Kho báu dưới thành Rome
Ở bên dưới thành phố Rome cổ kính và nổi tiếng của Ý là những bảo tàng lớn nhất thế giới, chưa từng được khám phá.
Luca thò đầu vào ống cống, hít, và cười. “Hôm nay, mùi cống cũng không đến nỗi tệ lắm“, ông nói và thả chân vào cái hố đen nằm giữa của Forum of Nerva, một công trình kiến trúc công cộng cổ ở Rome. Dù ông có lạc quan, nhưng từ lòng cống đen ngòm đó vẫn bốc lên mùi kinh tởm: đó là một thứ hỗn hợp của nước tiểu, dầu diesel, bùn và những xác chuột mục nát. Thoạt đầu, nó có mùi giống như mùi của một hệ thống thoát nước đã được sử dụng tới 2.500 năm rồi. Bên dưới bóng tối, trong cái vòm hang đá, mọi thứ cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Luca lội qua vũng nước với những hàng tượng quân lính mệt mỏi, bước qua những khu đền và đạp trên những lớp vôi tường tróc lở theo thời gian. Hàng loạt dấu hiệu của cuộc sống hiện đại cũng lững lờ trôi theo dòng nước: đầu lọc thuốc lá, túi nilong, núm vú của trẻ con, bật lửa nhựa, bình nước thải… Luca chỉ tay vào một bình đất cổ có hai quai đã bị hỏng, chắc cỡ khoảng 2.000 năm tuổi nằm trong bùn, bên cạnh một vỏ chai bia Peroni vỡ, mới bị quẳng xuống đây cỡ khoảng một tuần. Tất cả những bằng chứng này cho thấy không biết con người đã ném rác rưởi, đồ vỡ nát xuống miệng cống của thành phố này từ thủa nào?
Không gian ngầm cổ xưa
Forum of Nerva ra đời vào khoảng năm 96-98 sau Công nguyên. Trong ảnh là các cột ở lối vào còn sót lại của Forum of Nerva tại Rome. Các cây cột này còn được gọi là cột Colonnacce hay “Những cây cột xấu xí”. Phía bên trên của bức tường là hình ảnh nữ thần Minerva, nữ thần đồng trinh của người La Mã, phía dưới là hình của một người phụ nữ đang làm nhiều công việc nội trợ khác nhau. |
Luca Antognoli, 49 tuổi, làm việc cho Roma Sotterranea, Cơ quan bao gồm các nhà nghiên cứu hang động được thành phố bổ nhiệm có nhiệm vụ khám phá không gian ngầm của Rome. Dưới đó có hàng loạt các kiến trúc cổ như những ngôi đền, đường giao thông, nhà cửa và hệ thống cống dẫn nước bị chôn vùi trong lịch sử, kể từ khi Đế chế La Mã sụp đổ. Theo truyền thống, các Cloaca Maxima (Cống lớn), thường chạy bên dưới các khu công cộng (Forum) thời La Mã, được xây dựng vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên, khiến Rome trở thành một trong những thành phố cổ nhất-nếu không nói là nơi có các công trình kiến trúc lâu đời nhất – còn tồn tại đến ngày nay. Vì vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Luca tìm cách đi qua các đoạn đầy bùn dưới Via Cavour, khu cống chưa bao giờ được khám phá và thể hiện đầy đủ trên các bản đồ.
Trong đời thực, Luca Antognoli là một bác sĩ phẫu thuật, và ông đã cảnh báo chúng tôi phải cẩn thận không để làn da tiếp xúc với nước, vốn là thứ hỗn hợp của nước thải đường phố và nước thải thô từ các gia đình. Với đôi mắt to, đứng đắn, ông nhìn nhận một cách nghiêm túc về các mối nguy hiểm trong lòng cống. Vì vậy, ông trang bị cho mình kín từ đầu đến chân với găng tay, ủng, mũ trùm đầu và mặt nạ, tất cả được nối kín với nhau bằng băng keo. Ông lội ào ào trong lòng cống để trao cho các thành viên trong nhóm những chiếc mặt nạ bịt mặt.
