Kho tàng rắc rối (Phần 2)

Tóm tắt kì trước: Phóng viên của Science theo chân của Xing Lida, một nhà cổ sinh vật học có tiếng trên thế giới mua hổ phách từ chợ Tengchong của Trung Quốc đến mỏ Tanai, phía Bắc Myanmar. Không mấy người biết được rằng, thứ đồ trang sức đang được bán buôn, bán sỉ, bày đầy ở sạp chợ này là hóa thạch, là nguồn tư liệu vô giá để nghiên cứu về đa dạng sinh học thời cổ đại. Tuy nhiên, để có được chúng, các nhà khoa học chỉ có thể mua hoặc đi vay – điều đó cũng có nghĩa là họ đã gián tiếp tham gia thúc đẩy cuộc xung đột đẫm máu trong biên giới Myanmar.

 



Những mẫu vật hổ phách Myanmar, mua ở chợ và được nghiên cứu bởi các nhà khoa học, là những “khoảnh khác đóng băng” của đời sống 99 triệu năm trước. 1. Rắn con Hổ phách hiếm khi lưu giữ được động vật có xương sống, nhưng viên đá kích cỡ quả óc chó từ Myanmar này chứa một loài rắn mới, Xiaophis myanmarensis. 2. Ốc hiếm Phần thân mềm cổ xưa nhất của một loài ốc bao gồm phần đầu và một chiếc râu.



Hóa thạch trong đá hổ phách – cánh cửa về sự sống kỷ Phấn Trắng

Lúc đầu, Xing đã dùng tiền của mình để mua hóa thạch. Rồi sau đó anh thuyết phục bố mẹ, cả hai đều là bác sĩ, bán nhà ở miền Nam Trung Quốc để có thêm tiền mặt. Anh ta tiêu số tiền đó vào năm 2016, và cùng bạn bè lập ra một tổ chức phi lợi nhuận có tên là Viện nghiên cứu cổ sinh học Dexu (DIP), có trụ sở tại tỉnh miền Nam Quảng Đông, Trung Quốc, để mua và lưu trữ vĩnh viễn các bộ sưu tập và cung cấp các mẫu vật cho các nhà khoa học khác nghiên cứu.

Số mẫu vật động vật có xương sống trong các công bố của Xing từ trước đến nay đủ để lấp đầy một bể kính về kỷ Phấn Trắng, bao gồm một hóa thạch rắn con với 97 đốt sống mỏng manh vẫn còn nguyên vẹn đã đăng trên tờ Science Advances, hóa thạch nửa trước của một con ếch dài 2 cm trên tờ Scientific Report, và thứ “ăn khách” nhất của anh là chiếc đuôi khủng long có lông vũ dường như chứa dấu viết của huyết sắc tố, đăng trên tờ Current Biology.  

Nhưng thành công đầu tiên và bền vững nhất của Xing liên quan đến những chú chim nhỏ. Một thời gian sau khi xây dựng mạng lưới mua bán của mình, một bức ảnh của con chim đầu tiên được phát hiện trong hổ phách đã được gửi đến, và giá của nó bằng một chiếc BMW mới. “Những con chim này từ một nhóm nguyên thủy được gọi là Enantiornithes, đã tuyệt chủng cùng với những con khủng long khác”. Hổ phách bảo quản những đặc điểm chưa từng thấy trên da và lông, thậm chí có thể tiết lộ cả các chi tiết nội quan. Đây là một cái nhìn hoàn toàn mới về tiến hóa gia cầm, Leo Clarke cho biết. 

