KHXH trước thách thức hội nhập và phát triển
Song hành với khoa học tự nhiên và công nghệ (gọi tắt là KHCN), KHXH Việt Nam đã ra đời và tồn tại hơn 100 năm qua tính từ khi Đại học Đông Dương được thành lập (1906). Tuy nhiên, đối lập với sự phát triển mạnh mẽ của KHCN trong những năm qua, KHXH lại đang có xu hướng thụt lùi.1
Điều đó không khỏi khiến cho các nhà khoa học đang hoạt động trong lĩnh vực KHXH lo lắng. Vậy thực trạng của KHXH ở Việt Nam như thế nào? Nguyên nhân do đâu? Hệ lụy ra sao? Đâu là giải pháp?… là những câu hỏi cần được đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
KHXH trong tương quan với KHCN
Chúng ta đang sống trong một thế giới đổi thay từng giờ từng phút, những biến đổi đó đang diễn ra ngày càng nhanh và ngày càng rộng khắp từ Đông sang Tây, từ thành thị đến nông thôn, từ môi trường tự nhiên đến môi trường xã hội,… Bên cạnh những biến đổi tích cực từ sự phát triển thần kỳ của KHCN mà cả nhân loại đang hưởng thụ, thì những biến đổi về xã hội dường như lại có xu hướng trái chiều với nhiều tác động tiêu cực. Từ sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo đến sự huỷ hoại môi trường sống, từ những bất ổn xã hội đến xung đột tôn giáo đang có xu hướng ngày càng tăng,… Xa hơn, cuộc chiến tranh giành nguồn nước, tranh giành năng lượng do dân số tăng cao và tài nguyên cạn kiệt đang đẩy các nền văn minh đương đại vào cuộc chiến một mất một còn. Dường như KHCN chỉ giúp loài người trong giai đoạn hiện tại tăng mức độ hưởng thụ chứ không khiến cho họ hạnh phúc hơn. KHCN phát triển càng nhanh thì hệ luỵ xã hội càng lớn, nếu không có một chính sách phát triển hài hoà, đồng bộ giữa KHCN với KHXH thì những hệ luỵ từ mặt trái của quá trình phát triển có nguy cơ huỷ hoại toàn bộ thành quả mà nhân loại đã tạo ra trong hàng nghìn năm qua.
Ở Việt Nam, nền khoa học hàn lâm theo mô hình phương Tây mới chỉ được định hình cách đây hơn 100 năm nhưng những thành tựu KHCN của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với nhiều công trình khoa học và nhà khoa học “tầm cỡ” thế giới như Nguyễn Cảnh Toàn, Hoàng Tuỵ, Ngô Bảo Châu (Toán học); Võ Quý (sinh học); Trịnh Xuân Thuận (thiên văn); Trần Thanh Vân (vật lý),… Trong khi KHXH (ngành khoa học đóng vai trò “tối quan trọng” đối với đời sống tinh thần của một quốc gia) ở Việt Nam dường như vẫn dậm chân tại chỗ trong một thế kỷ qua. Thậm chí còn có bước lùi nếu so sánh với những thành tựu mà những người khai nền như Hồ Hữu Tường, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng (chính trị), Nguyễn Văn Vĩnh (ngôn ngữ và báo chí), Nguyễn Văn Huyên (dân tộc học), Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Khoan, Tạ Quang Bửu (văn-sử),… đã đạt được từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Có lẽ vì vậy mà có tờ báo đã nhận định nền KHXH Việt Nam đã tụt hậu so với châu Âu hàng trăm năm ánh sáng(!).
Vậy vai trò của KHXH nằm ở đâu trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay ở Việt Nam? Câu trả lời đơn giản, KHXH là ngành khoa học giúp giải quyết các vấn đề mang tính xã hội từ văn hoá giao thông đến quy hoạch đô thị, từ phát triển nông thôn đến xoá đói giảm nghèo… bên cạnh chức năng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội. Rõ ràng, KHXH đóng vai trò vô cùng quan trọng và có ảnh hưởng đến mọi mặt của quá trình phát triển ở Việt Nam hiện nay. Vậy tại sao vị trí của nó lại “thấp” như vậy so với KHCN? (nếu xét về mức độ đầu tư ngân sách – chẳng hạn mức lương của KHXH). Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có hai điểm căn bản đã “trói chân” KHXH trong suốt thời gian qua đó là: Hệ thống lý thuyết và cơ chế thực hiện.
