Kiểm soát chi cho Khoa học-Công nghệ

Nhà nước không nên và cũng không bao giờ nên làm cái việc kiểm soát cán bộ khoa học (thật sự) chi tiêu cho hoạt động khoa học theo kiểu coi họ là đối tượng kiếm tiền. Cả thế giới này không ai làm như vậy, dù biết rằng đối tượng kiếm tiền bất chính trong khoa học không phải là hiếm.

Vì hiện nay nguồn chi cho KHCN chủ yếu đã, đang và sẽ là từ ngân sách, cho nên việc tuân thủ luật ngân sách là bắt buộc, không phải chỉ riêng của nước ta mà nước nào cũng phải có luật như thế, thậm chí còn chặt chẽ hơn. Năm 1987 tôi được mời trình bày Seminar khoa học, 45 phút, ở Đại học New York (CUNY-City University New York). Nhà trường cho tôi biêt họ trả cho tôi 200$ thù lao tiền chính thức lấy từ quỹ ngân sách (budget) của trường nhận từ nhà nước. Một tháng sau, khi về đến Hà Nội tôi mới nhận đựợc check của kho bạc Mỹ ở Albany (thủ phủ bang New York) gửi về Hà Nội cho tôi. Việc này sau này hỏi lại tôi mới biết rằng khi trả tiền chính thức từ ngân sách (budget) của trường nhận từ nhà nước họ chỉ làm giấy tờ, còn mọi thanh toán đều do kho bạc làm, không trả tiền mặt trực tiếp (tôi còn lưu giữ lại tài liệu này). Tôi cũng đã nhiều lần làm việc lâu ở Mỹ tại Đại học Minessota, Phòng thí nghiệm quốc gia Argone (Chicago)… và lúc này thì lại được trả tiền mặt trực tiếp rất đơn giản, không có gì hơn ngoài một chữ ký. Tiền này cũng là tiền công quỹ cấp, nhưng không phải là trực tiếp từ quỹ ngân sách (budget) , mà là từ các chương trình, quỹ nghiên cứu khoa học cấp theo công việc, trực tiếp cho nhà khoa học chủ trì. Chương trình của nhà khoa học này mời tôi cộng tác, họ toàn quyền trong khuôn khổ pháp luật về chi tiêu này, không phải thông qua một tổ chức nào cả. Việc chi tiêu rất đơn giản và do nhà khoa học được cấp tiền tự quyết định. Ở một quốc gia có mức độ quản lý rất chặt chẽ và khoa học như nước Đức, nơi tôi đã từng sống và làm việc hàng chục năm, tôi cũng chứng kiến việc quản lý chi khoa học cũng có hai kiểu tương tự như vậy, có điều là chi tiết hơn Mỹ. Ví dụ họ quy định khi dự trù kinh phí khoa học thì chi khách sạn lưu trú ở nước ngoài phải theo bảng phân loại, ví dụ Việt Nam thuộc bảng đắt đỏ loại 1, như ở Nhật, nếu tôi nhớ không nhầm là khoảng 150Eur/đêm vào năm 2002 khi tôi làm một dự án xin quỹ DFG (quỹ nhà nước) tài trợ. Còn cách chi tiêu nếu đã nằm trong chuẩn như vậy thì hoàn toàn do nhà khoa học tự quyết định, chữ ký của họ là đủ , kể cả check, không cần cơ quan nào cả.

 Xu hướng quản lý là phải do nhà khoa học chịu trách nhiệm, cơ quan chủ quản được giao trách nhiệm phục vụ nhà khoa học làm việc, không phải để “hành” nhà khoa học dưới danh nghĩa giám sát.

