Khí hậu và sự suy vong triều Lê sơ
Lịch sử Đại Việt giai đoạn trung kỳ gắn với sự hình thành, phát triển và suy vong của nhà Lê sơ. Được xem là giai đoạn cường thịnh trong lịch sử dân tộc nhưng nhà Lê sơ chỉ tồn tại ngắn ngủi trong 99 năm (1428-1527). Thời trị vì của nhà Lê sơ cũng trùng hợp với thời kỳ biến đổi khí hậu “Tiểu băng hà” tác động đến Đại Việt, biểu hiện qua những thiên tai xảy ra được ghi chép trong sử sách. Yếu tố khí hậu và thiên tai đã tác động đến sự suy vong và sụp đổ của nhà Lê sơ? Tiếp nối chủ đề này trên Tia Sáng số 1 và số 4/2022, bài viết này sẽ bàn luận về vai trò của khí hậu đối với lịch sử Đại Việt thời Lê sơ.
“Áp lực thiên tai” ở Đại Việt thời Lê sơ
Theo các ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Cương mục) trong một thế kỷ dưới thời Lê sơ có khoảng 22 lần xảy ra hạn hán. Tần suất hạn hán thời Lê sơ diễn ra khá thường xuyên, cao hơn hẳn thời Lý – Trần trước đó (9,5 lần/thế kỷ). Trong đó, hạn hán xảy ra nhiều nhất vào thời Lê Thánh Tông, gồm 12 lần vào các năm 1460, 1463, 1466-1467, 1468, 1473, 1476, 1480, 1488, 1489, 1496 và 1497, chiếm hơn 1/2 tổng số lần hạn hán thời Lê sơ. Đáng lưu ý vào thời Lê sơ có những năm hạn hán xảy ra liên tiếp là 1448 và 1449, 1466-1468, 1488 và 1489, 1496 và 1497. Mức độ hạn hán thời Lê sơ cũng tương đối nghiêm trọng, hạn hán thường kéo dài gay gắt. Chẳng hạn, hạn hán năm 1437 đời Lê Thái Tông xảy ra hai lần vào tháng ba và tháng sáu, trong đó hạn hán tháng sáu diễn ra cùng lúc với sâu hại lúa (Toàn thư, Q. XI, 37b, 39b). Hạn hán năm 1460 kéo dài từ mùa xuân đến mùa hạ (Q. XII, 4a); hạn hán năm 1466 kéo dài từ mùa thu đến mùa đông và ảnh hưởng tới năm 1467 (Q. XII, 26b); hạn hán năm 1476 thì kéo dài từ mùa đông đến mùa hạ (Q. XIII, 9a). Năm 1503 hạn hán gay gắt xảy ra vào tháng giêng và tháng hai: “nước chứa chỉ được vài bữa, không giữ được lâu, nắng chưa mấy ngày đã cạn khô cả” (Q. XIV, 32a-b, 33b). Hạn hán năm 1512 thì dẫn tới nạn đói lớn (Q. XV, 19a). Hạn hán năm 1519 kéo dài từ tháng hai đến tháng tư khiến lúa hư hại, gạo kém (Q. XV, 48b). Ngoài ra, các năm 1488, 1489, 1497, 1499 và 1525 đều xảy ra đại hạn.