Hai nguyên nhân chính của sự tụt hậu
Sự tụt hậu do không cập nhật hệ thống lý thuyết
Sau Karl Marx, nhà tư tưởng xuất sắc nhất thế kỷ XIX (1818-1883),2 thế kỷ XX đã cho ra đời nhiều nhà khoa học xã hội lỗi lạc như Max Weber, Emile Durkheim, Claude Levi-Strauss, John Dewey, Charles S. Peirce, William James,… Các tư tưởng và học thuyết của họ đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiến tạo nên nền KHXH đương đại của thế giới và giúp tái thiết nền kinh tế và xã hội phương Tây vốn kiệt quệ sau hai cuộc chiến tranh thế giới. Trên thực tế, những thành tựu về giáo dục mà nước Mỹ và châu Âu đã tạo ra cho nhân loại có sự đóng góp rất lớn từ nền tảng tư tưởng và triết lý về giáo dục của các nhà KHXH từ hàng trăm năm trước (điều mà Bộ GD-ĐT VN đến nay vẫn đang đi tìm!); Những thành công về kinh tế xã hội của phương Tây hiện nay có phần đóng góp không nhỏ từ các học thuyết của Ludwig von Mises (kinh tế học), Max Weber, Emile Durkheim (xã hội học), Levi-Strauss (nhân học),… Nhưng tên tuổi của họ chỉ được một số ít nhà khoa học ở Việt Nam biết đến, còn tuyệt đại đa số học sinh, sinh viên trong các nhà trường ở bậc đại học trở xuống đều không biết đến vì hầu hết không được học ở các môn chính trong chương trình của Bộ GD-ĐT. Nói một cách ví von, ngành KHXH của Việt Nam đang chạy trên một đường ray giống hệt như con đường sắt Bắc-Nam mà chúng ta đang sử dụng hiện nay: Đó là khổ đường sắt 1m của thế kỷ XIX, trong khi hầu hết các nước trên thế giới đã chuyển sang loại đường ray 1,435m từ giữa thế kỷ XX.
Sự tụt hậu do cơ chế
Ở Việt Nam, nhiều nhà KHCN đã thành danh ở tầm quốc gia và quốc tế do hệ thống phòng thí nghiệm KHCN bắt buộc phải theo chuẩn quốc tế. Trong khi hầu hết các nhà KHXH vẫn đang “loay hoay” với các công trình nghiên cứu được phân bổ theo một cách thức “cổ điển” từ cấp nhà nước, cấp bộ đến cấp cơ sở và chia nhỏ kinh phí cho nhiều người cùng làm cùng hưởng. Cách quản lý khoa học theo hình thức “phân phối” này đã được định hình theo mô hình kế hoạch tập trung có từ Liên bang Xô Viết mà nước Nga và các nước Đông Âu đã xoá bỏ từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Chính vì cách “phân phối” này nên hầu hết các công trình dạng trên rất ít được ứng dụng vào thực tiễn xã hội Việt Nam vì những lý do như: Công trình không phù hợp với thực tiễn (nhưng vẫn được thông qua!); công trình có ý nghĩa khoa học nhưng thiếu điều kiện thực hiện; công trình nhạy cảm không được thực hiện;… Do hệ thống các công trình nghiên cứu về KHXH của Việt Nam vừa cũ kỹ lại thiếu và yếu nên việc xây dựng các chương trình giảng dạy cũng cùn mòn và nhàm chán trong khi hệ thống tri thức về KHXH là loại tri thức không thể “nhập khẩu công nghệ” như KHCN. Chính vì vậy mà KHXH Việt Nam vẫn “loay hoay” cải tiến rồi lại cải cách trong gần ba thập niên qua nhưng vẫn không tìm ra được một điều hết sức căn bản như triết lý giáo dục.3 Tình trạng này đã nghiêm trọng đến mức các nhà KHXH đầu ngành ở Việt Nam đã phải “báo động đỏ về đào tạo khoa học xã hội và nhân văn.”4