Ví dụ, những hóa thạch chim khác của Trung Quốc trưng bày lông vũ đã bị ép phẳng bên trong trầm tích đá. Các nhà cổ sinh vật học cho rằng những chiếc lông đó cũng có chức năng như những chiếc lông trang trí của loài chim hiện đại, với gốc lông được cấu tạo như một chiếc ống rỗng. Vào tháng 12 năm 2018, Xing xuất bản về lông từ 31 mảnh hổ phách Myanmar, tiết lộ về sự tồn tại của gốc lông hở và siêu mảnh. Vì những chiếc lông này luôn dựng đứng trong các hóa thạch, hẳn là nó có khả năng chuyển từ mềm mại sang cứng rắn trong tích tắc. 





3. Ếch con Nhựa cây trong rừng kỷ Phấn Trắng giữ lại hai con ếch, người ta có thể thấy đùi và bàn chân của nó; một con ếch bị giữ lại cùng với một con bọ cánh cứng – có lẽ là con mồi nó đang chuẩn bị ăn. Con ếch còn lại bao gồm chân, ngón chân trước và ngón chân sau nhưng không có đầu.  4. Cánh chim: Một con chim non rời tổ và cánh của nó bị dính vào nhựa cây. Đầu cánh của nó cho thấy lông vũ được gắn vào xương cánh của nó như thế nào ở loài chim đã bị tuyệt chủng này, loài Enantiornithes. 

“Từ những mẫu vật 3D trong đá hổ phách, nay chúng ta mới biết rằng những gì chúng ta hình dung trước đây (từ hóa thạch dẹt) là hoàn toàn sai”, Jingmai O’Connor, người nghiên cứu hóa thạch chim của Xing từ Viện Động vật có xương sống và Cổ sinh vật học Bắc Kinh (NIGPAS), cho biết. Vào tháng Hai, nhóm đã xuất bản một phát hiện khác từ đá hổ phách: một con chim với lông vũ trên chân – một chi tiết tiến hóa đã từng được dự đoán, nhưng chưa từng thấy trước đây của chim hiện đại với việc sau này chúng đã tiến hóa thành những con chim chân trần. 

Giấc mơ lấy được DNA từ hổ phách, như trong bộ phim nổi tiếng “Công viên kỷ Jura”, vẫn chưa thành hiện thực, bất chấp rất nhiều những lần kiểm tra trong cả những viên đá hổ phách có niên đại rất trẻ, Victoria McCoy, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Bonn ở Đức cho biết. Nhưng các nhà nghiên cứu đã báo cáo việc tìm ra các dấu vết hóa học khác còn sót lại trong hóa thạch lấy được từ đá hổ phách: các sắc tố tiết lộ làm thế nào các sinh vật lấp lánh dưới ánh mặt trời kỷ Phấn Trắng, và các phân tử cấu trúc chẳng hạn như chitin từ động vật chân đốt, lignin và cellulose từ thực vật. Cuối cùng, nhóm McCoy đã báo cáo có thể thu được axit amin từ một chiếc lông vũ trong hổ phách Myanmar, mang theo đặc điểm hóa học cho thấy rằng chúng vẫn được gắn với các đoạn protein trước cuộc thi nghiệm. Vậy bước tiếp theo sẽ là: giải trình protein cổ đại có thể cung cấp cho các nhà nghiên cứu một cách để theo dõi các mối quan hệ tiến hóa và hiểu về cách sinh vật đã từng tồn tại.

Nhưng để thực hiện những thí nghiệm của mình, McCoy phải dùng búa đập hổ phách thành bột. Các nhà khoa học và các nhà sưu tập có lẽ sẽ thích các phương pháp khác để nghiên cứu các phân tử sinh học bị mắc kẹt này. Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu thử nghiệm với hình ảnh synchrotron, sử dụng tia X cường độ mạnh khiến các nguyên tố hóa học trong mẫu phát huỳnh quang ở các bước sóng khác nhau. “Sẽ mất cả một thập kỷ để chúng ta có thể tìm ra cách thực sự tận dụng thông tin giàu có bị mắc kẹt bên trong những mẫu vật này”, O’Connor nói. Khi kiểm tra mẫu vật, các nhà khoa học cũng phải cảnh giác với hàng giả. Một mẫu hổ phách Myanmar được bán trên thị trường và được quảng cáo là có chứa con rùa đầu tiên, nhưng các thử nghiệm hóa học đã cho thấy đó chỉ là giả mạo. 