Ông chỉ tay vào những đường ống: một số đường ống dùng để đưa nước sạch lấy từ tầng ngầm dưới lòng đất lên, một số đường ống khác lại là nơi thoát nước bẩn. Đến đoạn chúng tôi phải vượt qua đường ống dốc nghiêng đầy bùn màu nâu. Phía bên kia của cái chướng ngại vật đầy nguy hiểm này có một lỗ rất sâu, nơi mặt đất đã bị xói mòn từ 2.000 năm qua. Điều này khiến mọi người phải đi lần lần từng tí một dọc theo vách dựng đứng cao chưa từng thấy, phủ đầy bọt nước. Một người trong nhóm pha trò rằng cái vách đá đó nhìn giống như schiuma – các bọt ca cao bám trên cốc espresso của Ý.
Đến đoạn đường có đống hỗn độn nào cao su, nào vụn xương, nào mảnh sứ vỡ và bùn đất chặn gần như toàn bộ rãnh nước bẩn, chuyến phiêu lưu buộc phải dừng lại. Đường ống cống trồi lên và đầu kia chìm vào bóng đêm khiến ai cũng thắc mắc: không biết nó dài tới đâu?
Roma Sotterranea có kế hoạch gửi tới đây một robot điều khiển từ xa để thăm dò từ phía bên ngoài. Luca hy vọng sẽ khẳng định được giả thuyết rằng các cống lớn sẽ dẫn đến khu vực nhà tắm ở Diocletian (Baths of Diocletian), nằm cách đó gần một dặm (khoảng 1,6 km) về phía đông bắc. Ai mà biết được có những bảo vật gì nằm dọc suốt trên đường đi, Luca nói. Ông cũng lưu ý rằng các nhà khảo cổ gần đây đã kéo lên từ một ống cống cái đầu khổng lồ của bức tượng hoàng đế Constantine, khiến người ta suy đoán rằng vị hoàng đế đầu tiên của Kitô giáo có thể là nạn nhân của damnatio memoriae, trò xóa hết dấu vết của các hoàng đế bị khinh thường, vốn khá thịnh hành vào thời Rome cổ đại.
Đối với Luca Antognoli, những không gian ngầm như Cloaca Maxima chính là các đầu mối để hiểu cách làm thế nào thành phố này đã phát triển trong quá khứ để trở thành nơi cai trị của một đế chế có diện tích kéo dài từ đỉnh của Scotland tới tận Baghdad, đế chế đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử phương Tây.
Một con lạch xuất hiện từ bóng tối chảy nước xuống đống đổ nát. Ai đó nói không biết nước của con lạch đó bẩn hay sạch. “Nước của nó rất bẩn, nhưng lại có vai trò rất quan trọng” Luca vừa nói vừa mở căng mắt ra to hơn để nhìn.
Các rãnh nước, ban đầu vốn là một cống mở, sau đã bịt lại trong thời Cộng hoà La Mã, nhưng hầu hết những thứ còn ở dưới Rome ngày nay thì lại vô tình bị chôn vùi sau hai thiên niên kỷ hình thành của các trầm tích cùng với sự phát triển đô thị hiện đại.
Một phần lịch sử của Rome
“Rome đã hình thành và phát triển từ 3.000 năm nay”, Darius Arya, nhà khảo cổ đồng thời là giám đốc của Viện Văn hóa Roman của Mỹ nói. Phần lớn diện tích của Rome, kể cả trung tâm của thành phố hiện đại ngày nay vốn nằm trên một cánh đồng vốn luôn bị ngập lụt. Thành phố trung tâm hiện nay thời cổ đại có tên Campus Martius, nằm bên bờ của sông Tiber.
