Khẩu trang – giải pháp chủ yếu phòng chống A/H1N1?
Có kích thước chỉ vài chục nanomet, với cái tên A/H1N1 được phát hiện trên cơ thể các bệnh nhân đầu tiên tại Mêhicô vào cuối tháng 3 vừa qua, chỉ trong vài ngày, thứ virus gây bệnh chết người này đã khiến cả thế giới kinh hoàng. Và khẩu trang có thực sự là một trong những giải pháp hữu hiệu chống lại A/H1N1?
Từ 10 năm nay, các nhà nghiên cứu bệnh dịch học đang tập trung vào một con virus khác mà nhiều người đã biết tên: Virus H5N1. Đó là loại virus xuất hiện từ các con chim di cư từ Nam Á, rồi lan tỏa tới khắp các đại lục khác. Mặc dù khó có thể lây bệnh từ người sang người, nhưng virus H5N1 không phải vì thế ít được các nhà khoa học quan tâm. Ngược lại, virus này luôn được coi là ngòi nổ tiềm tàng nhất cho một đại dịch cúm trên qui mô toàn cầu. Vấn đề nghiêm trọng đến mức rất nhiều nước trên thế giới đã chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch phòng chống một khi đại dịch cúm xảy ra. Thực đơn chống dịch bệnh là gì? Đó là chuẩn bị các thuốc chống virus và phân phát hàng loạt khẩu trang phòng lây nhiễm trên diện rộng. Dù đó có là H5N1, H1N1 hay bất cứ loại virus cúm nào khác. Các kế hoạch này phần lớn dựa trên cùng một dữ liệu: Trong gần 99% các ca được phát hiện, virus cúm lan truyền theo đường không khí, thông qua các hạt nước bọt của người bệnh phát tán ra không khí khi họ ho hoặc thở.
Liên tục rửa tay sạch là một trong những biện pháp phòng chống cúm |
Như vậy, trong điều kiện thiếu vaccine, cách tốt nhất để tránh nhiễm bệnh là đeo một chiếc khẩu trang thay vì tự cách ly trong một môi trường tuyệt đối. Điều đó đúng, nhưng loại khẩu trang cần thiết phải như thế nào để có thể bảo vệ khỏi sự lây nhiễm?
Để hiểu thêm vấn đề, nên biết là các phần tử nước bọt trong không khí mà chúng ta “thải ra” vào mỗi lần ho không hoàn toàn có kích cỡ giống nhau. Trên thực tế, các nhà khoa học phân chúng ra thành 2 loại: Các hạt nhỏ có đường kính trên 5 micromet và các hạt cực nhỏ (aérosol) có kích thước dưới 5 micromet. Thoạt tiên, người ta nghĩ rằng sự khác biệt này chẳng có gì quan trọng. Nhưng trên thực tế, cần biết rằng nhiều loại khẩu trang có thể ngăn chặn được các hạt nhỏ nước bọt, nhưng lại hoàn toàn chẳng “lọc” được các hạt cực nhỏ khác.
Hầu hết các kế hoạch phòng chống dịch bệnh khi đại dịch nổ ra chỉ chú trọng tới việc chặn được các hạt nước bọt nhỏ, nhưng lại lơ là các hạt cực nhỏ. Đó chính là điểm yếu chết người.
Trên thực tế, hiện đang có trên thị trường thế giới hai loại khẩu trang: Một loại gọi là khẩu trang chống lây (còn gọi là khẩu trang phẫu thuật) có tác dụng giúp những người bệnh tránh phát tán nguồn bệnh ra môi trường. Loại thứ hai, còn gọi là khẩu trang chống nhiễm độc (FFP2), giúp người đeo lọc bỏ các chất bẩn trong không khí. Do vậy loại này dùng cho những người khỏe mạnh nhằm chống nhiễm bệnh từ các hóa chất hoặc chất sinh học có hại. Được thiết kế trùm hết cả mặt để tránh các tác động từ bên ngoài, loại khẩu trang này mới thực sự có tác dụng chống lại các virus gây bệnh.