Bên cạnh các vấn đề nói trên, hệ thống bậc lương “cổ điển” luôn phải gồng mình chạy theo giá khiến cho lương của các nhà KHXH ở Việt Nam là một trong những loại thu nhập thấp nhất trong xã hội hiện nay. Đây chính là những rào cản lớn khiến cho KHXH Việt Nam khó có thể phát triển. Hệ thống lương này phi lý tới mức GS. Hoàng Tuỵ đã phải dẫn lại lời một nhà khoa học lớn mà ông không nêu tên rằng: “khi được hỏi về điều gì cần thay đổi cấp bách nhất để chấn hưng giáo dục, đặc biệt là đại học, đã không chút ngần ngại nói ngay đó là chế độ lương kỳ quặc không thấy đâu trong thế giới văn minh nhưng đã tồn tại dai dẳng ở Việt Nam từ hàng chục năm nay. Một chế độ lương biểu thị không gì khác hơn là sự khinh miệt đối với lao động giáo dục và khoa học.”5 Cụ thể, mức lương của người viết bài này ở mức “tập sự” năm 2001 là 310.000đ/tháng, khoảng ¾ chỉ vàng, so với những người tập sự hiện nay với mức 1.050.000đ không bằng ¼ chỉ vàng (đó là chưa so với giá rau muống: từ 300đ/mớ năm 2001 lên đến 7.000đ/mớ năm 2012). Như vậy thu nhập của cán bộ khoa học tập sự tại Viện KHXH Việt Nam cũng như nhiều nơi khác đã thấp lại còn bị giảm đi hơn 2/3 giá trị so với cách đây 11 năm.
Hệ luỵ xã hội
Có thể nói, hội nhập và phát triển không thể chỉ gói gọn trong các vấn đề có liên quan đến kinh tế và tăng trưởng GDP hay gia nhập WTO (lưu ý là Cuba gia nhập WTO từ năm 1995 nhưng Cuba không/chưa phải là đất nước phát triển, thậm chí gần đây còn phải đi xin và đi vay của Việt Nam!). Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước không chỉ là xây thêm nhiều nhà cửa, cầu cống, đường sá,… mà cần phải đặc biệt chú ý đến khía cạnh xã hội của chúng. Nhiều toà nhà được xây dựng hoàn thiện nhưng do không tính đến khía cạnh xã hội đã không có người ở trở thành những “khu đô thị ma,” thậm chí là cả những “thành phố ma.”6 Nhiều tệ nạn xã hội không thể giải quyết bằng luật pháp như mại dâm, ma tuý,… Nhiều vấn nạn nảy sinh từ hệ lụy của chính sách công lạc hậu như làm thẻ thương binh giả, làm hài cốt liệt sĩ giả, làm bằng giả, vẽ tranh giả thậm chí trong báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê, cả nước có tới 92.710 doanh nghiệp giả được gọi là doanh nghiệp “ma”.7 Có nghĩa là cứ gần 1.000 người dân thì có một doanh nghiệp ma!
Rõ ràng hệ luỵ của quá trình phát triển quá nóng mà không quan tâm đến khía cạnh xã hội đã “đẻ” ra trong xã hội Việt Nam nhiều loại “thây ma” chưa từng có trong lịch sử. Bóng ma khổng lồ của Vinashin vẫn hàng ngày hàng giờ ám ảnh mọi người dân Việt Nam với hàng tỷ đô-la tiền nợ và hàng loạt những con tàu ma nghìn tỷ vất vưởng, vật vờ nơi cửa biển chờ bán sắt vụn, ấy vậy mà dường như không một ai phải chịu trách nhiệm!8 Theo công bố mới nhất của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp nhà nước hiện đang nợ hơn 1.000.000 tỷ đồng,9 tương đương 50 tỷ USD, gần bằng số nợ công của chính phủ tính đến cuối năm 2011. Có thể nói, khía cạnh xã hội chính là “linh hồn” của quá trình phát triển, nếu bị bỏ quên thì những hiện tượng xã hội – gian dối, cắp-cướp-hiếp sẽ còn phát triển ngày càng mạnh. Và những “thây ma” hào nhoáng của bất động sản đang nằm la liệt và “bất động” hơn hai năm qua chính là hệ luỵ của sự thiếu quan tâm đến khía cạnh xã hội này.