Hình ảnh phục dựng lại hoạt động của Forum of Nerva |
Mặc dầu người Roman đã đắp các con đê nhưng thành phố vẫn thường xuyên bị ngập lụt, chính vì vậy họ đã xây những công trình và đường phố mới cao hơn, nằm trên những công trình xây dựng trước đó. “Người Roman đã xây thành phố mới cao hơn tới 2 mét vào một thời điểm nào đó nhằm đưa mức nền của thành phố cao hơn mực nước dâng. Nhưng đồng thời với việc này là họ chôn vùi quá khứ của chính họ”, Arya nói.
Ngày nay thành phố đang an tọa trên mức nền, ở một vài địa điểm, cách các tầng lịch sử 14 mét. Nhưng điều thú vị là khi ở Rome, bạn có thể đào một lỗ ở bất cứ nơi nào trong cái chu vi 19 km giữa những bức tường thành, nơi đã chôn vùi các thành phố cổ và có thể tìm thấy một thứ gì đáng giá về mặt lịch sử thì phần diện tích thực tế đã được khai quật lại rất nhỏ.
“Tôi nghĩ là không quá 10% diện tích của thành phố đã được ghi nhận trong các tài liệu khảo cổ”, Robert Coates-Stevens nói. Là nghiên cứu sinh khảo cổ học của trường British School tại Rome, Coates-Stevens từ một thập kỷ nay cùng với những người khác đã cố gắng ráp lại bản đồ địa hình cho thành Rome cổ. Trong những năm 1800, các công trình kiến trúc khu công cộng thời La Mã (roman forum) đã được đào bới. Công việc hiện vẫn được tiếp tục, nhưng các cấu trúc cổ xưa nhất vẫn còn bị mắc kẹt dưới những đường phố đông đúc người qua lại và nằm dưới các tòa nhà cao ốc văn phòng của thành phố hiện đại. “Khi bạn nghĩ rằng tất cả vẫn còn nằm dưới chân của bạn để chờ khám phá thì cảm giác đó thật là khó chịu”, Coates-Stevens nói.
Trong những năm 1920 và 1930, chính vì cái cảm giác này, Benito Mussolini đã cho san bằng nhiều khu vực thuộc trung tâm lịch sử của Rome, nơi có đầy những ngôi nhà từ thời Trung cổ và Phục hưng, với mục đích để làm lộ ra các lớp khảo cổ bên dưới, đặc biệt để tìm các di chỉ khảo cổ từ thời của Hoàng đế Augustus. (Mussolini thích so sánh mình với Augustus và đánh đồng chủ nghĩa phát xít với Pax Romana, thời kỳ hòa bình dưới thời Augustus). Vào thập niên 1980, cách tiếp cận khảo cổ học bằng cách đào những hố lớn đã không còn được ưa chuộng nữa. Nhưng sự tò mò về Rome là vấn đề muôn thủa. Vì vậy, đội tiên phong của khảo cổ học đã thay đổi cách tiếp cận: các nhà khảo cổ và các nhà nghiên cứu hang động được thuê để khám phá các không gian cổ xưa từ bên dưới nhằm giữ được nguyên trạng trên bề mặt.
Roman Colosseum
Cristiano Ranieri kéo chiếc mặt nạ khô ra khỏi đầu của mình và sửa chữa cái mặt nạ trùm đầu này ngay tại chỗ. Phía trên, tiếng chân của dòng người du lịch nện thình thịch xuống bề mặt lớp gạch lát đường và đá vôi của Đấu trường La Mã.
Nhưng xuống đây, trong mê cung rối rắm của những hành lang, nơi mà các đấu sĩ có thể đã từng đứng để chờ đợi đến lượt chiến đấu của mình, nơi những cầu thang kéo đã từng nâng những con thú dữ như sư tử, gấu, và động vật khác lên đấu trường, âm thanh dường như bị bóp nghẹt lại. Ranieri trở nên hứng khởi rõ rệt khi ông kể về việc lặn dưới đấu trường Colosseum. Ông giải thích rằng không gian này, sâu cỡ 12 m, có hình chiếc bánh rán. Ông nhấc tấm nắp cống bằng thép trên nền đất lên và ánh sáng chiếu xuống làm lộ rõ khối nước màu xám đen có độ sâu khoảng vài mét: đây chính là phần dưới cái bụng của Đấu trường La Mã.
