Không phải là… ăn cắp?

Không chờ đến khi thư viện “số hóa”, nhiều sinh viên đã “xoay sở” bằng cách tải sách lậu từ Internet...

Hai năm nay, nguồn sách chính của Minh (đề nghị không nêu tên thật) – sinh viên ngành Công nghệ thông tin của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội – là từ Internet. Cần một cuốn chuyên ngành, việc đầu tiên của Minh là tìm kiếm trên Google. Đây chỉ là thủ tục để tìm hiểu “sơ sơ” về nội dung. “Không thể tìm được sách miễn phí bằng Google. Google Scholar cũng không ăn thua”. Sau đó cậu sẽ tìm bằng các mạng chia sẻ ngang hàng (P2P) như bitTorrent, eMule, eDonkey… Phần lớn sách cơ bản mà cậu cần đều có thể tìm thấy ở đây. Tuy nhiên, ở đó hiếm có những cuốn sách mới xuất bản. Đó là lúc Minh đăng nhập vào mục “Đọc sách” của một diễn đàn trực tuyến, bắt đầu “nhờ vả”: “Vào site http://www.dmxzone.com, mình thấy có cuốn ‘Dynamic Dreawaever MX’ của Bob Regan, Rachel Andrew, Alan Foley, Omar Elbaga, Rob Turnbull… rất hay. Nhưng muốn đọc thêm thì tìm mãi không ra được quyển này! Ai có thì share cho mình với, hay cho mình xin cái link để tìm 1 quyển free, mình xin hậu tạ!”. “Nhờ như vậy, lúc được, lúc không” – Minh nói.
Hầu như không có diễn đàn online nào lại không có những lời đề nghị như của Minh: “Cần tìm cuốn: Data And Computer Communications By William Stalling… Em đang cần cuốn Software Engineering của Sommerville bản 7 hoặc 8 (ebook), bác nào có cho em xin”; “Bác nào có quyển Discrete mathematics with application của Susanna thì up lên cho tớ với. Thanks”; “Tìm cuốn Ordinary Differential Equations của V.I.Arnold”…
Người đề nghị phần nhiều là sinh viên trong nước, còn những người “hảo tâm” giúp đỡ thường ở nước ngoài: họ dùng tài khoản (account) của một thư viện số, tải (download), rồi chuyển cho người nhờ – không cần “hậu tạ”,  thậm chí chẳng cần biết người nhờ là ai.
Thực ra Minh vẫn đến thư viện trường, nhưng chủ yếu trong thời gian học thi. Đấy là nơi rất tốt để học. Còn không, “chả có gì để đọc”.
Nổi bật trong khuôn viên trường Bách Khoa, Thư viện Tạ Quang Bửu có lẽ không những là “thư viện đại học lớn nhất cả nước” mà phải là thư viện lớn nhất nước – nếu chỉ xét vẻ bề thế: Một tòa nhà 11 tầng, tổng diện tích 37.000m2 với vốn đầu tư hơn 200 tỉ đồng. Thư viện được nói là được xây theo mô hình một thư viện điện tử hiện đại. Riêng từ tầng 1-5 là hệ thống các phòng đọc theo mô hình thư viện “mở” (người đọc có thể tự tìm kiếm, tra cứu sách và tài liệu), có khả năng phục vụ cùng lúc khoảng 2.000 người đọc.
“Nếu là thư viện sách, thì đây sẽ là một thư viện tuyệt vời. Còn thư viện số… phải chờ đã!” – Minh nói trong lúc dẫn tôi đi bộ suốt từ tầng 11 xuống dưới. Đến tầng 9, ngay trước lối vào là căn phòng kính rộng mênh mông, đề: Phòng máy chủ (server room). Tôi đến gần, ngó vào, phòng trống không.