Bên cạnh hạn hán, thời Lê sơ cũng ghi nhận khoảng 12 lần lũ lụt, thủy tai xảy ra vào các năm 1440, 1445, 1467, 1475, 1478, 1483, 1496, 1503, 1513, 1514, 1515 và 1516. Tần suất lũ lụt, thủy tai gia tăng đáng kể vào cuối thời Lê sơ, từ năm 1513 đến 1516 hầu như năm nào cũng ghi nhận lũ lụt, thủy tai. Đáng chú ý có những năm xảy ra lũ lụt lớn, gây ra hậu quả nghiêm trọng như vỡ đê, ngập úng lúa mạ, mùa màng hay khiến núi sạt lở. Có thể kể tới lụt to ở lộ Thanh Hóa năm 1440 (Q. XI, 53b); năm 1445 “nước lũ tràn ngập vào trong thành, sâu đến ba thước. Lúa má bị ngập, mất tới một phần ba” (Q. XI, 61a); năm 1475 nước lũ làm “vỡ đê sông Tô Lịch ở phường Kim Cổ” (Q. XIII, 7a); năm 1496 vào ngày kỵ của Thái Tông hoàng đế “mưa gió to, nước lũ lên mạnh, trôi hết sản nghiệp của dân” (Q. XIII, 75a); năm 1503 thì lũ lụt xảy ra sau hạn hán: “năm nay, trước thì đại hạn, sau lại nước to, núi Tản Viên và núi Tam Đảo bị lở” (Q. XIV, 34a); năm 1513 nước lũ gây “vỡ đê phường Yên Hoa thông vào hồ Tây” (Q. XV, 22b); năm 1514 lũ lụt còn làm thay đổi hệ sinh thái ao hồ ở kinh thành Thăng Long (Đông Kinh) dẫn tới sự xuất hiện của rắn lớn: “nước lũ rất lớn, hồ ao trong kinh thành có rắn lớn xuất hiện đến 20 ngày. Vua sai đốt pháo, mở cờ, đánh trống để dọa nó. Sau bốn tháng rắn mới đi” (Q. XV, 24b).
Dưới áp lực thiên tai xảy ra thường xuyên và kéo dài, tuy được xem là thời kỳ hưng thịnh nhất trong lịch sử Đại Việt nhưng thời Lê sơ vẫn ghi nhận nạn đói. Theo ghi chép của Toàn thư và Cương mục, vào thời Lê sơ có khoảng tám lần xảy ra nạn đói. Những năm thịnh trị dưới thời trị vì của Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông cũng ghi nhận nạn đói lớn. Những nạn đói này chắc hẳn có nguồn gốc tự nhiên do thiên tai gây ra nhiều hơn là nhân tai có nguồn gốc từ con người (tình trạng chiếm đoạt ruộng đất và đầu cơ tích trữ lương thực). Có thể kể tới nạn đói xảy ra ở ba trấn Tuyên Quang, Quy Hóa, Gia Hưng và các lộ Đà Giang vào năm 1448: “Các trấn lộ Tuyên Quang, Quy Hóa, Gia Hưng ở miền núi rừng hẻo lánh, ruộng đất sỏi đá xơ xác, lại thêm liền năm bị hạn hán, sâu bọ, dân chúng rất đói” (Q. XI, 69a). Do thiên tai liên tiếp nên tình trạng túng thiếu thời bấy giờ không chỉ xảy ra trong nhân dân mà ở cả nhà nước: “Triều đình bàn rằng gần nay luôn năm có nạn hạn hán và sâu cắn lúa, từ nhà nước đến tư gia đều túng thiếu” (Cương mục, Q. XVIII, 4). Nạn đói năm 1467 ở các phủ Nam Sách, Giáp Sơn, Thái Bình, Kiến Xương do thủy tai khiến “lúa mạ bị ngập, dân ven biển chết đói nhiều” (Q. XII, 41b); năm 1490 ở các phủ huyện Kinh Môn do cày cấy không được nên dân nhiều người chết đói (Q. XIII, 62b), “năm bấy giờ, giá gạo cao, một tiền chỉ đong được hai thăng gạo” (Cương mục, XXIV, 12). Đến tháng 12 năm 1492 lại xảy ra đói lớn, dân có người phải ăn củ nâu (Q. XIII, 68b). Năm 1512 do hạn hán nên trong nước đói to (Q. XV, 19a). Tới năm 1517, nạn đói xảy ra cùng lúc với binh biến loạn lạc nên khiến cho đời sống người dân càng lầm than: “trong nước đói to, xác người chết đói nằm gối lên nhau. Những nơi trải qua binh lửa như Đông Triều, Giáp Sơn ở Hải Dương, Yên Phong, Tiên Du, Đông Ngàn ở Kinh Bắc lại càng đói dữ” (Q. XV, 41b). Những dẫn chứng trên đây cho thấy tác động đáng kể của thiên tai đến kinh tế và xã hội Đại Việt thời Lê sơ. Không chỉ Đại Việt, sử sách cũng đề cập tới nạn đói lớn xảy ra ở xứ Bồn Man (Muang Phuan, nay là địa phận tỉnh Xiêng Khoảng, Lào): “Trước đây dân chúng Bồn Man có đến 9 vạn hộ nhưng bị chết đói gần hết, chỉ còn hơn 2.000 người” (Q. XIII, 25a).