Nói chung  việc chi cho KHCN ở ta (và cả trên thế giới cũng vậy) có thể phân loại như sau:
1) Chi cho tổ chức KHCN (Bộ, ngành, Viện Nghiên cứu, Đại học, Địa phương, phòng thí nghiệm trọng điểm…)
2) Chi cho việc thực hiện nhiệm vụ KHCN (ví dụ: Chương trình KHCN trọng điểm…)
3) Chi cho việc hỗ trợ KHCN (ví dụ: Chương trình hỗ trợ KH cơ bản, Dự án hỗ trợ sản xuất thử nghiệm…)
Trong 3 mục chi đó, mục 2) và 3) là chi cho nhà khoa học trực tiếp làm ra của cải vật chất và trí tuệ. Loại hình chi này (gọi tắt là loại B) đòi hỏi phải có cá nhân chịu trách nhiệm và có kết quả sản phẩm (vô hình và hữu hình) hoàn trả. Nói chung là khó hoàn thành, khó thanh quyết toán đẹp nhưng nhà quản lý lại dễ kiểm soát. Mục chi số 1) là loại hình chi chung (gọi tắt là loại A), rất lớn và cần thiết nhưng lại không gắn trách nhiệm cá nhân và không có sản phẩm hoàn trả bắt buộc. Nói chung là rất dễ hoàn thành, dễ thanh quyết toán đẹp và nhà quản lý không thể kiểm soát được.
Giá như thống kê được trong số 2% ngân sách (~260 triệu$) hàng năm dành cho KHCN tỷ lệ này cho 2 loại  như thế nào thì sẽ ước lượng được phần nào hiệu quả vĩ mô chi cho KHCN. Nhưng vì không có, nên với góc độ người làm khoa học trực tiếp, tôi chỉ nêu vài ví dụ để minh họa.
Đầu tiên là ví dụ loại hình B. GS.TSKH Vũ đình Cự, Chủ nhiệm chương trình trọng điểm KC01 cho biết (nguồn: Tia sáng số 9/ 5/2006): Trong 5 năm chương trình được chi 50 tỷ cho 30 đề tài và dự án (vay) khoa học, chọn lựa theo đấu thầu công khai, số cán bộ khoa học chủ chốt tham gia là 300, không tính số có tham gia nhưng không được đăng ký. Tính ra chi trung bình cho mỗi cán bộ khoa học chủ chốt là 33,3 triệu/năm bao gồm cả nhà xưởng, nguyên liệu, thiết bị, công lao động, quản lý phí và “tiêu cực phí”. Số tiền bồi dưỡng thực sự đến tay người làm khoa học, giỏi biến tấu lắm cũng không quá 20%, tức 6,6 triệu/năm hay 550.000VND/tháng. Đây đã là con số rất lý tưởng rồi! Tôi đã trực tiếp kiểm tra một đề tài mà tôi từng là chủ tịch Hội đồng tuyển chọn (Đề tài KC02.12) thì thấy được chi 2,4 tỷ với số người tham gia là 83, tham gia từ năm 2001, đến 2006 vẫn chưa được nghiệm thu. Tính ra cũng với tỷ lệ như trên mỗi cán bộ khoa học nếu được thù lao tối đa không quá 100.000VND/tháng. Bây giờ lại ngồi ở Hội đồng nghiệm thu đề tài này, tôi đang  tự hỏi phải bỏ phiếu sao đây? Làm sao mà họ có thể giao nộp kết quả chính xác với trình độ khoa học cao, thậm chí trình độ quốc tế theo yêu cầu nghiệm thu với một cái giá như vậy? Nhưng không lẽ lại phủ định công lao động chất lượng cao (nhưng rẻ quá) của họ! Đây là nói về thí dụ loại hình B.
Cũng theo GS.TSKH Vũ Đình Cự, một phòng thí nghiệm trọng điểm cũng được chi không dưới 50 tỷ. Đây là loại hình A, chỉ dành cho vài người được quyền chi trong một thời gian ngắn và hầu như không chịu trách nhiệm gì, vì nhiệm vụ chỉ là mua máy (tốt xấu tùy ý, càng đắt càng tốt), xây dựng cơ bản  (cũng tùy), nghiệm thu thanh toán và bàn giao cho ai đó sử dụng. Sử dụng được hay không, làm ra được sản phẩm gì  thì khỏi bàn, không ai bắt tội cả. Hai bên đều có thể đổ tội cho nhau. Hình như nước ta có đến 15-20 phòng thí nghiệm trọng điểm và có khoảng 12-15 chương trình trọng điểm thì phải.
Tôi có thể cam đoan rằng nếu kiểm tra thanh quyết toán thì chương trình của GS.Vũ Đình Cự sẽ không thể nào đẹp bằng bảng thanh quyết toán của một phòng thí nghiệm trọng điểm bất kỳ nào. Còn hiệu quả của đầu tư thì chắc chắn là ngược lại.
Lại lấy thí dụ Viện KHCN Việt Nam nơi tôi công tác, năm 2006 có tổng kinh phí ngân sách là 275 tỷ, một con số không nhỏ. Nếu biết được tỷ lệ loại hình A và B thì có thể ước đoán được hiệu quả ngay. Tôi chắc rằng con số này ở nhiều bộ, ban, ngành, địa phương cũng tương tự như vậy, và nếu chúng ta không phân loại ra được thì sẽ là một sự tù mù, oan ức cho cán bộ KHCN, nói rằng được đầu tư nhiều nhưng hiệu quả ít. Theo trải nghiệm bản thân, tôi trộm nghĩ rằng, số chi thực sự cho người làm việc (loại B) chắc không quá 15%. Có lần tôi hỏi một phòng thí nghiệm máy tính mới được đầu tư của một trường đại học ở ngay Hà Nội. Người lãnh đạo phòng thí nghiệm cũng không được biết là giá bao nhiêu. Không ai cho họ cái quyền được biết đó. Họ, những người làm khoa học chỉ được nhận cái người ta mua cho, còn mua như thế nào, ai mua, mua ở đâu thì đó không phải là chỗ để người chịu trách nhiệm sử dụng và khai thác tham dự vào!