Ranieri đang thăm dò một lối vào mới để tiếp cận hệ thống thoát nước cho dự án đo lường trong tương lai. Đặc biệt, ông muốn biết liệu có thể mang theo một giàn đèn chiếu sáng vào hố đen này hoặc vẫn phải sử dụng các đèn pin cầm tay. Nếu được bơi dưới điều kiện đủ ánh sáng ở dưới Đấu trường La Mã thì câu chuyện tìm kiếm, thăm dò sẽ dễ hơn rất nhiều.
Cách đây ba năm, mới chỉ có một phần tư của đường ống cống-đoạn khô nhất và tiếp cận được dễ dàng nhất – ở phía dưới Colosseum là đã được thăm dò. Những đoạn cống rãnh đơn giản này được thiết kế để thoát nhanh nước mưa các cơn bão, được làm từ cuối thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, khi các Hoàng đế Flavian xây dựng đấu trường Colosseum. Một vài nhà văn cổ đại cho rằng công trình xây dựng dường như được làm với chủ ý thiết kế phục vụ cho các cuộc tập trận giả của hải quân. Nhưng vẫn chưa có bằng chứng về các công trình dẫn nước lớn để mang nước vào các cống nước vĩ đại này.
Sau đó, vào tháng mười năm 2003, Ranieri, một nhà khảo cổ và nhà nghiên cứu hang động đã công bố một phát hiện gây ngạc nhiên cho nhiều người. Bên dưới của hệ thống cống đơn giản này (có từ thời trước Đấu trường La Mã), những ống cống đã được Hoàng đế Nero xây dựng dẫn tới một hồ nước nhân tạo trong khu vườn của ông. Các ống dẫn đã được các kiến trúc sư của Đấu trường La Mã sử dụng lại, vì có rất nhiều đường ống đấu với hệ thống này, cả đầu vào lẫn đầu ra. Trong những năm đầu hình thành, Đấu trường La Mã, giống như nhiều nhà hát khác, dường như đã bị ngập lụt.
Bất ngờ dưới lòng đất
Những kế hoạch thám hiểm Rome chính là cơ hội lớn để khám phá thành phố. Một nhóm nghiên cứu đã đào một lỗ sâu giữa con phố để làm đường vào khám phá không gian ngầm dưới đó. Marco Placidi, nhà nghiên cứu hang động máu lạnh đồng thời là người sáng lập ra Roma Sotterranea cũng được mời đến. Sử dụng quần áo bảo hộ và đeo mặt nạ, Placidi tự mình leo xuống ống cống và vào căn phòng có chiều cao tới 12 m, nơi mà các nhà khảo cổ học tin rằng được xây dựng sau công trình Domus Aurea (Ngôi nhà vàng) của Nero, vào khoảng năm 65 sau Công nguyên và trước một chút công trình Baths of Trajan (vào khoảng năm 109 sau Công nguyên). Cả hai công trình nói trên đều có mặt tại căn phòng này.
