Khoa học và công nghệ Nhật Bản : Chuyển đổi mô hình: NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN TRÊN QUY MÔ LỚN

Xu hướng nhập khẩu công nghệ vẫn tiếp tục trong thập niên 50. Người Nhật đã thành công trong việc tích hợp và cải tiến công nghệ nhập khẩu. Và cùng việc tăng cường kiểm tra chất lượng, đến thập niên 60, Nhật Bản đã có những sản phẩm có chất lượng tuyệt vời. Cũng trong thập niên này, một xu hướng mới đã xuất hiện: các công ty tư nhân bắt đầu xây dựng phòng thí nghiệm, gọi là “Phòng thí nghiệm trung tâm” (Cetral Research Laboratories) để phát triển công nghệ riêng của mình. Nhưng cho dù người Nhật có phát triển công nghệ riêng, trong đó cũng có vài công nghệ đột phá, thì nền công nghiệp Nhật Bản vẫn chủ yếu phát triển trên việc cải tiến những công nghệ nhập khẩu sẵn có.

Trong bối cảnh đó, năm 1961, Luật về Hiệp hội Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (Law on Industrial Technology Research Association) được công bố. Mục đích của luật này là cải thiện công nghệ bằng cách thúc đẩy các công ty tư nhân liên kết cùng nghiên cứu. Với điều khoản trao tư cách pháp nhân cho các “nhóm nghiên cứu”, luật này đã đặt những viên gạch đầu tiên cho “Dự án Lớn” (Big Projects) sau này.
Năm 1963, ủy ban Nghiên cứu Cơ cấu công nghiệp (Industrial Struture Research Committee) đã khuyến nghị bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Ngoại thương (MITI) thực thiện các dự án nghiên cứu trên cơ sở hợp tác giữa giới công nghiệp – trường đại học – chính phủ, mục đích là phát triển những công nghệ mang tính sáng tạo. Kết quả nghiên cứu được chia sẻ cho tất cả những bên tham gia. Đáng lưu ý, đằng sau sự hợp tác này chính là hệ thống nghiên cứu ủy nhiệm (commissioned research system), điều đó có nghĩa là mỗi bên tham gia thực hiện một phần của dự án nghiên cứu, không có sự hợp tác tại chỗ.

 
Những chiếc ti-vi do Nhật Bản sản xuất hồi thập niên 60

Với sự nhận thức công nghệ sáng tạo là nhân tố then chốt để thúc đẩy cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế, năm 1965, Hội đồng Cơ cấu công nghiệp (Industrial Structure Council) công bố “Dự án Lớn”. ý tưởng chính của “Dự án Lớn” như sau:
– Đối tượng: phát triển những công nghệ và sản phẩm mới mà khối kinh tế tư nhân không thể thực hiện được do chi phí và rủi ro cao.
– Đặc điểm: đầu tư trong thời gian dài, kể cả về con người hay tiền bạc.
-Lĩnh vực: chọn những lĩnh vực nghiên cứu có tiềm năng áp dụng tác động tới nền kinh tế trên quy mô lớn, hoặc trong một vài lĩnh vực cấp thiết cho phát triển.
-Thành phần những công ty tư nhân tham gia: sự lựa chọn tùy theo khả năng nghiên cứu cũng như sức nặng trên thị trường tiềm tàng của công ty đó.
-Hệ thống: hoàn toàn dùng ngân sách chính phủ để huy động khả năng điều hành nghiên cứu của các công ty tư nhân.
– Tổ chức: dựa trên hệ thống nghiên cứu uỷ nhiệm bao gồm các trường đại học, phòng thí nghiệm quốc gia và công ty tư nhân.
– Quản lý: tạo cơ chế giám sát, quản lý và đánh giá từng bước của dự án, theo đó có thể điều chỉnh hoặc dừng nghiên cứu nếu cần thiết.
Chính phủ Nhật Bản đã thi hành “Hệ thống nghiên cứu và triển khai công nhiệp quy mô lớn”, thường được gọi là “Dự án lớn” với mục đích hỗ trợ những dự án chi lâu dài, tốn kém và mạo hiểm nhưng có tiềm năng tạo công nghệ đột phá và áp dụng rộng rãi mà các công ty tư nhân không thể đảm đương được.
Một mặt lựa chọn nghiên cứu và đầu tư mạnh, một mặt tập hợp thế mạnh của các công ty tư nhân, trường đại học, phòng thí nghiệm trọng điểm, chính phủ có được nền tảng công nghệ cho những ngành công nghiệp triển vọng, và kết quả là tăng được sức cạnh tranh của Nhật Bản. Chính sách “giải ngân” để định hướng sáng tạo công nghệ theo thị truờng của Nhật Bản còn tiếp tục đến cuối thập niên 90.
“Dự án lớn” được thực hiện cụ thể theo cách sau: Hội đồng Kỹ thuật công nghiệp của MITI lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu theo tư vấn của giới công nghiệp, Văn phòng Khoa học và công nghệ công nghiệp (AIST) trực thuộc MITI có trách nhiệm thiết kế và lập kế hoạch dự án cho lộ trình nghiên cứu đã chọn, sau khi tham vấn ủy ban Khoa học và công nghệ Công nghiệp nằm của AIST. Thông thường, một dự án lớn bao trùm cả giai đoạn triển khai “công nghệ nền tảng” (base technology) và giai đoạn “lập hệ thống” (system set-up) để phát huy những công nghệ nền tảng đó. Có nghĩa là một dự án lớn sẽ hoàn thành khi cho ra mắt “tiền-thương phẩm” (pre-commercial product). Theo yêu cầu của giới công nghiệp, nhóm nghiên cứu thành lập với trách nhiệm điều phối các dự án nghiên cứu nhỏ cho các công ty tham gia theo sự ủy nhiệm của AIST, đồng thời thẩm định những thông tin mới nhất trong tiến trình nghiên cứu. Các phòng thí nghiệm quốc gia có nhiệm vụ phát triển công nghệ nền tảng và đánh giá nó, đồng thời tiến hành rút kinh nghiệm từ những nghiên cứu đã được dùng. Cuối cùng, sáng chế và bí quyết công nghệ thu được từ dự án lớn trở thành tài sản của quốc gia. Dẫu sao các công ty tham gia nghiên cứu cũng được quyền ưu tiên sử dụng chúng. Năm 1969, Hiệp hội Công nghệ công nghiệp Nhật Bản (JITA) được thành lập với trách nhiệm chuyển giao, phổ biến những kết quả nghiên cứu đó.
 


