh đó như thế nào. Trả lời được câu hỏi ấy thì chúng ta mới biết được mục tiêu bảo vệ rừng và chống suy thoái rừng là như thế nào. Mặc dù hài hòa các mục tiêu luôn là mong ước của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, nhưng thực tế cho thấy khi thực hiện mục tiêu này thì sẽ phải đánh đổi mục tiêu kia.

Vậy chúng ta có thể làm gì để bớt phải đánh đổi?

Tôi nghĩ các quyết định đều cần dựa trên những ưu tiên của quốc gia và hài hòa giữa các mục tiêu phát triển, thực trạng rừng của Việt Nam hiện nay cũng như các dự báo về thay đổi tỉ lệ che phủ rừng trong tương lai, xu thế phát triển của thị trường các sản phẩm lâm sản và lâm sản ngoài gỗ trong và ngoài nước, tình hình biến động chính trị, kinh tế, xã hội trên toàn cầu, năng lực của các doanh nghiệp trong nước và thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng, trình độ năng lực và nguồn đào tạo nhân lực, ngân sách để bảo vệ phát triển rừng.

Song song với đó, Việt Nam cũng cần giải đáp một số vấn đề: có cần thiết phải tăng tỉ lệ che phủ rừng không và mục đích của việc tăng tỉ lệ che phủ rừng là gì? Giải pháp khác và chi phí cơ hội của diện tích rừng muốn chuyển đổi thành đất rừng để tăng tỉ lệ che phủ rừng? Liệu diện tích rừng và đất đang suy thoái có thể trở thành rừng được không? Liệu diện tích đất đang muốn chuyển thành rừng để nâng cao tỉ lệ che phủ rừng có được quy hoạch hay sử dụng bởi các ngành khác? Việc đề cập tới con số tỉ lệ che phủ rừng chỉ là bước đầu tiên, điều quan trọng là tỉ lệ che phủ rừng đối với các loại rừng, mục đích sử dụng rừng, người quản lí rừng, chất lượng và trữ lượng rừng… Việt Nam cũng cần đối chiếu với kế hoạch sử dụng đất, chính sách phát triển của từng ngành có liên quan để đảm bảo tính khả thi của tỉ lệ che phủ rừng đề ra.

 

Hiện nay Việt Nam đang ngày càng hội nhập với rất nhiều hiệp định thương mại quốc tế. Những yêu cầu mới từ các hiệp định quốc tế này có ảnh hưởng đến chính sách bảo vệ rừng và chống suy thoái rừng?

Việc hội nhập quốc tế như hiện nay có hai khía cạnh, một mặt tạo điều kiện cho chúng ta tiếp cận thị trường mới và nguồn tài chính bổ sung cho ngành lâm nghiệp, khuyến khích các quốc gia phải có những cam kết và chính sách bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả hơn, mặt khác buộc chúng ta phải đáp ứng được những yêu cầu mà thị trường và yêu cầu quốc tế đặt ra. Bước đầu, các yêu cầu về quản trị lâm nghiệp, bình đẳng giới, các biện pháp đảm bảo an toàn, nâng cao sự tham gia của người dân trong xây dựng và triển khai chính sách đã khiến chính sách lâm nghiệp Việt Nam hoàn thiện hơn, ví dụ yêu cầu của thị trường gỗ hợp pháp tạo ra những thay đổi tích cực trong chính sách liên quan kiểm soát gỗ hợp pháp của Việt Nam.

Ngoài ra, trong những năm gần đây trên toàn cầu đã có hàng trăm công ty và tập đoàn cam kết kinh doanh không phá rừng và suy thoái rừng thông qua các hỗ trợ tài chính và hoàn thiện chuỗi cung ứng của mình. Việt Nam có rất nhiều ngành nghề, các chuỗi cung cấp liên quan đến thị trường quốc tế như sản phẩm dệt may, thời trang, thực phẩm… đều được yêu cầu là sản phẩm không liên quan đến việc phá rừng, ví dụ việc cung cấp nguyên liệu làm mỹ phẩm chẳng hạn, nếu bị phát hiện ra nguyên liệu này được chiết xuất từ cây trồng trên đất phá rừng thì sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng. Tất cả các xu thế thế giới này đều tạo ra những động lực thay đổi của ngành lâm nghiệp.

Tuy nhiên cần lưu ý là trong quá trình quốc tế và hội nhập hóa này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như cộng đồng địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn do hạn chế về nguồn vốn, năng lực cạnh tranh và  tiếp cận thông tin nên rất cần sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức xã hội.

 

Vậy chúng ta phải thay đổi rất nhiều?

Có câu hỏi thực sự cần suy ngẫm “chúng ta nên đầu tư vào số lượng hay chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm không?”. Hiện Việt Nam và nhiều quốc gia khác có xu thế tập trung vào sản xuất nguyên liệu gỗ thô với giá rất thấp thì các nước châu Âu lại tập trung phát triển KH&CN để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm từ rừng, ví dụ bán một lọ kem dưỡng da chiết xuất từ thân, lá và hoa rừng đã thu lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều lần rồi. Phải chăng chúng ta nên suy ngẫm lại để làm sao có thể nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, vừa có thu nhập tốt mà lại không tốn nhiều tài nguyên? Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có định hướng thị trường tốt và đầu tư vào nghiên cứu ứng dụng KH&CN một cách xứng đáng.

 

Nếu như thế, vai trò của khoa học từ cấp độ phát triển sản phẩm đến xây dựng chính sách chiến lược phát triển phải được coi trọng?

