Kho báu thuốc nam của người Dao Ba Vì
Nhiều loài cây mà các chuyên gia chưa thể nhận diện, định tên nhưng lại được bao thế hệ người Dao quần chẹt Ba Vì sử dụng để chữa bệnh cứu người.
Với tài trợ của quĩ Rockerfeller, Quỹ châu Á và Trung tâm Môi trường và phát triển cộng đồng, Dự án “Phát triển mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội” đã hướng tới mục đích bảo tồn, phát triển và gìn giữ môi trường thiên nhiên, đặc biệt chú trọng tới hợp phần cây thuốc của người Dao Ba Vì. Cùng với những hoạt động tập huấn, nâng cao tri thức cho dân, dự án còn xuất bản sách thuốc và giúp đỡ bà con thành lập công ty dược của cộng đồng đi vào hoạt động một cách hiệu quả.
Y lý bốn bước của người Dao
Ở Việt Nam, có bao nhiêu dân tộc, có bấy nhiêu nền y học, từ mức sơ khai đến bậc cao. Nếu trong một bài thuốc Bắc phải có đầy đủ bốn yếu tố thành phần quân-thần-tá-sứ (chủ bài thuốc, thuốc trợ thủ, thuốc phụ, thuốc dẫn) thì với bài thuốc Nam của người Dao, y lí cũng có bốn bước: trị bệnh, khỏi bệnh, chống tái phát, tiệt nọc bệnh.
Người Dao xưa có phong tục rất đẹp là chỉ cứu người không lấy tiền, ai khỏi bệnh thì đến nhà thầy lang cúng lễ tạ ơn tổ tiên. Dần dần danh tiếng của thuốc dân tộc Dao lan xa, nghề thuốc trở thành kế sinh nhai, các thầy lang ở Ba Vì lại lặn lội trên những nẻo đường để bán thuốc. Không có tiền đi xe thì họ cuốc bộ, dấu chân của những người đàn bà Dao theo thời gian trải dài từ Hải Phòng tới Nam Định, từ Cao Bằng đến Hưng Yên, Hòa Bình…, có người vào tận Nghệ An để chào hàng. Không có thương hiệu, họ cứ lang thang bán thuốc từ năm này qua năm khác với bao gian truân, cơ cực. Lương y người Dao Triệu Thị Hòa 13 tuổi đã theo mẹ hái thuốc, đi chợ; 16 tuổi đã bốc thuốc cứu người.
Người Dao làm thuốc trước hết để chữa bệnh trong dân tộc mình, sau là cho mọi người. Các công đoạn làm thuốc rất thủ công và tỉ mỉ, từ thu lượm trên vùng núi cao, đem cây lá tươi về băm chặt nhỏ theo kích cỡ phù hợp, rửa sạch phơi khô và đóng gói bảo quản. Người Dao Ba Vì nổi tiếng với thuốc tắm và thuốc cao, trong đó có thuốc tắm đẻ truyền thống, giúp sản phụ nhanh chóng phục hồi sức khỏe, sạch huyết và sau 7-10 ngày người mẹ có thể lao động bình thường. Cách đây 50 năm, người Dao chỉ biết dùng cây thuốc dưới dạng tươi hoặc khô. Vì thế vận chuyển xa gặp nhiều khó khăn. Người Dao bắt đầu nghĩ ra cách chế biến thuốc gọn nhẹ hơn mà vẫn giữ được công dụng của thuốc, từ đó cao lá ra đời. Cao lá đun nhiều tuần liên tục từ hơn 100 loại thảo dược khác nhau còn gọi là Cao lá bách thảo chữa được nhiều loại bệnh nan y.
Trong hợp phần cây thuốc của Dự án “Phát triển mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội”, các y dược sỹ từ các trường Đại học Y, Dược Hà Nội tới tập huấn cho những thầy lang người Dao ở ba thôn Yên Sơn, Hợp Nhất và Hợp Sơn xã Ba Vì. Nội dung tập huấn bao gồm bảo tồn, tu hái bền vững, chế biến phát triển sản phẩm thảo dược tiến tới đăng ký Làng nghề thuốc. Đồng thời giúp những hộ gia đình nghèo lập vườn ươm nhân giống cây, cung cấp giống thuốc mới, hỗ trợ chế biến, sử dụng dụng cụ phơi sấy đơn giản. Đặc biệt, lấy mô hình từ những công ty thuốc của người Dao Đỏ như Công ty sản phẩm bản địa Sa Pa (Sa Pa Napro) ở Sa Pa hay Công ty DK Nature ở Thái Nguyên để giúp người Dao quần chẹt Ba Vì thành lập công ty thuốc, khác với mô hình hợp tác xã trước đây.
