Khi nào dịch coronavirus sẽ đạt đỉnh?

Chính quyền muốn có câu trả lời chính xác, nhưng họ đang bị xoay quanh bởi quá nhiều luồng thông tin.

Số ca lây nhiễm coronavirus ở Trung Quốc tiếp tục gia tăng lên hàng ngàn ca mỗi ngày, buộc các nhà dịch tễ học ước tính xem lúc nào thì dịch bệnh sẽ lên tới đỉnh điểm. Một số ý kiến cho rằng thời điểm cao trào, khi số ca nhiễm mới trong một ngày đạt đến điểm cao nhất, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Những người khác thì cho rằng phải vài tháng nữa thì virus sẽ mới lây nhiễm cho hàng triệu người – hoặc trong một ước tính khác là hàng trăm triệu người.

Các quan chức y tế công cộng muốn biết đại khái khi nào là đỉnh dịch – và có bao nhiêu người sẽ bị nhiễm – để họ có thể chuẩn bị bệnh viện và biết khi nào đủ an toàn để có thể dỡ bỏ các hạn chế đi lại. Thành phố Vũ Hán, trung tâm của dịch bệnh và một số thành phố lân cận khác đã có lệnh đóng cửa từ cuối tháng 1.

Mặc dù có thể dự đoán phần nào về đỉnh dịch nhưng một số nhà nghiên cứu cảnh báo, độ chính xác của các luồng thông tin đấy lại không cao, đặc biệt là khi dữ liệu được sử dụng vẫn chưa hoàn chỉnh. “Nếu bạn sửa lại dự đoán của mình mỗi tuần để nói rằng dịch sẽ bùng phát trong một hoặc hai tuần tới, thì kiểu gì chẳng đúng”, theo Brian Labus, người phụ trách giám sát dịch bệnh tại Đại học Nevada, Las Vegas.

Kịch bản lạc quan

Vào ngày 11/2/2020, bác sĩ hàng đầu Trung Quốc Zhong Nanshan, người dẫn dắt một nhóm chuyên gia hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh, cho rằng coronavirus có thể sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng Hai. Zhong, vị bác sĩ nổi tiếng vì phát hiện ra virus SARS, cho biết nhờ các biện pháp kiểm soát của chính phủ như hạn chế đi lại và nghỉ lễ kéo dài mà tình hình đã được cải thiện, dù vậy ông thừa nhận rằng đây vẫn là một “giai đoạn khó khăn” đối với Vũ Hán.

Cho đến nay, hơn 70.000 người ở Trung Quốc được xác nhận mắc bệnh – hiện đã được đặt tên là COVID-19. Nhưng nhiều nhà khoa học lo ngại rằng số ca mắc trên thực tế cao hơn so với báo cáo. Họ nghi ngờ rằng Trung Quốc thực hiện quá ít xét nghiệm chẩn đoán và không đủ nhân viên y tế để xác nhận tất cả các trường hợp. Một số nhà khoa học cũng tự hỏi liệu Zhong có đang cố gắng trấn an mọi người hay không do lo sợ ảnh hưởng của bùng phát dịch bệnh lên nền kinh tế và xã hội.

Ít nhất một mô hình phù hợp với ước tính của Zhong. Các nhà nghiên cứu tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Dịch tễ Luân Đôn dự đoán rằng đỉnh dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Sebastian Funk, nhà thống kê học, người đã mô hình hóa các bệnh truyền nhiễm và là đồng tác giả của bài phân tích, cho biết dự đoán này dựa trên một ước tính rằng một người nhiễm bệnh ở Vũ Hán, trung bình, sẽ lây nhiễm cho 1,5 đến 4,5 người khác – một phép đo cho thấy khả năng lây nhiễm của virus, còn gọi là R – trước khi triển khai các biện pháp hạn chế đi lại vào ngày 23/1. Funk ước tính, vào thời giao cao điểm, khoảng một triệu người, chiếm 10% dân số Vũ Hán, sẽ bị nhiễm bệnh.

Dù chưa được bình duyệt thì bài phân tích của Funk đã được đăng tải trên website của Viện ông vào ngày 12/2/2020. Nhưng ông cho biết từ sau bài phân tích, số lượng các trường hợp mắc và tử vong ở Vũ Hán đã giảm cho thấy có khả năng dịch bệnh đã qua thời điểm đạt đỉnh (Hơn 14.000 trường hợp mới đã được báo cáo vào ngày 13/2, nhưng số lượng đột biến này là do các cơ quan chức năng đã thay đổi cách chẩn đoán và số lượng cũng không thật sự tăng vọt).