Ở cách NIGPAS 2100 km, trong trung tâm lịch sử kín cổng cao tường Nam Kinh, Wang rót trà mời tôi rồi bắt đầu rút ra một túi côn trùng trong hổ phách đã được dán nhãn. Động vật có xương sống quý hiếm có thể là các loài động vật cỡ lớn (megafauna) đầy lôi cuốn được tìm thấy trong hổ phách Myanmar, nhưng động vật không xương sống mới là những loài cai trị cả về số lượng và sự đa dạng. Wang, một nhà cổ sinh vật học, đã tích lũy một bộ sưu tập 30.000 mảnh thực vật và côn trùng tìm thấy trong hổ phách ở Myanmar, và Wang vẫn chưa nghiên cứu xong hết. “Cuối cùng, chúng tôi nghĩ rằng có thể 4000 hoặc 5000 loài có thể được tìm thấy’, Wang cho biết. 

Phòng thí nghiệm của ông sử dụng một loạt các hệ thống phân tích hình ảnh cao cấp để có thể xuyên qua các mẫu vật mà không cần phá hủy chúng. Trong một phòng, một kính hiển vi laser đồng tiêu có thể khiến cấu trúc tinh tế của sinh vật – giống như đôi mắt đa thấu kính của một con ruồi, đang từ kính hiển vi được phóng to lên một màn hình điều khiển bên cạnh – trở nên sáng rõ. Trong một phòng, máy chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể quét bên trong hóa thạch để nhìn thấy mô hình cấu trúc bên trong. Bằng cách áp dụng những kỹ thuật đó, Wang, giống như những đối thủ của anh đã có thể khai quật đủ những  mảnh ghép của 99 triệu năm tiến hóa để lấp đầy một cuốn phim tài liệu. Lấy bọ cánh gân, một nhóm côn trùng mà ngày nay săn kiến và rệp. Trong một quả hổ phách lớn, phần mở rộng cánh của một con bọ cánh gân có hình dạng giống bướm đã cho thấy những đốm mắt giả giúp đánh lạc hướng con mồi. Và trong những miếng hổ phách khác, một ấu trùng của bọ cánh gân trông y hệt như cây rêu tản. Những bọ cánh gân khác như mang theo những mảnh ghép của cả thảm rừng trên lưng, một chiến thuật ngụy trang mà nhiều côn trùng hiện đại vẫn đang dùng.  “Một điều đáng tiếc là hầu hết trong số chúng tuyệt chủng”, Wang  nói, nhưng chúng ta đã may mắn khi biết được một số bí ẩn về chúng. 

Một số nhóm không có bất kì một loài trực hệ nào, chẳng hạn như Haidomyrmecines, biệt danh là “Kiến địa ngục”. Chúng tiến hóa ở gần với gốc trong cây phả hệ của các loại kiến và có đôi sừng sắc hình liềm, có lẽ để hất và xiên những con côn trùng khác trong không trung. Một vài con khác, gọi là “Kiến kỳ lân”, có một cái sừng dài nhọn, có lẽ là để ghim con mồi tại chỗ. Những con kiến này chẳng khác nào loài khủng long bạo chúa của thế giới kiến, Grimaldi cho biết, mà bạn sẽ không bao giờ biết đến sự tồn tại của chúng nếu bạn chỉ nghiên cứu hệ động vật sống hiện đại.





Nhà cổ sinh vật học Wang Bo (trái) với nhà sưu tập Xia Fangyuan (phải) tại nơi trưng bày bộ sưu tập riêng của Xia tại Thượng Hải, Trung Quốc. Nhiều nhà khoa học biết ơn đã đặt tên các loài mới theo tên của Xia. 