Phòng đọc chuyên ngành Thư viện Tạ Quang Bửu

Công bằng mà nói thư viện này khá hiện đại: Trong các phòng đọc tại chỗ, người đọc trực tiếp vào giá sách để lấy ra những quyển sách mà mình ưa thích sau khi đã xuất trình thẻ tại bàn thủ thư và lấy số thẻ. Tầng 5, thư viện còn dành cho các bạn hoặc nhóm bạn sinh viên có nhu cầu học nhóm, làm bài tập lớn, làm đồ án, thảo luận chuyên đề… với không gian thoải mái biệt lập và tương lai sẽ trang bị các phương tiện hỗ trợ việc học nhóm và thảo luận như projector, máy tính nối mạng. Tại phòng multimedia ở tầng 2, người đọc có thể truy cập internet miễn phí, cũng có thể dùng USB để lưu trữ tài liệu.
Bên ngoài tòa nhà thư viện Tạ Quang Bửu, thầy Bùi Quốc Anh, bộ môn Kỹ thuật máy tính khoa Công nghệ thông tin cho biết: Thư viện trường Bách khoa có kết nối với thư viện của một số trường đại học nước ngoài, “song tài liệu của họ cũng cũ ‘chán chê’!”. Nhìn về phía thư viện, ông nói thêm: “Thư viện số thực chất là gì? Là server, là kết nối, là account, là nội dung – đâu phải tòa nhà!”
Tại phòng đọc tạp chí Thư viện Khoa học và Kỹ thuật Trung ương, có ba máy tính cho người đọc tra cứu. Tôi vào một máy, thử vào mục “tạp chí tiếng Việt” trong phần “Tra cứu” của website thư viện (www.clst.ac.vn/tracuu), gõ từ “Tia Sáng”. Có 84 kết quả, trong đó 82 kết quả liên quan tới những bài báo trên Tia Sáng. Chúng sắp xếp khá lộn xộn, phần lớn chỉ là đề mục những bài báo cách đây đã vài năm.
So với Thư viện KH&KT, “giàn” máy tính ở Thư viện Quốc gia nằm ngay ở sảnh ấn tượng hơn nhiều. Song chúng cũng chỉ để thay thế các tủ “phích” đồ sộ trước kia, nghĩa là giúp tra cứu đề mục nhanh chóng hơn.
“Số hóa” thư viện – một công việc chắc chắn sẽ tốn nhiều công sức và tiền bạc, nhưng lợi ích cho cộng đồng tri thức cũng chắc chắn lớn hơn. Song không phải ở đâu cũng sẵn sàng làm việc này. Nhớ lần đến thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tôi được một cán bộ ở đây kể: Một cơ quan văn hóa của Nhật đề nghị tài trợ hàng trăm nghìn USD để scan tất cả văn bản lưu trữ trong thư viện, họ chỉ xin lưu giữ một bản trên đĩa laser. “Nhưng đời nào ta đồng ý. Khi đã có hết tư liệu thì họ sẽ không đến Việt Nam để nghiên cứu nữa”.

Và trong khi chờ một thư viện điện tử đúng nghĩa được thành lập (“khi ấy thì đã hết đời sinh viên”), thì Minh – cũng như bao người trẻ khác –  vẫn ngày ngày lang thang trên mạng, chọn từ giữa vô vàn các file phim nhạc lậu trong các site chia sẻ ngang hàng để tải về những cuốn sách yêu thích. “World Wide Web là Wild Wild West (Mạng toàn cầu là Miền tây hoang dã)” – Minh bình luận. Thừa biết mình đang “vi phạm bản quyền”, nhưng Minh vẫn đắc chí nhắc lại câu nói nổi tiếng của Maxim Gorky: “Ăn cắp sách không phải là ăn cắp!”.
———–

Các website về phát triển thư viện số trên thế giới
*http://www.diglib.org:  Digital Library Federation: Trang web của Hiệp hội thư viện số.
*http://www.loc.gov/library/libarch: Bộ sưu tập số của thư viện Quốc hội Mỹ
 http://www.csdl.tamu.edu: Center  for the Study of Digital Libraries – Site của Trung tâm nghiên cứu thư viện số được thành lập năm 1995 tại Trường Đại học Tổng hợp Texas A&M.
*http://elib.cs.berkeley.edu: Thông tin về thư viện số Berkeley,các dịch vụ, các sưu tập, các công nghệ và một loạt các hội thảo về thư viện số.
*http://diglib.stanford.edu: Stanford Digital Library Technologies Project- Dự án thư viện số Stanford  bao gồm các tài liệu và thông tin về thiết kế và ứng dụng cơ sở hạ tầng, dịch vụ để phối hợp sáng tạo, phân phối, chia sẻ và quản trị thông tin số.
*http://www.nla.gov.au/padi: Preserving Access to Digital Information (PADI) – Site của thư viện Quốc gia Úc- the National Library of Australia và Tổ chức bảo quản truy cập thông tin số PADI. Site cung cấp truy cập tới các tài nguyên về bảo quản tài liệu số…           

    Folis.info

Việt Anh

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)