Không phải cho mọi người
Khẩu trang FFP2 phòng lây nhiễm hiệu quả cúm, nhưng lại có giá thành đắt và dùng không được lâu |
Ngay cả tại các nước giàu, như Canada, Úc hay Anh, các kế hoạch phòng chống đại dịch chỉ nhắm tới việc trang bị các khẩu trang chống lây, cho cả người bệnh lẫn người chăm sóc bệnh nhân. Riêng các nước Mỹ và Pháp thì thận trọng hơn bởi trong kế hoạch phòng chống đại dịch có trang bị cho các nhân viên y tế và những người tiếp xúc với bệnh nhân các khẩu trang phòng dịch. “khoảng 500.000 – 600.000 khẩu trang chống nhiễm độc đã được trữ trong kho để sử dụng tới trong trường hợp đại dịch nổ ra”, Didier Houssin, người chịu trách nhiệm cho kế hoạch phòng đại dịch của Pháp nói. Ông cũng nhấn mạnh rằng tất các công ty, công sở có nhân viên tiếp xúc với khách hàng, người giao dịch đều cần được trang bị các loại khẩu trang phòng độc.
Ngược lại, các khẩu trang phòng độc lại không được trang bị cho dân thường. Và như vậy, họ chỉ có thể đeo các loại khẩu trang bình thường, kiểu khẩu trang phẫu thuật ngay cả khi họ có tiếp xúc trong phạm vi hẹp (như tiếp xúc với bệnh nhân trong các trường hợp cách ly hoặc trong phạm vi gia đình bệnh nhân). “Nên sử dụng loại khẩu trang kiểu phẫu thuật để phòng chống dịch”, trong kế hoạch phòng chống đại dịch của Pháp đã ghi rõ. Và hơn 1 tỉ khẩu trang như vậy đã được tích trữ. Nhưng thực sự những khẩu trang loại này liệu có ích gì khi chúng hoàn toàn không loại bỏ được các hạt nước bọt cực nhỏ, luôn là mầm bệnh gây nhiễm trong không khí? Cục phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã đưa ra các kết quả nghiên cứu đầu tiên về tác dụng của loại khẩu trang phẫu thuật đối với việc phòng chống virus cúm: Nếu sử dụng khẩu trang kết hợp với việc rửa tay bằng cồn, chúng chỉ có tác dụng giảm nguy cơ nhiễm cúm xuống còn từ 10-50%. “Loại khẩu trang như vậy chỉ giúp bạn lọc bỏ các hạt nước bọt nhỏ. Nếu có tác dụng, chúng chỉ giúp bạn ngăn tiếp xúc với các ngón tay bẩn, dễ gây bệnh qua đường miệng hoặc tránh dụi mắt bằng tay bẩn bằng kính bảo vệ đi kèm”, nghiên cứu nêu rõ.
Kết quả hoàn toàn nghèo nàn
“Từ vài năm nay, chúng tôi đã thử các loại khẩu trang để biết liệu chúng có hiệu quả thực sự hay không. Nhưng kết quả thu được cực kỳ nghèo nàn”, Isabelle Balty, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu các nguy cơ sinh học của Cơ quan nghiên cứu quốc gia Pháp (INRS) cho biết.
Trong khi đó, theo các nhà nghiên cứu, phần nhiều trong số 2.000 tới 1 triệu phần tử nước bọt từ người bệnh bắn ra ngoài mỗi khi ho lại là các hạt nước bọt cực nhỏ.
WHO: Đủ khả năng cung cấp 1-2 tỉ liều vaccine H1N1 Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ có khoảng từ 1-2 tỉ liều vaccine chống virus cúm A/H1N1 được sản xuất, đủ cung cấp cho nhu cầu của toàn thế giới khi đại dịch xảy ra. |
Tại sao trong trường hợp như vậy, người ta lại không thông báo cách phòng tránh hiệu quả hơn tới người dân? Đơn giản bởi theo Anne Mosnie, điều phối viên quốc gia đối với các nhóm theo dõi bệnh dịch ở địa phương của Pháp, “Phần lớn các công bố khoa học đều kết luận rằng các hạt nước bọt nhỏ làm nguồn bệnh phát tán và việc các hạt nước bọt cực nhỏ gây lây nhiễm là không có căn cứ“.