Đã đến lúc các nhà khoa học và các nhà quản lý cần phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các tình trạng mang tính xã hội như suy đồi đạo đức, lối sống hủ bại và tình trạng văn hoá bị huỷ hoại trong xã hội đương đại. Để làm việc này, không ai khác, chính các nhà KHXH phải đi tiên phong trong việc góp phần định hướng xã hội bằng một hệ thống lý thuyết cập nhật và các nhà quản lý phải thay đổi cơ chế để KHXH Việt Nam đi trên một đường “ray” chung với nền khoa học của thế giới. Từ đó, điều chỉnh các hành vi xã hội của con người, hướng dần đến những giá trị đích thực của cuộc sống mà trong đó đời sống tinh thần với vai trò đặc biệt quan trọng của KHXH cần phải được đặt lên hàng đầu.
Thách thức hội nhập và phát triển
Năm 2000, quốc gia cuối cùng trên thế giới đã “mở cửa” đón nhận internet để “hoà mạng toàn cầu” đó là Bhutan. Điều đó cho thấy, không một quốc gia nào có thể hoàn toàn đóng cửa với nền văn minh công nghệ đã “phủ sóng” ở mức độ toàn cầu. Và khi đã tham gia vào cái “làng toàn cầu” đó thì mọi quốc gia đều phải tuân thủ luật chơi hay “lệ làng quốc tế” trong quá trình hội nhập và phát triển. Sau khi “mở cửa” với thế giới bên ngoài từ 1986, Việt Nam đã liên tục phát triển thành một “hiện tượng” của châu Á trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng thật khó tin khi nền khoa học của Việt Nam vẫn ì ạch “đuổi theo” Singapore, Thái Lan rồi Malaysia với khoảng cách ngày càng xa. Ngay cả Philipines và Indonesia hiện nay cũng đang dần “vượt mặt” Việt Nam trên bản đồ khoa học của khu vực Đông Nam Á.10 Với một quốc gia đã được “lên chuẩn trung bình” về thu nhập trên thế giới, lại có mức chi tiêu đặc biệt cao cho giáo dục và y tế (hơn 50% tổng thu nhập)11 thì sự “xuống hạng” liên tục trong thời gian qua chứng tỏ nền khoa học giáo dục của Việt Nam đang có vấn đề nghiêm trọng.
Vậy ai sẽ tìm ra mấu chốt của các vấn đề nghiêm trọng nói trên? Chắc chắn chúng ta (những người làm KHXH) không thể đá bóng sang chân các nhà KHCN. Dường như những tiếng nói mạnh mẽ dành cho khoa học xã hội và giáo dục Việt Nam lại chủ yếu cất lên từ những nhà KHCN như Hoàng Tuỵ (toán học), Nguyễn Văn Tuấn (y học), Nguyễn Đăng Hưng, Giáp Văn Dương (vật lý học)… Đây rõ ràng là những vấn đề xã hội nên các nhà KHXH phải chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc mổ xẻ thực trạng xã hội bằng chính những tri thức về KHXH của mình. Thực tế cho thấy các nhà KHXH ở Việt Nam chưa thực sự đóng góp những “tinh hoa” trong chuyên ngành của mình để giải quyết các vấn đề này. Và để thực hiện “ca mổ” này thì chúng ta bắt buộc phải có công cụ – đó chính là một hệ thống lý thuyết cập nhật và tiên tiến mà các nước phát triển đã sử dụng thành công. Một ví dụ tiêu biểu là nước Mỹ đã sử dụng thành công các lý thuyết của John Deway, Wiliam James,… về khoa học giáo dục để biến quốc gia này thành đầu tàu về khoa học và giáo dục của thế giới.12
Nguồn lực ở đâu?