Đúng vậy. Tất cả những điều đó phải xuất phát từ nghiên cứu bài bản, có bằng chứng khoa học làm cơ sở để xây dựng chính sách phát triển. Chúng ta có thể tận dụng được những ưu thế của khoa học ở mọi chỗ. Ví dụ như trong bảo vệ rừng, trước đây chúng ta không theo dõi được chuyện phá rừng một cách triệt để như mong muốn nhưng bây giờ ứng dụng công nghệ viễn thám,  sử dụng hệ thống phần mềm trong điện thoại thông minh, các bên có thể theo dõi và biết hôm nay diện tích bị mất. Mặt khác, các nhà khoa học có thể tư vấn nên trồng rừng ở đâu, trồng như thế nào để hiệu quả và đáp ứng các mục tiêu đa dạng như bảo vệ nguồn nước, giảm lũ lụt xói mòn, đảm bảo việc sinh kế của các cộng đồng bản địa như vừa có thu nhập ngắn ngày, vừa trồng rừng, bảo vệ rừng một cách tốt hơn… Các nghiên cứu bài bản trong việc đánh giá khó khăn và thuận lợi trong việc thực hiện chính sách lâm nghiệp trong thực tiễn cũng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách và các bên có liên quan có các thông tin và bài học để hoàn thiện chương trình và chính sách của mình. Tôi nghĩ rằng, vai trò của nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học công nghệ là rất quan trọng trong việc hỗ trợ xây dựng các giải pháp chống phá rừng và suy thoái rừng là rất quan trọng. □

 

Cảm ơn chị!

 

Thanh Nhàn thực hiện

Để hỗ trợ cho tăng trưởng nhanh nền kinh tế quốc gia, Việt Nam xây nhiều công trình thủy điện mới để cung cấp nguồn năng lượng giá rẻ. Việc phát triển thủy điện là một trong nguyên nhân chính và phổ biến cho mất và suy thoái rừng tại Việt Nam, ví dụ dẫn đến mất 200 ha rừng đặc dụng và đa dạng sinh học. Theo Bộ NN&PTNT, 19.792 ha rừng của 29 tỉnh đã bị mất, nhường chỗ cho 160 dự án thủy điện trong giai đoạn 2006 đến 2012. Diện tích này bao gồm 3.060 ha rừng phòng hộ, 4.411 ha rừng đặc dụng và 12.321 ha rừng sản xuất. Từ năm 2006 đến 2013, hơn 19.805 ha rừng đã bị chuyển đổi tại 27 tỉnh nhường chỗ cho hồ chứa và nhà máy thủy điện. Diện tích mất rừng lớn nhất tập trung tại Tây Nguyên với 358.700 ha trong giai đoạn phát triển thủy điện ồ ạt từ năm 2008 đến 2014. Trong những năm gần đây, chính phủ đã có những chính sách kiên quyết bảo vệ diện tích rừng hiện có. Rất nhiều chương trình và dự án mở rộng nhà máy thủy điện đã bị ngưng lại và nhiều dự án đề xuất mới không được thông qua nếu có nguy cơ ảnh hưởng đến rừng. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã rút ra khỏi danh mục cho phép đầu tư đối với 424 (khoảng 34%) đề xuất xây dựng các đập thủy điện. Chính phủ cũng yêu cầu các nhà máy thủy điện phải trồng lại và đền bù cho các diện tích rừng bị mất do việc xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, vào năm 2013, chỉ 3.7% diện tích rừng đã bị chuyển đổi được tái trồng rừng. Vào năm 2014, các nhà đầu tư thủy điện chỉ trồng được 2,450 ha rừng, đạt chỉ 22% mục tiêu đề ra. Chỉ có một lượng kinh phí không lớn được giữ lại cho việc giảm thiểu các tác động tiêu cực của các dự án thủy điện lên đa dạng sinh học. Kinh phí này không đủ trong khi thủy điện làm tăng khả năng mất đa dạng sinh học và tạo ra nhiều chi phí môi trường và xã hội. Nhiều lỗ hổng trong các yêu cầu pháp lý đối với đánh giá tác động môi trường là một phần nguyên nhân khiến việc giảm thiểu các nguy cơ về môi trường và xã hội của các dự án thủy điện đã bị bỏ qua. Khung thể chế về phát triển các nhà máy thủy điện cũng có nhiều lỗ hổng lớn như không có các quy định chi tiết, dẫn đến việc thực hiện đền bù cho mất rừng và tái trồng rừng của nhiều dự án thủy điện không được thực hiện hoặc có thì thực hiện một cách sơ sài. Không có các quy định khôi phục thảm rừng do người dân trồng sau khi đã bị phát quang cho việc phát triển thủy điện. Các cơ quan chính phủ không thực hiện đầy đủ việc tái trồng rừng cũng không bị xử lý thích đáng. Không có yêu cầu đánh giá các dịch vụ môi trường rừng đối với các diện tích rừng bị phá hủy. Không có quy định bắt buộc các nhà đầu tư thủy điện phải đóng góp vào việc bảo vệ và trồng lại rừng đã bị mất do người dân và các đơn vị địa phương khai thác gỗ để phục vụ việc xây dựng các nhà máy thủy điện. (Trích báo cáo Bối cảnh cho REDD+ tại Việt Nam: Nguyên nhân, đối tượng và thể chế của CIFOR).

Tác giả

(Visited 34 times, 1 visits today)