Nhện cổ lại cho chúng ta thấy một bất ngờ khác. Đầu năm 2018, Wang và Huang Diying, một nhà nghiên cứu tại NIGPAS, đã xuất bản mẫu vật trong tờ Nature Ecology & Evolution với cơ thể như nhện và đuôi dài như đuôi bọ cạp. Bây giờ chúng đã tuyệt chủng, nhưng những con nhện đó thuộc một nhánh tiến hóa rất sớm của loài nhện được cho là đã tuyệt diệt khoảng 250 triệu năm trước. Nhưng ở nơi mà giờ đây là nước Myanmar, chúng đã từng bò cạnh những con nhện thật sự mà đến ngày nay vẫn còn tồn tại. Những con tiền-nhện này có cơ quan kéo sợi tơ, bằng chứng cho thấy ngay cả những động vật chân đốt lớp nhện mới hình thành trên Trái đất cũng có sức mạnh đó. 

Và giữa những loài nổi bật đó, là những điều vô cùng quan trọng thường bị bỏ qua: những con bọ cánh cứng bao quanh bởi các chấm phấn hoa. Chúng là manh mối cho một sự thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng trong lịch sử sự sống mà Charles Darwin gọi là một sự bí ẩn gây khó chịu: sự xuất hiện của thực vật ra hoa, chủ yếu dựa vào những vị khách côn trùng để thụ phấn. Những mẫu vật hổ phách khác từ khu rừng đó cho thấy phấn hoa từ một nhóm cây cổ – cây hạt trần – như cây vân sam và bạch quả mà giờ đây đa số đều thụ phấn nhờ gió. Tuy nhiên, vài phấn hoa trên những con bọ trông có vẻ quá to để gió thổi đi. Có lẽ hổ phách giúp bảo tồn những khoảnh khắc trong thời kỳ rất nhiều nhóm côn trùng chuyển đổi nguồn thức ăn từ thực vật hạt trần sang các loài thực vật có hoa, và lưu giữ kỉ niệm của hàng triệu năm đồng tiến hóa, đem lại sự đa dạng phi thường của các loài hoa và những loài côn trùng thụ phấn ngày nay. 

Nghiên cứu sự tiến hóa của quá trình cộng tác đó sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu tại sao các nhóm côn trùng này phát triển mạnh hay thất bại – một câu hỏi thiết yếu vào thời điểm mà các nhà côn trùng học đã bắt đầu lo lắng rằng sự biến đổi khí hậu đang tiếp diễn có thể thúc đẩy một làn sóng tuyệt chủng côn trùng, nhà cổ sinh vật học Michael Engel của Đại học Kansas ở Lawrence cho biết. “Đá hổ phách Myanmar vừa vặn với thí nghiệm vĩ đại, bi kịch, không may đang diễn ra trên thế giới ngày nay” – Engel nói. 

Ai là người sở hữu các mẫu vật?

Sau khi xem xét xong các quầy ngoài đường ở đây, Xing đi vào hết cửa hàng này đến cửa hàng khác, đến mỗi nơi lại ngồi xuống bên một chiếc bàn uống trà thanh lịch để trao đổi với chủ cửa hàng. Dưới quầy kính thường dùng để trưng bày trang sức, những cửa hàng này bày những chiếc lá dương xỉ, những bông hoa, những con bọ cạp, nhện lông và một quả thông nhỏ xíu. Những mẫu vật mới được dựng lên ở phía sau trong các túi nhựa. Một cửa hàng thậm chí còn trưng ra cả những con chim non, với đôi cánh mỏng manh cùng móng vuốt của nó có thể nhìn thấy rõ ràng. Nhưng người buôn hét giá tới 145.000 USD, quá cao. 





Một người lính từ Quân đội Kachin độc lập đi tuần trong một khu làng bị bỏ hoang sau cuộc chiến gần mỏ hổ phách ở Bắc Myanmar.