Tác động của thời kỳ “Tiểu Băng hà” tới Đại Việt
Thời Lê sơ được xem là giai đoạn cường thịnh trong lịch sử trung kỳ Đại Việt, nhưng chỉ tồn tại ngắn ngủi trong 99 năm. Cục diện chính trị thời kỳ này cũng trải qua nhiều biến động phức tạp như cái chết của Lê Thái Tông và vụ án Lệ Chi viên năm 1442, Lê Nhân Tông lên ngôi khi còn nhỏ tuổi dẫn tới “nữ chủ nắm quyền” tức sự kiện Tuyên Từ hoàng thái hậu (Nguyễn Thị Anh) buông rèm nhiếp chính, thực hiện “thùy liêm thính chính” trong 10 năm (1443-1453), đến năm 1459 lại xảy ra chính biến Thiên Hưng với việc Lê Nghi Dân soán ngôi Lê Nhân Tông, tự lập làm vua. Chính sự triều Lê sơ chỉ ổn định dưới thời Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông. Sau đó là những năm rối ren từ đời Lê Uy Mục, Lê Tương Dực cho đến khi nhà Lê sơ diệt vong. Ngoài các yếu tố chủ quan thì yếu tố khách quan như khí hậu và thiên tai đã đóng vai trò tác động khá đáng kể đến cục diện thời Lê sơ.
Bối cảnh khu vực và thế giới thời bấy giờ có thể cho thấy một góc nhìn tổng thể về vấn đề này. Sau kỷ nguyên thịnh vượng và phát triển thường là giai đoạn khủng hoảng và suy vong. Quá trình biến đổi của khí hậu từ thời kỳ “Ấm Trung cổ” sang thời kỳ “Tiểu Băng hà” được cho là yếu tố góp phần vào cuộc khủng hoảng xảy ra vào thế kỷ XIV ở châu Âu, sự sụp đổ của nhà Nguyên ở Trung Quốc và suy tàn của vương triều Hồi giáo Delhi ở Ấn Độ. Cùng khoảng thời gian này (cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV) ở Đông Nam Á lục địa chứng kiến sự sụp đổ hàng loạt của Đại Việt, Angkor và Thượng Miến Điện. Đối với Đại Việt, sau khi nhà Trần sụp đổ, sự thất bại của nhà Hồ trước cuộc xâm lược của quân Minh đã khiến Đại Việt rơi vào ách đô hộ của nhà Minh trong 20 năm (1407-1427). Trong thời kỳ “Tiểu Băng hà”, Đới hội tụ liên chí tuyến (ITCZ) dịch chuyển về phía Nam 5o (và duy trì ở vị trí này suốt thời Tiểu Băng hà trước khi quay trở lại phía Bắc vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX) đã làm giảm phạm vi hoạt động của gió mùa. Vào thời kỳ “Ấm Trung cổ”, hiện tượng La Nina giữ vai trò chủ đạo thì thời “Tiểu Băng hà” lại bị chi phối bởi hiện tượng El Nino kéo dài dai dẳng. Do đó, trong khi thời “Ấm Trung cổ” tạo ra lượng mưa theo mùa cao hơn hẳn mức trung bình thì ở thời kỳ “Tiểu Băng hà” hạn hán trở nên thường xuyên và kéo dài hơn. Thời kỳ “Tiểu Băng hà” cũng chứng kiến các trận lũ kinh hoàng bất thường. Đặc điểm này khá tương thích với tình hình hạn hán và thủy tai được sử sách ghi chép thời Lê sơ.