Để có thể hội nhập và phát triển cùng nền khoa học của thế giới, chúng ta cần phải cập nhật các tri thức tinh hoa của khoa học thế giới. Nhưng tri thức KHXH lại không thể nhập khẩu “nguyên đai nguyên kiện” từ nước ngoài vì không một hệ thống lý thuyết KHXH nào có thể đáp ứng 100% các yêu cầu đặt ra tại quốc gia “nhập khẩu.” Do đó, chúng ta cần có một nguồn nhân lực cần và đủ cho quá trình “chuyển giao công nghệ KHXH.” Thực tế cho thấy, các nhà KHCN có thể làm việc ở bất cứ nơi nào trên thế giới miễn là nơi đó có đủ phòng thí nghiệm và đủ cơ sở vật chất để nghiên cứu cũng như làm thí nghiệm. Nhưng các nhà KHXH không thể nghiên cứu xã hội mà không sống hoặc làm việc với chính môi trường xã hội mà họ dự định nghiên cứu. Vì vậy, nguồn lực dành cho nghiên cứu KHXH Việt Nam không thể trông chờ ở bất cứ một “ngoại viện” nào mà chỉ có thể được sử dụng trong chính các cơ quan nghiên cứu hay các trường đại học trong nước. Tuy nhiên, việc chúng ta sử dụng các kết quả nghiên cứu của các học giả từ các nước phát triển gặp phải một rào cản lớn đó là ngôn ngữ. Với các quốc gia có một ngôn ngữ chiếm tuyệt đại đa số như Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam thì giải pháp sử dụng tiếng Anh hay tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức rất khó, nếu không nói là bất khả thi. Giải pháp dịch hầu như toàn bộ các tác phẩm kinh điển của thế giới ra tiếng Hàn và tiếng Nhật đã đuợc chính phủ hai quốc gia này thực hiện trong mấy chục năm qua. Kết quả là nền khoa học của hai quốc gia này đã giành vị trí đứng đầu châu Á chỉ sau hơn 30 năm phát triển đúng hướng. Ở Việt Nam, sau gần 30 năm mở cửa nhưng những đầu sách kinh điển vẫn chỉ được dịch “nhỏ giọt” chủ yếu nhờ vào tâm huyết của các dịch giả và các nhà khoa học. Thậm chí, thù lao bài dịch chỉ được trả bằng 70% so với một bài viết tương đương. Điều đó cho thấy, chúng ta đã “bỏ quên” một phần việc đặc biệt quan trọng đáng ra phải được làm từ năm 1986, nếu không nói là phải làm sớm hơn nữa.
Trong khi chờ đợi một giải pháp vĩ mô từ phía chính phủ (như cách mà các chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản đã làm), thiết nghĩ, các nhà KHXH cũng nên tự định hướng cho mình bằng việc tìm cách đọc hoặc dịch các tài liệu quan trọng từ tiếng nước ngoài để phục vụ cho chính nhu cầu của bản thân. Cách làm này đã được Tạ Quang Bửu, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Đổng Chi, Từ Chi, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Đoàn Văn Chúc… thực hiện một cách thành công cho dù các nhà KHXH danh tiếng đó hầu như không có cơ hội được du học “bài bản” tại nước ngoài. Điều đó cho thấy, việc đọc tài liệu nước ngoài và áp dụng ngay trong thực tiễn của Việt Nam tại chính nơi làm việc của mình cũng không hề kém hiệu quả so với việc du học nhiều năm ở nước ngoài. Thậm chí, nếu rời xa môi trường xã hội của mình quá lâu, nhà KHXH có thể không hoà nhập trở lại được với “cộng đồng” khoa học của mình. Điều này đã xảy ra với nhiều du học sinh KHXH khi về nước: Do tiền thù lao phiên dịch cao gấp hàng chục lần thù lao làm khoa học nên nhiều người “say dự án” đến mức hầu như quên toàn bộ kiến thức chuyên môn đã được học. Sau 5-10 năm chỉ chuyên làm phiên dịch, họ đã tặc lưỡi bỏ nghề nghiên cứu. Đó là một sự “chảy máu chất xám” tại chỗ cần được các cơ quan chủ quản quan tâm và tìm giải pháp tháo gỡ. Có lẽ biện pháp đầu tiên là giúp họ có được mức lương tạm đủ sống để giữ “tình yêu khoa học” từng có trong quá khứ.