Bộ KH&CN có nhiều chủ trương cách mạng, nhà nước hết lòng dành dụm đầu tư cho KHCN, nhưng cung cách thực hiện 90% các đầu tư cho KHCN ở cơ sở hiện nay là như vậy. Phép vua thua lệ Viện! Tôi đã từng làm Viện trưởng, từng làm nhà khoa học chủ trì đề tài, tôi đã từng  vùng vẫy và trả giá để cố thoát ra…. nên hiểu và thông cảm vô cùng với những nhà khoa học tâm huyết, không chút quyền lực trong tay. Tất cả tùy thuộc vào con dấu và chữ ký của ông viện trưởng và tâm trạng của cô kế toán. Mấy ai mà biết được, ngày nay có bao nhiêu viện trưởng là nhà khoa học có tâm huyết, nếu như cơ chế bổ nhiệm buộc ai muốn làm viện trưởng phải tìm cách mua phiếu, từ phiếu cấp trên đến đồng nghiệp rồi đến cả phiếu của chị lao công trong biên chế, của những người (nhiều lắm) ăn lương nhưng không một ngày đến viện làm việc mà vẫn quyết được việc đại sự trong khoa học! Một cơ chế tổ chức khoa học thực sự  không thể tin nổi. Với những nhà lãnh đạo cỡ viện trưởng do cơ chế đẻ ra như vậy, nhà khoa học thực sự vừa là con tin và mồi nhử của nhà lãnh đạo đối với cấp trên, vừa là con cưng đồng thời là nạn nhân và kẻ tội đồ của công chúng!
Theo tôi nghĩ, những cải cách hiện nay như tuyển chọn công khai chủ trì các đề tài khoa học trọng điểm là xu hướng tốt, đó là cách đầu tư trực tiếp cho nhiệm vụ khoa học. Tỷ lệ này cần tăng thêm và xu hướng quản lý là phải do nhà khoa học chịu trách nhiệm, cơ quan chủ quản được giao trách nhiệm phục vụ nhà khoa học làm việc, không phải để “hành” nhà khoa học dưới danh nghĩa giám sát. Thủ tục tài chính phải thông thoáng, tài khoản phải do người chịu trách nhiệm đề tài làm chủ. Như vậy sẽ rất tiết kiệm và tránh tiêu cực phí. Vấn đề là phải chọn người làm khoa học đáng tin cậy, làm khoa học thật. Uy tín khoa học, tài năng thực sự và phẩm chất cá nhân của nhà khoa học  là tiêu chí để đầu tư. Không được lấy chức danh quản lý để làm cai đầu dài khoa học. Tất nhiên cần tránh lặp lại việc chia nhỏ một đề tài cỡ 2,4 tỷ như KC02.12, lẽ ra chỉ dành cho không quá 10 nhà khoa học, lại phải chia ra cho đến gần 100 người để tồn tại ! (Nhưng cũng nên thông cảm, đó là vấn đề bất khả kháng của quá khứ.)
Cần phải giảm bớt loại hình đầu tư chung chung (loại hình A), và tăng cường quản lý chặt chẽ loại hình này vì đây là số rất lớn và kênh thất thoát hợp pháp là rất rộng. Ở đây, Luật ngân sách phải không được có kẽ hở, phải chặt chẽ giống như việc kho bạc Mỹ trả thù lao cho tôi như nói ở trên.
Một cải tiến khác nữa nên nghĩ đến là cần phải đồng nhất đầu tư loại hình A với người hoặc tập thể chịu trách nhiệm khai thác và sử dụng. Phải gắn loại hình A với trách nhiệm hoàn trả (bằng kết quả), kể cả việc xây dựng cơ bản, thì mới có cơ hội tăng được hiệu suất và trách nhiệm đầu tư.
Thay cho việc chi cho nhiều tổ chức KHCN như hiện nay, nên chăng hãy chi thông qua các quỹ quốc gia về KHCN một cách chuyên nghiệp, giống như quỹ NSF của Mỹ, Quỹ DFG của Đức.
Mỗi một việc chi cho loại hình A, bao gồm cả xây dựng cơ sở vật chất, cần phải nhắm đến một kết quả cụ thể và một nhóm nhà khoa học tài năng thực hiện, coi đây là sự đầu tư phát triển cưỡng bức của nhà nước và đều cần được thảo luận chi tiết (trừ vấn đề mật) về chuyên môn trước khi khởi sự. Nước Mỹ lớn như vậy mà cũng chỉ có không quá 33 tổ chức khoa học công nghệ quốc gia.
Giả sử như việc chi cho KHCN theo loại B tăng lên, tức là chi trực tiếp cho nhiệm vụ KHCN tăng lên, thì sẽ dẫn tới vai trò và trách nhiệm của nhà khoa học được nâng cao. Dù cho có đạt được như vậy thật thì tôi vẫn nghĩ lúc đó nhà nước không nên và cũng không bao giờ nên làm cái việc kiểm soát cán bộ khoa học (thật sự) chi tiêu cho hoạt động khoa học theo kiểu coi họ là đối tượng kiếm tiền. Cả thế giới này không ai làm như vậy, dù biết rằng đối tượng kiếm tiền bất chính trong khoa học không phải là hiếm. Các nhà quản lý của chúng ta hiện nay chắc là không thể đồng tình với quan điểm này, nhưng lâu dài tôi chắc là họ sẽ đồng tình vì như thế cái lợi lớn hơn cái mất rất nhiều.
Một nhà thông thái đã nói rằng có tiền thì có thể mua được sách nhưng vẫn không mua được trí tuệ!

GS Trần Xuân Hoài

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)