Một trong những hiện tượng thời tiết đáng chú ý cho thấy thời kỳ “Tiểu Băng hà” tác động đến khí hậu Đại Việt là việc nước đóng băng vào tháng 11/1434 được ghi chép trong Toàn thư: “Nước đóng băng, cây cối núi rừng bị chết” (nguyên văn: băng đống sơn mộc tử) (Q. XI, 18b). Cương mục cũng chép tương tự: “Có băng. Rét quá, mặt đất đóng băng, cây cối trên núi héo chết” với lời phê lạ! (Q. XVI, 19). Ở Việt Nam sương giá hay băng tuyết có thể xuất hiện vào mùa đông ở những khu vực núi cao, tuy nhiên nước đóng băng vào tháng 11 lại là hiện tượng rất hiếm gặp. Lời phê của Cương mục về hiện tượng này là lạ cho thấy đây là hiện tượng chưa từng xảy ra hoặc không được biết tới và ghi chép trước đó. Mùa đông năm 1434 và từ mùa hạ tới mùa thu năm 1435 cũng liên tiếp xảy ra nạn sâu cắn phá lúa (hoàng trùng) (Toàn thư, Q. XI, 17b, 26b, 28b). Trong năm 1435 còn ghi nhận việc dân các lộ Lạng Sơn, Nam Sách bị bệnh dịch (Q. XI, 25b).
Phải chăng thời tiết giá rét khi ấy có mối liên hệ với dịch bệnh bùng phát cùng thời gian này? Đáng chú ý, những hiện tượng thời tiết và thiên tai bất thường xảy ra vào các năm 1434-1435 cũng gần với khoảng thời gian khởi đầu của cực tiểu Spörer trong thời kỳ “Tiểu Băng hà”. Đây là một trong ba giai đoạn bức xạ Mặt trời rơi xuống mức cực tiểu khiến nền nhiệt độ trung bình Trái đất giảm. Niên giám khí tượng thủy văn cho biết vào đời Lê Nhân Tông, ngay ở kinh thành (Đông Kinh) mặt nước ao hồ đều đóng băng, hồ Hoàn Kiếm cũng phủ một lớp băng. Đó là hiện tượng chưa từng có trong nhiều thế kỷ gần đây (Nguyễn Xuân Tửu, 1983: 62).
Thiên tai xảy ra liên tiếp đã trở thành chủ đề bàn luận của triều đình Lê sơ thời bấy giờ. Ghi chép của sử sách vào các đời vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông thường thấy các lời tự thán hay lời bàn về tình hình thiên tai. Chẳng hạn vào năm 1438: “Mấy năm nay, hạn hán, sâu bệnh liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện” (Q. XI, 50b); năm 1448: “Xét thấy liền mấy năm hạn hán, sâu lúa, quan thì túng, dân thì thiếu, mà số vệ sĩ tăng nhiều, lương cấp không đủ” (Q. XI, 66b), “Vài năm nay, tai dị liên tiếp xảy ra: lụt lội, hạn hán, sâu bệnh không năm nào không có” (Q. XI, 68b); năm 1449: “Trẫm gặp phải gia biến, bên trong thì mẫu hậu coi chầu, bên ngoài thì đại thần giúp việc, mà liền năm đại hạn, lúa má mất mùa, dân chúng buồn than” (Q. XI, 78b), “thế mà lụt lội, hạn hán liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện” (Q. XI, 80b); năm 1451: “Mấy năm nay, hạn hán, sâu trùng liên tiếp xảy ra; tai dị luôn luôn xuất hiện. Năm nay đương mùa xuân, lại có mưa đá” (Q. XI, 87b). Ngay cả nền thịnh trị Hồng Đức vẫn trải qua những năm thiên tai liên tiếp hết sức khó khăn. Cương mục có lời phê về tình hình thiên tai đời Lê Thánh Tông như sau: “Luôn luôn có hạn hán, nước to, đói dữ” (lời chú về 11 lần hạn hán, 6 lần thủy tai và 4 lần dân bị đói kém) (Q. XXIV, 18).