Ngày 28/2/2012, công ty Cổ phần thuốc người Dao Ba Vì chính thức đi vào hoạt động. Công ty tồn tại dưới dạng thức công ty nhỏ của cộng đồng, người dân góp vốn, đất, bí quyết bài thuốc, nguyên vật liệu xây dựng… – chiếm hơn 50% vốn. Còn từng bài thuốc được nghiên cứu một cách khoa học tại trường Đại học Dược Hà Nội sau đó chuyển giao lại cho các thầy lang, có thể dưới dạng góp cổ phần. Qua đó, người dân được hưởng lợi kép gồm vốn và lợi tức hoạt động. Người dân có thể tham gia hoạt động như nhân viên công ty, hợp đồng với doanh nghiệp trồng và cung cấp dược liệu. Khó khăn lớn nhất của các thầy lang người Dao Ba Vì nói riêng và các thầy lang người dân tộc nói chung là họ hiện không có bằng cấp hành nghề và chưa có đơn vị nào chính thức cấp bằng thuốc Nam cho những người làm nghề thuốc dân tộc. Điều đó cũng khiến việc công nhận làng nghề thuốc và lập công ty thuốc gặp nhiều bất lợi.
Đối với phát triển du lịch cộng đồng, dự án chú trọng phát triển vườn cây thuốc và tham quan các thư tịch gia phả Nôm Dao, mua thảo dược với các bài thuốc chữa bệnh nổi tiếng.
Cuốn sách thuốc quí
Một thành quả khác từ dự án là cuốn sách ảnh sinh động “Cây thuốc người Dao Ba Vì”, tổng hợp từ hơn 70 nguồn tài liệu khác nhau. Với những người làm nghề y, nhất là người làm thuốc Nam cổ truyền ở Ba Vì, cuốn sách như quyển y lí y văn đầu tiên của họ. Tên thuốc xếp theo bảng chữ cái rất dễ tra cứu, có ảnh minh họa sắc nét, bài thuốc cụ thể, chính xác. Cuối sách có bảng thống kê 507 loại cây thuốc của người Dao Ba Vì là kết quả hai mươi năm lăn lộn cùng người Dao trồng và ươm giống thuốc của Tiến sĩ Trần Văn Ơn, Trưởng bộ môn Thực vật trường Đại học Dược Hà Nội. Hơn 30 loại thảo dược quí được trình bày với tên thường dùng, tên tiếng Dao, tên khoa học, mô tả, phân bố, bộ phận dùng làm thuốc, công dụng và chú ý khi sử dụng kèm theo bài thuốc riêng. Qua cuốn sách, chúng ta được biết, có những loài thảo dược vô cùng quen thuộc lại có những công dụng không ngờ như lá đinh lăng: theo kinh nghiệm dân gian, trước khi thi đấu, các đô vật hay vò lá đinh lăng với nước để uống nhằm tăng sức dẻo dai, vật lâu không mệt. Lá đinh lăng còn được dùng trong 17 bài thuốc khác. Hay như cây xạ đen và cây kim ngân đã chính thức được công nhận là một trong nhiều vị thuốc nam có tác dụng hỗ trợ bệnh nhân ung thư, sau đề tài được nghiệm thu cuối năm 1999 của các bác sĩ Học viện Quân y. Bên cạnh đó còn rất nhiều món ăn từ thảo dược ngon lành và bổ dưỡng như canh lá vông nấu thịt nạc băm, gà hầm kỳ tử, hay cá chép om táo đỏ và hạt ý dĩ được chế biến theo cách riêng của người Dao nơi đây.
Với nền y học cổ truyền lâu đời, lại sống gần các khu du lịch nổi tiếng như Ao Vua, Khoang Xanh, người Dao quần chẹt Ba Vì đang nắm trong tay tiềm năng lớn về phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Không phá rừng giờ đây đã là một trong mười hai lời thề trong lễ cấp sắc của người Dao. Họ từng hát: “Người Dao ta không có đất/ Lam lũ chạy theo núi rừng/ Đói nghèo bám chặt vào lưng”, nhưng những dự án phát triển và bảo tồn y học cổ truyền như kể trên đã mở ra cho người Dao triển vọng về một cuộc sống ấm no nhờ vào chính vốn liếng quý báu của dân tộc mình.