***
Từ thực trạng của KHXH Việt Nam trước thách thức hội nhập và phát triển, tôi cho rằng, để khoa học Việt Nam nói chung và KHXH nói riêng “thoát” khỏi tình trạng tụt hạng hay lạc hậu thì cần phải có hai giải pháp căn bản. Giải pháp vĩ mô là từ cơ quan quản lý nhà nước bằng việc thay đổi cơ chế đang sử dụng hiện nay. Giải pháp vi mô đến từ chính các nhà khoa học, mà cụ thể ở đây là các nhà KHXH. Xã hội đang cần các nhà KHXH mổ xẻ căn bệnh của nó để chữa trị trước khi quá muộn. Đã đến lúc các nhà KHXH không thể “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” (thơ Xuân Diệu) mà phải nhìn thẳng vào thực tại xã hội và tiếp cận nó bằng một hệ thống lý thuyết cập nhật trong tinh hoa của nền tri thức nhân loại.
—
1 Xem bài Báo động đỏ ngành khoa học xã hội trong http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/16930/bao-dong-do-nganh-khoa-hoc-xa-hoi-.html
2 Năm 1999, ĐH Cambridge (Anh) công bố bình chọn nhà tư tưởng số một thiên niên kỷ, kết quả là Marx đứng đầu, còn Einstein đứng thứ hai. Theo http://vi.wikipedia.org/wiki/Karl_Marx
3 Xem thêm bài: Lại chuyên triết lý giáo dục, trong: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/222471/Lai-chuyen-triet-ly-giao-duc.html
4 Xem bài Báo động đỏ về đào tạo khoa học xã hội và nhân văn trong: http://vanhoanghean.vn/van-hoa-va-doi-song/van-hoa-hoc-duong/787-bao-dong-do-ve-dao-tao-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van.html
5 Xem: Hoàng Tuỵ, Đề cương cải cách giáo dục (phần in đậm là do chúng tôi nhấn mạnh), trong http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=5739
6 Xem bài: Thành phố ma lớn nhất Trung Quốc, trong: http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/quoc-te/2012/03/thanh-pho-ma-lon-nhat-trung-quoc/
7 Theo Sài Gòn tiếp thị: http://sgtt.vn/Kinh-te/165548/Ca-nuoc-co-gan-93000-DN-%E2%80%9Cma%E2%80%9D.html
8 Hai con tàu “ma” trên vùng biển Quảng Ninh, http://dantri.com.vn/kinh-doanh/2-con-tau-ma-tren-vung-bien-quang-ninh-658001.htm
9 Theo báo Tia sáng, http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&CategoryID=7&News=5346
10 Xem thêm bài: Xếp hạng nghiên cứu giáo dục: Việt Nam tiếp tục tụt hạng, trong: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Xep-hang-nghien-cuu-giao-duc-Viet-Nam-tiep-tuc-tut-hang/242106.gd
11 Xem: Giáo dục và y tế chiếm hơn 50% tổng chi tiêu hộ gia đình, trong http://www.baomoi.com/Giao-duc-va-y-te-chiem-hon-50-tong-chi-tieu-ho-gia-dinh/59/7326547.epi
12 Xem thêm cuốn sách: Dân chủ và giáo dục-Một dẫn nhập vào triết lý giáo dục của John Deway do Phạm Anh Tuấn dịch, NXB Tri thức ấn hành năm 2008, tái bản 2010.