KHÔNG CHỈ LÀ HỢP TÁC MỘT CHIỀU

Trong cuộc Hội thảo Hợp tác Khoa học Việt - Pháp do Bộ KH&CN và Đại sứ quán Pháp tổ chức tại Hà Nội ngày 7 và 8/3 vừa qua, nếu không được giới thiệu thì chắc ít người chú ý tới một phụ nữ Pháp giản dị, ít nói. Đó là bà Catherine Bréchignac, nhà Vật lý nổi tiếng thế giới, Chủ tịch của tổ chức khoa học đầy "quyền uy": Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp Centre national de la recherche scientifique - CNRS). Giữa cuộc hội thảo, bà Catherine Bréchignac đã có cuộc trò chuyện ngắn với PV Tia Sáng.

Bà có thể cho biết đôi nét về hoạt động của CNRS mà bà hiện là Chủ tịch?
CNRS là trung tâm nghiên cứu quốc gia nhưng thực sự có quy mô quốc tế. CNRS đưa ra các chương trình nghiên cứu táo bạo mà gần như chỉ có Trung tâm này mới dám thực hiện. Tất nhiên cũng giống các trung tâm khoa học quốc gia khác, chúng tôi duy trì các chương trình nghiên cứu dài hạn, quy mô lớn – một nhiệm vụ quốc gia.

 
Bà Catherine Bréchignac trong buổi khai trương “Ngôi nhà KH&CN” tại 35 Điện Biên Phủ, Hà Nội – Ảnh: Thu Hằng

Là cầu nối giữa khối đại học, nghiên cứu, doanh nghiệp nên chúng tôi phải tránh sự nhầm lẫn giữa vai trò nghiên cứu và quản lý. CNRS phải giúp các trường đại học giành được quyền tự chủ song cũng phải can thiệp để phân loại các trường đại học tốt và đại học tồi. Tuy nhiên quan hệ giữa CNRS với khối doanh nghiệp không hẳn là suôn sẻ.

Điểm khác biệt giữa CNRS với các trung tâm nghiên cứu khoa học lớn của các nước phát triển, như Mỹ, Anh, Nhật Bản… là gì?
Không có khác biệt lớn về quản lý, chỉ có khác biệt về quy mô, phương hướng nghiên cứu, môi trường văn hóa… Chúng tôi cố gắng đưa văn hóa “lật ngược” (bottom up) vào CNRS. Nghĩa là khuyến khích các nhà khoa học đưa ra những ý tưởng và lựa chọn trong số đó những ý tưởng tốt nhất.   

CNRS dùng biện pháp gì để thu hút các nhà nghiên cứu trẻ? Sở dĩ tôi hỏi vậy vì thu hút các nhà khoa học trẻ đang là vấn đề khá “thời sự” với khoa học Việt Nam?
Chúng tôi không bao giờ hạ thấp tiêu chuẩn tuyển dụng, bởi CNRS không bao giờ muốn có nhân viên trình độ thấp. Để thu hút các nhà nghiên cứu giỏi từ nước ngoài, ngoài mức lương cơ bản theo quy định, chúng tôi sẽ thêm bằng các hợp đồng bổ sung. Đó không phải là thưởng, cũng không phải thù lao làm thêm, mà là cách trả lương xứng đáng cho những nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc.

Lễ ký Hiệp định hợp tác KH&CN Việt Nam – Pháp – Ảnh: Thu Hằng

Tiêu chuẩn lựa chọn những nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc phải được tất cả thừa nhận: đó là số lượng công bố trên các tạp chí uy tín, số lần tham gia trong các hội nghị quốc tế. Các bạn trẻ rất tán thành phương thức này.

Một vấn đề “thời sự” khác của khoa học Việt Nam là mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà khoa học. Bà cũng vừa nói quan hệ giữa CNRS với khối doanh nghiệp không suôn sẻ. Vì sao vậy?

Vì từ lâu hai khu vực này hoạt động trong môi trường khác biệt và tất nhiên có định hướng khác biệt. Tuy nhiên khối doanh nghiệp này đóng góp hơn một nửa kinh phí nghiên cứu của Pháp, và tôi phải nói rằng khối doanh nghiệp là một đối tác của CNRS. CNRS luôn luôn liên kết với các doanh nghiệp lớn để tiến hành nghiên cứu và nhờ đó, mỗi năm thu lại gần 55 triệu EUR. Ngoài ra CNRS cũng liên hệ mật thiết với hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi nhận nghiên cứu công nghệ cho họ. Trước đây công việc các nhà nghiên cứu ở CNRS dừng lại cho đến khi lắp đặt máy móc thử nghiệm. Đến nay chúng tôi kinh doanh công nghệ cao và trở thành một chủ thể kinh tế.

Hợp tác khoa học Việt – Pháp ngày càng phát triển. Bà có thể cho biết CNRS giữ vai trò thế nào trong sự hợp tác này?

Bên cạnh những đối tác “truyền thống” như Mỹ, Đức và Tây Ban Nha, một trọng tâm hợp tác mà chúng tôi đang hướng tới hợp tác là châu Á. CNRS là một trong năm đối tác của Pháp và Việt Nam thành lập “Ngôi nhà KH&CN” – tôi cho rằng đây là mô hình tốt để hội tụ các nhà khoa học Việt Nam và thế giới để cùng nghiên cứu.
 
Tất nhiên việc hợp tác không chỉ là giúp đỡ một chiều. Cũng như hợp tác với Maroc, Pháp đã có thêm kinh nghiệm về phát triển bền vững (sustainable development). Với Việt Nam, chúng tôi hy vọng có thêm kinh nghiệm và kiến thức về xử lý môi trường, y học cổ truyền, v.v.

Một câu hỏi hơi… mang tính cá nhân: là Chủ tịch một tổ chức khoa học lớn và cũng là nhà vật lý hàng đầu thế giới, bà có thể cho biết trong nghiên cứu hay trong quản lý, phụ nữ có gặp khó khăn hơn các đồng nghiệp nam?
So với một số nước châu Âu như Đức hay Anh, vấn đề bình đẳng giới trong khoa học ở Pháp được giải quyết khá tốt. Tất nhiên ngoài nghiên cứu khoa học, tôi cũng phải chăm sóc gia đình, nuôi dưỡng con cái, v.v, như tất cả các nhà khoa học nữ Việt Nam khác (cười).

PV thực hiện

—————

Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia (Centre national de la recherche scientifique) thành lập năm 1939, là tổ chức khoa học lớn nhất nước Pháp. CNRS có 6 hướng nghiên cứu chính: Toán học, Vật lý, Khoa học không gian; Hóa học; Khoa học sự sống; Nhân học và Khoa học xã hội; Môi trường và phát triển bền vững, Kỹ nghệ.
Hiện CNRS có 26.000 nhân viên chính thức (gồm kỹ sư, nhà nghiên cứu, quản lý) và hơn 4.000 nhân viên tạm thời. Nguồn ngân sách của CNRS do chính phủ Pháp cấp, ngân sách năm 2006 của tổ chức này là gần 2,8 tỷ EUR.
Trong lịch sử, từng có 4 nhà khoa học làm việc cho CNRS đoạt giải Nobel, đó là:
– Alfred Kastler, 1966, Vật lý
– George Charpak, 1992, Vật lý
– Claude Cohen-Tannoudji, 1997, Vật lý
– Jean-Marie Lehn,1987, Hóa học
Ngoài ra có 8 nhà Toán học từng làm việc ở CNRS đoạt Huy chương Fields.

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)