Đến cuối ngày, học trò của Xing đã nhét đầy ba lô với các hộp nhựa đầy động vật không xương sống và thằn lằn. Tiếp đó, Xing sẽ bay đến thành phố lớn gần đó là Côn Minh, Trung Quốc để gặp Xiao Jia, một nhà sưu tập cá nhân giàu có và nhà buôn qua mạng đã cho anh mượn con rắn trong hổ phách đầu tiên để nghiên cứu. Trên đường đi, cuộc buôn bán vẫn chưa ngừng lại. Sau khi lái xe của Xiao đón Xing từ sân bay, điện thoại của anh rung chuông: Một tay buôn ở Mitkyina muốn bán thứ có vẻ là mảnh tổ ong đầu tiên trong hổ phách. 

Xing thảo luận việc mua viên hổ phách đó với Xiao. Nếu một trong hai người không mua được mẫu vật đó, nó có thể sẽ rơi vào tay ai đó giàu có trong cộng đồng nhỏ bé này, như Xia Fangyan,  một nhà sưu tầm, một nhà buôn và đồng tác giả nhiệt thành của nhiều công bố uy tín, sống ở phía đầu kia đất nước tại Thượng Hải  và cạnh tranh với Xing trong việc có được những mẫu vật hàng đầu. Xia cho biết đã dành khoảng 750.000 USD cho bộ sưu tập đá hổ phách Myanmar mỗi năm, và anh biết ơn các nhà khoa học như Wang đã giúp anh định danh các loại gián, ruồi kí sinh, và các loài ếch. Bộ sưu tập khổng lồ của anh được lưu trữ ở một két sắt và được đem ra khoe mỗi khi khách tới nhà, bao gồm chim, thằn lằn và một con ếch. Mẫu vật yêu thích nhất của anh, là một con côn trùng được bảo quản nguyên vẹn hoàn hảo: Một con bọ ngựa anh mua với giá 22,000 USD trông sống động đến mức như nó sắp sửa nghiêng đầu đến nơi. 

Bộ sưu tập của Xia còn gồm một cái vỏ đầy bí ẩn được mua từ một lái buôn cam đoan rằng đó là một con sên. Nghi ngờ mẫu vật này còn hơn thế, anh cho Wang mượn để chụp CT và hóa ra nó chính là một ammonite, một sinh vật biển đã tuyệt chủng và trông giống như một ốc anh vũ. Chiếc vỏ đáng kể này hẳn được bọc bởi nhựa cây trong một khu rừng bên bờ biển, có lẽ là nó dạt lên bờ sau một trận bão. Nó được mô tả trong tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) vào tuần trước, mẫu vật vẫn nằm trong bộ sưu tập riêng của Xia. 

Những trao đổi như trên là điều bình thường. Các nhà sưu tập Trung Quốc khá ngần ngại khi trao ngay mẫu vật cho bảo tàng, Wang nói, bởi vì Luật pháp của Trung Quốc không giảm thuế cho những hành động như vậy. Nhưng một số nhà nghiên cứu phương Tây không thoải mái với việc xuất bản nghiên cứu mà hóa thạch vẫn còn trong tay tư nhân. Quy trình cho mượn mẫu vật đơn giản không đảm bảo nó sẽ được bảo quản đúng cách, hoặc việc các nhà nghiên cứu khác có thể đến thăm và nghiên cứu nó cho hàng thập kỉ và hàng thế kỉ tới. “Toàn bộ mục đích của khoa học là đưa ra và thử nghiệm các giả thuyết” Rayfield cho biết. “Nếu chúng tôi không thể nghiên cứu mẫu vật nữa, thì nó chỉ đơn giản là một bài tập về việc chấp nhận những khẳng định của những người khác.”

