Khoa học Bulgaria: Trì trệ và thiếu kinh phí

Bulgaria – quốc gia nghèo bậc nhất châu Âu và xếp ở gần chót bảng đánh giá khoa học của châu lục, đang tìm cách vượt qua những khó khăn về kinh phí, hậu quả của nạn tham nhũng và cả sức ỳ của một nền khoa học cũ kỹ.

Tạp chí Chemistry World nhận xét, khoa học Bulgaria tồn tại nhờ vào “những khẩu phần thảm hại”: trong vòng 5 năm trở lại đây, kinh phí đầu tư công cho nghiên cứu khoảng 0,22% GDP – xấp xỉ 100 triệu euro, thấp nhất trong số các quốc gia thành viên EU. Số lượng công trình xuất bản quốc tế xếp sau cả một số quốc gia Đông Âu khác như Romania, Hungary và Slovakia. Chỉ có một điểm sáng là khu vực kinh tế tư nhân đã bắt đầu chú trọng hơn trong việc rót tiền vào R&D: từ 0,6% GPD năm 2012 lên tới 1% GDP vào năm 2015, chủ yếu từ các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp.

Năm 2015, Chính phủ Bulgaria đề nghị Hội đồng châu Âu hỗ trợ cho hệ thống đổi mới sáng tạo và khoa học quốc gia mình. Lúc đó, giáo sư Luc Soete, Hiệu trưởng trường Đại học Maastricht ở Hà Lan, nêu là để được như vậy thì đầu tư công cho nghiên cứu của Bulgaria phải tăng lên tới mức 1% GDP, Chính phủ Bulgaria chấp thuận điều đó. Với sự đồng ý của EU, Bulgaria là một trong hai quốc gia nhận được kinh phí tài trợ của chương trình Horizon 2020 thấp nhất châu Âu. Tuy nhiên đây cũng là khoản kinh phí quý báu: họ sẽ nhận được 150 triệu euro (tương đương 186 triệu UDS) để xây dựng cơ sở vật chất cho nghiên cứu và hoạt động đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực; thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và sản xuất.

Xem xét lại đầu tư cho khoa học

Để khoản tiền đầu tư của EU được hiệu quả, Soete đề xuất một cơ chế tài trợ cạnh tranh để có thể rót tiền xuống các nhà khoa học và các viện nghiên cứu hàng đầu và đưa các trường viện còn lại trở thành những trung tâm giáo dục hoặc sáp nhập bởi từ 7 đến 10 trường viện nghiên cứu là quá đủ cho một quốc gia 7 triệu dân. Theo một báo cáo mới khác đệ trình lên EU của ông Soete, ít nhất cần một khoản là 100 triệu euro để tái cấu trúc hệ thống cơ sở vật chất nghèo nàn của Bulgaria.

Nhiều nhà khoa học không muốn đặt quá nhiều niềm tin vào hệ thống cấp kinh phí hiện nay, bởi “nguồn ngân sách ít ỏi được phân bổ xuống Quỹ Khoa học quốc gia còn bị ‘xâu xé’ bởi nạn tham nhũng nội bộ, do đó ảnh hưởng đến các viện nghiên cứu trong nhiều năm”, nhà vật lý chất rắn mềm Victor Atanasov tại trường đại học Sofia, nhận xét.

Báo cáo của Soete đã chỉ ra sự thiếu tin tưởng giữa các nhà hoạch định chính sách và cả công chúng vào sự đóng góp của nghiên cứu có thể đem đến sự phát triển cho kinh tế Bulgaria.