Đến cuối thời Lê sơ, tình cảnh thiên tai liên tiếp lại xảy ra trong bối cảnh loạn lạc rối ren: “Nay nhân vận nước gặp bước gian truân, thiên tai tỏ điềm cảnh tỉnh. Lúa mùa sắp chín gặp phải hoàng trùng, lúa chiêm bắt đầu lại bị hạn hán. Nhà nông đã bị thất vọng, muôn họ lại phải lo buồn” (Q. XV, 59b). Những ghi chép này phần nào đã phác họa bức tranh thiên tai Đại Việt thời Lê sơ. Đằng sau những lời tự thán, bàn luận của vua quan triều đình về tai dị chính là thực trạng thiên tai diễn ra liên tiếp và tác động sâu sắc đến xã hội lúc bấy giờ.
Yếu tố nội sinh tức các biện pháp ứng phó thiên tai cùng với khả năng thích ứng với thiên tai của triều đình Lê sơ cũng giữ vai trò quan trọng trong việc kiềm chế hoặc làm nghiêm trọng thêm các tác động của thiên tai. Khi xảy ra thiên tai, nếu có các biện pháp khắc phục hậu quả kịp thời và phòng chống thiên tai hiệu quả thì xã hội vẫn ổn định. Những biện pháp đó được sử sách chép lại như sau, chẳng hạn vào năm 1438 vì có tai dị nên triều đình xuống chiếu đại xá thiên hạ, vua tự trách tội mình và cầu lời nói thẳng: “Tất cả các đại thần, các quan văn võ các người nên chỉ ra những lỗi lầm kể trên, cứ thẳng thắn nói hết, đừng kiêng nể gì. Nếu có điều gì tiếp thu được, nhất định sẽ khen thưởng cất nhắc, dẫu có ngu dần vu khoát, cũng không bắt tội. Ngõ hầu có thể lay chuyển lòng trời, chấm dứt được tai biến, để nước nhà mãi mãi hưởng phúc lớn vô cùng vậy” (Q. XI, 51a). Năm 1448 “xuống chiếu cho các quan kinh diên, tham nghị, đài quan, hàn lâm, trung thư tâu bày về duyên do dẫn tới hạn hán (Q. XI, 68b). Năm 1451 “Tha các loại thuế, những kẻ trốn đi lính, quân lính và dân chúng trốn tránh thì cho ra đầu thú, những án kiện bỏ đọng thì cho tâu trình đầy đủ duyên do” (Q. XI, 88a). Hạn hán vào năm 1463 thì vua lánh chánh điện, giảm món ăn, triệt bỏ đồ nhạc (Q. XII, 13a). Các năm 1466-1467, 1489, 1490 xảy ra đại hạn triều đình đều tiến hành đại xá. Năm 1497 lúc có nạn đói ở Nghệ An: “Nhà vua ra sắc lệnh hai ty Thừa chính và Hiến sát phát thóc trong kho công cho dân nghèo vay, mỗi người được vay 100 thăng, đợi lúc lúa chín được mùa sẽ thu lại nộp trả vào kho công” (Cương mục, XXIV, 23). Năm 1499 khi xảy ra đại hạn vua có sắc chỉ truyền cho Hình bộ rằng: “Hôm nay ở Thái miếu còn đương cầu mưa, hãy hoãn việc xử trảm và phạt trượng tù nhân, hãy ghi chép tình trạng tù nhân bị phạt trượng tâu lên, phải cấp tốc vâng lệnh thi hành” (Q. XIV, 10b). Bên cạnh các biện pháp khắc phục hậu quả là các biện pháp phòng chống thiên tai. Ví dụ, năm 1498 triều đình lưu ý về việc ruộng, “ra sắc lệnh cho quan thừa chính, hiến sát và phủ, huyện đi tuần hành khuyên bảo nhân dân đắp đê ngăn nước, khơi thông những chỗ úng thủy, đắp bờ ruộng, để đề phòng hạn hán, thủy tai, mỗi xã đặt một chức xã trưởng, chuyên đôn đốc về việc làm ruộng, trồng dâu” (Cương mục, XXIV, 29). Năm 1503 xảy ra hạn hán, triều đình ra sắc chỉ lưu ý tới việc nông và dân binh “nơi nào bị hạn hán hay úng lụt, phải dự bị đề phòng trước các việc trồng cấy” (Q. XIV, 32b), đồng thời cho “đắp đê sông Tô Lịch trên từ xã Trát Kiều xuống đến xã Cống Nguyên để phòng lụt, hạn, làm lợi cho nghề nông, lại xin đào cừ Yên Phúc xuống đến cừ Thượng Phúc để tưới nước cho ruộng dân” (Q. XIV, 34a).
