Khai thác khoáng sản cho năng lượng sạch khiến hơn 4000 loài gặp nguy hiểm

Một nghiên cứu mới được xuất bản trên tạp chí Current Biology cho thấy 4.642 loài động vật có xương sống đang bị đe dọa bởi hoạt động khai thác khoáng sản trên toàn cầu. 

Khai thác vàng sa khoáng ở phía Nam Ghana gây ô nhiễm thủy ngân, đe dọa các vùng chim quan trọng. Nguồn: phys.org

Mối nguy lớn nhất với các loài động vật này đến từ hoạt động khai thác các vật liệu cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, chẳng hạn như khai thác lithium và cobalt – cả hai đều là thành phần thiết yếu của pin mặt trời, turbine gió và ô tô điện. 

Vấn đề thách thức là ở chỗ “nếu không khai thác các nguyên liệu cần thiết thì chúng ta sẽ không thể có được năng lượng sạch để giảm thiểu tác động đến khí hậu. Nhưng vấn đề là các địa điểm mà chúng ta khai thác thường có mức độ đa dạng sinh học rất cao”, GS. David Edwards ở Khoa Khoa học Thực vật và Viện Nghiên cứu bảo tồn, Đại học Cambridge, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Bên cạnh những loài sống ở khu vực khai thác mỏ, nghiên cứu cho thấy các loài sống ở khoảng cách xa cũng có thể bị ảnh hưởng, chẳng hạn do ô nhiễm nguồn nước hoặc nạn phá rừng để xây dựng đường sá và cơ sở hạ tầng mới. 

Theo nhóm nghiên cứu, cách dễ nhất để giảm thiểu tình trạng mất đa dạng sinh học do khai thác khoáng sản là các chính phủ và ngành khai khoáng nên tập trung giảm thiểu ô nhiễm từ các hoạt động này. “Rất nhiều loài, đặc biệt là cá, đang gặp nguy hiểm do ô nhiễm từ hoạt động khai khoáng. Việc giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình khai thác, giúp giảm bớt mất mát đa dạng sinh học, đồng thời vẫn có được vật liệu cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch – không phải là một nhiệm vụ quá khó khăn”, GS. David Edwards nói thêm. 

Trong tất cả các loài động vật có xương sống đang bị đe dọa, các loài cá đối mặt với nguy cơ đặc biệt cao (2053 loài), tiếp theo là bò sát, lưỡng cư, chim và động vật có vú. Mức độ đe dọa liên quan đến nơi cư ngụ và lối sống của các loài động vật: các loài sống ở môi trường nước ngọt và các loài có phạm vi phân bố hẹp sẽ gặp nguy cơ nhiều hơn. 

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) nhằm xem xét ảnh hưởng của hoạt động khai thác đến các loài động vật có xương sống. Thông qua việc lập bản đồ vị trí của các loài, họ có thể điều tra các loại hình khai thác đang gây nguy hiểm cho các loài và xác định những nơi có nguy cơ đặc biệt cao. 

Hoạt động khai thác khoáng sản đe dọa quần thể các loài động vật có xương sống trên khắp vùng nhiệt đới, với các điểm nóng ở dãy Andes, vùng ven biển Tây và Trung Phi, và Đông Nam Á – những nơi có mật độ khai thác cao. Chẳng hạn, việc khai thác vàng sa khoáng quy mô nhỏ ở Ghana gây ô nhiễm thủy ngân, ảnh hưởng đến các vùng chim quan trọng (important bird area – khu vực có tầm quan trọng quốc tế về bảo tồn các loài chim). 

Dù nghiên cứu chỉ tập trung vào các loài động vật có xương sống, nhưng các tác giả cho biết hoạt động khai thác khoáng sản cũng ảnh hưởng nhiều đến các loài động vật không xương sống và thực vật. “Chắc chắn chúng ta không thể ngừng khai thác khoáng sản – toàn bộ xã hội của chúng ta dựa trên các sản phẩm được khai thác. Tuy nhiên, các vấn đề môi trường vẫn đang hiện hữu trong việc sử dụng các sản phẩm này. Báo cáo của chúng tôi là bước đầu tiên quan trọng để tránh mất đa dạng sinh học trong bối cảnh ngành khai thác dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ”, Edwards cho biết.

“Động vật hoang dã ở một số khu vực trên thế giới chịu ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác nhiều hơn so với những khu vực khác. Do đó, các chính sách trong tương lai cũng nên tập trung vào việc tạo ra nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn – tăng cường tái chế và tái sử dụng vật liệu, thay vì tập trung vào khai thác”, Ieuan Lamb ở Trường Khoa học Sinh học, Đại học Sheffield, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết.□

Thanh An lược dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2024-07-demand-metals-minerals-energy-transition.html

Bài đăng Tia Sáng số 15/2024

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)