Không dễ nhận tài trợ nếu không đổi mới

Giành được tài trợ của EU không phải là chuyện dễ. “Nếu ai đó muốn tham gia vào một dự án đầu tư của Horizon 2020, họ phải tự viết đề xuất mà không hề nhận được hỗ trợ nào từ viện nghiên cứu của mình”, O’Carroll, một nhà tư vấn giáo dục, nói. ‘Nhưng khoản tài trợ theo dự án này không cho phép các phòng thí nghiệm mua được các thiết bị nghiên cứu đáng kể nào.’ Ông cũng chỉ ra một hạn chế để thực hiện các dự án nghiên cứu là sự già hóa của bộ máy nghiên cứu nhưng lại khó bổ sung các nhà khoa học trẻ do lương thấp. Do vậy, khoa học Bulgaria không hề có bước tiến nào kể từ khi gia nhập EU vào năm 2007. Song Soete vẫn lạc quan: “Nếu Bulgaria có thể giải quyết được tình trạng phân tán tài trợ này, thì họ sẽ có cơ hội trong chương trình khung tài trợ cho khoa học của EU kỳ tới, bởi có một số lĩnh vực, họ có thể đạt tới trình độ thế giới”. Vì vậy nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên được coi là cơ hội để họ đặt trọng tâm vào cải cách.

Tuy nhiên, cuối cùng EU đã giữ lại khoản tiền định tài trợ do Bulgaria thất bại trong việc xác định được các nhà khoa học đủ tiêu chuẩn đề ra để đánh giá các đề xuất. Họ yêu cầu các chuyên gia có từ 3 công bố quốc tế trở lên được ít nhất 5 lượt trích dẫn trong các tạp chí quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực của họ. Trong khi đó, vào tháng 11/2017, Chính phủ Bulgaria cắt giảm 25% ngân sách dành cho khoa học và giáo dục – một hành động tức thời để “tiết kiệm” ngân sách khi dự đoán sẽ có khoản tài trợ của EU bù vào, khiến các nhà khoa học Bulgaria thất vọng, bởi họ muốn có kinh phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới nhằm kết nối với các đồng nghiệp quốc tế.

Những khó khăn còn lại

Hiện nay có tới hơn 30% tiến sỹ Bulgaria đang làm việc ở nước ngoài. Thiếu hụt nguồn nhân lực nhưng các nhà khoa học chọn cách ở lại đất nước đang hi vọng vào những cải thiện tình hình sẽ đến, ví dụ như họ đề xuất xây dựng một trung tâm máy gia tốc hạt synchrotron vùng Balkan tại Bulgaria, một thiết bị có thể góp phần thúc đẩy quan hệ quốc tế trong khoa học.
Kế hoạch này đang rơi vào tình trạng rủi ro, trừ phi Bulgaria thuyết phục được tổng giám đốc chính sách đầu tư vùng của EU giải ngân số tiền bị đóng băng. Trong khi đó, ngân sách cho khoa học và giáo dục đại học chỉ ở mức 415 triệu leva (tương đương 263 triệu USD), cộng thêm 98 triệu leva cho Viện Hàn lâm Khoa học Bulgaria – nhưng 15 triệu trong số đó đã bị thu lại sau khi các nhà khoa học phản đối việc cắt giảm ngân sách vào tháng 11/2017.

Những khó khăn tài chính đe dọa lộ trình đầu tư cơ sở hạ tầng quốc gia của Bulgaria – vốn được thông qua vào tháng 6/2017. Kostadin Kostadinov, cố vấn của Bộ Khoa học và Giáo dục, cho rằng lộ trình này ‘sẽ làm tăng thêm tiềm năng nghiên cứu ở Bulgaria để đáp ứng các yêu cầu của ngành công nghiệp địa phương và phát triển vùng”, và đây là một phần kế hoạch cơ bản để tăng kinh phí đầu tư cho khoa học lên tới 1,5% GDP.

Khó khăn lại thêm phần trầm trọng do nạn tham nhũng. Không chỉ là quốc gia nghèo nhất EU, Bulgaria còn là quốc gia nhiều tham nhũng bậc nhất. Ana Proykova cho biết, tham nhũng ảnh hưởng đến khoa học thông qua mua sắm thiết bị, “ví dụ máy móc không về tới các phòng thí nghiệm, dẫu cho tiền đã được chuyển đi hoặc ít khi nhận được thiết bị tốt với số tiền bỏ ra”.

Anh Vũ tổng hợp từ Chemistryworld, Nature

Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/khoa-hoc-bulgaria-tri-tre-va-thieu-kinh-phi/201812130923325p1c785.htm

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)