Khi nào thì quan điểm của thiểu số thống trị?
Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, những nhóm nhỏ có thể lật ngược tình thế nếu họ chiếm 25% số người trong cộng đồng.
Vào những năm 1970, giáo sư kinh doanh Rosabeth Kanter đưa ra một công bố có ảnh hưởng lớn về một công ty ở Mỹ tuyển dụng phụ nữ vào đội ngũ bán hàng. Điều kiện đời sống công việc của họ, Kanter chỉ ra, phụ thuộc vào mức độ đại diện của họ trong công ty. Khi họ chỉ chiếm 15% tổng số nhân viên, họ phải đối diện với việc bị chụp mũ, bị quấy rối, bị cô lập, áp lực hiệu suất trong công việc vô cùng lớn và nhiều bất lợi khác. Nhưng khi họ chiếm 35% số người ở công ty, họ bắt đầu liên kết với nhau để chuyển đối văn hóa ở đó theo hướng có lợi cho mình.
Những nhóm nhỏ có thể đảo ngược các quy tắc xã hội hiện tại, miễn là họ đạt tới một ngưỡng tỉ trọng nào đó. Khi điều này diễn ra, những gì đang được chấp nhận sẽ bị phủ quyết và ngược lại. Hai thập kỉ trước, hầu hết người Mỹ đều phản đối hôn nhân đồng tính, việc cấm hút thuốc nơi công cộng và hợp pháp hóa cần sa, giờ thì tất cả những vấn đề này đều được số đông ủng hộ.
Sau khi thực hiện một thí nghiệm sáng tạo, Damon Centola tại Đại học Pennsylvania cho biết, nhóm thiểu số phải chiếm ít nhất là 25% để có thể thay đổi cục diện. “Kết quả của chúng tôi phù hợp với các dữ liệu nhân chủng học [hơn các nghiên cứu khác]. Tôi thực sự phấn khích khi nó cộng hưởng một cách rõ ràng với nghiên cứu của Kanter” – Centola nói.
Nhóm của Centola mời 194 tình nguyện viên, phân chia họ thành 10 nhóm và yêu cầu họ chơi một trò chơi điện tử online mà trong đó họ phải làm việc với nhau để hình thành những nguyên tắc xã hội mới. Ở mỗi vòng chơi, các tình nguyện viên ở mỗi nhóm sẽ được ghép cặp một cách ngẫu nhiên và được cho xem bức ảnh của một người lạ. Không được hỏi ý kiến lẫn nhau, mỗi người phải đưa ra một cái tên phù hợp nhất với khuôn mặt trên bức ảnh đó. Cuối mỗi vòng, hai tên đó được tiết lộ và người chơi được 10 cents nếu họ đưa ra cùng một cái tên, nếu họ đưa ra hai tên khác nhau, họ sẽ mất 10 cents. Mặc dù những người chơi chỉ tương tác với một người trong mỗi lần chơi, nhưng càng chơi, họ nhanh chóng đạt được những quy tắc chung ở quy mô cả nhóm, khi tất cả mọi người đều cùng đưa ra một cái tên.
Khi đó, Centola thêm nhóm “nhà hoạt động xã hội” vào mỗi nhóm. Những kẻ đối lập này đều gợi ý một tên khác cho mỗi gương mặt, với mục tiêu thay đổi trật tự đã được thiết lập. Số lượng các “nhà hoạt động xã hội” ở mỗi nhóm là khác nhau.
Ông nhận ra rằng những người mới đến này chỉ có thể thay đổi được nhận thức của những người cũ một cách hiệu quả nếu họ chiếm 25% thành viên (không nhỏ hơn, không lớn hơn). Kết quả này khớp với dự đoán trước đó từ mô hình toán học mà nhóm của Centola mô phỏng các tương tác như vậy.
Tuy nhiên Centola nhấn mạnh rằng con số 25% không phải áp dụng cho mọi trường hợp trên toàn cầu mà sẽ biến động dựa trên từng tình huống. Tình nguyện viên trong thí nghiệm nói trên tung hứng giữa những nguyên tắc trung dung, chứ không phải là những thứ kiểu như là quan niệm chính trị. Và các nhóm ban đầu và nhóm hoạt động xã hội đều bình quyền – điều hiếm gặp trên thực tế.
“Nếu nhóm thiểu số bất đồng chính kiến là người da màu, không có tiếng nói và bị thiệt thòi đủ điều?” – Hahrie Han, nhà khoa học chính trị tại Đại học California ở Santa Barbara. “Hay trong trường hợp những người cậy quyền cứ áp đặt tư tưởng của mình lên người khác? Những câu hỏi đó sẽ mở rộng khám phá của nghiên cứu quan trọng và sáng tạo này”.
Centola đã bắt đầu với việc mô phỏng vài trong số các biến động trên bằng cách thay đổi mô hình tính toán mà ở đó những cộng đồng (ảo) bị ràng buộc với quan điểm của mình và lưỡng lự hơn trước ảnh hưởng của những “nhà hoạt động xã hội”. Điều này có làm tăng ngưỡng tỉ trọng – nhưng chỉ tới 30%. “Chúng ta vẫn thấy hiệu ứng điểm tới hạn này vẫn đúng với con số nhỏ hơn 50% rất nhiều” – Ông nói.
Hảo Linh lược dịch
Nguồn bài và ảnh: https://www.theatlantic.com/science/archive/2018/06/the-tipping-point-when-minority-views-take-over/562307/