Trong lòng một Cloaca Maxima, đường cống lớn ở Rome |
Bản đồ một khu vực lòng Rome |
Căn phòng này là một trong những công trình xây dựng từ thời La Mã vẫn còn được bảo quản tốt nhất cho đến ngày nay. Vách của căn phòng được xây cẩn thận với gạch phẳng. Phòng cũng có các mái vòm lớn. Nhưng theo Placidi, giây phút hồi hộp nhất vẫn là lúc ông leo xuống được nửa đường, khi thân mình vẫn còn treo lơ lửng giữa khoảng không, ông chiếu đèn trên đầu vào bức tường và chợt nhìn thấy một bức tranh khảm vẫn ở trong tình trạng rất tốt trên tường. Bức tranh miêu tả một nhóm đàn ông khỏa thân đang thu hoạch và nghiền nho. Bức Vendemmia (Thu hoạch nho), như người ta đặt tên cho nó, có chiều dài khoảng 3 mét, được khảm bằng các viên đá cẩm thạch li ti màu sắc sặc sỡ cùng nhiều các loại đá khác. “Trước khi xuống đây, tôi không thể hình dung được mình sẽ nhìn được những thứ như vậy. Phải nói đó là một niềm vui lớn”, Placidi nói.
Mỗi năm, cơ quan quản lý của Rome đã cấp khoảng 13.000 giấy phép xây dựng, mà mỗi giấy phép đó đều đòi hỏi phải có những đánh giá về mặt khảo cổ. Các công trình xây dựng đường sá và cống rãnh luôn bị kéo dài tới hàng năm ở khu vực ngoại ô bởi vì các phát hiện khảo cổ luôn khiến những công trình này phải gián đoạn và khiến việc sử dụng tiền ngân sách bị sử dụng một cách lộn xộn. Theo truyền thống, công việc khảo cổ thường được tiến hành một cách cẩn thận, chậm rãi nhưng Parsifal thì ngược lại. Họ có thể giám định rất nhanh các đồ cổ tìm được và cho phép các công trình xây dựng được tiếp tục.
Vào một ngày bình thường ở thực địa, theo quan sát của Mancini và Fontana, một chiếc máy xúc đã bốn lần phải dừng công việc lại chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Một sinh viên tốt nghiệp đã nhảy xuống cái hố lầy lội, móc lên một kho báu: một chiếc đèn cổ, vài cái bát và đĩa, một số tác phẩm điêu khắc nhỏ bằng đất nung và cả đống vò hai quai La Mã. Rất nhiều đồ trong số chúng có thể được làm ra từ thế kỷ thứ ba hoặc thứ tư trước Công nguyên.
“Khu vực này còn khá hỗn độn”, Davide nói và giải thích rằng công trình này đã bắt đầu từ tháng 6/2003. Dự án có thể kéo dài trong vài tháng nhưng thời điểm chính xác kết thúc thì chưa thể nói được.
Một vài phút sau, chiếc máy xúc tiếp tục dừng lại, cậu sinh viên lại nhảy xuống hố và lần này lấy lên vài chiếc vò hai quai lớn hơn, một chiếc bị bịt miệng lại như thể dấu một thứ gì trong đó. Sau khi lau chùi chiếc vò, Sergio đưa lên mũi ngửi. Ông nói là có thể đó là một lớp nhựa được sử dụng để niêm phong miệng vò. Đây quả thực là một đồ vật hiếm có. Tuy nhiên, Davide lại không cho rằng như vậy. Ông nói đó có thể là lớp hương trầm được sử dụng từ thời Trung cổ. Chiếc vò nhanh chóng được cho vào một túi nilon và xếp cạnh hàng chục túi nilon khác đang chờ xe tải tới chở về kho. Trong lúc đó, người lái máy xúc đã hút xong điếu thuốc lá và hỏi liệu mình có thể tiếp tục công việc.
Các công nhân đang khám phá đường ngầm ở Rome |
Đấu trường La Mã |
Những gián đoạn trong công việc như vậy khó có thể tiên lượng trước được, một phần bởi ít ai biết được chính xác dưới đất có những gì (các radar thăm dò lòng đất khó có thể phân biệt các lớp đất, nơi có đầy các mảnh vỡ trong những khu vực chưa có dân cư ở). Ngoài ra, thời gian gián đoạn công việc phụ thuộc vào giá trị của những đồ vật được tìm thấy. Một số thứ, thí dụ như các mảnh vỡ của vò hai quai thì sẽ bị quẳng đi nhanh chóng. Nhưng những thứ khác, thí dụ như các công trình xây dựng thì cần được vẽ lại, đo đạc và nghiên cứu cụ thể. Thậm chí trong một số trường hợp cá biệt, Chính phủ Ý còn cho phép người dân được tiếp cận để chiêm ngưỡng các đồ cổ và công trình cổ khi chúng phát lộ.