Chiếc xe máy Honda super cub 50 nổi tiếng tiếp kiệm xăng – một phần thành quả của “Hệ thống R&D công nghệ tiết kiệm năng lượng” do chính phủ Nhật tài trợ.

Nổi bật trong hệ thống nghiên cứu này là nhóm nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu là nơi tiếp xúc với giới công nghiệp, nơi trao đổi thông tin, ý tưởng và chia sẻ kết quả nghiên cứu – một mạng lưới liên kết cả con người và ý tưởng. Đặc điểm nổi bật của nhóm nghiên cứu là có cấu trúc gọn nhẹ, dễ dàng thành lập để giải quyết những vấn đề trong tiến trình nghiên cứu.
Với các công ty tham gia, nhờ bảo đảm tài chính của chính phủ, họ có thể theo đuổi được những dự án nghiên cứu không cần thương mại hoá ngay kết quả nghiên cứu, đồng thời được dễ dàng tiếp cận và được chia sẻ những thông tin mới nhất. Tất cả những yếu tố đó đã tăng cường khả năng của các công ty tham gia trên lĩnh vực công nghệ mới.
Thiếu năng động được xem là một yếu tố gây cản trở. Khi mục tiêu và kế hoạch đã xác lập, nếu tiến trình nghiên cứu trở nên phức tạp và nhiệm vụ khó hoàn thành thì những mục tiêu ban đầu vẫn được ưu tiên. Một trở ngại khác là khó thương mại hoá kết quả nghiên cứu, biến nó thành sản phẩm cuối cùng.
Trong những năm 60 – 70, việc lựa chọn nghiên cứu còn để đáp ứng một số yêu cầu xã hội, như tìm giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, thiếu nước sạch. Song phần lớn nỗ lực của các dự án là thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa Nhật Bản với Mỹ. Thời kỳ đó, với đường hướng, mô hình và lộ trình đúng đắn, trình độ công nghệ trên một số lĩnh vực thích hợp của các công ty tham gia nghiên cứu đã đuổi kịp trình độ các công ty Mỹ.
Đến thập niên 89, tình hình trở nên phức tạp hơn khi Nhật Bản đã bước vào giai đoạn “đuổi kịp”. Không còn mô hình để học tập, Nhật Bản phải tự lựa chọn con đường phát triển công nghệ của mình với nhiều rủi ro hơn; những yêu cầu công nghệ ngày càng tinh vi và phức tạp.
Kết quả chủ yếu của “Dự án lớn” là gì? MITI đã thành công trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty Nhật Bản nhờ “Chính sách công nghệ”, bao gồm cả những hoạt động nghiên cứu và triển khai trong đó. Một trong những kết quả khác là chính sách công nghệ của MITI tập trung hơn vào công nghệ hơn là phát minh để dễ dàng thương mại hóa sản phẩm. AIST, từ chức năng lập và quản lý dự án lớn, nhờ tiếp xúc trực tiếp với các công ty đã trở thành cơ quan có chức năng hỗ trợ công nghệ cho các công ty.

VIỆT ANH dịch

Kỳ sau: Hướng tới trở thành “Quốc gia dựa trên sáng tạo khoa học và công nghệ”

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)