Và PNAS không phải là tạp chí duy nhất xuất bản về những mẫu vật từ các bộ sưu tập hổ phách Myanmar của Trung Quốc. Tờ Science Advances (một ấn phẩm của Science) cũng xuất bản nhiều công bố về mẫu vật thuộc về Xia, cũng như những hổ phách chứa rắn con, giờ đang nằm trong một triển lãm ở phía sau cửa hàng đồ chơi của Xiao trong trung tâm thương mại Côn Minh (Xiao và DIP đã thỏa thuận để viện sở hữu mẫu vật đó, nhưng Xiao sẽ mượn nó đến năm 2027)

Vẫn kiên quyết duy trì sở hữu hiện tại của các mẫu vật, cả Xiao và Xia – cùng những nhà khoa học họ đang cùng hợp tác – nói rằng sẽ có kế hoạch chuyển các bộ sưu tập của họ thành bảo tàng tư nhân và cam kết sẽ chấp nhận các yêu cầu phục vụ các nhà nghiên cứu bên ngoài. Bài báo trên PNAS ghi là mẫu vật ammonite, chẳng hạn, là thuộc về Bảo tàng hổ phách Lingpoge ở Thượng Hải, một cơ quan mà Xia cho biết, anh đang trong quá trình thành lập. Anh nói anh đang đàm phán với chính quyền quận để được phép sử dụng đất. Khi được hỏi về liệu điều này có phù hợp với chính sách của PNAS hay không, Ban biên tập của ấn phẩm này đã đưa ra một văn bản phản hồi: “Các tác giả của bài báo này phải đảm bảo với chúng tôi là các hóa thạch sẽ cho phép những nhà nghiên cứu chính danh tiếp cận”. 

Tuy nhiên, có những trải nghiệm khiến vài nhà nghiên cứu hổ phách nghi ngờ. Engal nhắc lại một lần muốn đến thăm một mẫu vật đã được công bố tại một nơi cho mượn hổ phách tại Jordan. Nó được đặt ở một nơi có vẻ như là một bảo tàng nhưng hóa ra lại được điều hành bởi một nhà sưu tập. “Về cơ bản bảo tàng chính là tầng hầm của nhà người này,” Engel nói. Và ông ta bảo: “Ồ được chứ, chắc chắn là anh có thể nghiên cứu nó – với giá 10.000 USD”.  

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của hóa thạch hổ phách có thể sẽ tiếp tục lớn hơn nữa, bất kể ai sở hữu chúng, vì sự khan hiếm của nó. Nguồn cung hổ phách đã giảm mạnh kể từ thời điểm đỉnh cao năm 2015. Có lẽ cánh cửa vào kỷ Phấn Trắng đã bị đóng sầm lại, cũng nhanh như cách nó từng được mở ra.  

Vào tháng 6/2017, máy bay trực thăng của quân đội Myanmar ù ù kéo đến Tanai. Sau khi rải đơn cảnh báo thợ mỏ và dân thường di tản. Ngay sau đó là các cuộc không kích và cấm đường, và quân đội Myanmar đã giải tán khu vực khai thác hổ phách của lực lượng Quân đội Độc lập Kachin. Báo cáo năm 2018 của các nhà điều tra Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng các hành động này đã giết chết bốn thường dân và làm mắc kẹt 5000 người trong khu vực. Lên án những hành động của quân đội, bao gồm cả ở Kachin, một báo cáo khác của U.N kêu gọi điều tra các tướng hàng đầu của Myanmar cho tội diệt chủng và các tội ác khác chống lại loài người.

Hai chủ sở hữu mỏ cũ cho biết thuế thậm chí còn cao hơn kể từ khi quân đội chính phủ nắm quyền kiểm soát khu vực. Cả hai đóng cửa mỏ khi họ không thể có lợi nhuận sau khi chính phủ tiếp quản, và các nhà buôn ở đây chứng thực rằng hầu hết tất cả các mỏ khai thác sâu bây giờ đã ngừng kinh doanh. Chỉ còn những mỏ khai thác nông và có lẽ là một vài nhóm tổ chức bí mật là còn hoạt động. 