Điều này khiến nhiều người không thích. “Chẳng ai muốn Beni Culturali gõ cửa nhà mình”, Robert Coates-Stevens nói về cơ quan quản lý Nhà nước về khảo cổ học của Ý. Thông thường, chủ sở hữu các khu bất động sản cá nhân đều tỏ ra miễn cưỡng khi buộc phải thông báo rằng có một cột đá cổ tình cờ được phát hiện dưới nền đất của họ. Nhưng thái độ này có thể thay đổi nếu như người ta nghĩ rằng khu vực đất mà họ sở hữu là một phần của lịch sử chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề trách nhiệm cá nhân.
“Những viên đá cẩm thạch quả là một phát hiện lớn. Chúng thực sự đẹp và tôi hiểu ngay rằng có thể chúng sẽ được trưng bày trong bộ sưu tập của chúng tôi”, Fendi nói.
Năm năm trước, Alda Fendi, hậu duệ của đế chế thời trang Fendi đã mua một cung điện từ thời Phục hưng ở trung tâm của Rome, cách Column of Trajan có vài chục mét. Người trang trí nội thất của bà đã biến nơi này thành một phòng tranh, nhưng trong quá trình cải tạo ngôi nhà, các công nhân trong lúc đào bới nền đất ở đây đã phát hiện các dấu vết kiến trúc của Basilia Ulpia (Pháp đình Ulpia), một tòa án được xây dựng bởi Hoàng đế Tranjan vào năm 112 trước Công nguyên. Đây là một công trình có mối quan hệ chặt chẽ với không gian công cộng mà ông đã cho xây dựng. Sau khi khai quật và thu thập, lưu trữ các thông tin cần thiết, các nhà khảo cổ khuyên rằng phần nền ở khu vực này đã được phục chế và ít để lại dấu vết khả nghi. Fendi hiểu được tầm quan trọng của khám phá và dự liệu sẽ đưa công trình này vào bộ sưu tập riêng của bà. Bà cũng xin được tài trợ để tiếp tục công việc khai quật qua nền móng của cung điện và lấn ra cả khu vực nhà hàng Pizza ở phía đối diện. Cuộc khai quật cuối cùng đã làm lộ ra phần lớn Basilica Ulpia, bao gồm cả vài cây cột lớn, và sàn nhà được bảo quản khá tốt, được làm bằng đá cẩm thạch xanh và vàng, cả đá cẩm thạch Phrygian tím nữa.
Đường dẫn nước cổ
Các nhà nghiên cứu hang động rất thích tếu táo về công việc của họ, trêu chọc lẫn nhau khi họ lần mò qua những hệ thống cống bằng các câu chuyện kiểu như những con chuột to bằng con chó, hay những chuyện vô nghĩa tương tự. Nhưng do Marco Placidi và Adriano Morabito choàng vào người những bộ quần áo bảo hộ kín và trèo xuống cái cầu thang xoắn trôn ốc có tên La Chiocciola (Vỏ ốc) ở trung tâm của Rome, trông họ khá nghiêm nghị và ít lời. Đối với họ, đây là một không gian thiêng liêng. Ngay ở phía trên đầu, khi họ thả chân xuống là đã vào Aqua Virgo, một đường dẫn nước ngầm được đục xuyên qua lớp đá rất rắn, do chính Marcus Agrippa, người được coi là bàn tay phải của Hoàng đế Augustus, làm ra vào thế kỷ thứ 19 trước Công nguyên. Đường dẫn nước ngầm này có độ dài tới 10 dặm (16 km), bắt nguồn từ một dòng suối ở Salone, nguồn nước sạch tinh khiết và ổn định nhất của người La Mã. Đường dẫn nước này hiện vẫn được sử dụng, nhằm cung cấp nước cho các vòi phun Trevi Fountain và Gian Lorenzo Bernini thuộc bể phun nước Four River ở khu Piazza Navona.