Trên thực tế, các chuyên gia y tế lại ít nhiều đều đồng tình rằng rất có thể các hạt nước bọt cực nhỏ mới là nguồn lây bệnh chính.
Raymond Tellier, nhà sinh học thuộc Đại học Toronto trong năm 2007 đã công bố nghiên cứu của mình về tất cả những gì con người đã ghi chép về bệnh cúm từ hơn 50 năm qua. Theo ông, kế hoạch phòng chống đại dịch của các chính phủ thực sự đang “phủ nhận kết quả nghiên cứu khoa học của nhiều thập kỷ trước”. Ngay từ năm 1966, một nghiên cứu trên những người tự nguyện đã chỉ ra rằng việc cúm lây truyền qua các hạt nước bọt cực nhỏ là hoàn toàn có thể xảy ra, cho dù chúng chỉ chứa số lượng virus gây lây bệnh ít hơn trong các hạt nước bọt nhỏ từ 100-1.000 lần. Mười năm sau đó, hai nghiên cứu khác đã cho thấy các cá thể nhiễm bệnh từ các hạt nước bọt cực nhỏ thậm chí còn mắc bệnh nguy kịch hơn. Đó chưa phải là hết bởi nếu các mầm bệnh trong các hạt nước bọt nhỏ chỉ có thể sống sót trong không khí vài giờ thì chúng lại có thể tồn tại tới vài ngày, thậm chí vài tuần trong các hạt nước bọt cực nhỏ. Do nhẹ hơn nên chúng lại dễ dàng lưu chuyển trong không khí. Nói một cách khác, các hạt nước bọt cực nhỏ (aérosol) hoàn toàn có nguy cơ gây bệnh ngang bằng với các hạt nước bọt nhỏ. Yếu tố hạn chế duy nhất của các hạt nước bọt cực nhỏ là chúng dễ bị tổn thương trong điều kiện khô ráo, trong môi trường oxi hóa, hoặc dưới ánh sáng hồng ngoại. Nhiều nghiên cứu khác trong giai đoạn 1950-1960 đã chỉ ra rằng một virus cúm có thể sống và duy trì khả năng lây bệnh trong vòng 24 giờ trong điều kiện độ ẩm không khí dưới 40% hoặc trên 60%.
Làm gì bây giờ?
Trong những điều kiện như vậy, tại sao không thể yêu cầu mọi người đeo khẩu trang chống lây nhiễm? Câu trả lời hoàn toàn không dễ. Đầu tiên bởi giá thành loại khẩu trang này khá cao. Một khẩu trang phòng độc cỡ tiêu chuẩn tại Pháp có giá 30 xu Euro (cỡ khoảng 8.500 đồng), trong khi một khẩu trang kiểu phẫu thuật chỉ có giá từ 3-4 xu (gần 1.000 đồng). Kế nữa, khả năng sản xuất loại khẩu trang phòng độc hiện cũng hạn chế nếu đại dịch xảy ra và nhu cầu gia tăng đột biến. Thêm một lý do nữa là loại khẩu trang phòng độc này chỉ dùng duy nhất được 1 lần trong vòng tối đa 8 giờ đồng hồ. Và người dùng cũng được yêu cầu thay thế khẩu trang mỗi khi họ cởi ra để ăn, uống…Như vậy, số lượng khẩu trang cần thiết sẽ lên tới con số khủng khiếp, khó có thể đáp ứng được.
“Các khẩu trang phòng độc khiến người sử dụng khó mang vác và sử dụng trong thời gian dài bởi chúng rất nóng và gây khó khăn cho việc hô hấp”, Didier Houssin giải thích.
Cuối cùng, ngay cả khi virus H1N1 có độc lực kém hơn so với loại virus cúm Tây Ban Nha đã khiến 40-100 triệu người chết trong năm 1917, viễn cảnh xảy ra một đại dịch vào thế kỷ 21 là hoàn toàn không thể loại bỏ. Tới ngày đó, chắc chắn người ta sẽ không còn thời gian để phân tích xem các loại khẩu trang được cung cấp liệu có hiệu quả thực sự như mong muốn hay không nữa…