Có thể thấy, vào đầu thời Lê sơ, các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai như ban bố đại xá, chẩn cấp cứu trợ hoặc tìm kiếm nguyên nhân, giải pháp ứng phó thiên tai được đưa ra nhanh chóng. Nhờ vậy dù thiên tai, nạn đói xảy ra thường xuyên nhưng các đời vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông vẫn giữ được sự ổn định và phát triển. Tuy nhiên, tới cuối thời Lê sơ do chính sự thối nát nên khi xảy ra thiên tai, các biện pháp ứng phó thiên tai hầu như không còn được màng tới. Điển hình, năm 1512 trong nước có đói to do hạn hán nhưng triều đình Lê Tương Dực lại cho làm điện lớn hơn trăm nóc khiến lòng dân oán than (Q. XV, 19a).
Từ những phân tích trên có thể thấy, thiên tai có mối liên hệ chặt chẽ với sự phát triển và suy vong của thời Lê sơ. Áp lực thiên tai đã làm gia tăng những căng thẳng môi trường sinh thái, khiến cho việc tưởng chừng có thể kiểm soát được hậu quả và tác động của thiên tai trở thành khủng hoảng không thể kiểm soát, dẫn tới sụp đổ.
Ở một khía cạnh khác, vào năm 1459 thiên tai đã được xem là một trong những duyên cớ để Lê Nghi Dân tiếm quyền, chiếm ngôi: “Trẫm là con trưởng của Thái Tông Văn hoàng đế, trước đây đã được giữ ngôi chính ở Đông cung. Chẳng may Tiên đế đi tuần về miền đông, bỗng băng ở bên ngoài. Nguyễn Thái hậu muốn giữ vững quyền vị, ngầm sai nội quan Tạ Thanh dựng Bang Cơ làm vua, bắt trẫm làm phiên vương. Sau Tạ Thanh tiết lộ việc ấy, lây đến cả Thái úy Trịnh Khả và Tư không Trịnh Khắc Phục, Thái hậu bắt giết cả đi để diệt hết người nói ra. Cho nên từ đó tới giờ, hạn hán sâu bệnh liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện, đói kém tràn lan, trăm họ cùng khốn” (Q. XI, 98a). Qua chi tiết đáng chú ý này có thể thấy thiên tai đã đóng vai trò tác động đáng kể đến đời sống chính trị Đại Việt thời Lê sơ, không chỉ là hiện tượng tự nhiên mà còn trở thành yếu tố biểu lộ mưu đồ chính trị của con người.□
———
Tài liệu tham khảo:
Brendan M. Buckley – et al. (2010), “Climate as a contributing factor in the demise of Angkor, Cambodia”, PNAS, 107:15, 6748-6752.
Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
Nguyễn Xuân Tửu (1983), “Bước đầu tìm hiểu về biến động khí hậu ở nước ta trong lịch sử”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 6 (213), 60-63.
Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
Victor Lieberman – Brendan Buckley (2012), “The Impact of Climate on Southeast Asia, circa 950-1820: New Findings”, Modern Asian Studies, 46:5, 1049-1096.