Roma Sotterranea đã tiến hành khảo sát tiện ích của Aqua Virgo đối với thành phố cách đây vài năm, xác định được vị trí của nó bằng các thiết bị laser, la bàn, và thậm chí đôi lúc phải sử dụng cả hệ thống định vị toàn cầu GPS để kiểm tra bề mặt thực tế của nó ở những đoạn lộ ra ngoài. Những ngày này, nhóm đang tiến hành kiểm tra những công việc đã làm bằng cách mặc quần áo bảo hộ và đi trong lòng của đường dẫn.
Nước trong đường dẫn chỉ ở mức ngập mắt cá chân và do chảy trực tiếp từ suối ra nên khá lạnh. Các vách của đường dẫn được cắt từ đá cứng, đều đặn một cách đáng ngạc nhiên làm người ta nhớ đến các tấm đá phẳng của Cloaca Maxima. Nhưng hai công trình này chắc chắn có nhiều khác biệt. Một công trình dùng để chuyên chở nước sạch, tinh khiết và có ích cho cuộc sống con người trong khi công trình kia lại dùng để vận chuyển nước thải. Nếu như chìa khóa đối với thành Rome cổ chính là nước thì hai hệ thống vận chuyển nước này chính là các dấu tích của một sự liên tục thiết yếu.
Khi cả nhóm tiến đến phía vòi nước Fountain Trevi, Nick De Pace, một giảng viên kiến trúc tại trường kiến trúc Rhode Island, người đang được học bổng Fulbright nghiên cứu về công trình ngầm ở Rome, chỉ tay vào những đường cong nơi những người thợ đã từng tiến hành công việc của họ với các tảng đá hình thành từ núi lửa cách đây 2.000 năm. Ông mô tả một nhóm làm việc với các dụng cụ cầm tay để đục đá, dưới ánh sáng của các ngọn đuốc, và làm thành một đường dẫn nước cực mịn, dưới con mắt của người hiện đại, như thể nó đã được làm bằng máy. Đối với ông, các đường dẫn nước và thoát nước của Rome là biểu tượng của tinh thần có thể-làm-bất kể-thứ gì của nền văn minh La Mã.
“Không ai nghĩ rằng hệ thống cống rãnh lại quan trọng đến thế” ông nói trong khi kiểm tra một thạch nhũ nơi có nước ngầm giàu canxi rỉ ra và chảy vào đường dẫn nước. “Nhưng chính chúng đã giải thích được rằng tại sao Rome vẫn cứ tồn tại và nó tồn tại như thế nào”.
Nhóm khám phá đã đến một bức tường bê tông hiện đại nơi đường dẫn nguyên thủy đã bị cắt đi và nối vào một đường ống hiện đại. Các đường ống chảy tuột vào hệ thống vòi phun của Trevi Fountain và phía bên dưới của nó. Rồi thì chúng sẽ dẫn tới đâu? Một nhánh mới của nó quay ngược lại để cung cấp cho một số công trình kiến trúc cổ hiện vẫn bị chôn vùi dưới lòng đất. Khám phá những công trình này liệu sẽ mang lại những kiến thức mới về hệ thống hạ tầng của thành Rome?
“Phải nói Rome là bảo tàng mở lớn nhất thế giới. Có quá nhiều thứ để khám phá. Và chúng ta vẫn còn chưa biết hết tất cả những gì quí giá còn nằm sâu dưới lòng của nó”, Darius Arya của Viện nghiên cứu Văn hóa La Mã (Mỹ) nói.
Hoàng An
lược dịch từ National Geographic