Lần theo dấu vết của hổ phách đã góp phần tài trợ cho quân đội Myanmar và dân quân như thế nào thực sự khó khăn. “Là một người mua hàng”, theo Donowitz, “bằng việc làm gia tăng giá trị của hàng hóa đó, bằng việc tham gia vào việc thương mại hàng hóa đó, nghĩa là bạn đã đóng góp vào cuộc xung đột”. 

Nhưng đó không phải là đám mây đạo đức duy nhất phủ bóng lên những mẫu vật. Nhiều quốc gia giàu hóa thạch, bao gồm Trung Quốc, Canada, Mông Cổ và Myanmar đã ban hành luật để giữ cho hóa thạch quý không ra khỏi biên giới của họ. Luật pháp của Myamar đã đe dọa xử phạt những người vi phạm bằng cách phạt tù từ năm đến 10 năm, hoặc hàng nghìn USD phạt hành chính, hoặc cả hai. Khi hổ phách hóa thạch Myamar lọt qua lỗ hổng buôn bán đá quý, “Nó giống như di sản văn hóa, di sản cổ sinh vật học của Myanmar đang bị bán rẻ, bị tước khỏi lòng đất của quốc gia này và phân phối khắp thế giới”

Xing nhấn mạnh rằng anh chỉ muốn tách chiết những chi tiết khoa học, chứ không phải là sở hữu các mẫu vật. Anh nói rằng anh nhạy cảm với vấn đề này bởi vì rất nhiều bảo vật lịch sử của Trung Quốc giờ đây đang lưu lạc ở các bảo tàng nước ngoài. “Nếu một ngày Myanmar được hòa bình, và muốn xây dựng một bảo tàng cho hổ phách hoặc một bảo tàng về lịch sử tự nhiên, (Học viện riêng của Xing) sẽ muốn trả lại tất cả các mẫu vật cho Myanmar”, anh nói, “Nó sẽ không được cho đi miễn phí. Nhưng đúng, chúng tôi rất muốn trả lại nó”.

Vài nhà cổ sinh vật học cũng kì vọng có thể thấy bộ sưu tập hổ phách Myanmar gần những hầm mỏ hoặc ít nhất là trên lãnh thổ nước này. “Nếu Myanmar muốn xây một bảo tàng hổ phách,” Grimaldi nói “Tôi sẽ hết sức vui mừng nếu có thể đóng góp chuyên môn của mình vào việc thiết kế và xây dựng nó. Nó sẽ vô cùng tráng lệ, và tôi nghĩ nó nên được thực hiện”. Trong những tháng gần đây, một bảo tàng hổ phách tư nhân được mở tại Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar. Nhưng ngoài giáo dục, trang web tiếng Anh của nó cũng cung cấp rất nhiều hổ phách để bán, trang sức và hóa thạch, và cả tour mua sắm ngoài chợ hóa thạch, thể hiện rằng bảo tàng có cả mục đích thương mại chứ không phải chỉ để lưu trữ và bảo quản. 

Đối với cư dân ở Tanai, câu hỏi về người sở hữu hóa thạch trở nên mờ nhạt trước những rủi ro về an ninh hiện tại. “Giờ đây chẳng có gì là ổn định, chẳng có gì là thượng tôn pháp luật” – Một thợ mỏ đang thất nghiệp trả lời qua điện thoại.  Nhưng khi cuộc phỏng vấn gần khép lại, anh có một yêu cầu. Anh nói các thợ mỏ đào hổ phách không biết tại sao các nhà khoa học lại quan tâm tới những con côn trùng và những sinh vật khác được chôn trong lòng hổ phách. “Nếu bạn biết, làm ơn chia sẻ với chúng tôi được không?” □

Hạnh Duyên dịch

Nguồn: https://science.sciencemag.org/content/364/6442/722

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)