Trường hợp xấu nhất

Một số nhà nghiên cứu cho rằng dự đoán như vậy quá lạc quan. Người dân ở hầu hết các thành phố của Trung Quốc đã bắt đầu trở lại làm việc vào tuần trước sau đợt nghỉ lễ kéo dài – có thể dẫn đến các khả năng lây nhiễm mới, theo ông Chihuahuahi Nishiura, nhà dịch tễ học tại Đại học Hokkaido ở Sapporo, Nhật Bản

Nishiura cho biết ông đã sử dụng một mô hình ước tính cho thấy dịch sẽ bùng phát vào khoảng cuối tháng 3 đến cuối tháng 5. Theo ông, tại thời điểm này, có tới 2,3 triệu trường hợp được chẩn đoán trong một ngày. Tổng cộng, ông ước tính từ 550 triệu đến 650 triệu người trên khắp Trung Quốc sẽ bị nhiễm bệnh, chiếm khoảng 40% dân số đất nước. Nishiura cũng cho rằng khoảng một nửa trong số đó sẽ xuất hiện các triệu chứng.

Công trình mô tả mô hình dự đoán của Nishiura mới là một tiền ấn phẩm, chưa được bình duyệt và xuất hiện ở trang medRxiv. Để đưa ra dự đoán như vậy, ông chia sẻ rằng nhóm của mình đã xem xét khả năng lây truyền vốn có của virus mới – số người trung bình bị lây virus từ một người nhiễm bệnh khác, hay còn gọi là R0, có liên quan đến R, mặc dù nó đặt trong trường hợp là cả cộng đồng chưa ai có cơ chế miễn dịch. Nhóm nghiên cứu ước tính R0 nằm trong khoảng từ 1,5 đến 2.

Ông nói rằng mô hình của ông khái quát tương đối đơn giản viễn cảnh tương lai, bởi vì nó giả định rằng tất cả mọi người đều dễ mắc bệnh. Nó cũng phản ánh thực tế rằng nhiều người bị nhiễm bệnh nhưng chưa có triệu chứng hoặc không đủ sức khỏe để tìm đến điều trị y tế. Nếu tính cả những trường hợp kể trên, thì các báo cáo hiện nay đều đang đánh giá thấp số người bị nhiễm bệnh, ông nói.

Gabriel Leung, nhà dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông, cho rằng ước tính của Nishiura là hợp lý. Cộng đồng không có khả năng miễn dịch với SARS-CoV-2, loại virus gây ra COVID-19, do đó, “nó sẽ như một cơn bão càn quét qua”, ông cho biết.

Leung cho biết trong khi những ước tính đó nghe có vẻ bi quan, thì nó vẫn không làm rõ được vấn đề virus này nguy hiểm đến mức nào. Trong một bài báo được Zhong công bố vào ngày 9/2, tính toán mới nhất về tỷ lệ tử vong cho thấy có khoảng 1,36 ca tử vong trên một trăm ca mắc. Nhưng con số đó có lẽ quá cao vì các tác giả đã không xem xét đến những ca mắc ít nghiêm trọng hơn. (ở thời điểm bài báo này của Nature lên khuôn, bên ngoài Trung Quốc mới có hai trường hợp tử vong trong số 500 ca mắc bệnh.)

Các biện pháp cách ly

Theo Leung, hiệu quả của các biện pháp kiểm soát, nếu có, cũng không thật sự rõ ràng. Chẳng hạn như lệnh cấm đi lại và cách ly người dân tùy thuộc vào thời điểm và tầm nghiêm trọng khi đạt đến đỉnh dịch. Nishiura và Funk nói rằng các mô hình của họ đã loại trừ các biện pháp này vì họ không chắc về hiệu quả của chúng.

Nhiều nhà khoa học cho rằng các biện pháp kiểm soát rốt cục có thể không làm giảm số người nhiễm bệnh. Nhưng họ có thể kéo dài thời gian mà dịch bệnh đạt đỉnh, bằng cách làm chậm việc lây nhiễm, Leung nói.

Giảm thiểu số ca lây nhiễm khi dịch bệnh đạt đỉnh là việc quan trọng, Leung cho biết. Nếu tất cả mọi người mắc bệnh cùng một lúc, “thì toàn bộ xã hội sẽ ngừng hoạt động”, ông nói. “Các dịch vụ y tế sẽ bị quá tải và mọi người sẽ chết.”

Anh Thư dịch

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-020-00361-5

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)