Tồn tại các khoảng trống toàn cầu về chế độ ăn lành mạnh bền vững

Các rào cản đối với sự tự lực và tự do thương mại có thể làm giảm đi khả năng tiếp cận các chế độ ăn lành mạnh và bền vững trên khắp thế giới.

Các chế độ ăn lành mạnh cần đảm bảo đầy đủ bảy nhóm lương thực.

Các nhóm nghiên cứu của trường ĐH Göttingen và ĐH Edinburgh đã tìm hiểu về khả năng 186 quốc gia trên toàn cầu có thể chăm lo cho người dân quốc gia họ chỉ bằng sản xuất trong nước không. Nghiên cứu này được xuất bản trên tạp chí Nature Food.

Các nhà nghiên cứu đã đánh giá bảy nhóm lương thực là thành phần của chế độ ăn lành mạnh và bền vững mà tổ chức World Wildlife Fund đề xuất, bao gồm 1) các cây họ đậu, các loại hạt; 2) bột ngũ cốc; 3) sản phẩm từ sữa; 4) cá và các loại hải sản; 5) trái cây; 6) thịt và sản phẩm từ thịt; 7) rau củ. Chỉ có một trong số bảy quốc gia đạt được khả năng tự lực được năm hoặc nhiều nhóm lương thực thiết yếu – phần lớn ở châu Âu hoặc Nam Mĩ. Việc thiếu hụt khả năng tự lực xuất hiện ở các quốc gia vùng Caribbe, Tây Phi và các quốc gia vùng Vịnh. Sáu quốc gia, chủ yếu ở Trung Đông, không sản xuất đủ một nhóm lương thực cho nhu cầu của người dân quốc gia mình.

Đáng chú ý, chỉ có Guyana là đạt được sự tự lực hoàn toàn ở bảy nhóm lương thực trong khi Trung Quốc và Việt Nam gần chạm đến mốc này, khi đạt được sáu nhóm lương thực. Sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia liên quan đến sự tự chủ về thịt và các sản phẩm từ sữa, ví dụ, trong khi hầu hết các quốc gia châu Âu đều sản xuất vượt quá nhu cầu của mình thì các sản phẩm trong nước ở các quốc gia châu Phi lại ở mức rất thấp, như Cộng hòa dân chủ Congo chỉ sản xuất để đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu về thịt của người dân.

Phân tích này đã cho thấy sự thiếu hụt về protein từ các cây trồng nhiều dinh dưỡng trên toàn thế giới: chưa đến một nửa các quốc gia đáp ứng được nhu cầu nội địa về các cây họ đậu, ví dụ như các loại đậu đỗ, đậu Hà Lan, hoặc các loại hạt, trong khi chỉ một phần tư có thể đáp ứng nhu cầu về rau xanh.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh thêm vào việc một số quốc gia sản xuất rất ít và đồng thời phụ thuộc vào hầu như một đối tác thương mại cho hơn một nửa nhu cầu nhập khẩu lương thực của mình, do đó càng làm tăng thêm độ rủi ro của họ. Mẫu hình này càng thêm sâu sắc ở các quốc gia nhỏ hơn, trong đó có các quốc đảo.

Tương tự, nhiều quốc gia Trung Mĩ và vùng Caribbe phụ thuộc vào Mỹ để nhập khẩu các loại bột ngũ cốc – ví dụ như bột lúa mì và bột ngô – và nhiều quốc gia châu Âu và Trung Á phụ thuộc vào một đối tác duy nhất về các sản phẩm đậu đỗ, hạt.

“Thương mại lương thực và hợp tác quốc tế là điều thiết yếu cho các chế độ ăn lành mạnh và bền vững. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ một quốc gia có thể khiến các quốc gia dễ bị tổn thương”, theo tiến sĩ Jonas Stehl, nhà nghiên cứu tại ĐH Göttingen và là tác giả đầu của nghiên cứu. “Xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững là điều cấp bách để đảm bảo sức khỏe công cộng”.

Thanh Hương dịch từ ĐH Göttingen

Nguồn: https://www.uni-goettingen.de/en/3240.html?id=7798

Tác giả

(Visited 24 times, 24 visits today)